Trung học Kiểu Mẫu là loại hình trường sư phạm dạng đặc biệt, đó là nơi đào tạo những giáo viên Trung học theo một chương trình kiểu mới, nhằm nghiên cứu và kiểm nghiệm giáo dục bậc Trung học và hình thức trường này sẽ trực thuộc các trường Đại học Sư phạm địa phương. Đồng nghĩa, trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức là một trường thuộc Đại học Sư phạm Sài Gòn. Và đó cũng là một trong ba ngôi trường Trung học Kiểu mẫu dầu tiên của Việt Nam, ngoài ra còn có trường Trung Học Kiểu Mẫu Huế và trường Trung Học Kiểu Mẫu Cần Thơ.
Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức được khởi công xây cất ngày 26/5/1963 và hoàn tất ngày 30/3/1964, chưa đến một năm đã khánh thành. Người vẽ kiểu trường là kiến trúc sư Trần Văn Tải thiết kế (Văn phòng Kiến trúc Trần Văn Tải – Bùi Quang Hanh – Lê Văn Lắm). Đó cũng là người đã thiết kế nên Trụ sở của Bộ Ngoại Giao ở đường Alexandre de Rhodes (đối diện với đường Hàn Thuyên, Quận 1- Hai con đường này nằm hai bên của công viên 30/4) và Trường Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long.
Phối cảnh Đồ án “Trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức” do kiến trúc sư Trần Văn Tải thiết kế (thuộc Văn phòng Kiến trúc Trần Văn Tải – Bùi Quang Hanh – Lê Văn Lắm)
Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ nằm trên một ngọn đồi cạnh Xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa (sau này là Xa lộ Hà Nội), thuộc xã Linh Xuân Thôn, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định. Trường gồm một đại giảng đường với 1200 chỗ ngồi, một khu văn phòng và hai dãy lầu với 30 phòng học, 6 phòng thí nghiệm (vật lý, hóa học và sinh vật), một thư viện và văn phòng phẩm, một xưởng công kỹ nghệ đầy đủ dụng cụ cơ xưởng, đồ in và bàn kỹ nghệ họa, 3 phòng doanh thương với hơn 40 máy đánh chữ, 8 phòng dành cho kinh tế gia đình, trang bị đầy đủ dụng cụ như máy may, bếp nấu, v.v. Đến cuối năm 1971, trường lại xây thêm một câu lạc bộ có thể chứa 500 học sinh.
Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức bắt đầu khai giảng ngày 11/10/1965. Ngay từ lúc bắt đầu hoạt động, có rất ít người biết đến trường cũng như hình thức giáo dục vì trường còn quá non trẻ, thêm vào đó là vị trí cô lập. Trong năm đầu, trường chỉ nhận 140 học sinh cho lớp Đệ Thất (tức là lớp 6 hiện tại) và 140 học sinh của lớp Đệ Lục (lớp 7), mỗi Đệ được chia làm 4 lớp với số học sinh mỗi lớp là 35 em. Những vị hiệu trưởng của trường gồm có Giáo sư Dương Thiệu Tống (1965 – 1966), NguyễnThị Nguyệt (1966 – 1968), Phạm Văn Quảng (1968 – 1972), Dương Văn Hóa (1972 – 1974) và Huỳnh Văn Nhì (1974 – 1975). Sau biến cố năm 1975, trường dời về Trung tâm Sinh ngữ (ngay góc đường Cộng Hòa và Thành Thái cũ), đổi tên thành Trung Học Thực Hành và chỉ còn từ lớp 10 trở lên. Từ niên khóa 1976 – 77 cho đến khi bị giải thể (hè 1981), trường dời về một góc của trường Đại Học Vạn Hạnh (lúc đó là Cơ sở 2 của Đại học Sư Phạm Thành Phố). Khuôn viên Thủ Đức của trường được trưng dụng thành Đại học Thể dục Thể thao 2.
Trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức đã sử dụng 3 nguyên tắc định hướng (triết lý) giáo dục căn bản đã được đề trong “Hội thảo Giáo dục Toàn quốc” tại miền Nam năm 1958: nhân bản, dân tộc và khai phóng. Cùng với bốn phương thức: toàn diện, thích nghi, thực dụng và tân tiến. Trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức là một trong những trường đầu tiên áp dụng mô hình Giáo Dục Tổng Hợp:
Học sinh sẽ dành hai buổi ở trường để học hỏi thêm những môn mới và tiến hành sinh hoạt hiệu đoàn.
Các môn học thực dụng mới được giới thiệu thêm vào chương trình học như canh nông, công kỹ nghệ, kinh tế gia đình, doanh thương và kinh tế – Đây là một phần trong giáo dục hướng nghiệp.
Học sinh sẽ tiếp nhận thêm nhiều quan điểm tiên tiến và rộng rãi trong các môn kiến thức xã hội và văn chương
Nhấn mạnh vai trò thí nghiệm trong các môn khoa học cơ bản, đồng nghĩa với việc sẽ cho học viên tiếp xúc với thực hành nhiều hơn để hiểu rõ lý thuyết
Tiếp cận những điều mới lại trong chương trình toán học
Áp dụng lối giảng dạy toàn diện hơn trong các môn về ngoại ngữ (chủ yếu là Anh ngữ và Pháp ngữ)
Dùng du khảo để bổ túc và nhấn mạnh kiến thức thu lượm trên lớp
Áp dụng lối thi trắc nghiệm
Thêm nhiều trại Huấn Luyện, Hướng Dẫn Đức Dục, Thân Hữu, Công Tác và Về Nguồn giúp học sinh phát triển tinh thần thân hữu, lối giao thiệp và sinh hoạt cụ thể trong đời sống, tinh thần lãnh đạo và sự quan tâm đến các vấn đề xã hội.
Tuy nhiên, ở đây ta vẫn phải phân biệt rõ sự khác nhau giữa trường Trung học Kiểu mẫu và trường Trung Học Tổng Hợp:
Trường Trung Học Kiểu Mẫu (Demonstration Secondary School): là trường trung học trực thuộc một trường Đại Học Sư Phạm địa phương và tại Việt Nam có trường Trung Học Kiểu Mẫu: Trung Học Kiểu Mẫu Huế (1964 – 65), Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức (1965 – 66), Trung Học Kiểu Mẫu Cần Thơ (1968 – 69).
Một chương trình giáo dục phù hợp cả ba nguyên tắc Dân Tộc – Nhân Bản – Khai Phóng đã được Bộ Giáo Dục ban hành.
Một phương pháp giáo dục mới dựa trên những nguyên tắc căn bản của khoa tâm lý giáo dục là trẻ phải được phát triển toàn diện và phù hợp với khả năng, nhu cầu của chúng.
Một tổ chức học đường mới, lấy nguyên tắc lãnh đạo dân chủ và tinh thần trách nhiệm tập thể làm phương châm.
Trường Trung Học Kiểu Mẫu cũng có thể được ví như một hình thức của trường sư phạm thực hành, tạo cho các giáo sinh Đại Học Sư Phạm những cơ hội tiếp xúc thường xuyên với học đường, học sinh, và các đồng nghiệp trong tương lai……
Trường Trung Học Kiểu Mẫu là trường trung học duy nhất lúc bấy giờ áp dụng chương trình giáo dục tổng hợp gồm hai phần rõ rệt: Giáo dục phổ thông (Bao gồm đầy đủ tất cả môn học của chương trình giáo dục phổ thông lúc đấy của các trường trên toàn quốc) và Giáo dục hướng nghiệp.
“Trường Trung Học Kiểu Mẫu sẽ không hẳn là một “kiểu mẫu” cho tương lai về phương diện phương tiện và tiện nghi trường ốc. Điều đáng mong mỏi là trường Trung Học Kiểu Mẫu sẽ là kiểu mẫu về tinh thần phục vụ cho giáo dục, cho con em, của tất cả nhân viên nhà trường” – (Trích từ trang 5 của “Dự Án Đại Cương để Đệ trình Hội Đồng Khoa Đại Học Sư Phạm Sàigòn”, xuất bản tháng 3 năm 1965, Giáo sư Dương Thiệu Tống).
