Tỷ phú Sài Gòn xưa chơi ngông cỡ nào? Mở nguyên rạp hát lớn chỉ vì quá yêu Cải Lương!

Có thể cái tên được nhắc đến đầu tiên không phải là ai khác, thương gia, tỷ phú ngành ô tô Nguyễn Văn Hảo chỉ vì đam mê, yêu thích cải lương đã mở nguyên một rạp hát lớn nhất với 1200 chỗ ngồi với tên Rạp Nguyễn Văn Hảo.

Nằm cách tòa nhà 4 mặt tiền không xa, trên trục đường Trần Hưng Đạo, Rạp Công Nhân được xem như là một trong những rạp hát cải lương lâu đời nhất ở Saigon nói riêng và Miền Nam nói chung. Trước khi được đổi tên thành Rạp Công Nhân thì rạp được mang tên chính chủ người xây dựng nên nó: Rạp Nguyễn Văn Hảo…

SAIGON 1966 - Rạp Nguyễn Văn Hảo
SAIGON 1966 – Rạp Nguyễn Văn Hảo

Trước đó vào năm 1905 Thầy Năm Tú – một nhà giáo ở Mỹ Tho đã bỏ tiền để lập ra một gánh hát và xây dựng một rạp hát nhỏ mang tên Thầy Năm Tú cũng chỉ vì đam mê cải lương. Cho đến 35 năm sau, vào năm 1940, ông Nguyễn Văn Hảo cũng tìm được một miếng đất rộng ở Saigon để xây dựng nên rạp hát mang tên mình vì đam mê như Thầy Năm Tú.

Ông Hảo cũng như Thầy Năm Tú và bao nhiêu người dân miền Nam khác, rất mê nghệ thuật cải lương. Họ có thể quên ăn quên ngủ nhưng không thể bỏ quên bất kỳ một vở diễn nào. Bởi vì thế, khi rạp Nguyễn Văn Hảo được xây dựng xong không chỉ thỏa mãn thú chơi ngông của ông Hảo mà còn đáp ứng được nhu cầu, sự mong muốn của nhiều khán giả ngày đó.

SAIGON 1966 - Rạp Nguyễn Văn Hảo - by Douglas Ross
SAIGON 1966 – Rạp Nguyễn Văn Hảo – by Douglas Ross

Rạp được xây dựng trên mặt tiền đường Trần Hưng Đạo và mặt hậu giáp với đường Bùi Viện. Quy mô rạp thuộc hàng lớn nhất hồi đó với tổng cộng có đến 1200 chỗ ngồi chính thức. Ngoài ra trên các lối đi đều được bố trí các ghế ngồi phụ dành cho khách hàng không mua vé chính thức hoặc trong trường hợp cháy vé.

Lầu ba dành cho khán giả hạng ba có 300 ghế. Ghế ở lầu ba được đóng bằng ván dài, trên một cái dàn gỗ, ghế được đóng từng hàng từ thấp lên cao như ghế băng trong các rạp xiếc. Lầu hai dành cho khán giả hạng nhì và hạng nhất gồm 400 ghế bọc nệm da đỏ có lưng dựa. Tầng trệt có 500 ghế bọc nệm da đỏ, dành cho khán giả thượng hạng và hạng nhất. Phía tay phải của rạp hát là một hành lang rộng 5 m, dài từ cửa trước đến sát phông sân khấu (độ 50 m). Hành lang này dành cho đoàn hát để phông màn, chỗ làm tuồng của một số đào, kép hạng ba, vũ nữ và quân sĩ. Đây cũng là nơi dự phòng của rạp để phòng lối ra khi có hỏa hoạn.

SAIGON 1965 - Rạp Nguyễn Văn Hảo đường Trần Hưng Đạo
SAIGON 1965 – Rạp Nguyễn Văn Hảo đường Trần Hưng Đạo

Với sức chứa lớn cùng với sân khấu rộng và sang trọng nên khi rạp Nguyễn Văn Hảo bắt đầu mở cửa thì một lượng lớn khán giả đến ủng hộ. Những rạp hát cùng thời ngày đó như rạp Aristo trên đường Lê Lai, rạp Thành Xương trên đường Yersin, rạp Thuận Thành ở Đakao đều là những rạp dành cho cải lương nhưng có quy mô nhỏ hơn không có sức cạnh tranh so với rạp của ông Hảo.

