Từ xưa đến nay, đạo Nho được biết đến là một đạo chủ yếu bàn về các vấn đề chính trị, đạo đức,… Nho học du nhập vào Việt Nam và đã đi được một chặng đường dài trong lịch sử dân tộc ta. Trên chặng đường ấy, nó đã đóng góp một công lao lớn để làm nên truyền thống tư tưởng, văn hóa dân tộc, thúc đẩy sự phát triển của xã hội, con người Việt Nam. Trong đó, ảnh hưởng của Nho học đối với người phụ nữ Việt chính là học thuyết “tam tòng, tứ đức”. Đây được coi là một tiêu chuẩn đạo đức mà xã hội phong kiến xưa đặt ra dành cho người phụ nữ. Những người phụ nữ ngày xưa có thể không biết chữ nhưng bắt buộc phải hiểu rõ về “tam tòng tứ đức”. Chỉ cần có như vậy thôi thì cũng đã đủ để được xã hội công nhận là một người phụ nữ có sự giáo dưỡng tốt.
Từ khi Việt Nam bước sang thời kỳ đổi mới với nhiều thay đổi lớn trên các lĩnh vực khác nhau như: kinh tế, chính trị, văn hóa,… điều này cũng góp phần dẫn đến những sự thay đổi về yêu cầu, những tiêu chí đánh giá của xã hội đối với người phụ nữ. Hình ảnh người phụ nữ trong thời đại mới đòi hỏi phải đẹp toàn diện hơn, tài giỏi hơn, phải biết tích cực tham gia các hoạt động công tác xã hội và đảm đang trong công việc nhà. Ngoài ra, bên cạnh những nét đẹp hiện đại, người phụ nữ cũng cần phải giữ gìn những nét đẹp đặc trưng riêng của truyền thống quý báu dân tộc Việt. Tiêu chuẩn “tam tòng tứ đức” đã từng được coi là nền tảng của trật tự xã hội, cũng như quy phạm đạo đức được dùng để đánh giá một người phụ nữ thời xưa. Và đến ngày nay, tiêu chuẩn này bị nhiều người cho là lạc hậu. Thế nhưng đâu đó bên trong tiêu chuẩn này vẫn còn có nhiều sự thật đáng ngẫm nghĩ, góp phần làm nên giá trị của người phụ nữ xưa.
Tam tòng (ba theo) – Ba điều người phụ nữ xưa cần phải tuân theo
Tòng phụ mẫu có nghĩa là ở nhà thì cần phải nghe theo lời cha mẹ. Trong xã hội xưa, một người con gái ngoan ngoãn, thông minh, được mọi người đánh giá là có giáo dưỡng thì phải biết nghe lời cha mẹ, làm theo những lời cha mẹ yêu cầu. Thời xưa, người phụ nữ thường lấy chồng khá sớm nên khoảng thời gian được sống cùng với cha mẹ là vào lúc chưa trưởng thành, vì vậy nghe theo lời cha mẹ là việc nên làm. Dù sao đi nữa thì cha mẹ cũng là những người từng trải, có nhiều kinh nghiệm sống nên sẽ có cái nhìn sáng suốt hơn. Thế nên, biết nghe lời, tham khảo ý kiến của cha mẹ trước khi làm việc gì đó cũng được xem là một điều tốt.
Con người thời xưa rất đề cao chữ “hiếu”, phải biết nghe lời, kính trọng cha mẹ là một điều hiển nhiên. Chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua những câu chuyện về việc cha mẹ ép duyên con cái theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Nếu nói sự thật thì vấn đề này không phải là xuất hiện nhiều trong xã hội ngày xưa. Chẳng qua là trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật sân khấu đã thổi phồng những câu chuyện đó lên khiến cho nhiều người có cái nhìn thiên kiến về vấn đề này. Ở thời xưa, các bậc cha mẹ phần lớn đều là những người hiểu biết lễ nghĩa, đạo đức, phép tắc nên họ rất chú trọng trong việc giữ gìn tôn ti trật tự của gia đình, không muốn con cái tùy tiện làm những điều không đúng đắn. Đây được xem là một điều tốt, có ích trong việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái, vậy nên một người con gái biết nghe lời cha mẹ thì được đánh giá là người đáng trân trọng.
Có nghĩa là người con gái sau khi lấy chồng thì sẽ phải đi theo chồng, nhất quyết nghe theo lời chồng, một lòng một dạ với chồng và có trách nhiệm vun vén hạnh phúc gia đình, chăm sóc nhà cửa, giúp đỡ chồng làm nên sự nghiệp. Người con gái xưa thường lấy chồng ở độ tuổi còn rất trẻ nên tòng phu còn có nghĩa là thuận theo chồng, bởi vì người chồng sẽ là trụ cột trong gia đình, người mang lại kinh tế và gánh vác những công việc bên ngoài. Trước khi về nhà chồng, người mẹ sẽ dặn dò con gái phải biết cố gắng dốc hết sức giúp chồng con và hiếu thuận với cha mẹ chồng. Khi người con gái đi lấy chồng thì tình nghĩa vợ chồng cũng bắt đầu từ đó, vợ chồng phải tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau. Ở phương diện hôn nhân, “tòng phu” ý chỉ là người phụ nữ phải chung thủy với chồng, phải giữ trọn trinh tiết, không thất tiết. Một người phụ nữ như vậy thì mới có thể giữ được phẩm hạnh của mình và được mọi người trân quý.
