Tản mạn về cơm tấm Sài Gòn và những hình ảnh thú vị về quán cơm vỉa hè ở Sài Gòn xưa

Đăng ngày 21/07/2024

Nền ẩm thực Việt Nam xưa nay luôn đa dạng về hương vị, màu sắc,… Đó là chưa kể 3 miền của Việt Nam nước ta còn có nhiều món ăn khác nhau. Chỉ riêng ẩm thực của miền Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng đã chiếm trọn trái tim của nhiều người, kể cả khách nước ngoài khi đến Sài Gòn du lịch cũng xuýt xoa với nền văn hóa ẩm thực ở đây. Những món ăn phổ biến được nhiều người thích thú ở Sài Gòn có món phở, bánh mì, và cả cơm tấm Sài Gòn.

Cơm tấm bắt nguồn từ đồng bằng sông Cửu Long khi mà cơm tấm trở thành món ăn phổ biến của những người nông dân nghèo. Vào những năm mùa màng không bội thu, không có nguồn thu nhập ổn định nên người nông dân đành phải dùng những hạt gạo vỡ (gạo tấm) để nấu thành cơm.Cơm tấm Sài Gòn: Biểu tượng giao thoa văn hóa ẩm thực giữa phương Đông và phương Tây

Cho đến những năm vào đầu thế kỷ XX thì món ăn này đã thực sự lan rộng ở các tỉnh Nam Bộ, sau đó trở nên phổ biến ở Sài Gòn đến nỗi bây giờ khi nhắc đến món cơm tấm, người ta lại nhớ đến món cơm tấm thơm ngon của Sài Gòn.

Để phù hợp với khẩu vị của người Sài Gòn, người ta bắt đầu thêm thắt các món ăn kèm theo như thịt nướng, sườn, trứng, bì, chả,… Đồng thời cách pha nước mắm ăn kèm cũng được làm lại để người Sài Gòn dễ thưởng thức hơn. Sau này người ta còn bày ra dĩa, sử dụng muỗng, thìa thay vì dùng chén, đũa để ăn.

Mặc dù cơm tấm bây giờ có nhiều phương pháp chế biến nhưng nhìn chung cơm tấm truyền thống sẽ bao gồm những thành phần sau:

  • Cơm: Được làm từ gạo tấm, là những mảnh vụn của hạt gạo khi xay, phơi khô hay vận chuyển. Ngày xưa thì gạo này sẽ được lấy từ những hạt gạo vỡ trên đồng lúa. Còn hiện nay với thời đại công nghiệp phát triển thì đã có máy móc phụ trách tách hạt gạo ra khỏi những hạt gạo nguyên vẹn.
  • Nước chấm: Nước chấm đơn giản nhất dành cho món cơm tấm là nước mắm mặn pha chung với nước lọc và đường. Nhiều quán cơm còn để hộp đường cạnh bàn ăn để người dùng pha thêm đường, tùy thuộc vào khẩu vị ăn là thích ngọt nhiều hay ít.
  • Mỡ hành: Đây là thành phần được xem là đắt giá của cơm tấm. Khi bạn nhìn vào cơm tấm sẽ thấy có một lớp mỡ bóng phía trên, đó là do mỡ hành tạo nên. Mỡ hành được làm từ dầu ăn hoặc mỡ động vật, rồi cho hành lá vào tạo thành hỗn hợp. Để cho ngon hơn thì người ta sẽ trộn thêm cả tóp mỡ chiên vào mỡ hành. Tuy đây là thành phần dùng để tạo màu sắc cho món cơm tấm nhưng nếu ai không thích ăn thì sẽ không cần cho thêm vào cơm.

Cơm tấm nhìn chung sẽ có những thành phần cơ bản như trên, còn đối với các món ăn kèm sẽ rất đa dạng. Chẳng hạn như là sườn, chả trứng, trứng ốp la, bì,… Đối với món sườn thì người ta sẽ ướp gia vị rồi nướng trên lò than. Trứng thì thường sẽ là trứng ốp la chứ ít ai dùng trứng chiên đánh đều. Trứng chả được làm từ trứng, cua, thịt bằm, miến, nấm mèo rồi xay nhuyễn ra rồi đem hỗn hợp này hấp, chưng thành hình khối để sẵn, lúc cần bán cho khách thì chỉ cần cắt thành miếng rồi bỏ vào dĩa cơm là xong. Còn bì là da heo cắt sợi, có thể trộn với gia vị hoặc không, dùng để ăn kèm với cơm tấm rất ngon. Thêm vào đó, mọi người cũng có thể ăn cơm tấm cùng với những món muối hoặc rau xanh như cà rốt, dưa leo, cà chua,… Ở Sài Gòn thường có những quán cơm tấm đêm, ở đấy người ta sẽ có thịt kho tàu, đồ xào, cá kho ăn kèm như món cơm thường.Cơm tấm Sài Gòn: Biểu tượng giao thoa văn hóa ẩm thực giữa phương Đông và phương Tây

Cơm tấm thường dễ bày bán ở ngoài đường như vỉa hè, hoặc cũng có nhiều quán cơm tấm mở ra ở Sài Gòn. Món ăn này không hề kén chọn, hầu như nó làm hài lòng tất cả thực khách từ tầng lớp thượng lưu đến tầng lớp bình dân. Khi bày cơm ra dĩa, người ta sẽ xới cơm ở trung tâm dĩa và bày miếng thịt sườn lên trên, xung quanh là các món ăn kèm. Có quán còn cho thêm cả một chén canh để húp. Đối với người Sài Gòn thì sẽ dùng muỗng và nĩa, còn một số nơi sẽ vẫn có hộp đũa để trên bàn phòng trường hợp có người cần ăn bằng đũa.

Nét đặc trưng nhất của cơm tấm chắc là mùi thơm nức mũi của miếng sườn nướng được người làm thịt lật qua lật lại trên bếp than cho đều tay. Việc lật miếng thịt trên than cũng phải làm cho khéo vì nếu không thì miếng thịt sẽ bị cháy khét. Khi đi ngang qua những tiệm cơm tấm ở vỉa hè, có một dấu hiệu dễ nhận biết gần đó có tiệm cơm tấm là khói mỏng bay qua đưa đến cho người đi đường mùi thơm thoang thoảng của sườn nướng. Cơm tấm Sài Gòn: 20 quán hút khách & cách làm chuẩn vị

Dĩa cơm tấm với những nguyên liệu quen thuộc xếp đều trên dĩa, nhìn có vẻ rời rạc nhưng khi ăn cùng thì dường như mọi thứ hòa quyện vào nhau tạo nên một món ăn tuyệt vời. Cơm tấm được xem là một nét văn hóa Sài Gòn, người ta còn có câu nói vui rằng: “Người Sài Gòn ăn cơm tấm như người Hà Nội ăn phở”.

Nói về món ăn vỉa hè ở Sài Gòn không chỉ dừng lại ở cơm tấm mà còn ở nhiều loại cơm khác. Từ thời xưa, trước khi có cơm tấm xuất hiện, người ta cũng đã bán cơm ở ngoài vỉa hè được nhiều người đến mua và ăn. Sau đây là những hình ảnh cơm vỉa hè ở Sài Gòn xưa, khi nhìn vào đây, bạn sẽ cảm nhận được sự giản dị chân chất của người Sài Gòn.