Tìm hiểu về nhà thuốc tây ở Sài Gòn xưa và tên những loại thuốc đã đi vào dĩ vãng: Optalidon, Tetramycin, Campolon,…

Trong thời buổi hiện đại như hiện nay, nếu chẳng may bạn bị bệnh thì có thể đi ra ngoài và bắt gặp dăm ba tiệm thuốc tây. Sau đó chỉ cần nêu ra triệu chứng của bản thân là bác sĩ có thể kê thuốc cho bạn mua về nhà. Tuy nhiên có một thắc mắc là từ bao giờ người ta đã dùng từ thuốc “tây”?

Vào năm 1963 phải nói là thời gian kỹ nghệ dược bắt đầu được phát triển tại Sài gòn. Trong thời gian đó, Sài Gòn đã có sự góp mặt của các viện bào chế được thành lập, các trang thiết bị máy móc sản xuất thuốc cũng được xuất hiện trong thời gian này. Đồng thời các dược phẩm từ nước ngoài, chủ yếu là từ Pháp cũng được nhập về đây. 

Sau khi việc sản xuất thuốc được mở ra ở trong nước sẽ kéo theo việc thuốc tây được buôn bán rộng rãi. Các nhà máy phân phối dược phẩm đến các tiệm thuốc gọi là thuốc tây. Từ năm 1960 trở đi, từ ngữ thuốc tây dùng để chỉ các thuốc tây được bán ở tiệm (hay còn gọi là pharmacie).

Pharmacie Solirène là nhà thuốc Tây đầu tiên tại Sài Gòn

Tính đến năm 1963, người ta ước chừng có khoảng 505 nhà thuốc tây hoạt động trong khu vực miền Nam Việt Nam. Sau 5 năm học tập tại dược khoa Đại học ở Sài Gòn thì dược sĩ sẽ được làm việc ở tiệm thuốc tây. Từ năm 1962, 1963 thì sinh viên sẽ học ngành dược trong vòng 5 năm, còn trước đó thì sinh viên đại học sẽ học 4 năm. Tuy nhiên không phải cứ học xong thì sinh viên sẽ được bán thuốc tây liền mà phải tham gia vào tổ chức nghề nghiệp – xã hội của dược sĩ tại đoàn Quốc gia Việt Nam, sau khi có giấy Đoàn viên thì dược sĩ sẽ nộp chung với các giấy tờ cần thiết khác rồi hoàn thành các thủ tục pháp lý theo quy định nhà nước thì mới có thể mở và hoạt động nhà thuốc tây.

Có một điều đặc biệt là Sài Gòn vào những năm 1960 đến năm 1970 đã tồn tại hai loại nhà thuốc tây là nhà thuốc tây thường và nhà thuốc tây gác. Nếu như nhà thuốc tây thường hoạt động vào ban ngày từ 7 giờ sáng đến 17 giờ thì nhà thuốc tây gác sẽ được mở trong thời gian còn lại là 17 giờ đến 7 giờ sáng. Như vậy sẽ đảm bảo được rằng người dân có thể mua thuốc vào bất cứ khung giờ nào để đảm bảo sức khỏe cho tất cả mọi người. Vậy từ “nhà thuốc tây gác” bắt đầu từ đâu? Thật ra từ này xuất phát điểm của nó là từ tiếng Pháp pharmacie de garde, từ này có nghĩa là nhà thuốc trực bán cả đêm. Cũng phải nói thêm, thời đó nhiều dược sĩ sẽ phải làm việc cho chính quyền và nhập ngũ làm lính quân y nên họ cũng có thể xin chính quyền mở tiệm thuốc tây hoạt động ngoài giờ gọi là nhà thuốc gác.

