Thần tượng điện ảnh của “trẻ thơ” và những “cô cậu mới lớn” thập niên 60-70

Thanh niên ở thế hệ tôi, tức là vào thập niên 60, ở miền Nam không được giáo dục để tôn thờ các anh hùng thời chiến. . .Giai đoạn đó miền Nam đang tận hưởng hòa bình, hình ảnh của chiến tranh và thực dân đang trở thành lịch sử, và được mọi người muốn quên đi. Người dân ngoài thời gian mưu sinh, họ còn đủ thời gian để nghĩ đến chuyện giải trí tinh thần, và nhờ thế những loại hình văn nghệ có cơ hội hình thành và phát triển. Có lẽ ở tuổi thơ của tôi những anh hùng của tôi là những anh hùng xa xưa thời chống “Tàu” xuất hiện trong những bài học lịch sử ở bậc tiểu học, và có thể trong số những anh hùng thời tổ tiên đó chúng tôi có ” tuyển lựa ” được một số thần tượng, tùy theo sở thích hay tính ý của từng đứa chúng tôi. Có đứa mê mẩn anh hùng Quang Trung với những trận đánh thần tốc, đứa thì lại mê Đinh bộ Lĩnh lúc còn là nhóc tì đã bày trò tập trận phất ngọn cờ lau. . .lại còn tùy theo lối giảng và cái ” hứng ” của những ông thầy, bà cô khi giảng dạy những bài học lịch sử trên.

LUCKY LUKE
LUCKY LUKE

Ngoài học đường, toàn bộ thời gian còn lại bên ngoài nhà trường chỉ là chơi đùa giải trí ( lúc ấy chưa có vụ học thêm môn này môn nọ, như sau này. ) Mà một trong những bộ môn giải trí đối với đám nhóc chúng tôi là xi-nê-ma. Nói nào ngay thì món giải trí này cũng phải con nhà khá giả mới được enjoy thường xuyên, chứ con nhà nghèo thường vui chơi những trò chơi. . .miễn phí như rủ rê đánh đáo,đánh vụ, thả diều, đá dế. . .vân vân ( có dịp ta sẽ trở lại những trò giải trí của con nít nhà nghèo thời xưa, mà tỷ lệ nhi đồng này khi xưa tôi tin rằng phải chiếm hơn 80% toàn quốc ). Còn nếu như con nhà nghèo muốn hưởng thụ món điện ảnh này thì chỉ thỉnh thoảng được ” xem hát bóng ” ở những rạp bình dân, tiền vé khiêm tốn, và có rạp còn trình chiếu đúp hai phim cùng một lúc, và dĩ nhiên là những phim đã cũ, đã ” quá đát “, nhưng không sao, đối với đám nhóc con nhà nghèo phim cũ hay mới không thành vấn đề, được vào rạp xem phim đã là một niềm vui khôn tả, nhất là được xem những phim “hạp gu ” như cao bồi uýnh nhau với mọi da đỏ, hay so kiếm tưng bừng như ba chàng ngự lâm pháo thủ, hay Tạc Dzăng vừa đu dây vừa hú vang rừng. . .vân vân là đã mê tít cung thang rồi. Đó là chưa kể phim hoạt hình ( ngày xưa thời chúng tôi gọi là phim hoạt họa, hay nôm na là. . .phim vẽ ! ). Thường thì mỗi xuất hát, trước khi chiếu phim chính ( feature ), họ thường cho chiếu kèm theo phim thời sự, và thỉnh thoảng một phim hoạt hình ngắn ( ngày ấy chưa có Ti Vi nên phim hoạt hình cũng được trình chiếu trong rạp hát, nếu là phim hoạt hình dài như ” Bạch Tuyết và bảy chú lùn “, hay ” Bambi ” chẳng hạn, thì chúng sẽ được chiếu như phim chính. Thường thì bọn nhóc đã làm quen với những nhân vật ” nổi tiếng ” của những phim hoạt hình này qua những truyện tranh trước đó ( comic books ) của Pháp, có khi là nguyên bản của Pháp, có khi là những truyện của Mỹ nhưng đã được những NXB Pháp dịch ra và in lại bằng tiếng Pháp, và những sản phẩm này lọt vào tay bọn nhóc con nhà giàu học trường Tây. Rồi chúng lại ” lưu lạc ” vào những xóm lao động nghèo, và cũng đã được các đấng nhi đồng con nhà nghèo tiếp đón nồng hậu, dù rằng cả một đám nhóc chụm đầu vào xem một cuốn truyện tranh của Tây mà không đứa nào hiểu một chữ trong đó. Tranh đã dẫn dắt chúng phiêu lưu vào thế giới những nhân vật đó cũng hấp dẫn không kém những người thông thạo tiếng Pháp vậy. Kỳ diệu thay những đầu óc trẻ thơ và trí tưởng tượng phong phú đến độ tuyệt với ! Ở đây tưởng cũng nên mở một dấu ngoặc để nói thêm một điều quan trọng hơn nữa để hiểu tại sao những nhân vật của sách hình và phim hoạt họa lại được phổ biến đến từng đứa nhóc kể cả con nhà nghèo trong khi chúng không có điều kiện để được tiếp cận với những hình giải trí thuộc ” tầng lớp cao “. Thật vậy, thời ấy không đứa nào là không biết Lucky Luke, Spirou & Fantasio, Peter Pan ( em bé bay ), Zoro, Tarzan, Mickey, Donald, Tintin& Milou. . .vân vân. Như đã nói ở trên, trẻ con xóm lao động có những trò chơi theo kiểu nhà nghèo ( nhưng rất đa dạng và phong phú ), trong số đó có những trò chơi ăn thua trao đổi những thứ ” đồ chơi ” như bi, bao thuốc lá, nắp chai thức uống giải khát ( mà thời ấy gọi là nút khoén ) và. . .”hình”.