Còn về trường Trung Học Tổng Hợp, nó cũng áp dụng chương trình Giáo Dục Tổng Hợp nhưng thuộc phương pháp giáo dục mới, tổ chức học đường mới đã được các Ban, Ngành thuộc Nha Trung Học, các trường Đại Học Sư Phạm, các trường Trung Học Kiểu Mẫu nghiên cứu và kiểm nghiệm có kết quả theo chiều hướng giáo dục gồm cả giáo dục phổ thông và giáo dục hướng nghiệp.
Trong tập “Đại Học Sư Phạm Sàigòn, 1971” đã định nghĩa Giáo Dục Tổng Hợp theo mục tiêu của phương pháp giáo dục này như sau:
Thực hiện giáo dục tổng quát cho mọi học sinh, hầu đều có chung một trình độ văn hoá phổ thông, cũng như có một thái độ sống thích hợp với gia đình và xã hội trong truyền thống dân tộc
Thực hiện giáo dục hướng nghiệp giúp cho một số học sinh có cơ hội phát triển năng khiếu cá nhân, tài khéo thực dụng để có thể chuẩn bị nghề nghiệp khi không thể tiếp tục học lên cao; và
Thực hiện giáo dục hướng nghiệp giúp cho một số học sinh chuẩn bị cho con đường hậu trung học trong cũng như ngoài nước.
Thi Tuyển và Thi Tốt Nghiệp:
Học sinh được chọn vào trường trên căn bản thi tuyển tự do và cạnh tranh. Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức đi tiên phong trong việc dùng đề thi trắc nghiệm trong việc khảo thí.
Muốn lên lớp 12, học sinh phải đậu bằng Hoàn Tất Mỹ Mãn Lớp 11. Muốn tốt nghiệp lớp 12, học sinh phải đậu kỳ thi Chứng Chỉ Thành Chung Trung Học Tổng Hợp (sau này đổi tên thành Tú Tài Tổng Hợp). Vì lý do thử nghiệm của chương trình giáo dục tổng hợp, hai kỳ thi trên được tổ chức trong trường theo đúng tinh thần các nghị định của Bộ Giáo Dục, có thêm phần thi vấn đáp nhiều môn học. Cách chấm điểm của các kỳ thi này có phần khó hơn lối chấm điểm trong các kỳ thi Tú Tài phổ thông bên ngoài. Hai bằng này được coi là tương đương và hưởng cùng quyền lợi như văn bằng Tú Tài I và Tú Tài II.
Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức đào tạo tất cả là 11 khóa trong đó chỉ có 5 khóa là học hết lớp 12 trong trường. Học sinh của trường đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ trong các kỳ thi tuyển vào những phân khoa của Đại Học Sài Gòn cũng như lấy được nhiều học bổng du học ngoại quốc.
Giữa ảnh trên là Trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức, thuộc Đại Học Sư Phạm Sài Gòn, nay là trường Đại học Thể Dục – Thể Thao. Ảnh chụp năm 1970 bởi Larry Mullendore.
Đoàn ca chính thức của trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức là “Học Sinh Hành Khúc”, một tác phẩm nhạc của Lan Đài và lời Bàn Thạch (bút danh của Giáo sư Dương Thiệu Tống). Giáo sư Tống đã mất ở SG năm 2008, và Giáo sư Lan Đài, một nhạc sĩ nổi tiếng trước năm 1975, đã mất khi đi vượt biên.
- “Ngày cưới em” (Y Vũ) – Nhìn thiệp hồng trên tay mà lòng đầy chua xót, vẫn dặn lòng chúc em hạnh phúc uyên ương…
- “Dạ Khúc Cho Tình Nhân” (Lê Uyên Phương)
- Ca khúc “Hình Bóng Quê Nhà” – Nhạc sĩ Thanh Sơn
- “Lời Gọi Chân Mây” – Em ơi! Tình yêu như gió như mây, theo cánh chim bay về chân trời.
- Ngắm nhìn hình ảnh công trường John F. Kennedy