Bác sĩ Yersin – Người đầu tiên tìm ra vùng đất Đà Lạt – Một người ngoại quốc yêu mảnh đất hình chữ S

Đăng ngày 21/07/2024

Ngày nay, đứng trước phong cảnh nên thơ, những hàng thông thẳng ngọn, những hồ nước trong xanh, những ngôi nhà kiến trúc tối tân của Đà Lạt xinh đẹp, có bao giờ ta nghĩ rằng xưa kia nơi đây chỉ là một vùng đất trơ trọi hoang vu, và tự hỏi ai là người đầu tiên tìm ra miền cao nguyên thơ mộng ấy không? Tôi xin dựa theo một ít tài liệu trong mấy tờ tạp chí Pháp xuất bản ở Đông Dương trước đây, lược thuật lại cuộc đời và sự nghiệp của bác sĩ Yersin, người được coi là có công trong việc khám phá ra vùng đất Đà Lạt, để gọi là tỏ chút lòng tưởng nhớ một bậc danh nhân đã giúp cho chúng ta một nơi nghỉ mát tốt lành và tô điểm cho quê hương mình thêm đẹp thêm xinh.Ly kỳ hành trình thám hiểm tìm ra Đà Lạt thơ mộng của bác sĩ Yersin

Alexandre Yersin sinh ngày 22 tháng 9 năm 1863, tại miền đồng quê tổng Vaud, hạt Lavaux, nước Thụy Sĩ. Tổ tiên ông gốc người Pháp, sang định cư ở làng Rougemont (thuộc hạt Lavaux) vào thời vua nước Pháp hủy bỏ sắc luật cho phép dân chúng theo đạo Gia tô cải cách (Révocation de l’Edit de Nantes). Sắc luật mới này do vua Louis thứ 14 ký ngày 18-10-1685. Thân phụ ông là một nhà khảo cứu Côn trùng học hữu danh, làm giáo sư dạy khoa Vạn vật học.

Thuở nhỏ, Yersin học ở tỉnh Morges. Lúc 20 tuổi (1883) ông khởi đầu học thuốc ở học viện Lausanne bên cạnh hồ Léman (Thụy Si). Kế tiếp ông đến học ở Marbourg (Đức), rồi sang tới Paris (Pháp). Ba năm sau ông giúp việc tai phòng thí nghiệm ở Hotel Dieu. Vào lúc đó, Pasteur đang nổi tiếng về công cuộc tìm ra thuốc trừ bệnh chó dại. Ông bèn xin vào làm ở phòng thí nghiệm của Pasteur và tôn ông này như là một bậc thầy.

Năm 24 tuổi (1887), Yersin nhập quốc tịch Pháp, và trình một luận án đặc sắc về bệnh lao của giống thỏ nhà để thi lấy bằng bác sĩ Y khoa. Sau đó, ông đến Bá Linh ở một năm theo học hỏi bác sĩ Koch, người đã nổi tiếng nhờ sự tìm ra vi trùng bệnh lao.Bác sĩ Yersin - Người khám phá ra vùng đất Đà Lạt và 50 năm nặng tình với đất Việt

Năm 1888, ông trở về Pháp tiếp tục nghiên cứu ở Viện Pasteur Paris vừa mới được khánh thành. Ông được bác sĩ Roux men tài mời cộng tác tìm thuốc chữa bệnh yết hầu. Ông ký với Roux ba bản kỷ yếu (trois mémoires) quan trọng, chứng nhận rằng vi trùng Klebs-Loeffler là giống vi trùng truyền bệnh Yết hầu. Ba bản kỷ yếu đó sau này trở nên những bản làm quy tắc trong các đại học đường khoa học và chính nhờ đó mà khoa vi trùng độc chất học (Toxicologie microbienne) được tiến triển, đồng thời còn giúp ích cho sự phát minh các thứ thuốc khử độc (Antitoxines) và phòng bệnh (Sérothérapie). Chính trong thời gian này ông quen biết bác sĩ Calmette.

Bấy giờ, mới 26 tuổi đầu, danh tiếng ông đã vang lừng trong giới khoa học. Nhưng ông không vì thế mà tự mãn, lúc nào cũng chịu khó cầu tiến.