ASTERIX & OPÉLIX
ASTERIX & OPÉLIX

” Hình” là tên gọi phổ thông mà trẻ con đặt cho chúng. Số là nhận thấy bọn trẻ con thích những loại trò chơi thi đua theo kiểu ăn thua và trao đổi nhau những thứ ấy thay cho tiền như người lớn, thế là mấy . . .anh Ba ở Chợ Lớn bèn nghĩ ra một sáng kiến sản xuất ra những tấm bìa cứng, khổ cỡ vở học trò có in những bức tranh vẽ tí hon ( cỡ 4×6 ). Mỗi tấm bìa như vậy có thể chứa 25 bức như thế. Thường là những truyện tranh rút ngắn không lời. Giá bán mỗi ” tấm ” như thế tương đối hời, hạp với túi tiền quà sáng của các em. Thế là bọn trẻ mua về rồi cắt ra thành 25 ” tấm nhỏ “, thế là chúng có quyền tham gia với bất cứ ai có ” hình” như chúng. Suốt ngày này qua tháng nọ, những ” hình ” đó mang theo những nhân vật ngày trở thành quen thuộc và phổ biến. Con nít mà không biết Tintin và Milou mới là chuyện lạ !! Tóm lại, dường như những thần tượng của đa số con nít thành phố ( ở thôn quê, trẻ con lại có những trò chơi khác ) ở những năm tháng đầu đời, tôi tin rằng những nhân vật của sách hình hay phim hoạt họa nước ngoài chiếm một phần rất lớn, nếu không muốn nói gần như là tất cả ( vì thực ra chúng có biết ” mê ” thần tượng nào khác đâu, và cho đến ngày nay tôi lại càng tin rằng những ảnh hưởng của những sách hình hay phim hoạt họa kể trên đã để lại những dấu ấn rất tốt đẹp và tích cực vào đầu óc trẻ thơ chúng tôi. Những giá trị nhân bản vô cùng nghiêm túc và đứng đắn về mặt giáo dục của những tác phẩm bằng tranh kể trên đến nay là một khẳng định không thể chối cãi ).

