Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về!
Đã có những người dân thầm lặng chiến đấu, thầm lặng mà cống hiến sức mình ở khu vực ngã ba sông, để bảo vệ một thành phố tươi đẹp trước sự tấn công của quân thù, trước cuộc chiến xâm lược của những con người xa lạ. Từ đó mới có câu nói trên và cũng được biết, ngày xưa, Gia Định là một tỉnh lụy hay được gọi kèm cùng với địa danh Đồng Nai. Gia Định chẳng phải là nơi nào xa lạ hay không người biết đến, mà nó là một vùng đất rộng lớn bao gồm cả khu Sài Gòn và Chợ Lớn của bây giờ, cùng với một phần của Định Tường ngày xưa, tên gọi là Phiên Trấn Dinh.
Thành Gia Định dưới thời của Minh Mạng đã là một tỉnh lớn (tức năm 1832), nhưng sau đó thì chia cắt thành sáu tỉnh: Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, tổ hợp này gọi là Nam Kỳ lục tỉnh. Đến năm 1835 dưới triều đại nhà Nguyễn, tỉnh Phiên An thuộc thành Gia Định được đổi tên thành tỉnh Gia Định. Nhưng đến thời kỳ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam thì giải thể (tức năm 1975). Địa bàn ngày trước của tỉnh Gia Định bao gồm thành phố Thủ Đức và một số quận huyện thuộc thành phố Hồ Chí Minh ngày nay: quận 7, quận 12, quận Bình Thạnh, quận Bình Tân, quận Gò Vấp, quận Phú Nhuận, quận Tân Phú, quận Tân Bình, huyện Bình Chánh, huyện Cần Giờ, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn.
Đi sâu vào lịch sử của tỉnh Gia Định đôi chút, theo tác giả Huỳnh Minh, Dinh Phiên Trấn từ năm 1698 – 1808 bao trùm diện tích cả thành phố Hồ Chí Minh và những vùng phụ cận ngày nay. Năm 1698, thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn vào kinh lý vùng đất phía Nam. Sau khi xem xét toàn cục, tiến hành các cuộc khai hoang và di dân, Nguyễn Hữu Cảnh đã lập ở đây phủ Gia Định bao gồm Dinh Trấn Biên và Dinh Phiên Trấn. Dinh Trấn Biên bao gồm huyện Phước Long tức Đồng Nai bây giờ. Dinh Phiên Trấn thì có huyện Tân Bình cũng là Sài Gòn ngày nay cùng với phủ lỵ phủ Gia Định. Đến năm 1790, sau khi tiến hành việc thu hồi đất của vùng Gia Định, chúa Nguyễn Ánh đã cho xây thành và mệnh danh nơi đây thành Gia Định Kinh. Năm 1802, Dinh Phiên Trấn thuộc trấn Gia Định, sau bốn năm tức năm 1808, Dinh Phiên Trấn lại được đổi tên thành tỉnh Phiên An.
“Địa vị” và “cấp hàm” của Gia Định cũng thay đổi dần theo từng thời kỳ thịnh trị của vua Gia Long và sự phát triển của chiến sự. Năm 1802, Từ sau khi công thành danh toại, vua Gia Long đã hạ cấp dần đối với Gia Định, từ ban đầu là Dinh Phiên Trấn, sau xuống còn “Gia Định trấn” rồi xuống cấp dần dần chỉ còn “Gia Định thành”, đến cuối cùng lại chỉ còn là “tỉnh Gia Định”. Từ năm 1866, dưới thời kỳ thuộc địa, quân Pháp cho dẹp bỏ đi tên tỉnh Gia Định mà thay vào đó là gọi tỉnh Sài Gòn cũng là địa bàn cũ của tỉnh Gia Định nhưng không chia thành phủ, huyện mà chia thành bảy hạt tham biện, trong đó có hạt Sài Gòn. Đến năm 1885, Pháp đổi hạt Sài Gòn thành hạt Gia Định để phân biệt với TP Sài Gòn. Rồi đến tháng 2 năm 1889, Pháp lại tiếp tục chia lại tỉnh Gia Định thành 5 tỉnh mới: Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Tây Ninh và Gò Công.
Dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa (năm 1956) Gia Định trở thành một trong 22 tỉnh của Nam phần (tức miền Nam Bộ), đây là chưa bao gồm Đô thành Sài Gòn. Năm 1957, tỉnh Gia định như đang “ôm” khu Đô thành Sài Gòn trong lòng khi gồm có 6 quận, 10 tổng và 61 xã. Sáu quận bao gồm Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè và Bình Chánh. Những thị trấn quan trọng là thị trấn Phú Nhuận (xã Phú Nhuận, quận Tân Bình),… Đến năm 1970, tỉnh Gia Định được chia thành 8 quận, ngoài sáu quận trên thì thêm hai quận nữa là: Quảng Xuyên và Cần Giờ. Tính đến năm 1974 thì tỉnh Gia Định bao gồm 8 quận, 74 xã, 351 ấp cùng với 1.422.653 dân. Thời đó, tỉnh Gia Định có những di tích lịch sử – văn hóa quan trọng như Lăng Ông Bà Chiểu (đúng tên là Lăng Lê Văn Duyệt, hay còn gọi là Thượng Công miếu – là khu mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt, sở dĩ có tên gọi “Lăng Ông Bà Chiểu” là vì lăng Ông nằm gần với khu chợ Bà Chiểu, nên người dân ở đây gọi gộp chung thành thế), lăng và miếu thờ Khâm sai Nguyễn Văn Học, lăng Phú Thành và đền thờ Trương Tấn Bửu, lăng và đền thờ Quận công Võ Tánh (Là tướng lĩnh của chúa Nguyễn, ông có công giúp chúa Nguyễn chống lại nghĩa quân Tây Sơn, cùng với ông là Đỗ Thanh Nhơn và Châu Văn Tiếp được gọi là “Gia Định tam hùng”)….. Cũng trong cùng thời điểm đó, trường nữ sinh Lê Văn Duyệt cũng được cho là học giỏi khắp toàn vùng Gia Định, Trường Trung học Trang trí mỹ thuật Gia Định (nay là Trường Đại Học Mỹ thuật) đào tạo bao thế hệ họa sĩ miền Nam, Bệnh Viện Nguyễn Văn Học là bệnh viện lớn nhất của tỉnh Gia Định, là nơi các bác sĩ y khoa tương lai của Sài Gòn – Gia Định đến thực tập… Tháng 5 năm 1975, tỉnh Gia Định (ngoại trừ 2 quận: Cần Giờ và Quảng Xuyên) được sáp nhập với Đô thành Sài Gòn thêm một phần các tỉnh Long An, Bình Dương, Hậu Nghĩa để trở thành thành phố Sài Gòn – Gia Định. Đến ngày 2 tháng 7 năm 1976, thành phố Sài Gòn – Gia Định được chính thức đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh cho đến ngày nay.
Chỉ vài dòng tóm lược ngắn gọn đã thể hiện được hai chữ “Gia Định” gắn liền với lịch sử hình thành thành phố Sài Gòn và những con người Sài Gòn hiền lành, chất phác. Có thể dân Sài Gòn nay còn lạ lẫm, nhưng dân Gia Định xưa chắc chắn không ai mà không biết danh “Gia Định Tam Gia” gồm Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh và Trịnh Hoài Đức – là người đã “vẽ” lại lịch sử của Sài Gòn – Gia Định qua quyển “Gia Định thành thông chí” (viết về miền đất Gia Định, là một sử liệu quan trọng về Nam bộ Việt Nam thời nhà Nguyễn). Cũng nhờ thế mà người Sài Gòn – TP.HCM ngày nay mới có cơ hội tìm hiểu một cách tường tận quê ta, sử ta nơi vùng đất Nam Bộ và HCM từ lúc sơ khai đến khi khải hoàn. Cả ba người họ đều là học trò cũ của Võ Trường Toản – hiệu Sùng Đức do chúa Nguyễn Ánh phong tặng (ông còn là một nhà giáo Việt Nam nổi tiếng “học rộng, có tài thao lược và đức hạnh hơn người” ở Gia Định vào thế kỷ XVIII).
Không chỉ là vùng đất của những bậc hiền tài, mà nơi đây, vùng đất Gia Định còn từng là bãi chiến trường tô thắm máu đào của hai dòng họ Nguyễn đối đầu, nồi da xáo thịt. Không chỉ thế, nơi đây cũng là chiến tuyến oai hùng của dân tộc Việt Nam, mà điển hình là nhân dân Miền Nam chống lại thực dân Pháp xâm lược. Hai chữ “Gia Định” đã tồn tại suốt 300 năm, nó đã trở thành một phần hồi ức oanh liệt được in hằn trong tâm trí của bao thế hệ Việt, lưu giữ mãi trong miền ký ức của dân ta.
Oai hùng là vậy, khí thế dâng trào khi nghe hai tiếng “Gia Định” là thế, nhưng thật tiếc thay, kể từ khi sát nhập thành Thành phố Sài Gòn hay ngày nay đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh, cái tên tỉnh “Gia Định” đã mất dần, chìm dần trong lớp bụi của thời gian. NOs thậm chí còn không được các cấp hàm văn hóa hay lịch sử nhắc đến nhiều, dù thân đã mang biết bao dấu tích anh dũng. Phải chăng mọi người đã quên đi từng có một tỉnh lỵ Gia Định, từng có một Gia Định Thành nơi mảnh đất phồn hoa của hiện tại? May mắn là, vẫn còn một rạp hát mang tên Gia Định (Cao Hồng Hưng cũ) để nhắc nhở tầng tầng lớp lớp thế hệ nhớ đến nơi Sài Gòn ngày nay chính là Gia Định xưa. Mừng thay khi nơi Bệnh viện Nguyễn Văn Học cũ lại được đổi tên thành BVND Gia Định để biết người Sài Gòn vẫn còn lưu giữ đôi chút ký ức về lịch sử xưa. Có nên hay chăng những lúc đặt lại tên đường, tên hẻm, tên công trình văn hóa, dù không phải người sinh ra nơi Sài Gòn – Gia Định cũng mong nhớ đến hai chữ thân thương “Gia Định” để không phụ lòng Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh đã đặt tên!
- Nếu không có ca khúc ‘Nỗi buồn gác trọ’, không có danh ca Phương Dung
- Thất phủ Thiên Hậu cung – Công trình tín ngưỡng của xưa tại Sài Gòn – Chợ Lớn
- Nhạc khúc buồn “Tình Lỡ” (Thanh Bình)
- Bước chân lẻ loi cùng tiếng nỉ non của người con gái nhỏ trong “Khóc Thầm” (Lam Phương)
- Cảm nhận về ca khúc “Ai nhớ chăng ai”