Cuối năm 1889, ông bắt đầu sang Đông Dương, làm y sĩ cho hãng tàu Messageries Maritimes. Mỗi lần tàu cập bến Nha Trang, ông thích thú đưa mắt nhìn ngắm dãy Trường Sơn bao la hùng vĩ. Trước sức hấp dẫn của cảnh trí thiên nhiên đó, ông chợt có ý định đi bộ từ Nha Trang đến Sài Gòn, dù lúc đó chưa có đường xe hơi và xe lửa.

Năm 27 tuổi, vào khoảng tháng 7-1890, ông từ Nha Trang đi ngựa vào Phan Rí. Từ Phan Ri, ông nhờ một người dẫn đường lần mò vào rừng, và sau hai ngày đường khổ cực, ông tới Di Linh. Cuối cùng ông xuống Phan Thiết, đi thuyền buồm đến Nha Trang rồi ra tới Qui Nhơn.

Vào những năm 1890 1894, các miền rừng núi dọc dãy Trường Sơn từ phía Bắc Nam kỳ đến phía Nam Trung kỳ và Hạ Lào hãy còn là những vùng bí hiểm, chưa được khai khẩn, ngoài một ít bộ lạc thiểu số, chưa ai đặt chân đến vùng đất hoang vu ấy. Vậy mà một người ngoại quốc như bác sĩ Yersin, đơn thân độc mã không kẻ tùy tùng, dám dấn thân vào miền rừng sâu nước độc, bất chấp cả dã thú và sự giết người của thổ dân, thì thật là có gan mạo hiểm phi thường.

Trong cuộc thám hiểm miền Dran vào năm 1893, ông bị bọn cướp chém đứt nửa ngón tay cái trái và bị đâm nhiều nhát dao găm vào ngực đến ngất ngư. Theo hồi ký của ông, bọn cướp này do tên Thouk cầm đầu, vốn là những tên tù chính trị ở Bình Thuận, sau khi thất bại trong việc mưu toan đánh chiếm tỉnh ly này mới trốn vào miền rừng núi. Mặc dù trong lần thám hiểm này có ba người Việt Nam tháp tùng ông với ba cây súng trường và một cây súng lục, ông vẫn bị chúng tước khí giới, ba người tùy tùng đều bỏ chạy, một mình ông đành chịu trận bán sống bán chết kháng cự với bọn cướp. Theo lời khai của viên đầu đảng sau khi bị nhà cầm quyền bắt thì, nếu mấy tên kia gan dạ hơn một chút, chúng đã cắt cổ ông xong rồi.

Sau khi thoát nạn, nửa đêm ông nhờ người ta võng về Phan Rang. Dọc đường lại rơi vào giữa đàn voi. Mấy người võng ông hoảng sợ bỏ chạy trốn hết, còn ông một mình bơ vơ giữa rừng. Ông kiệt sức, không hoạt động gì được, đành nằm chờ chết. Nhưng may đàn voi rẽ đi đường khác, không chà đạp thân thể ông. Dù bị thương nặng, thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, ông vẫn không từ bỏ lòng say mê thám hiểm.

Đi đến đâu ông cũng ghi chép địa thế từ dòng sông, từ con suối, ông còn nhận xét về phong tục, về giá trị kinh tế của từng miền. Ông không là nhà du lịch đi ngắm cảnh đẹp thiên nhiên như một khách nhàn du; ông chính là một nhà thám hiểm say mê tìm cái lạ, học cái hay để mở mang kiến thức và mưu ích cho con người.

Sau ba cuộc thám hiểm liên tiếp, bác sĩ Yersin tìm ra Cao nguyên Lâm Viên. Ngày 21-6-1893, đứng trước phong cảnh hùng vĩ ở độ cao cách mặt biển 1.500 thước, ông bày tỏ cảm nghĩ của mình như sau: “Cảm tưởng của tôi rất sâu xa khi vượt khỏi rừng thông; tôi đối diện với một cao nguyên mênh mông, không cây cối và hoang vu, có dáng như một vùng biển xao động mãnh liệt bởi một loạt sóng con ba động màu xanh biếc. Dãy núi Lâm Viên đứng sừng sững ở phía chân trời tây bắc cao nguyên, làm cho phong cảnh tăng thêm vẻ đẹp và nổi bật trên một hậu cảnh mỹ lệ”.

