Theo bước chân Vua Việt đầu tiên ngự giá trời Tây: Những món giải trí lạ mắt lạ tai

Dạo quanh Paris, sứ bộ nước Nam xem nhiều môn nghệ thuật sân khấu của nước Pháp, mà trong mắt người phương Đông còn rất mới mẻ.

Gốm Việt đâu chỉ có chiếc… bình vôi

Lịch sử, địa lý, tôn giáo của Pháp được Ngụy Khắc Đản tìm hiểu, ghi chép tường tận trong Như Tây ký, từ gốc gác, hệ thống thần linh đến dân số, sinh hoạt thường ngày. Thậm chí, ông còn không bỏ qua việc đấu kiếm của nam giới: “Khi hiềm khích với ai đó, họ thường rút kiếm nhọn, người nào khiếp nhược phải hạ mình tạ lỗi thì sẽ dừng, lại giao thiệp hòa thuận như trước”.

Khác với phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng, vào thế kỷ 19 và trước đó, phụ nữ ở vị trí thứ yếu, phải bó mình trong quy chuẩn “tam tòng, tứ đức”, việc người phương Tây coi trọng phụ nữ cũng là sự lạ với sứ bộ. “Phương Tây trọng phụ nữ, nên phàm có tiệc tùng thì phụ nữ trong bữa tiệc được tiếp mời trân trọng, và trong lúc ứng thù, họ cũng như nam giới, không e tránh gì cả; dù chưa từng quen nhau, cũng đều như vậy”, Tây hành nhật ký ghi. Nơi công cộng như rạp hát, đường phố, trên xe, tuyệt đối không hút thuốc để không ảnh hưởng tới phụ nữ.

Nhà thờ Đức Bà Paris (ảnh chụp khoảng năm 1877 – 1892) là một địa điểm sứ bộ đến thăm

Đoàn cũng ghé thăm nhà thờ Đức Bà Paris, địa danh được nhận xét là “nhà thờ bậc nhất của thành Pa-rí” với tường đá, cửa sổ bằng pha lê cùng tượng Đức Mẹ bồng con… Chủng viện nơi có chân dung Hoàng tử Cảnh cũng được Phạm Phú Thứ, Ngụy Khắc Đản và Trương Vĩnh Ký ghé đến ngày 30.9.1863.

Trong thời gian ở Paris, hai vị chánh, phó sứ và Bồi sứ Ngụy Khắc Đản còn được mời trở thành hội viên của Hội Công viên do Ngoại trưởng Drouyn de Lhuys làm Hội trưởng. Nghĩ rằng đây không phải là việc lớn, ba người đồng ý, được nhận mỗi người một tấm bằng vào hội cùng bản điều lệ. Theo điều lệ, gia nhập hội phải đóng tiền, nhưng ba vị sứ đều được miễn.

Dịp đến thăm xưởng làm gốm của vua Pháp ngày 3.10, xưởng này có gian trưng bày đồ gốm các nước, trong đó đồ nước ta có bình vôi bằng đất nung dối. Chánh sứ Phan Thanh Giản không vui vì chiếc bình vôi không tiêu biểu cho kỹ thuật làm đồ gốm của nước ta. Bởi vậy hai vị chánh, phó sứ đã lấy bộ đồ trà bằng gốm Bát Tràng của Phạm Phú Thứ gồm 4 chén, 2 đĩa nung đất sét trắng, trang trí thơ và cây trúc xanh tặng lại xưởng gốm “để cho người ta biết rằng đồ gốm của nước ta không phải đều là đồ thô xấu cả”. Sau việc ấy, vua Pháp đem đồ gốm sứ ở xưởng tặng lại đáp lễ.

Bất ngờ với trò ảo thuật

Sứ bộ cũng được xem nhiều trò sân khấu lạ mắt mà ở quê nhà không có, nhưng với người phương Tây thì đó là sự thường. Phó sứ Phạm Phú Thứ còn nhớ trò múa rối mà ông gọi là trò pháp thuật, “có thể khiến trống tự đánh, khiến chim gỗ (làm bằng gỗ, bọc bằng lông công) tự kêu tự múa, khiến người gỗ giã bột, làm bánh, trong chốc lát là xong”. Miêu tả trên làm liên tưởng tới trò múa rối nước ở miền Bắc nước ta.

Ấn phẩm của Richard Cortambert đề cập đến buổi xem ảo thuật của sứ bộ nước Nam

Không rõ buổi diễn này có trùng với buổi diễn miêu tả trong ấn phẩm Impressions d’un Japonais en France suivies des impressions des Annamites en Europe (Cảm tưởng của một người Nhật tại Pháp, tiếp theo là cảm tưởng của người An Nam tại châu Âu) của Richard Cortambert (1836 – 1884), ấn hành năm 1864 viết về Trương Vĩnh Ký hay không. Trong tối đó, đoàn sứ bộ đi xem gần như đầy đủ. Tay ảo thuật Robin đã khiến một người trong sứ bộ xuất hiện trên sân khấu như bóng ma, làm cả đoàn hoảng hốt ngỡ có ma quỷ, sẵn sàng đặt tay vào vũ khí để chiến đấu. Nhưng rồi “cùng lúc đó họ nhận ra người đồng hành trong sứ bộ bước vào, nét mặt tươi cười”. Trò ảo thuật này nay là sự thường, nhưng dạo ấy với người Nam thì quả là một cú lừa khó chịu.

Tại Marseille vào tối 11.9, đoàn được mời đi xem hát. Sau này khi đến thành phố cảng Alicante của Tây Ban Nha, đoàn cũng được mời xem hát ngày 13.11 và 19.11. Riêng buổi diễn tại Marseille được ghi lại trong Tây hành nhật ký. Theo đó, đoàn đến nhà hát cao 7 tầng, hình vòng cung với hơn 20 phòng có xếp ghế ngồi xem.

Dàn nhạc đặt trước sân khấu, phông sân khấu là cảnh trời mây non nước, hoa lá cỏ cây. Sau mỗi cảnh diễn thì hạ màn, dọn dẹp sân khấu để chuyển cảnh; đến cảnh mới thì rung chuông, kéo màn lên, “ca đồng, vũ nữ lên sân khấu nhảy múa quay tít, ngả nghiêng, đàn sáo vang dậy, âm tiết rõ ràng”. Vở diễn lấy những cốt truyện như quan huyện xử án bất công, tướng lấy vợ lẽ… có tính răn đời. “Cứ sau mỗi hồi thì hơn hai, ba chục vũ nữ, nắm tay nhau, chia từng hàng, đi vòng qua, lộn lại, nhảy, múa nhịp nhàng theo điệu nhạc của năm chục người vừa thổi kèn, vừa đánh đàn”.

Buổi diễn thu hút sự đón xem của đông đảo khán giả với lượng người xem đến hàng nghìn. Muốn vào xem, khán giả phải trả tiền. Thậm chí, Như Tây ký cho biết sự tích vở diễn in trong các tờ chương trình cũng được bán cho khán giả. Khi vở diễn hoặc nghệ sĩ diễn hay, khán giả tán thưởng bằng những tràng vỗ tay. Để giải trí, có bàn trà bánh cho khán giả thưởng thức.

Đánh giá post

Viết một bình luận