Sài Gòn xưa: Ngắm nhìn dáng hình của những ngôi trường xưa qua bộ ảnh hiếm

Không chỉ riêng những ngôi trường nổi tiếng mới được nhắc đến, Sài Gòn ngày xưa còn rất nhiều ngôi trường đã gắn liền với bao thế hệ học sinh. Hôm nay, cùng Thời Xưa điểm lại những ngôi trường đã cũ, có thể có nhiều người đã quên đi sự hiện diện của nó:

1. Trường Tiểu Học Jaureguiberry

Trường tiểu học Jaureguiberry, sau năm 1956 được đổi tên thành trường Centre Scolaire Saint Exupéry, nằm trên đường Thevenet (sau đổi thành đường Tú Xương).

Hiện nay, trường đã được thay đổi chức năng và xây dựng lại thành Sở Giáo Dục và Đào Tạo Thành phố Hồ Chí Minh.

Trường nằm tại góc Trương Định – Ngô Thời Nhiệm, gần bên cạnh phía sau trường nữ sinh Gia Long.
Nguyên tòa nhà sơn toàn màu đỏ.

2. Trường nữ Trung học Gia Long

Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (ngày trước trường có tên là trường nữ Gia Long) là một trường trung học phổ thông công lập ở Thành phố Hồ Chí Minh. Được thành lập vào năm 1913, đến nay trường là một trong những đơn vị lâu đời nhất của nền giáo dục Việt Nam.

Năm 1915, trường được xây dựng xong và cũng trong năm ấy trường khai giảng khóa đầu tiên; toàn quyền Đông Dương khi đó là ông Ernest Nestor Roume và Thống đốc Courbeil là người cắt băng khánh thành và tuyên bố khai giảng. Đồng phục khi này là áo dài tím, tượng trưng cho sự tinh khiết của phụ nữ Việt Nam nên trường còn có tên là Trường Nữ sinh Áo Tím. Ban đầu trường chỉ dành cho những nữ sinh cư ngụ tại Sài Gòn và vùng phụ cận, mãi về sau mới có cư xá dành cho nữ sinh đến từ các tình, thành phố khác.

Trường nữ sinh bản xứ, sau này là Trung học Gia Long. Nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai

Một phiến đá bằng cẩm thạch khắc chữ COLLÈGE DES JEUNES FILLES INDIGÈNES (Trường Của Những Thiếu Nữ Bản Xứ) được dựng lên trước cổng trường, tuy nhiên trường vẫn được biết đến nhiều hơn với cái tên Trường Nữ Sinh Áo Tím.

Hè năm 1940, trường bị chiếm đóng trở thành nơi tập trung của quân đội, nên trường buộc dời về trường tiểu học Ðồ Chiểu tại vùng Tân Ðịnh; cũng trong những năm 1940, trường đổi tên: Collège Gia Long, rồi Lycée Gia Long. Đến năm 1949, trường được trả lại đúng chức năng và quyên góp mở rộng tuyển sinh thêm học viên; cũng trong năm đó, nữ sinh trường cùng với nam sinh trường Petrus Ký tổ chức bãi khóa kỷ niệm ngày Nam Kỳ Khởi Nghĩa dẫn đến việc trường bị nhà cầm quyền cho đóng cửa.

Sân trường Gia Long năm 1931

Đến năm 1950, dưới sự đả đảo của phần đông học sinh các trường ở vùng phụ cận Sài Gòn – Gia Định mà trường được mở cửa trở lại. Bắt đầu từ năm 1952, chương trình giáo dục Việt bước đầu thay thế chương trình Pháp, một năm sau, đồng phục tím cũng được thay bằng áo dài trắng với phù hiệu của trường là đóa mai vàng khâu lên trên áo.

Sau sự kiện 30/4/1975, trường chính thức đổi tên thành Trường Phổ thông cấp 2-3 Nguyễn Thị Minh Khai. Sau đó, trường cấp 2 giải thể, chỉ còn lại cấp 3 cộng với việc tuyển sinh thêm học viên nam nên trường lần nữa đổi tên thành Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai tới bây giờ.

Công trường năm 1947
Cảnh giờ rước học sinh tại trường năm 1947. Hiện cổng này nằm trên mặt tiền đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Ảnh chụp bởi Thomas W. Johnson năm 1965
Trường Áo Tím Gia Long của những năm 1968 – 1969, không có sự thay nhiều so với năm 1965.
Nữ sinh Gia Long năm 1969
Nữ sinh Gia Long trong bộ sưu tập ảnh của James A. Brosman năm 1969
Sân trường rộp bóng ở trường, giờ ra chơi của học sinh
Bầu cử Hạ Nghị Viện năm 1971 tại trường Gia Long

3. Trường Nữ Trung học Trưng Vương

Trường Nữ Trung học Trưng Vương là tiền thân của Trường Trung học phổ thông Trưng Vương, thành lập năm 1954, gồm thành phần nhân sự chủ yếu từ các giáo viên học sinh trường Trưng Vương Hà Nội di cư vào Sài Gòn sau Hiệp định Genève 1954.

