Hoàng hậu tàn ác nhất sử Việt: Nguyễn Thị Anh – Mưu hại Hoàng tự, tàn sát công thần, giết vua,…

Nếu ở Trung Quốc nổi tiếng với Từ Hy Thái Hậu mang danh người phụ nữ quyền lực nhất lịch sử cùng với sự độc ác tàn bạo thì ở Việt Nam cũng có một người như thế, chính là Thần phi Nguyễn Thị Anh hay bà còn được biết đến nhiều với phong hiệu Tuyên Từ Hoàng hậu. Bà cũng là một tron những người phụ nữ quyền lực bậc nhất ở hậu cung lẫn triều chính thời Hậu Lê. Không đề cập nhiều trong sử sách nhưng nhiều sử gia cũng đồng quan điểm khi nói về bà hậu này – một người vì đạt được đỉnh cao của quyền lực mà không từ bất kỳ thủ đoạn nào.

Tuyên Từ Hoàng hậu tên thật là Nguyễn Thị Anh (1422 – 1457) – người xã Bố Vệ huyện Đông Sơn, Thanh Hóa (nay là phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa) – một trong những phi tần rất được Lê Thái Tông hoàng đế sủng ái, mẹ đẻ của vua Lê Nhân Tông. Bà chưa bao giờ làm Hoàng hậu khi còn sống, chỉ được tôn Hoàng thái hậu sau khi Lê Nhân Tông kế vị và cũng là vị Hoàng thái hậu tại vị đầu tiên trong lịch sử, cũng là Hoàng thái hậu duy nhất của triều đại nhà Hậu Lê thực hiện “Thùy liêm thính chính” – nhiếp chính quốc sự thay Hoàng đế (bởi tại thời điểm đó, con trai bà còn quá nhỏ, nên Thái hậu thay con toàn quyền xử lý chính sự).

Sách Đại Việt thông sử miêu tả Nguyễn Thị Anh là người hiền dịu, sáng suốt, nhưng lại ít người có thể rõ về lai lịch cùng với xuất thân của bà. Khi vừa mới nhập cung, bà liền được phong làm Thần phi – một vị trí tương đối cao và quyền lực trong hậu cung ở thời điểm lúc bấy giờ. Thêm vào đó, sử sách còn ghi Tuyên Từ Hoàng thái hậu là người phụ nữ hội tụ đầy đủ những tố chất cần có của một bậc mấu nghi thiên hạ. Xinh đẹp, thông minh và vô cùng sáng suốt nên rất được lòng của vua Lê. Tuy nhiên, sự thật lại hoàn toàn trái ngược, khi Nguyễn Thị Anh lại là một trong những phi tần âm hiểm, vì vinh sủng cùng tham vọng quyền lực mà không từ thủ đoạn.

Ảnh minh họa

Phi tần thủ đoạn bậc nhất hậu cung: Mưu hại Hoàng tự, “tác giả” của oan án Lệ Chi viên?

Ở thời điểm bấy giờ, Lê Thái Tông vẫn còn rất trẻ nhưng đã ra chiếu lập con của ái phi Dương Thị Bí là Lê Nghi Dân làm Hoàng thái tử, quyền lực trong tay Nguyễn Thị Anh ban đầu rất yếu. Nhưng Dương phi lại cậy thế “ỷ sủng sinh kiêu” nên làm cho Lê Thái Tông ngày càng chán ghét, thậm chí còn giáng xuống làm Chiêu nghi với ý muốn cho Dương Thị biết sai mà sửa. Nào ngờ, Dương Thị ngày càng trở nên học hằn, chẳng biết kiêng nể là gì. Đến cuối cùng,  vào tháng 3 năm Tân Dậu (1441), Đại Bảo năm thứ hai, Lê Thái Tông hạ chiếu giáng Chiêu nghi Dương thị xuống làm dân thường. Mất chỗ dựa là mẹ, Thái Tử Lê Nghi Dân cũng bị hạ xuống làm Lạng Sơn vương, ngôi vị Thái Tử lúc này chỉ là chỗ trống. Mùa hạ, ngày 9 tháng 5, Thần phi Nguyễn thị sinh hạ hoàng tử Lê Bang Cơ nên nhận thêm càng nhiều vinh sủng.

