Có thể bạn chưa biết.
Có những chuyện thời bao cấp ở miền Bắc mà bây giờ nghe lại cứ như chuyện cười. Ví dụ như chuyện làm đơn xin mổ lợn.
Từ những năm 1960, hộ dân nào nuôi lợn cũng phải đăng ký với chính quyền, mỗi năm phải nuôi đủ theo chỉ tiêu đã quy định, lợn phải bán cho Nhà nước với giá thấp.
Chỉ có cơ sở chăn nuôi và cửa hàng thực phẩm Nhà nước mới được phép giết mổ lợn và bán phân phối cho cán bộ, công nhân viên.
Nhà nào nuôi được nhiều lợn hơn chỉ tiêu, muốn làm thịt ăn Tết thì phải xin phép chính quyền, nộp thuế, ai không xin phép sẽ bị tịch thu thịt lợn và phạt nặng.
Không chỉ vùng nông thôn mà người dân ở thành phố cũng nuôi lợn, với cư dân thành phố, khó khăn nhất là chuyện cám bã. Thế mới có chuyện nhiều người, ngoài những thứ có thể tự lo được, họ vẫn tranh thủ nhặt nhạnh những thứ thải loại trên đường phố để làm thức ăn cho lợn.
Nhà văn – dịch giả Đoàn Phú Tứ là một người như thế. Và trong một lần ông đang lom khom nhặt vỏ chuối người dân vứt bỏ ở chợ Hàng Da để mang về nuôi lợn thì xe Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi qua.
Nhận ra Đoàn Phú Tứ, Thủ tướng xuống xe hỏi rõ sự tình. Biết hoàn cảnh khó khăn của nhà văn, Thủ tướng mời ông chiều mai tới nhà riêng ăn cơm với Thủ tướng.
Tất nhiên là nhà Thủ tướng luôn sẵn thịt, đường, sữa, hoa quả…, vì mỗi tháng ông có tới 6 kg thịt, 3 kg đường…, tiêu chuẩn này do Chính phủ đặt ra từ năm 1954.
Đây là một cái đơn viết ngày 22/2/1986, để xin phép chính quyền Thanh Hoá cho vận chuyển cái tủ gỗ cũ đi Hà Nội. Người viết đơn này cũng là chủ nhân của cái tủ cũ cam đoan rằng đây là cái tủ cũ và cho anh trai.
Những người chưa sống qua thời bao cấp thấy đây là chuyện hết sức kỳ quái. Chỉ là cái tủ cũ thôi mà chứ có phải hàng quốc cấm đâu, sao phải làm đơn từ khổ thế! Nhưng nếu đặt vào không gian thời bao cấp thì chuyện này hết sức bình thường.
Suốt thời kỳ bao cấp, những người lãnh đạo đất nước dựng lên những rào cản, cấm sự tự do lưu thông phân phối. Nhà nước quản lý hàng hoá và phân phối theo kế hoạch, kể từ hạt lúa, mét vải, cái kim sợi chỉ, quyển sách vở học trò, chiếc xe đạp, điếu thuốc lá, cái bát ăn cơm, con gà con lợn… Ai tự vận chuyển, bán những thứ do mình sản xuất được hoặc mua đều vi phạm luật của nhà nước, bị tịch thu hàng và phạt nặng.
Thậm chí, người con bị bệnh, mẹ muốn đưa con đi đến bệnh viện chữa trị cũng phải làm đơn xin phép chính quyền.
Sau này Chính phủ bỏ tình trạng đó và gọi là “Đổi mới”.
Đó là lý do tại sao ông em cho ông anh cái tủ cũ phải viết đơn cam đoan là tủ cũ của mình “cho” chứ không phải “mua bán” là như vậy.