SPIROU & FANTASIO
SPIROU & FANTASIO

Công lớn nhất cho việc ” giáo dục trẻ con ” này phải kể đến hai ông ” khổng lồ “, một Pháp, một Mỹ. Đó là Walt Disney và tạp chí SPIROU ( một tạp chí Franco- Belgian ) với những nhân vật lẫy lừng như Tintin, Spirou, Fantasio, Massupilami ( vượn đốm ), Lucky Luke và anh em nhà Dalton, Asterix & Opélix. . .vân vân. Dù là những câu chuyện phiêu lưu hiện thực như Tintin, hay hư cấu giả tưởng như Spirou& Fantasio, Schtroump, hay anh hùng như Lucky Luke, ta đều nhận ra những thông điệp cơ bản nhất trong tính nhân văn hoàn toàn tích cực. Đối với riêng tôi, tôi không thể nào quên được hình ảnh của Lucky Luke ở cuối mỗi truyện, sau khi hoàn tất một ” sứ mạng ” tốt đẹp nào đó, thay vì như mọi người vui vẻ liên hoan, thì anh chàng lại âm thầm cưỡi ngựa ra đi dưới bóng hoàng hôn, miệng cất cao tiếng hát: ” Ta là một chàng cao bồi cô đơn khốn khổ, xa nhà.. .la là la. . .”

BAMBI
BAMBI

Trong thế giới hoạt hình của trẻ thơ, có bạo lực nhưng là thứ “bạo lực” vui vẻ, có tính hài hước và giáo dục, bạo lực đó không bao giờ gây ra thương tật hay chết chóc. Thực vậy chúng ta không tìm được một cái chết trong hoạt hình dù là chết vì. . .già. Chứ không như truyện tranh của ta, chỉ vì muốn trang bị cho con em một ” đạo đức cách mạng ” mà họ sẵn sàng cho những nhân vật ” thiếu nhi anh hùng ” tham gia trò chơi giết chóc và tàn sát để có đủ ” đức tính” mà trở nên những thiếu nhi, thanh niên yêu nước !! Tưởng cũng nên nhắc đến công đóng góp vào việc đem điện ảnh phục vụ cho các đấng nhi đồng, và đồng thời cũng tạo nên thần tượng điện ảnh cho trẻ con hiệu quả và phổ biến nhất. Đó là ” xi nê thùng ” được các ông chiếu dạo len lõi trong những xóm lao động. Với một cái thùng kín có đục những cặp lỗ cho mỗi một khán giả nhi đồng. Với năm hào, bạn có thể xem được một. . .phim ngắn cỡ 10 phút. ( Loại phim mini, dĩ nhiên là câm không có tiếng nói, và ông chiếu dạo đó kiêm luôn phần thuyết minh, ổng muốn nói hươu nói vượn gì cũng được) Và những phim phục vụ cho xi nê thùng cũng thường là phim ngắn hoạt hình và phim. . .” Sạc lô “có nghĩa là phim của Charlie Chaplin, mà nhân vật chính là Charlot. Có thể nói thần tượng điện ảnh đầu tiên của tuổi thơ chính là nhân vật ” Sạc lô ” này vậy.

YUL BRYNNER TRONG
YUL BRYNNER TRONG ” THE TEN COMMANDMENTS “

Sau khi rời khỏi bậc tiểu học, để bắt đầu ở ngưỡng cửa trung học, các cô cậu đang bắt đầu tập tành làm . . .người lớn. Không ” lớn ” sao được, khi mà nam sinh thì phải mặc quần tây dài với áo sơ-mi bỏ trong quần một cách nghiêm túc, còn nữ sinh thì phải mặc áo dài, dù có lóng ngóng, luộm thuộm thế nào chăng nữa, thì ít hay nhiều các nàng phải làm sao cho ra dáng . . .thiếu nữ chứ! Ở cái tuổi mới lớn, nhất là các cô cậu học trò thì thực là lắm chuyện, mà chuyện nào chuyện nấy cứ làm như là những chuyện lớn không thôi, không có chuyện nào là nhỏ cả. Và trong số vô vàn chuyện lớn đó là điện ảnh hay âm nhạc chiếm phần nhiều trong những lúc huyên thuyên với nhau. Học trò thì cũng phải biết. . .chơi chứ hổng lẽ đời sống chỉ có học thôi sao. Mà có món nào vừa chơi thú vị lại không hao tốn là bao ( đó là chưa nói đến các cô các cậu đã hơi trưởng thành và đã. . .bồ bịch với nhau, thì rủ nhau đi xem phim là một cái cớ tuyệt vời ), đó là xem phim hay nghe nhạc. dần dà đâm ra mê lúc nào không hay. Thậm chí có lúc. . .dám cúp cua chỉ vì muốn xem một phim hay ( mà chờ đến cuối tuần thì không kịp ). Thói quen biến thành ghiền, say mê. Tình hình như thế thì không sớm thì muộn cũng nảy sinh ra việc say mê thần tượng trong điện ảnh hay ca nhạc.