Khi tham gia vào đoàn Quốc gia Việt Nam thì dược sĩ sẽ được cung cấp cuốn “Cẩm nang của người dược sĩ dược phòng”. Thông qua cẩm nang này, dược sĩ có thể tham khảo kiến thức để kết hợp với những gì mình đã được học qua 5 năm Đại học để tư vấn và bán thuốc cho người dân. Quyển sách “Cẩm nang của người dược sĩ dược phòng” được in ấn và phát hành cho dược sĩ có tương đối đầy đủ kiến thức về tên thuốc và các nhóm thuốc, đây là sách được lưu hành ở miền Nam thời xưa.

Thời đó, dược sĩ có thể bán thuốc được sản xuất sẵn nhập từ nước ngoài hoặc thuốc sản xuất trong nước. Ngoài ra dược sĩ còn nhận bào chế thuốc theo toa. Những bác sĩ không đưa cho bệnh nhân đơn thuốc có sẵn mà chỉ đưa toa có nguyên liệu thuốc, dược sĩ có nhiệm vụ dựa theo toa để bào chế thuốc thành phẩm rồi cung cấp cho người bệnh. Các tiệm thuốc của các dược sĩ thời đó phải có sẵn các nguyên liệu để bào chế thuốc khi cần như sirop de framboise (còn gọi là si rô phúc bồn tử), đây là loại tá dược để bào chế ra thuốc dạng si rô cho trẻ nhỏ.

Với những thuốc cần bào chế theo toa sẽ được bác sĩ quy định về liều lượng phù hợp với thể trạng của bệnh nhân, ví dụ như tăng giảm liều lượng của nguyên liệu sản xuất thuốc. Một trong những bệnh áp dụng việc bào chế thuốc theo toa nhiều nhất là bệnh liên quan đến da liễu. Thời đó, Giáo sư. Thạc sĩ Nguyễn Văn Út là bác sĩ được nhiều người tin tưởng nhất bởi vì ông chữa bệnh về da liễu rất giỏi, lại có những công thức bào chế thuốc vô cùng hữu hiệu. Ngoài ra có những thuốc cần bào chế theo toa như thuốc bột trị bệnh đau bao tử (bao gồm Magnesium oxyd, Natri hydrocarbonat, Bismuth nitrat, than thảo mộc, Cao belladone) hay thuốc rượu Quinquina (nguyên liệu bao gồm cồn quế, cao canh-ki-na, si ro vỏ cam, cồn 90 độ, nước cất), và còn nhiều loại thuốc khác nữa.

Thêm nữa là có một số nhà thuốc tây còn có thể bào chế ra các loại thuốc dùng để trị khó tiêu, dư acid dạ dày. Các dược sĩ sẽ lấy tên nhà thuốc đặt cho tên đó rồi tiếp thị cho nhiều người khác, các loại thuốc sau khi được bào chế có công hiệu vô cùng tốt nên được nhiều người tin dùng và giới thiệu cho nhiều người khác nữa. Như vậy thì nhà thuốc sẽ được nhiều người biết đến hơn.

Có những dược phẩm khi nhắc đến thì những người lớn tuổi thời đó sẽ biết nhưng có lẽ những người trẻ tuổi hiện tại sẽ không biết đến chúng. Bởi vì thuốc cũng có cuộc đời của nó, cũng có hưng thịnh rồi lụi tàn. Chẳng hạn như thuốc giảm sốt Optalidon, thuốc kháng sinh Tetramycin, thuốc Tifomycine, thuốc Ganidan, thuốc Campolon,… Thời đại bây giờ ngày càng phát triển, dược phẩm cũng thay đổi ít nhiều, mỗi ngày đều có những loại thuốc mới ra đời nên những loại dược phẩm nổi tiếng khi xưa không còn nữa, nếu có thì cũng không thịnh hành hay phát triển bằng các loại thuốc ngày này. Nếu để so sánh sự thay đổi, phát triển và đào thải của thuốc tây thời đó, chắc câu nói “Tre già măng mọc” là thích hợp nhất để diễn tả điều này.