Cổng trường Trưng Vương trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm

Năm học đầu tiên trường phải học nhờ trường nữ trung học Gia Long (khóa buổi chiều). Đến năm 1957, trường Trưng Vương dời về số 3 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, nguyên trước đó là bệnh viện của Quân đội Pháp mang tên Quân y viện Coste, gần Sở Thú Sài Gòn và trường trung học Võ Trường Toản (Sài Gòn).

Nữ sinh Trưng Vương đang thực hiện chào đón người tham gia Ngày Truyền Thống Trưng Vương
Nữ sinh Trưng Vương năm 1972

Ngày 7 tháng 9 năm 1963, nhiều học sinh trường đã tham gia bãi khóa tại sân trường nhằm biểu thị chống việc chính phủ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Sau năm 1975, trường đổi tên thành Trường Phổ thông Trưng Vương cấp III, dạy học cho cả nam lẫn nữ học sinh.

Ảnh kỷ niệm của hội học sinh Trưng Vương năm 1974
Nữ sinh Trưng Vương trong bộ Hanbok Đại Hàn Dân quốc năm 1974

4. Trường nữ Marie Curie

Đây là một trong những trường trung học lâu đời nhất của Sài Gòn và là trường duy nhất không thay đổi tên ban đầu do người Pháp đặt. Trường được đặt tên theo nhà khoa học Marie Curie.

Ngay khi Pháp chiếm xứ Nam Kỳ, người Pháp đã thiết lập trường học để giảng dạy tiếng pháp và tiếng An Nam, mở trường bổn quốc và trường nữ. Như vậy, Trường nữ sinh Marie Curie được thiết lập trong khoảng từ năm 1858 đến 1862 (năm Pháp dành quyền bảo hộ xứ Nam Kỳ theo Hòa ước Nhâm Tuất 1862).

Sau khi Nhật tiến vào Đông Dương năm 1941, trường bị trưng dụng làm bệnh viện, buộc phải chuyển địa điểm sang một trường mẫu giáo ở đường Phạm Ngọc Thạch ngày nay. Một năm sau, trường được trả lại và dời về địa điểm cũ với tên gọi mới là Trung học cơ sở Calmette. Sau khi Pháp tái chiếm Sài Gòn, trường được đổi tên thành Trung học Lucien Mossard. Đầu năm 1948, trường trở lại với tên gọi cũ là Trung học Marie Curie, mãi đến thời kỳ Việt Nam Cộng hòa, trường chỉ tuyển nữ. Đến năm 1970, trường mới đào tạo cả nam lẫn nữ.

Trường nữ sinh Lycée Marie Curie của những năm thập niên 1950

Năm 1997, trường được đổi tên thành Trung học phổ thông bán công Marie Curie. Trước đây, trường từng là trường trung học phổ thông lớn nhất Việt Nam với hơn 5000 học sinh mỗi năm. Trường dạy hai ca sáng và chiều với tổng cộng 90 đến 100 lớp trong hơn 50 phòng học. Hiện nay, để tăng chất lượng giáo dục, trường đang giảm dần sĩ số. Hiện trường có gần 200 giáo viên, nhân viên, và hơn 3000 học sinh, với trên 70 lớp.

Sau này là trường Marie Curie, trên đường Công Lý (là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay)
Cổng trường Marie Curie ở số 159 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3
Hình ảnh trường được lưu lại năm 1974
Không ảnh trường Marie Curie ngày nay

5. Trường Lê Qúy Đôn

Sau khi chiếm được toàn cõi Nam Kỳ, ngày 14 tháng 11 năm 1874, Thống đốc Nam Kỳ, Chuẩn Đô đốc (Contre-amiral) Pháp Jules François Emile Krantz (1821 – 1914) đã ký nghị định thành lập một ngôi trường trung học tại Sài Gòn nhằm phục vụ nhu cầu đào tạo con em những người Pháp tại Sài Gòn. Trường được khởi công xây dựng ngay vào năm 1874 và hoàn tất vào năm 1877.

Lúc đầu trường có tên Collège Indigène (Trung học bản xứ), không lâu sau được đổi tên thành Collège Chasseloup Laubat, theo tên Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại (còn gọi là Bộ Thuộc địa) lúc bấy giờ là Hầu tước François de Chasseloup-Laubat.