(Tôi cảm thấy chưa dịch được hết ý mấy câu văn đặc sắc của tác giả, nên xin chép lại nguyên văn của ông: Mon impression a été profon de lorsque, débouchant de la forêt de pins, je me suis trouvé en face de ce vaste plateau dénudé et désert, dont l’apparence rappelait celle d’une mer bouleversée par une houle énorme d’ondulations vertes. Le massif du Lang-bian se dressant à l’horizon nord-ouest du plateau, accentuait la beauté du site en lui donnant du relief et en lui formant un arrière-plan splendide).Alexandre Yersin và những đóng góp quan trọng về địa lý, nhân học của xứ Thượng xưa

Theo hồi ký ông viết, lúc ông đặt chân đến vùng này, thì ở đây chỉ có rải rác vài làng của thổ dân người Lát tụ họp dưới chân núi, dân cư thật là thưa thớt.

Vì nhận thấy vùng đất này khí hậu tốt lành và phong cảnh xinh đẹp, bác sĩ Yersin đề nghị cùng Toàn quyền Paul Doumer nên lập một thành phố tại đây để làm nơi nghỉ mát và dưỡng bệnh. Đề án đó được chấp nhận, và sau khi phái hai đoàn thám hiểm vào năm 1897 và 1898 lên quan sát tại chỗ, Toàn quyền Pháp cho khởi công xây dựng Sở Khí tượng và căn cứ thí nghiệm trồng trọt, lại mở một con đường chạy dài từ miền duyên hải Trung kỳ lên tận miền sơn cước. Thành phố Đà Lạt bắt đầu khai sinh từ đấy.

Nhờ ở vị trí cao lại không xa bờ bể là mấy nên quanh năm khí hậu ở Đà Lạt mát mė, thời tiết không thay đổi, trung bình là 18 độ. Từ năm 1933, sau khi quốc lộ số 20 dài 300 cây số được hoàn thành, bao nhiêu du khách ở đồng bằng miền Nam đều có thể dùng xe hơi đến viếng Đà Lạt một cách dễ dàng để nghi mát trong những ngày nóng bức.

Người có công tìm cho chúng ta một nơi nghi mát nên thơ đó chính là bác sĩ Yersin. Đến năm 31 tuổi (1894), bác sĩ Yersin dẫn theo mười lăm người lính tập từ phía Nam đi lần lên tỉnh Đăk Låk và Kon Tum, vào các xóm người dân tộc thiểu số phía bắc dãy núi Lâm Viên.

Lần đi thám hiểm cuối cùng này về, ông nghe tin bệnh dịch hạch đang phát hiện ở Vân Nam, gần biên giới Việt Hoa, làm chết ngót sáu mươi ngàn người ở miền Nam Trung Quốc. Ông liền xin Chính phủ đến tại nơi quan sát bệnh tình về phương diện “vi trùng”. Đang lúc ấy bệnh dịch hạch lại lan tràn sang Hồng Kông. Ông quay lại đáp tàu ra Hải Phòng đi Hồng Kông. Thế rồi 48 giờ sau, ông đặt chân đến Hồng Kông, thuê người cất một căn nhà bằng tre lợp tranh dùng để làm phòng thí nghiệm. Ông mua mấy xác chết về mổ xẻ, lấy vi trùng trong các hạch người chết, cấy vào giống chuột bạch và chuột Ấn Độ, thì nhận thấy các con chuột này cũng chết vì dịch hạch. Ông bèn kết luận: Bệnh dịch hạch của người ta giống y như bệnh dịch hạch của loài chuột.
Sau đó ông gởi loại vi trùng dịch hạch về Paris cho các bác sĩ thí nghiệm. Họ cũng đồng một ý kiến với ông là thứ vi trùng ấy chính là căn nguyên bệnh dịch hạch.

Đến năm 1895, ông lập viện Pasteur ở Nha Trang, rồi trở về Pháp, cùng với hai bác sĩ Calmette và Roux kiếm thuốc ngừa bệnh dịch hạch; năm sau ông trở lại Viễn Đông, mang theo thuốc ngừa dịch hạch vừa tìm ra.

Bấy giờ bệnh dịch hạch lại tràn sang Quảng Châu và Hạ Môn. Ông bèn đến tận nơi, thử dùng thứ thuốc mới trị bệnh, ông cứu sống được một số người, đủ chứng tỏ là thuốc do nhóm ông tìm ra rất hiệu nghiệm.

Sau đó ông trở lại Việt Nam, làm việc ở viện Pasteur Nha Trng cho đến ngày từ giã cõi trần, ngoại trừ mấy năm (từ 1902 – 1904) ông lo mở trường Cao đẳng Y khoa ở Hà Nội và về Pháp mấy lần thăm bác sĩ Roux.