Thời bao cấp là tên gọi được sử dụng tại Việt Nam để chỉ một giai đoạn mà hầu hết sinh hoạt kinh tế đều được Nhà nước bao cấp, diễn ra dưới nền kinh tế kế hoạch hóa, một đặc điểm của nền kinh tế theo chủ nghĩa cộng sản. Theo đó thì kinh tế tư nhân dần bị xóa bỏ, nhường chỗ cho kinh tế do nhà nước chỉ huy. Mặc dù kinh tế chỉ huy đã tồn tại ở miền Bắc dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ trước năm 1975, song thời kỳ bao cấp thường được dùng để chỉ sinh hoạt kinh tế cả nước Việt Nam ở giai đoạn từ đầu năm 1976 đến cuối năm 1986 trên toàn quốc, tức là trước Đổi Mới.
Trong nền kinh tế kế hoạch, thương nghiệp tư nhân bị loại bỏ, hàng hóa được phân phối theo chế độ tem phiếu do nhà nước nắm toàn quyền điều hành, hạn chế đến tối đa việc mua bán trên thị trường hoặc vận chuyển tự do hàng hoá từ địa phương này sang địa phương khác. Nhà nước có độc quyền phân phối hàng hóa, hạn chế trao đổi bằng tiền mặt. Chế độ hộ khẩu được thiết lập trong thời kỳ này để phân phối lương thực, thực phẩm theo đầu người, tiêu biểu nhất là sổ gạo ấn định số lượng và mặt hàng được phép mua.
Trước năm 1975, mỗi năm kinh tế Miền Nam được Mỹ viện trợ khoảng một tỷ USD. Miền Bắc cũng được chi viện của các nước xã hội chủ nghĩa một lượng xấp xỉ như thế. Sau ngày thống nhất không lâu, Mỹ bao vây cấm vận, đặc biệt là miền Nam vốn đã sử dụng phương tiện sản xuất của Mỹ và phương Tây nên không có phụ tùng để tiếp tục hoạt động. Quy mô viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa cũng giảm đi nhanh chóng, Liên Xô và Đông Âu dù vẫn còn giúp đỡ vài năm nữa, nhưng do trượt giá đồng tiền của họ nên lượng hàng hóa, nguyên liệu thực về nước chỉ còn phân nửa trước đây. Tất cả đã tác động rất mạnh vào nền kinh tế của đất nước. Quy mô xuất khẩu của miền Bắc (than, thiếc, đồ thủ công…) lúc này chỉ độ 200 triệu rúp mỗi năm. Lúc đó, trao đổi thương mại chủ yếu là với các nước trong Hội đồng Tương trợ Kinh tế, Nhà nước độc quyền, do bị Mỹ cấm vận kinh tế nên quan hệ mậu dịch với bên ngoài bị hạn chế (Liên Xô và Đông Âu lúc đó cũng gặp khó khăn).
Nhà nước chú trọng phát triển công nghiệp nặng để xây dựng nền tảng kỹ thuật cho nền kinh tế trong khi công nghiệp nhẹ và nông nghiệp không được đầu tư đúng mức nên lãng phí rất lớn các nguồn lực đầu tư vốn đã khan hiếm[26]. Hệ quả là công nghiệp nặng không phát triển như mong muốn để trở thành đòn bẩy cho nền kinh tế, một số sản phẩm công nghiệp nặng không có nơi tiêu thụ, nhà máy hoạt động không hết công suất còn công nghiệp nhẹ và nông nghiệp không đủ sức đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Chính sách chú trọng cào bằng và xây dựng các địa phương thành các đơn vị kinh tế tự chủ cùng việc ngăn cấm thị trường tự do dẫn đến hàng hóa không thể lưu thông trong khi đó hệ thống thương nghiệp quốc doanh không đáp ứng nổi nhu cầu phân phối hàng hóa của nền kinh tế. Việc biến các địa phương thành các đơn vị kinh tế tự chủ cũng khiến nhà nước không thể liên kết các địa phương với nhau, phối hợp thế mạnh của các địa phương vào kế hoạch chung của quốc gia và tập trung các nguồn lực cho mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhà nước chú trọng bảo đảm việc làm, nhưng lại vượt quá khả năng kinh tế, vì thế về sau phải có chính sách xuất khẩu lao động đi Đông Âu. Năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế rất thấp. Hiệu quả sử dụng vốn thấp. Nhiều chỉ tiêu bình quân đầu người năm 1985 vẫn thấp hơn năm 1976. Thu nhập quốc dân hàng năm tăng 3,7% trong khi dân số tăng 2,3%. Nền kinh tế không đủ sức đáp ứng nhu cầu trong nước, thu nhập hàng năm chỉ đáp ứng được 80-90% nhu cầu còn lại phải dựa vào viện trợ và vốn vay nước ngoài.