Nghĩa là nếu như người chồng qua đời thì người vợ phải ở vậy để nuôi nấng con trưởng thành và mọi việc quan trọng trong nhà đều do người con trai quyết định. Nhưng bởi vì trong luân lý đạo đức của Nho giáo, từ trước đến nay có truyền thống tôn kính, coi trọng việc hiếu thảo với cha mẹ. Vì vậy con cái sẽ hiểu được nên làm gì và không nên làm gì để tránh làm những điều trái với đạo đức làm người. Đạo tam tòng không dạy người phụ nữ nghe lời một cách mù quáng, mà dạy cho họ sự hiền lành, biết nhún nhường trong thái độ cư xử với người khác và còn dạy cho họ biết hy sinh cái tôi của mình để mang lại sự hài hòa chung trong một mối quan hệ.
Trong xã hội hiện nay, nếu như “tam tòng” được hiểu theo một cách khái quát hơn thì đây cũng không phải là chuyện xấu. Ở độ tuổi trung học thời nay, đối với các bé gái thì “tòng phụ mẫu” không có gì là sai, các bậc cha mẹ sẽ tự biết cách dạy dỗ, nuôi dưỡng con cái sao cho phù hợp với lối sống của xã hội hiện đại. Khi đã trưởng thành và kết hôn, nếu như người phụ nữ biết “tòng phu” một cách khéo léo, thể hiện sự bao dung, nhường nhịn đúng lúc thì cũng được xem là một cách ứng xử thông minh, góp phần giữ vững hạnh phúc trong hôn nhân. Còn khi người chồng chẳng may qua đời, lúc ấy nếu như người phụ nữ có thể sẵn sàng hy sinh hạnh phúc của bản thân để trở thành điểm tựa tinh thần cho con cái, thì đó đúng thật là một người phụ nữ tuyệt vời.
Tứ đức – Bốn đạo đức, phẩm chất cần có ở một người phụ nữ
“Tứ đức” tức là bốn đạo đức cần phải có ở một cô gái thời xưa, đó chính là “công”, “dung”, “ngôn”, “hạnh”. Đối với một quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo như Việt Nam thì có lẽ cụm từ “công dung ngôn hạnh” đã không còn quá xa lạ với người nghe. Ngày xưa, người con gái từ mười tuổi trở về sau cho dù là không biết chữ thì cũng sẽ được gia đình giáo dục, dạy dỗ cách làm việc nhà, nấu ăn, thêu thùa, dệt vải, các lễ nghi cơ bản,… Trước khi đi lấy chồng thì người con gái cần phải thành thục về “công dung ngôn hạnh”.
Là việc nữ công, gia chánh phải khéo léo. Có nghĩa là người phụ nữ phải biết cách khéo léo trong cách làm việc, đảm đang, giúp đỡ chồng những việc trong nhà như may, vá, bếp núc,… Người xưa thường có quan niệm rằng đàn ông lo việc ngoài, còn phụ nữ thì lo việc trong nhà. Vậy nên sự nghiệp lớn lao của phụ nữ là chăm sóc tốt cho con cái và giữ gìn sự hạnh phúc của gia đình. Trong xã hội hiện đại ngày nay, người phụ nữ vừa giỏi trong việc xây dựng sự nghiệp, vừa chăm sóc tốt cho gia đình cũng không phải là điều trái với “tứ đức” xưa. Một người phụ nữ thông minh sẽ biết cách giữ cân bằng và xử lý tốt việc trong gia đình và bên ngoài, nếu như quá chú tâm vào công việc bên ngoài thì sẽ gây ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống gia đình.
Dung có nghĩa là dung mạo, là vẻ đẹp hình thức của người phụ nữ. Người phụ nữ có “dung” là một người biết cách ăn mặc thùy mị, đoan trang, phù hợp với hoàn cảnh. Thời xưa, các bậc cha mẹ thường rất cẩn thận trong việc giáo dục con cái về cách ăn mặc. Người phụ nữ không nên ăn diện quá mức, phải biết cách ăn mặc sao cho nhã nhặn, đứng đắn không làm mất đi đức hạnh của bản thân.
Ngôn là lời nói, người phụ nữ phải biết cách ăn nói nhã nhặn, khéo léo, dễ nghe,… không được nói những lời bậy bạ, thô tục. Một người phụ nữ biết khéo léo trong cách ăn nói là người phải suy ngẫm xem lời sắp nói ra có thích hợp và đúng lúc hay không. Không được dùng những lời không hay làm tổn thương người nghe, không được cướp lời của người khác. Khi nói chuyện với chồng con thì phải dùng lời lẽ dịu dàng, nhỏ nhẹ, khi giao tiếp với người khác thì phải nói chuyện rõ ràng, có chuẩn mực.
Hạnh được dùng để chỉ đạo đức, lòng nhân hậu,… đây là đức tính cuối cùng trong “tứ đức” và cũng được coi là đức tính quan trọng nhất. Một người phụ nữ có phẩm hạnh sẽ giáo dục con cái trở thành những người có đạo đức, về sau sẽ giúp ích được cho xã hội, cho đất nước. Ngoài ra, người phụ nữ có phẩm hạnh phải biết giữ thân như ngọc, một lòng một dạ đối với chồng con, phải biết hiếu thuận với cha mẹ thì mới được đánh giá là một người phụ nữ toàn diện.
- Ngược dòng thời gian, ngắm nhìn Sài Gòn xưa qua bộ ảnh quý của chợ Sài Gòn đã cũ
- Những tấm ảnh sắc nét nhất của đường phố Sài Gòn năm 1969
- Những bức ảnh quý hiếm về cuộc sống ở tỉnh Quảng Trị thập niên 60-70 – Phần 4
- Nhạc phẩm khắc họa nỗi nhớ của những người con tha hương đón tết xa nhà
- Bộ sưu tập ảnh hiếm về cuộc sống đời thường của Long An ngày xưa