Tháng 11 năm Tân Dậu (1441), Lê Thái Tông ra chỉ, Thái Tông truất ngôi của Thái tử Lê Nghi Dân, lập hoàng tử Lê Bang Cơ làm Hoàng thái tử ngự ở Đông cung. Phong Lê Nghi Dân làm Lạng Sơn vương, hoàng tử Lê Khắc Xương làm Tân Bình vương, chiếu viết rằng:

“Đặt Thái tử để vững gốc rễ, lập con đích để chính danh phận. Đó là mưu xa của xã tắc, kế lớn của quốc gia. Hoàng tử Bang Cơ thể chất vàng ngọc, tư thái anh minh, vừa có uy vọng của một bậc quân vương, lại đúng danh phận là con đích tôn quý. Vậy sai Nhập nội đại đô đốc Lê Liệt mang sắc mệnh lập làm Hoàng thái tử” (Theo Đại Việt sử ký toàn thư)

Tuy nhiên, lại có nhiều lời đồn đoán cùng dị nghị về nhân thân của Bang Cơ, cho rằng Bang Cơ không phải là con ruột của Thái Tông vì tin đồn Thần Phi dang díu với Lê Nguyên Sơn – một người thuộc chi dưới của Lê Khoáng – ông nội của Thái Tông, trước khi vào cung làm cung tần. Và tính từ lúc Thần Phi gặp Thái Tông cho đến thời điểm hạ sinh Bang Cơ chỉ mới vỏn vẹn 6 tháng.

Cũng trong lúc này, Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao – một vị phi tần khác của Lê Thái Tông cũng đang hoài long thai. Vì sợ sự tình bại lộ mà Thần Phi Nguyễn Thị đã bày mưu nhằm trừ đi hậu họa. Bà cấu kết với hoạn quan tâm phúc tên Đinh Thắng, tìm một hình nhân rồi lấy bảy mũi kim đam sau lưng và ngực, chân của hình nhân có ghi chữ Bang Cơ, sau đó sai cung nhân giấu chỗ Tiệp dư và cố tình bắt được để tâu lên vua.

Là chủ mưu nhưng đóng vai trò người bị hại, Nguyễn Thần phi đã thành công khiến tất cả mọi sự chú ý đổ dồn về Tiệp dư. Chính Thái Tông cũng có đôi chút băn khoăn về chuyện này nhưng không thể làm gì khác ngoài hạ chỉ khép vào tội phát lưu – đày đi biệt xứ. Quan hành khiển Nguyễn Trãi cảm nhận được điều bất thường nên lập tức can gián. Ông cho rằng, có một vài chứng cứ không xác đáng nên chưa đủ để kết tội Ngô Tiệp dư, đồng thời cũng dâng sớ xin vua cho mình đích thân điều tra sự việc này. Có được sự đồng ý của Lê Thái Tông, Nguyễn Thị Lộ – vợ lẽ Nguyễn Trãi đã lập tức đưa Ngô Tiệp dư về chàu Huy Văn ẩn náu ngay trong đêm.

Ảnh minh họa

Câu chuyện vẫn chưa dừng lại ở đó khi nhiều nhà sử học đặt ra nghi vấn, liệu bà có phải là “tác giả” của án oan Lệ Chi viên, mưu hại cả nhà đại thần Nguyễn Trãi? Sau khi Ngô Tiệp dư hạ sinh hoàng tử Lê Tư Thành, lời đồn đại về nguồn gốc của Thái tử Bang Cơ ngày càng nhiều. Vốn đã có hiềm khích cùng với Nguyễn Trãi nên Nguyễn Thị Anh nhân thời điểm con trai còn tại vị Thái Tử mà chủ động ra tay.

Biết tin Thái Tông về thăm Nguyễn Trãi, sợ bị Nguyễn Trãi gièm pha hay tiêm nhiễm những lời nói có cánh về Tư Thành mà bà đã cho người sát hại Thái Tông rồi đổ tội cho vợ chồng Nguyễn Trãi. Thảm án Lệ Chi viên nổi tiếng một thời đã khiến cho cả gia đình Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc và tạo nên nỗi oan khuất ngàn đời cho một nữ học sĩ tài hoa – Nguyễn Thị Lộc. Trước khi qua đời, Nguyễn Trãi nói rằng ông hối hận vì không nghe lời khuyên của hoạn quan Đinh Phúc và Đinh Thắng. Sau đó, Nguyễn Thần phi lại ra lệnh giết tiếp hai người này. Chỉ vì, Đinh Thắng là hoạn quan chịu trách nhiệm ghi chép ngày tháng thụ thai của phi tần trong cung, biết được bí mật của bà nên đều bị trừ khử.