JOHN WAYNE MỘT THẦN TƯỢNG TRONG NHỮNG PHIM " CAO BỒI "
JOHN WAYNE MỘT THẦN TƯỢNG TRONG NHỮNG PHIM ” CAO BỒI “

Phải nói ngay là thời của tôi, khi nói đến xi nê hay ca nhạc, thì đám học trò chỉ nói đến điện ảnh và ca nhạc nước ngoài. Vì thực ra lúc ấy bói đâu ra. . .điện ảnh nước nhà, cũng như ca nhạc nước nhà. Cả hai lãnh vực này, cả điện ảnh lẫn tân nhạc đều ở giai đoạn phôi thai và xem ra thì không lớn mạnh được, cứ còi cọc như một đứa bé suy dinh dưỡng, thế cho nên làm sao có được những bộ phim đủ gây ấn tượng cho đám học trò, nói gì đến những ngôi sao điện ảnh đủ ” điều kiện ” để trở nên thần tượng cho những người hâm mộ. Do đó giới mê phim chỉ biết đếm phim nhập từ nước ngoài. Và nếu tôi nhớ không lầm thì có ba ” dòng” phim nhập chính: Phim phương Tây gồm phim Pháp, Ý và phim Anh Mỹ; phim Ấn Độ và phim Tàu chủ yếu là phim Đài Loan ( phim Hồng Kông chỉ mới xuất hiện sau này ).

MARK LESTER TRONG PHIM OLIVER
MARK LESTER TRONG PHIM OLIVER
OLIVIA HUSSEY TRONH PHIM ROMEO & JULIETTE
OLIVIA HUSSEY TRONH PHIM ROMEO & JULIETTE

Dưới chế độ Ngô đình Diệm, dường như mối quan hệ với Mỹ không được mặn mòi cho lắm, nhất là trong lãnh vực văn hóa. Những ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Pháp vẫn còn đó và dù đã giành được độc lập, nhưng chính phủ miền Nam vẫn có những giao lưu văn hóa với Pháp rất mật thiết. Những trường học Tây vẫnhoạt động ở miền Nam, theo chương trình giáo dục hoàn toàn của Pháp, chế độ thi cử đào tạo hoàn toàn nằm trong kế hoạch của bộ giáo dục. . .Pháp. Thế cho nên, trong sinh hoạt nhập phim từ châu Âu ( chủ yếu là Pháp và Ý, là hai nước có nền điện ảnh mạnh ở châu Âu ) hay từ Mỹ, thì những nhà nhập phim đã gần như chỉ có đối tác duy nhất là Pháp. Do đó dân thưởng ngoạn phim ảnh Tây phương ở VN đã phải tiếp cận phim Tây phương theo kiểu Pháp. Kiểu Pháp là sao? Là thế này: Số là, vào những năm tháng đó, khi mà Hollywood, dù đã lớn mạnh và luôn dẫn đầu trong công nghiệp điện ảnh thế giới, nhưng không đến nỗi. . .” đè bẹp ” những nền điện ảnh khác như hiện nay. Do vậy, điện ảnh châu Âu mà hai đại biểu xứng đáng là Pháp và Ý vẫn là những đối thủ cạnh tranh với Hollywood. Phim Mỹ khi được nhập vào Pháp đều được lồng tiếng Pháp, kể cả những đoạn casting cũng được edit lại bằng tiếng Pháp, tóm lại khi xem một phim Mỹ mà ai cũng tưởng đó là phim Pháp, sản phẩm điện ảnh của Pháp. Và những cuốn phim Mỹ modified như thế sẽ được du nhập vào thị trường VN. Dân VN xem phim tây thì chỉ đượcxem những phim sau khi đã trình chiếu ở Pháp đến ” nhão ” rồi mới tới được Sàigòn, và cho dù đó là phim Ý, Anh hay Mỹ người xem vẫn có cảm tưởng chúng là phim Pháp tuốt tuồn tuột. Dân Sàigòn khi nhắc đến một diễn viên điện ảnh Mỹ 100% mà khi phát âm thì cứ y như Pháp, chẳng hạn Marlon Brando, thì là ” mạc lông bờ răng đô ” người nào cũng hiểu đó là ai. Còn như bạn nói ” má lờn bờ rén đô ” thì có ma nó mới biết bạn đang nói về ai !!