Tìm hiểu một chút về dược phẩm xưa. Ta có thuốc Optalidon, loại thuốc này có thể dùng để so sánh với loại thuốc Paracetamol bây giờ. Bởi vì nó là loại thuốc giảm đau, hạ sốt vô cùng hiệu quả thời xưa. Tên đầy đủ của nó là Optalidon à la noramidipyrine. Thành phần chính của thuốc là noramidipyrine. Trong thuốc Optalidon còn có thành phần thuốc butalbital, thành phần này thuộc thuốc ngủ barbiturate. Sự kết hợp của tất cả thành phần của thuốc giúp đem lại loại dược phẩm có chức năng trị đau đầu hiệu quả, đặc biệt là đau nửa đầu. Thế nhưng cũng phải nói thêm rằng butalbital là loại thuốc có tính chất gây nghiện, thế nên nhiều người đã mua thuốc Optalidon về uống bởi vì đây là loại thuốc bán tự do, mọi người ai cũng đều có thể mua được. Nếu một khi nghiện mà không uống thuốc thì sẽ bị đau đầu dữ dội. Nhận thấy được sự tai hại này, nhà thuốc Optalidon đã thay thành phần nhóm butalbital bằng caffeine kết hợp với noramidipyrine để tránh sự việc này không xảy ra nữa. Nhờ thế mà vấn đề này đã được giải quyết.

Sau năm 1975, thuốc Analgin được nhập từ Hungary, Bulgary có chứa thành phần noramidipyrine. Thậm chí thời đó người ta thấy thuốc có chứa noramidipyrine bán khá chạy nên đã sản xuất hàng loạt dược phẩm có chứa loại hoạt chất này. Những thuốc được sản xuất có thể được kể đến như Novalgine, Baralgin,… Tuy nhiên chính noramidipyrine là chất có thể gây ra tình trạng tai biến mạch máu não, nặng hơn thì làm mất bạch cầu hạt, những vấn đề đó đều gây hại rất lớn đến sức khỏe của người dùng nên sau này những loại thuốc như Optalidon, Novalgine, Baralgin đều không được sản xuất nữa.

Ngoài ra, việc làm dụng thuốc kháng sinh khi không cần thiết cũng là vấn đề gây đau đầu đối với các cơ quan chức năng. Bởi vì người dân không thực sự hiểu khi nào cần dùng thuốc nên đã mua và sử dụng thuốc bừa bãi. Chẳng hạn như chỉ cần ai đó bị cảm một chút là đã chạy ngay ra tiệm thuốc để mua thuốc “Ti phô” hoặc “Te tra” về uống. Ta có thể hiểu Ti phô mà mọi người nói là thuốc Tifomycine là đặc chế của Cloramphenicol, còn Tê ra là Tetramycine, đó chính là đặc chế của Oxytetracylin.

Thuốc giảm đau Campolon
Thuốc Optalidon
Thuốc Tetracyclin đã từng là loại thuốc phổ biến thời xưa

Nói về thuốc tây thì đúng là muôn hình vạn trạng, ngoài những loại thuốc được kể trên ra thì còn có một số loại thuốc khác như thuốc Ganidan là đặc chế của sulfaguanidnine dùng để trị tiêu chảy; thuốc Campolon là một loại thuốc bổ được trích tinh gan bò, có thể dùng để uống và tiêm trực tiếp. Tuy nhiên hiện tại không còn ai sử dụng những loại thuốc này nữa. Bởi vì nguy cơ lây nhiễm nhiều bệnh từ thuốc là điều không ai biết trước được.

Thuốc tây là thứ cần thiết để trị bệnh đối với mỗi người chúng ta. Tuy nhiên cũng không vì thế mà lạm dụng thuốc tây quá nhiều. Bởi vì cái gì cũng có mặt lợi và mặt hại của nó. Tốt hơn hết là bạn chỉ nên sử dụng thuốc theo đúng lời khuyên của bác sĩ. Và quan trọng hơn là bạn hãy giữ gìn sức khỏe cẩn thận để bản thân luôn mạnh khỏe, vì dù sao bạn cũng không nên làm “bạn” với thuốc.

5/5 - (1 bình chọn)

Viết một bình luận