17 năm ngồi trên đỉnh cao quyền lực, Hoàng Thái hậu sát hại nhiều công thần

Ngày 4 tháng 8 năm 1442, khi Lê Thái Tông đến trại Vải của nhà Hành khiển Nguyễn Trãi thì bạo bệnh rồi băng hà. Cái chết của vua đều bị mọi người đổ lỗi cho Nguyễn Thị Lộ, điều này dẫn đến việc toàn gia bị kết án tử hình – tru di tam tộc. Ngày 12 tháng 8, đại thần là Trịnh Khả, Nguyễn Xí, Lê Thụ nhận di mệnh cùng với Đinh Liệt, Lê Bôi, tôn Hoàng thái tử Bang Cơ lên ngôi, khi đó người chỉ mới 2 tuổi – lấy năm sau làm Thái Hòa. Thái Hòa năm thứ nhất, vào tháng 2 năm Quý Hợi (1443), Lê Nhân Tông cùng quần thần mang kim sách dâng tôn hiệu Hoàng thái hậu cho Thần phi. Với ý muốn bà buông rèm thay vua nhiếp chính, nhưng lúc đó bà tỏ ra khiêm nhường nên không chấp nhận. Mãi đến khi quần thần dâng biểu lần thứ 4 bà mới nhận lời và cũng từ đây, tài trị quốc của Nguyễn Thị Anh mới bắt đầu được thể hiện rõ rệt.

Chúa Chiêm Thành là Bí Cai, hai lần mang quân vây Hóa Châu. Tuy Triều đình đã mấy lần phát binh và lần nào cũng giành thắng lợi nhưng quân Chiêm vẫn chưa hề từ bỏ thói gây hấn. Năm 1446, Thái hậu sai Trịnh Khả, Lê Thụ, Trịnh Khắc Phục đi đánh. Lúc này, Bí Cai mới chịu đứng ra xin hàng, các vị tướng Chiêm Thành lập cháu Bí Cai là Ma Ha Quý Lai làm chúa Chiêm. Với chiến thắng huy hoàng này, quân Đại Việt tóm gọn được các cung phi của Bí Cai mà đem về kinh thành Đông Kinh.

Ảnh minh họa

Mậu Thìn năm 1448, quốc gia Bồn Man chịu sự lệ thuộc vào nước Đại Việt, triều đình có ý sát nhập Bồn Man trở thành châu Quy Hợp. Ngoài ra, trong giai đoạn Thái Hậu còn nhiếp chính, triều đình cũng đồng ban lệnh cho đào sông Bình Lỗ ở Thái Nguyên, việc này giúp ích rất nhiều trong giao thông vận tải.

Đến năm Kỷ Tỵ 1449 – thời niên hiệu Thái Hòa thứ 7, Quý Do cướp ngôi vị chúa Chiêm của Quý Lai và sai sứ thần mang cống phẩm sang lấy lòng Đại Việt, Thái Hậu thấy vậy thì thẳng thừng từ chối: “Tôi giết vua, em giết anh là tội đại ác xưa nay, trẫm không nhận đồ dâng”. Sau khi lễ vật bị buộc trả về nước Chiêm, Thái Hậu cũng truyền lệnh xuống cho Đồng tri hữu tri sự Nguyễn Hữu Quang, Điện trung thị ngự sử Trình Ngự mang thư gửi sang Chiêm Thành với nội dung sau: “Sự thực của các ngươi như thế nào thì phải sang trình bày cho rõ”.

Tháng 8 cùng năm Kỷ Tị 1449, Hoàng thái hậu viết chiếu chỉ dụ các đại thần rằng:

“Từ khi quả nhân coi chính sự đến nay, thấy rõ lòng trung quân ái quốc của các đại thần đã hết sức phò tá giúp rập. Bên trong sửa sang trị nước, bên ngoài đánh dẹp di địch, để giữ yên thiên hạ. Quả nhân sớm khuya suy nghĩ có cách nào báo đền công lao ấy. Nhưng vì tài hèn đức bạc, thẹn mình không được giỏi bằng các Thái hậu họ Mã, họ Đặng và bà Tuyên Nhân ngày xưa, để làm trọn đạo ưu đãi đại thần. Nay sẽ sai triều sĩ hợp bàn những việc nên làm hiện nay, để thành khuôn phép hay của một đời, cho không còn những tệ xấu nữa. Các khanh hãy cùng nhau thể theo ý ấy để trọn đạo làm tôi, bảo toàn tiết tháo sau trước, đừng để chỉ riêng các ông Cao, Quỳ, Tắc, Tiết, Y, Phó, Chu, Thiệu[6] đời xưa được ca ngợi mà thôi. Như thế, chẳng tốt đẹp biết bao!”