ELVIS PRESLEY THẦN TƯỢNG CA NHẠC VÀ ĐIỆN ẢNH
ELVIS PRESLEY THẦN TƯỢNG CA NHẠC VÀ ĐIỆN ẢNH

Còn về ca nhạc, vì chưa có TV, nên đa phần các cô cậu thường mê thì có mê giọng hát cô này, anh kia, nhưng ít khi biết đến mặt mày họ ra sao, trừ những trường hợp siêu sao nổi như cồn, đang gây sóng gió, nhờ những thông tin từ báo chí, nên ” điều kiện ” để trở thành thần tượng cho giới thưởng ngoạn ở VN cũng không dễ dàng gì, không như những thần tượng điện ảnh. Và thế là những thần tượng điện ảnh theo chân những cuốn phim hay và ấn tượng đến VN, không phân biệt thể loại, không kỳ thị quốc tịch, chính kiến, Pháp như Brigitte Bardot, Jean Gabin, Alain Delon. . . Ý như Gina Lolobrigida, Sophia Loren,. . .Mỹ như Clark Gable, Carry Grant, Vivien Leigh, Liz Taylor. . . Giới học sinh, sinh viên, nhất là những anh chị đang yêu nhau, thì việc đi xem phim được coi như một trong những tiết mục không thể thiếu trong những ngày hò hẹn. Như trường hợp của người viết bài này, bây giờ mỗi khi nhắc đến phim ” Love story ” do Ryan O’Neal và Ali Mc Graw thủ diễn, hay nữ diễn viên trẻ đẹp Olivia Hussey ( mới 16 tuổi khi đóng phim này ) trong ” Romeo & Julliette ” thì bà xã tôi mắt cứ. . .long lanh. Thường thì những thần tượng điện ảnh khi được những ” fan ” nhắc đến, những thần tượng này luôn đi kèm với những cuốn phim ” đầy ấn tượng” của họ, như thể hồn và xác. Điều này dễ hiểu và đúng với mọi loại hình sinh hoạt nghệ thuật, chứ không riêng gì với điện ảnh. Với một tài năng diễn xuất trong điện ảnh, với một kịch bản thích hợp với vai diễn, dưới tài điều khiển của một đạo diễn ngon lành, với một nhà sản xuất chịu đầu tư cẩn thận và hết mình, thì một cuốn phim hay có khả năng ra mắt công chúng, và hoàn cảnh thuận lợi để một diễn viên trở thành ngôi sao có khả năng xảy ra, rồi từ một ngôi sao có khả năng duy trì cái vị trí của mình, ngôi sao ấy có cơ may trở thành thần tượng. Thực vậy, những ai ” mê ” Sophia Loren thì không thể không nhớ đến phim ” The fall of the Roman Empire ” mà dân VN biết đến qua cái tên Việt ” Ngày tàn của Đế quốc La Mã “. Cuốn phim để lại trong lòng dân chúng những dấu ấn sâu đậm đến nỗi têm phim đã trở nên một thứ thành ngữ trong ngôn ngữ thường ngày, thí dụ nói chuyện về một ông giám đốc bị phá sản, người ta nói: “…đúng là. . .ngày tàn của Đế quốc La Mã. . .” Nhắc đến Vivien Leigh hay Clark Gable thì phải nhắc đến ” Gone with the wind “, cũng như Liz Taylor bắt buộc phải đi kèm với ” Cléopatre “, hoặc ” Giant ” đóng chung với James Dean và Rock Hudson. Còn như bạn mê phim ” cao bồi ” Mỹ thì không thể quên John Wayne, Burt Lanscaster. . .Bạn tôn thờ những nữ thần nhục thể thì tôi chắc chắn cái tên Brigitte Bardot phải nằm trong danh sách, nếu không thì cũng phải Ursula Andrews. . .vân vân. Đến bây giờ khi nhớ lại khoảng thời gian hai thập kỷ dân miền Nam được biết đến và thưởng thức nền điện ảnh Tây phương, thử có một vài nhận xét xem những ảnh hưởng của chúng đối với dân mình nói chung, và đối với giới trẻ nói riêng. Theo quan điểm rất là cá nhân của riêng tôi là chúng không hề mang đến những ảnh hưởng tiêu cực, không có hiện tượng làm băng hoại cái. . .