Giám mục Bá Đa Lộc và vai trò ‘khó ai thay’ đối với chúa Nguyễn Ánh

Mối quan hệ giữa Bá Đa Lộc và chúa Nguyễn Ánh trong thời gian đầu đã không được chính sử nêu rõ. Sách Đại Nam thực lục chỉ nhắc đến vị giám mục này vào tháng 7 âm lịch 1783 nhưng thực tế có nhiều chuyện hay.

Xem những gì người Anh và người Pháp kể về Côn Đảo vào đầu thập niên 1780, ta thấy có sự trùng khớp với khoảng thời gian gần ba năm mà chúa Nguyễn Ánh đã làm chủ hoàn toàn vùng đất Gia Định (từ Biên Hòa đến Cà Mau ngày nay).

Vị trí Côn Đảo (Poulo-Condore) trên bản đồ Việt Nam in năm1925

Theo bộ sử Đại Nam thực lục, vào tháng 5 âm lịch 1779, sau những trận đánh lớn, thế yếu hơn, tướng Tây Sơn là Phạm Ngạn rút quân về Qui Nhơn, quân của chúa Nguyễn thừa thắng đánh ra đến Bình Thuận. Từ thời điểm này cho đến tháng 3.1782, chúa Nguyễn Ánh đã làm chủ trọn vùng Gia Định.

Bá Đa Lộc du nhập kỹ thuật trồng lúa, cam, lựu, bí đao… vào Côn Đảo

Nguyễn Ánh dành khoảng thời gian ổn định gần ba năm để củng cố thủ phủ Sài Gòn và các vùng đất phía Nam, trong đó có việc tổ chức bộ máy hành chánh ba dinh Trấn Biên, Phiên Trấn và Long Hồ, chia thành các huyện, tổng, đặt các chức quan cai trị (ký lục, cai bạ…) (Đại Nam thực lục – tập I – NXB Giáo dục 2002, trang 207).

Mặt khác ông cho đóng nhiều tàu thuyền, củng cố lực lượng để chờ đón những trận chiến sắp tới. Tháng giêng âm lịch 1780, thể theo đề nghị của tướng sĩ, để có sự chính danh trong việc điều hành cuộc chiến chống lại nhà Tây Sơn, chúa Nguyễn đã từ cương vị Đại nguyên soái nhiếp quốc chính, làm lễ xưng vương tại Sài Gòn (chi tiết này cho thấy sự nhầm lẫn của một số tác giả khi cho rằng đến năm 1802, khi tiêu diệt xong nhà Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh “lên ngôi vua”.

Kỳ thực vào năm 1802, Nguyễn vương đã là vua và chỉ làm mỗi một việc là đặt niên hiệu Gia Long mà thôi. Ông cũng chưa lên ngôi hoàng đế, việc này chỉ diễn ra vào năm 1806). Hồi ký của đoàn thám hiểm John Gore còn cho thấy rõ một điều: trước năm 1780, Giám mục Bá Đa Lộc đã giữ một vai trò tích cực trong kế hoạch hành động cùa chúa Nguyễn.

Chân dung Bá Đa Lộc trong tác phẩm ‘Mgr Pigneau de Béhaine – Évêque d’Adran…’

Ngay từ tháng 8.1779, ông ta đã lập chứng thư gửi ra Côn Đảo để kêu gọi tàu buôn vào cửa biển Đàng Trong buôn bán, và soạn bức thư cùng ngày gửi thuyền trưởng các tàu thuyền ghé lại quần đảo.

Trong chuyện kể của mình, thuyền trưởng Gore còn cho rằng rất có thể chính Bá Đa Lộc đã du nhập kỹ thuật trồng lúa, cam, lựu, bí đao… vào Côn Đảo (Alexis Faure – Les Français au Cochinchine au XVIII siècle – Mgr Pigneau de Béhaine – Évêque d’Adran – Paris 1891, trang 39-40).

Côn Đảo là hòn đảo gần như bị cô lập với đất liền trong một thời gian dài, nếu không có cây giống, hạt giống hay con giống mang từ đất liền ra thì hệ động thực vật không thể có được như ngày nay. Tất nhiên, những việc làm của Bá Đa Lộc xuất phát từ chủ trương của chính chúa Nguyễn Ánh, và điều này chứng tỏ chúa đã quan tâm đến Côn Đảo từ nhiều năm trước khi chọn nơi này làm nơi lẩn tránh sự truy đuổi của nhà Tây Sơn.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Bá Đa Lộc và chúa Nguyễn Ánh trong thời gian đầu đã không được chính sử nêu rõ. Sách Đại Nam thực lục chỉ nhắc đến vị giám mục này vào tháng 7 âm lịch 1783, khi “vua nghe tin Bá Đa Lộc ở Chan Bon, đất Xiêm, sai người đến mời” (Đại Nam thực lục – tập 1, sđd, trang 218).

Bìa sách ‘Mgr Pigneau de Béhaine – Évêque d’Adran…’ viết riêng về Giám mục Bá Đa Lộc

Trong khi sách Đại Nam liệt truyện (tập 2, quyển 28) thì chép sau khi chúa Nguyễn Ánh lên ngôi vương (1780), “Bá Đa Lộc đến yết kiến xin cố sức giúp việc, vua nhận lời”. Còn theo những thông tin do một nhân chứng từng đặt chân lên Côn Đảo như thuyền trưởng John Gore, thì ngay vào năm 1779, đã có dấu vết của Bá Đa Lộc tại đây rồi. Điều này cũng dễ hiểu: khi chép sử, sử quán triều Nguyễn không có trong tay những chứng từ cụ thể như trường hợp chứng thư của Bá Đa Lộc và bức thư gửi các thuyền trưởng tàu buôn nước ngoài ký vào tháng 8.1779. (Còn tiếp)

Đánh giá post

Viết một bình luận