Các đoàn cải lương ở khắp mọi miền đều muốn được trình diễn trên sân khấu Nguyễn Văn Hảo vì ở đó có những điều kiện thuận lợi giúp cho các bầu gánh, soạn giả và họa sĩ thực hiện những tiến bộ ký thuật và nghệ thuật để nâng cao trình độ của sân khấu.

Có thể nói trong suột một khoảng thời gian khá dài nhờ có rạp của ông Hảo với những trang thiết bị tiện nghi kỹ thuật tiên tiến bậc nhất thời bấy giờ mà nghệ thuật cải lương có điều kiện phát triển lên tới đỉnh cao của nghệ thuật.

Rạp là nơi đoàn Việt Kịch Năm Châu diễn tuồng Tây Thi gái nước Việt. Đây cũng là nơi đoàn cải lương Hương Mùa Thu của ông bầu Thu An thực hiện kỹ thuật sân khấu cải lương panorama rất mới lạ với dân trong nghề lúc bấy giờ. Đoàn cải lương Hoa Sen (đoàn hát có doanh thu cao nhất trong các đoàn hát cải lương cuối thập niên 1950) của ông bầu Bảy Cao cũng về hát ở đây. Các đoàn hát đều mang một ý thức chung là khi về “hàng không mẫu hạm” Nguyễn Văn Hảo trình diễn thì nhất định đoàn phải có tuồng mới, có những tranh cảnh, y trang mới và nhất định là phải có những cải cách kỹ thuật, mới và đẹp hơn những lần trình diễn trước, phải đẹp và hấp dẫn hơn các đoàn hát khác.

Theo soạn giả Nguyễn Phương thì: “Năm 1953, đoàn Hoa Sen hát khai trương vở Đoàn chim sắt tại rạp này, khán giả đông không thể tưởng tượng. Chiếc “hàng không mẫu hạm” Nguyễn Văn Hảo nếu là chiếc tàu thiệt chắc là phải chìm luôn. Bởi ngoài số khán giả đứng đầy nghẹt ở phía sau và hai bên vách tường rồi, họ còn đứng chật luôn lối đi ở giữa và phía trước sân khấu, che trước mặt bà con ngồi ghế thượng hạng, khiến họ la ó lên. Tưởng như vậy thôi sao, khán giả hạng đứng này còn leo lên sân khấu và vô luôn hậu trường. Nghe nói hôm bữa hát đó, ai đưa tiền thì người gác cửa cho vô, chẳng cần biết bên trong đã hết chỗ đứng”.

SAIGON trước Tết Mậu Thân 1968 - Rạp Nguyễn Văn Hảo đường Trần Hưng Đạo - Photo by Ed Sizer
SAIGON trước Tết Mậu Thân 1968 – Rạp Nguyễn Văn Hảo đường Trần Hưng Đạo – Photo by Ed Sizer

Chuyện kể về những đoàn hát đến rạp biểu diễn thì nhiêu vô kể. Trong số đó, câu chuyện về đêm khai trương vở tuồng “Đoàn chim sắt” thật ấn tượng. Ngoài 1200 chỗ ngồi chính thức, khán giả còn đứng đông nghẹt ở hai bên vách tường, chật cả lối đi ở giữa. Thậm chí, có một số khán giả còn đứng trước sân khấu che cả tầm nhìn của khách có vé thượng hạng khiến nhiều người lên tiếng phản đối…

Đến năm 1970, gia cảnh ông Hảo có nhiều biến động khiến cho ông không còn toàn tâm toàn ý với công việc kinh doanh. Ông cho thuê rạp hát để sau đó, người chủ mới đã biến nơi đây thành rạp chiếu bóng với cái tên mới, ciné Nguyễn Văn Hảo.

Bộ phim đầu tiên được trình chiếu tại đây là “Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài” rồi đến “Thích Ca đắc đạo”. Đây là những bộ phim gây được ấn tượng và có tiếng vang lúc bấy giờ.

Sau 1975, rạp Nguyễn Văn Hảo được đổi tên thành rạp Công Nhân đến bây giờ…

Nguồn: Thời Xưa biên soạn và tổng hợp.

Ảnh: Manhhai Flickr

Đánh giá post

Viết một bình luận