đạo lý cổ truyền của dân Việt. Cho dù vào thập kỷ 60’s và đầu thập kỷ 70’s, những phong trào như. . .tự do luyến ái, hippies, beatnik,. . .đã được giới trẻ tây phương cổ súy, nhưng những chuẩn mực nhân bản vẫn là một thứ nền tảng mà những nhà làm phim ( hay những người hoạt động nghệ thuật ở những lãnh vực khác ) đều, như là một thứ qui luật bất thành văn, âm thầm tôn trọng. Những bậc cha mẹ không đến nỗi phải thấp thỏm lo lắng khi biết con em mình mê xi-nê. ( bây giờ thì khác, phim ảnh ngày nay thì. . .haizzz ). Còn những đóng góp tích cực của điện ảnh phương tây cho xã hội VN lúc ấy thì sao? Tôi xin trả lời ngay, có đấy, và nhiều nữa là khác. Thực vậy, ngoài việc giới thiệu một loại hình nghệ thuật mới tinh khôi ( nó có tham vọng được xem là nghệ thuật thứ bảy, thật ra có mấy thứ nghệ thuật ở đời thì. . .bố tôi cũng không biết !! ) mang theo nó cái hình thức diễn cảm mới lạ, với một phương tiện và ngôn ngữ cũng khác với những hình thức diễn cảm của những hình thức nghệ thuật kinh điển, người ta thấy được sự khác biệt giữa sân khấu và điện ảnh ( có dịp chúng ta sẽ trở lại vấn đề này, mà mấy ông bà văn nghệ sĩ VN vẫn thường hay. . .lộn tiệm ). Có nhiều, rất nhiều người vẫn cho rằng điện ảnh là thứ nghệ thuật. . .phù phiếm, và đến nay qua hơn một thế kỷ sinh tồn và lớn mạnh, họ vẫn cứ chống đối điện ảnh đến cùng. Chẳng hạn như nhà văn Saroyan và Salinger là hai trường hợp tiêu biểu cho sự dị ứng với phim ảnh. Cá nhân tôi mê hai ông này như điếu đổ, nhưng mê mấy ổng không có nghĩa là phải đồng ý với mấy ổng về mọi thứ, phải thế không ? Tôi xin phép mê hai ông này và mê luôn. . .điện ảnh. Đó là chưa kể nó là một cái cầu nối giới thiệu với khán giả đến với. . .văn học, khi kịch bản phim dựa trên một tác phẩm văn học chẳng hạn. Tóm lại, sự đóng góp tích cực của phim ảnh vào xã hội miền Nam không đầy hai thập kỷ là có thật. Không ư? Không có phim ” ngày tàn của đế quốc La Mã ” dân dốt sử làm sao biết được ở phương tây khi xưa đã từng có một đế quốc hùng mạnh mà bây giờ không còn nữa, hay đã biến thành. . .hư không, một điển hình cho cái. . .lý vô thường ? Không có phim ” Thằng gù trong nhà thờ đức Bà ” với Anthony Quinn và Gina Lolobrigida trong hai vai Quasimodo và Esmeralda thì dân dốt văn học làm sao biết tò mò mà tìm đến với Victor Hugo ? Thế đấy, ít ra điện ảnh cũng thứ kích thích tố trong biển trời nghệ thuật. Còn như nếu bạn không đồng ý, muốn xổ toẹt mọi thứ hay đẹp của phim ảnh, thì cũng rộng lòng mà chấp nhận chúng như là một hình thức giải trí rất ư là. . .lành mạnh.

SYLVYE VARTAN NGÔI SAO CA NHẠC PHÁP
SYLVYE VARTAN NGÔI SAO CA NHẠC PHÁP
Đánh giá post

Viết một bình luận