Collège Chasseloup Laubat

Ban đầu, trường chỉ nhận các học sinh người Pháp, đến đầu thế kỷ 20 thì mở rộng để nhận thêm học sinh người Việt, tuy nhiên phải có quốc tịch Pháp. Do đó, trường phân biệt thành 2 khu: Khu dành riêng học trò người Pháp – gọi là Quartier Européen và khu dành cho học trò Việt có học thêm giờ tiếng Việt – gọi là Quartier indigène (khu bản xứ).

Ngày 28 tháng 11 năm 1927, Toàn quyền Đông Dương G. Gal ra một nghị định thiết lập tại Chợ Quán một phân hiệu tạm thời của Collège Chasseloup Laubat dành cho học sinh người bản xứ lấy tên là Collège de Cochinchine.

Trường Lê Qúy Đôn năm 1969

Sau năm 1954, với dụng ý tránh gợi nhớ thời thuộc địa, trường được đổi tên là trường Jean Jacques Rousseau, dạy chủ yếu là học sinh người Việt, nhưng vẫn do người Pháp quản lý. Đến 1967, trường được trả lại cho Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng hòa và trở thành Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn.

Từ năm 1975, chính quyền Việt Nam vẫn giữ tên gọi Lê Quý Đôn cho ngôi trường này, tuy nhiên phân tách thành hai khu dành cho học sinh cấp II (trường THCS Lê Quý Đôn) và khu dành cho học sinh cấp III (trường THPT Lê Quý Đôn). Đây là ngôi trường trung học đầu tiên của Sài Gòn và cổ xưa nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trường Lê Quý Đôn trên đường Lê Quý Đôn. Cuối đường Lê Quý Đôn là ngã ba Hồng Thập Tự – Lê Quý Đôn ( dãy nhà chắn ngang đằng xa là cạnh hông Dinh Độc Lập ngã ba Hồng Thập Tự – Lê Quý Đôn)

6. Trường Trung học Pétrus Trương Vĩnh Ký

Sau sự ra đời của trường Collège Chasseloup-Laubat (năm 1874) và trường Collège de Jeunes Filles Indigèges (trường nữ Gia Long) (1915), chính quyền thuộc địa Nam Kỳ mở thêm trường bậc trung học tại Sài Gòn. Năm 1925, kiến trúc sư Hebrard de Villeneuve được giao nhiệm vụ vẽ đồ họa xây cất cho ngôi trường mới tại Chợ Quán.

Năm 1928, khi các khu trường mới xây dựng xong, ngày 11 tháng 8 năm 1928, Toàn quyền Đông Dương tạm quyền René Robin ký nghị định số 3116 gồm 6 điều thành lập tại Chợ Quán, kể từ kỳ tựu trường 1928-1929 một trường Cao đẳng Tiểu học Pháp bản xứ, chuyển giao phân hiệu tạm thời với trên 200 học sinh của Collège Chasseloup Laubat nói trên vào trường này, có sáp nhập một hệ Trung học Đệ nhị cấp bản xứ (Lycée) đặt tên trường là Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký hay còn gọi là Lycée Pétrus Ký.

Không ảnh năm 1929, khi trường đang trong quá trình xây dựng

Ngày 19 tháng 10 năm 1975 là ngày khai giảng năm học 1975-1976, năm học đầu tiên của trường dạy theo chương trình giáo dục mới. Trường cũng đổi tên thành trường Trung học cấp 2-3 Lê Hồng Phong. Năm học 1980-1981, trường chính thức mang tên trường Phổ thông Trung học Lê Hồng Phong, và mở lớp 10 chuyên Toán đầu tiên tại trường, thu nhận 25 học sinh có năng khiếu Toán của thành phố, mở đầu cho truyền thống hiếu học sau 1975. Đến năm 1990, trường đổi tên thành Trung học Phổ thông Chuyên Lê Hồng Phong, với mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi có năng khiếu dự thi Học sinh giỏi Quốc gia và Quốc tế.

Đây được xem là một trong 5 trường Trung học Phổ thông chuyên có chất lượng giáo dục tốt nhất miền Nam hiện nay.

Khuôn viên sân trường năm 1931
Trường Petrus Ký năm 1931

7. Trường Trung học La San Taberd

Khoảng cuối năm 1865 có sáu sư huynh dòng La San rời Toulon, Pháp sang Việt Nam. Khi đến Sài Gòn vào đầu năm 1866 các sư huynh tham gia quản giáo trường Trung học Adran (Collège d’Adran) vốn đã được các linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris mở ở Sài Gòn từ năm 1861. Nhưng đến năm 1879, chính quyền ở Pháp thay đổi chính sách, ngưng cấp học bổng và không tài trợ nữa. Trường Adran buộc phải đóng cửa vào khoảng năm 1887.