Việt Nam không có khả năng tiết kiệm do thu nhập quá thấp nên thiếu vốn để phát triển sản xuất. Đầu tư phát triển hoàn toàn dựa vào vốn vay và vốn viện trợ. Thu chi ngân sách phải dựa vào vốn vay và viện trợ nước ngoài. Trong giai đoạn 1976-1980, vay nợ và viện trợ nước ngoài chiếm đến 38,2% tổng thu ngân sách và bằng 61,9% tổng thu trong nước, 37,3% tổng chi ngân sách. Bội chi ngân sách năm 1980 là 18,1% và năm 1985 là 36,6% phải bù đắp bằng phát hành giấy bạc dẫn đến siêu lạm phát vào năm 1986 với tốc độ tăng giá 774,7%. Công nghiệp đình đốn do thiếu nguyên liệu sản xuất vì bị bao vây cấm vận và thiếu ngoại tệ để nhập khẩu nguyên liệu, thiếu điện để vận hành máy móc, hệ thống máy móc lạc hậu và không có phụ tùng để thay thế khi bị hư hỏng. Hầu hết các loại hàng tiêu dùng đều phải nhập khẩu toàn bộ hay một phần do sản xuất trong nước không đảm bảo được cho tiêu dùng. Trong giai đoạn 1976-1985 đã nhập 60 triệu mét vải và 1,5 triệu tấn lương thực. Hiệu quả đầu tư cho công nghiệp thời kỳ này thấp nên sản xuất tăng trưởng chậm và không ổn định. Nông nghiệp không đủ sức đáp ứng nhu cầu trong nước. Bộ máy nhà nước cồng kềnh và thiếu hiệu quả, tệ quan liêu bàn giấy phổ biến. Toàn bộ xã hội rơi vào tình trạng trì trệ, kém phát triển, không lối thoát. Liên Xô, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và nhiều nước khác đã sử dụng mô hình kinh tế chỉ huy để hiện đại hóa quốc gia, xây dựng nền tảng công nghiệp trong khi Việt Nam không thể làm được điều đó vì Việt Nam đã không phát huy được thế mạnh của mô hình kinh tế này mà phải hứng chịu tất cả những nhược điểm của nó.
Giữa thập niên 1980, tình hình kinh tế xã hội tiếp tục khó khăn gay gắt. Cuộc khủng hoảng kinh tế nảy sinh từ cuối thập niên 1970, do cải tạo tư sản ở miền Nam quá mức, do chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc kéo dài gần 10 năm, và càng gay gắt hơn khi Việt Nam bắt đầu chuyển sang cơ chế thị trường bằng chính sách cải cách Giá – lương – tiền bao gồm đổi tiền, tăng lương bằng cách in tiền vào năm 1985. Nhiều người gửi tiền tiết kiệm lâm vào cảnh bi đát do lạm phát phi mã xảy ra sau khi đổi tiền. Có người bán một con bò lấy tiền gửi tiết kiệm, sau khi đổi tiền chỉ mua được vài con gà. Việc ngăn cấm thị trường tự do khiến tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng trở nên nặng nề. Có câu chuyện kể về mẹ già mang 5–10 kg gạo đi thăm con ở tỉnh khác, khi đến ranh giới tỉnh bị tịch thu, khóc lóc, van xin cũng không được. Những phiên chợ quê, khi đội quản lý thị trường đeo băng đỏ đến tịch thu thịt lợn do tư nhân mổ chui bán, chính những người dân quanh đó lại bảo vệ người bán thịt lợn, không ủng hộ đội quản lý thị trường của nhà nước. Thị trường thực phẩm, hàng tiêu dùng bị ngăn cấm trong khi nhà nước chỉ phân phối tem phiếu thịt giá thấp riêng cho cán bộ, công nhân viên (số lượng thật ra rất ít, khoảng 0,3-0,5 kg/người/tháng) và người dân ở thành phố (mỗi người 0,1 kg/tháng). Điều này khiến tình trạng khan hiếm hàng tiêu dùng kéo dài triền miên, và vật giá trên thị trường chợ đen tăng mạnh. Chất lượng sống của nhân dân đi xuống khiến sự bất mãn trong xã hội tăng lên, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam sa sút. Gần một triệu người vượt biên ra nước ngoài để tìm cuộc sống tốt đẹp hơn tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn thu hút sự chú ý của dư luận thế giới lúc đó.