Trong giai đoạn nhiếp chính của Thái Hậu, hai vị đại thần này đã có công rất lớn, nhưng vào năm 1451, chỉ vì tin những lời gièm pha rằng cha con Trịnh kết bè đảng mà Thái Hậu không nghĩ suy, đã cho người bắt lấy Thái Úy Trịnh Khải cùng con trai Trịnh Bá Quát và Tư khấu Trịnh Khắc Phục cùng con là phò mã Trịnh Bá Nhai – giết chết hết. Những người đương thời đều cảm thấy họ chịu án oan nhưng lại chẳng thể làm được gì. Bên cạnh đó, bà còn nghe lời gièm pha để rồi cách chức Nguyễn Xí năm 1445, tới năm 1448 mới cho phục chức.

Ảnh minh họa

Tháng 11 năm 1453 khi Lê Nhân Tông được 13 tuổi, Hoàng Thái Hậu cũng lui về hậu cung mà không quản chuyện triều chính như ngày trước nữa. Lê Nhân Tông cũng đổi niên hiệu thành Diên Ninh, xem như sự vui mừng vì quyền lực đã thực sử trở về tay. Đến tận thời điểm đó, Lê Nhân Tông vẫn bị đồn đóa là không phải con thân sinh của tiên hoàng đế, vậy nên anh cả Lạng Sơn vương – Lê Nghi Dân vẫn mang lòng oán hận và mong muốn đoạt lại ngai vàng. Một số ý kiến cho rằng, vì ngày càng nhiều người dị nghị về dòng máu chảy trong người Nhân Tông nên lòng thù hận cùng nổi loạn trong Nghi Dân càng được thúc đẩy dâng cao. Theo Đại Việt thông sử, vì nghĩ Nghi Dân là anh ruột của mình nên Nhân Tông chẳng hề nghi ngờ hay đề phòng gì cả. Vậy nên mới có sự kiện Lạng Sơn vương Nghi Dân mang theo thủ hạ bắc thang vào tận tẩm cung mà giết hại Nhân Tông (ngày 3 tháng 10 năm Kỷ Mão – 1459), hôm sau, Hoàng Thái Hậu Nguyễn Thị Anh cũng bị giết hại (hưởng thọ 38 tuổi).

Trong văn chiếu lên ngôi, Nghi Dân đã nêu lên lý do chính biến cùng những sự việc liên quan đến Thái hậu Nguyễn Thị Anh khi còn sống, kể cả việc giết hại đại thần trong thời gian nhiếp chính:

“Trẫm là con trưởng của Thái Tông Văn Hoàng Đế, trước đây đã được giữ ngôi chính ở Đông cung. Chẳng may Tiên đế đi tuần miền đông, bỗng băng ở bên ngoài. Nguyễn Thái hậu muốn giữ vững quyền vị, ngầm sai nội quan Tạ Thanh dựng Bang Cơ làm vua, bắt trẩm làm phiên vương. Sau Tạ Thanh tiết lộ việc ấy, lây đến cả Thái úy Trịnh Khả và Tư không Trịnh Khắc Phục, Thái hậu bắt giết cả đi để diệt hết người nói ra. Cho nên từ đó đến giờ, hạn hán sâu bệnh liên tiếp xảy ra, tai dị luôn luôn xuất hiện, đói kém tràn lan, trăm họ cùng khốn. Diên Ninh tự biết mình không phải là con của tiên đế, hơn nữa lòng người ly tán, nên ngày mồng 3, tháng 10 năm nay, đã ra lệnh cho trẫm lên thay ngôi báu. Trẫm nhờ người trông xuống, tổ tông phù hộ, cùng các vương, đại thần, các quan văn võ trong ngoài đồng lòng suy tôn, xin trẫm nên nối đại thống, hai ba lần khuyên mời, trẫm bất đắc dĩ đã lên ngôi vào ngày mồng 7, tháng 10 năm nay, đổi niên hiệu là Thiên Hưng” – Trích từ “Đại Việt Sử ký toàn thư”.

Lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Hưng, nhưng trị vì chỉ vỏn vẹn 8 tháng, Lê Nghi Dân đã bị các đại thần Nguyễn Xí, Lê Lăng,….binh biến giết chết, sau đó lập hoàng tử thứ tư là Lê Tư Thành lên ngôi, tức là vua Lê Thánh Tông. Thánh Tông lên ngôi, chính thức làm lễ tang cho Nguyễn Thị Anh, truy tôn bà là Tuyên Từ Nhân Ý Chiêu Túc Hoàng Thái Hậu – Thường gọi là Tuyên Từ Hoàng hậu.

Đánh giá post

1 bình luận về “Hoàng hậu tàn ác nhất sử Việt: Nguyễn Thị Anh – Mưu hại Hoàng tự, tàn sát công thần, giết vua,…”

Viết một bình luận