Từ năm 1905- 1918, ông làm Giám đốc hai viện Pasteur Sài Gòn và Nha Trang. Năm 1925, ông làm Tổng Thanh tra các viện Pasteur ở Đông Pháp.

Từ ngày lập viện Pasteur Nha Trang, ông chuyên môn quan sát các bệnh của súc vật và tìm ra được thứ thuốc chữa và phòng bệnh trâu bò. Ông lại cùng với các người giúp việc quan sát các chứng bệnh khác như Barbone, Sura và Piroplasmose.

Ngoài việc nghiên cứu về Y học, bác sĩ Yersin còn là một nhà trồng tỉa, một nông học gia nổi danh. Ông lập ra vưon trồng cây để thí nghiệm những giống cây vùng nhiệt đới. Các loại cây như Guttapercha, Coca, Cacao, cây cọ dầu Phi châu và nhất là cây cao su lấy giống ở Mã Lai đều được ông trồng có kết quả rất tốt tại đồn điền Suối Dầu. Năm 1918, ông lại thử trồng cây Quinquina trên đảo Hòn Bà, nhưng kết quả không tốt vì đất cứng và khí hậu không hợp như ở Suối Dầu. Ông lại đi tìm những vùng đất màu tốt và khí hậu thích hợp ở Dran, Diom, Di Linh. Từ đó về sau, người nước ta khỏi mua chất Quinine ở nước ngoài về làm thuốc, ấy là nhờ công lao hai mươi lắm năm chịu khó ươm giống, thử đất, trồng cây của bác sĩ Yersin.

Lúc làm việc tại Nha Trang, ông sống rất giản dị thanh bạch, mặc dù ông có thừa phương tiện để hưởng thụ cuộc đời phù phiếm xa hoa. Ông ở trong một tòa nhà vuông, cao, có hai tầng. Nhà được Xét cuộc đời của bác sĩ Yersin, chúng ta phải thán phục trước những công trình giúp ích nhân loại của ông. Chưa đẩy 30 tuổi, đã nổi danh khắp thế giới, vậy mà ông vẫn không ở lại quê hương thụ hưởng danh lợi, ông đến Việt Nam, coi đây như là quê hương thứ hai, tận tâm làm việc cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Chính vào năm bác sĩ Roux mất (1933) và sau khi bác sĩ Calmette từ trần, ông được mời về giữ chức vụ nối tiếp điều khiển viện Pasteur Paris.

Nhưng ông đã từ chối, ý muốn ở lại Việt Nam mãn đời, và chỉ chịu nhận chức Giám đốc hàm cho viện Pasteur lừng danh thế giới đó mà thôi.

Ông xứng đáng là một ông thầy thuốc trứ danh, một nhà thám hiểm can trường, một nông học gia uyên bác. Lúc sống, ông từng được tặng chức Giám đốc hàm viện Pasteur Paris, có chân trong Bác sĩ học viện và Y hoc Hàn lâm viện, được thưởng Nhị đẳng Bắc đầu Bội tinh và nhiều huy chương ngoại quốc. Năm 1935, ông được vinh dự mời đến chủ tọa buổi lễ khánh thành một ngôi trường khang trang đẹp đẽ ở Đà Lạt mang tên Yersin.

Lúc chết bao nhiêu người dân quê mùa làm nghề đánh cá ở vùng bờ biển Nha Trang lũ lượt đến đốt nhang sụp lạy trước quan tài ông để tỏ lòng kính mến thương tiếc một bậc ân nhân đã sống với họ bằng tấm lòng nhân hậu vô biên, có nhiều bậc trí thức hết lời tán tụng tài cao đức trọng của ông và nhiều đường phố ở Việt Nam được mang tên họ ông.Lịch sử Đà Lạt – Wikipedia tiếng Việt

Hơn năm mươi năm say mê làm việc không ngừng, trước ngày chết một hôm ông còn gắng đo mực nước thủy triều ở bờ biển miền Trung Việt dù người ta khuyên ông nên tịnh dưỡng, ông đã phụng sự nhân loại một cách nhiệt thành bất cầu tư lợi, thật xứng danh là một vĩ nhân mà mọi người đều ngưỡng mộ sâu xa. Đời bác sĩ Yersin quả là một tấm gương sáng lưu lại cho nghìn sau.