Tại các nước áp dụng mô hình kinh tế kế hoạch thành công nhất như Liên Xô, trong thời kỳ kinh tế còn tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng dựa vào lao động và vốn thì cơ chế này có tác dụng nhất định, nó cho phép tập trung tối đa các nguồn lực kinh tế vào các mục tiêu chủ yếu trong từng giai đoạn và điều kiện cụ thể, đặc biệt trong quá trình công nghiệp hóa theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp nặng. Nhưng nó lại thủ tiêu cạnh tranh, kìm hãm tiến bộ khoa học – công nghệ, triệt tiêu động lực kinh tế đối với người lao động, không kích thích tính năng động, sáng tạo của các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Vì vậy Liên Xô trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế mạnh nhất dưới sự lãnh đạo của Stalin đã phải áp dụng kỷ luật lao động cứng rắn (bao gồm cả hình phạt tù hoặc đày đến các trại lao động cải tạo) đi kèm với các biện pháp động viên khen thưởng để chống lại tình trạng trì trệ, thiếu trách nhiệm của cán bộ quản lý đồng thời thúc đẩy tăng năng suất lao động. Khi nền kinh tế thế giới chuyển sang giai đoạn phát triển theo chiều sâu dựa trên cơ sở áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại thì cơ chế quản lý này càng bộc lộ những khiếm khuyết của nó, làm cho kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa trước đây; trong đó có Việt Nam, lâm vào tình trạng trì trệ, khủng hoảng.
Từ năm 1986, Việt Nam đã thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Dưới áp lực của tình thế khách quan, nhằm thoát khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội, Việt Nam đã có những bước cải tiến nền kinh tế theo hướng thị trường, tuy nhiên còn chưa toàn diện, chưa triệt để. Đó là khoán sản phẩm trong nông nghiệp theo Chỉ thị số 100-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương khóa IV; bù giá vào lương ở Long An; Nghị quyết Trung ương 8 khóa V (năm 1985) về giá – lương – tiền; thực hiện Nghị định số 25 – CP và Nghị định số 26 – CP của Chinh phủ… Đó là những căn cứ thực tế để Đảng Cộng sản Việt Nam đi đến quyết định thay đổi về cơ bản cơ chế quản lý kinh tế.
Đề cập sự cần thiết đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, Đại hội VI khẳng định “Việc bố trí lại cơ cấu kinh tế phải đi đôi với đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp từ nhiều năm nay không tạo được động lực phát triển, làm suy yếu kinh tế xã hội chủ nghĩa, hạn chế việc sử dụng, và cải tạo các thành phần kinh tế khác, kìm hãm sản xuất, làm giảm năng suất, chất lượng, hiệu quả, gây rối loạn trong phân phối lưu thông, và đẻ ra nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội”. Chính vì vậy, việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trở thành nhu cầu cần thiết và cấp bách.
- Điệu Tango “mùi mẫn” khóc cho một câu chuyện tình buồn qua nhạc khúc “Tango Dĩ Vãng” của nhạc sĩ Anh Bằng
- Cuộc đời và sự nghiệp của danh ca Ánh Tuyết (1935 -2017)
- Sự tích những tên gọi lạ đời của Saigon từ xưa đến nay- Phần 2
- “Ai Cho Tôi Tình Yêu” – Lời tâm tình của một kẻ cô đơn chưa tìm thấy tình yêu chân chính
- “Quỳnh Hương” (Trịnh Công Sơn)