Trường Trung học La San Taberd

Vào năm 1873, Linh mục Kerlan (1844 – 1877) quyết định mở một trường nghĩa thục dạy các trẻ bị bỏ rơi, trong số đó có nhiều trẻ em lai. Trường được gọi theo tên của Jean-Louis Taberd, Giám mục địa phận Nam Kỳ từ 1830 đến 1840. Do gặp khó khăn về tài chính, Linh mục Kerlan mời các sư huynh Dòng La San (Les frères des Ecoles Chretiennes Jean Baptiste de La Salle) trở qua giúp ông. Năm 1890, các sư huynh tiếp nhận trường tư Taberd, lúc đó có khoảng 160 học sinh mà một nửa ở nội trú.

Tượng thánh John Baptist de La Salle trong sân trường

Số học trò theo học tăng nhanh, nên năm 1897, trường Taberd được mở rộng thêm và hoạt động ổn định đến năm 1975. Trường này vốn là sản nghiệp riêng của Hội truyền giáo Công giáo, có công và thanh danh lớn trong việc đào tạo nhân tài trong xứ thời bấy giờ.

Trường tọa lạc ở số 53 đường Nguyễn Du, Sài Gòn, gần góc đường Tự Do (sau này là đường Đồng Khởi). Ngoài trường La San Taberd tại Sài Gòn, còn có các phân hiệu trường Taberd tại những nơi khác, như tại Mỹ Tho, Vũng Tàu,…

Học trò xưa của trường La San Taberd (Sài Gòn) những năm của thập niên 1910.

8. Trường Tư Thục Nguyễn Duy Khang

Được thành lập từ năm 1956, trường trải qua bốn lần đổi tên: ban đầu là một trường tư thục thuộc Giáo hội Công giáo tên là Trường Tư Thục Nguyễn Duy Khang thành lập ngày 13 tháng 3 năm 1956. Từ năm 1975 – 1978 trường có tên là Trường PTTH Lạc Hồng, rồi sau đó là Trường Thạnh Mỹ Tây (1978 – 1994) và sau cùng là tên gọi như hiện nay, Trường THPT Gia Định (18 tháng 11 năm 1994 – nay). Từ năm học 2017 – 2018 trường chính thức chuyển sang cơ sở mới ở đường Võ Oanh, quận Bình Thạnh.

Trường Nguyễn Duy Khang của những năm 1969 – 1970

9. Trường Trung học Mạc Đĩnh Chi

Trường Trung học Mạc Đĩnh Chi được thành lập năm 1957, là một trong những trường top đầu của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, trường Trung học Mạc Đĩnh Chi là một trong những ngôi trường công nổi tiếng của Sài Gòn thu nhận học sinh gồm cả hai bậc học “Trung học đệ nhất cấp” và “Trung học đệ nhị cấp”.

Trường Mạc Đĩnh Chi năm 1964 – Phú Lâm, Chợ Lớn.

Từ một ngôi trường với từ 20 đến 30 lớp học vào thập niên 70, 80, đến những năm 90 số lượng học sinh của nhà trường tăng lên liên tục và đến năm học 1999 – 2000 đã có đến gần 100 lớp với hơn 4000 học sinh. Trường đã trải qua qua nhiều đợt tu bổ, sửa chữa, xây mới: 8 phòng học khu nhà dãy B, phòng thí nghiệm, phòng bộ môn Hóa, Sinh, Vật lý, trung tâm tin học, phòng bảo vệ, nâng cấp sân trường…Năm 2000 thực hiện phương án kích cầu xây mới thêm 32 phòng học đáp ứng nhu cầu học tập của các học sinh trên địa bàn quận 6 và một số quận, huyện lân cận.

Trường phổ thông cấp 3 Mạc Đĩnh Chi sau năm 1975

10. Trường Nguyễn Bá Tòng

Trước giải phóng, trường có tên là Trường nữ trung học Nguyễn Bá Tòng, một trường tư thục công giáo. Trường lấy tên của vị Đức Giám Mục tiên khởi – Công Giáo Việt Nam là Nguyễn Bá Tòng. Từ năm 1956-1971, trường Nguyễn Bá Tòng được chia làm hai nửa, một nửa là dành cho nam sinh, một nửa là dành cho nữ sinh, mặc dù vẫn là chung trường nhưng được chia ra đào tạo riêng nam và nữ.

Trường Nguyễn Bá Tòng của những năm thập niên 1960

Sau giải phóng, trường được vinh dự mang tên vị nữ anh hùng dân tộc Bùi Thị Xuân (kể từ năm học 1977 – 1978). Từ đó đến nay, trường THPT Bùi Thị Xuân ngày càng phát triển, không những về học tập mà còn nhiều hoạt động khác : văn nghệ, thể dục thể thao, công tác xã hội …, trường sở cũng ngày càng mở rộng, đẹp hơn, tiện nghi hơn.

Ảnh chụp trường năm 1972

11. Trường cao đẳng Quốc phòng

Trước đây, tòa nhà đã từng là Foyer du soldat et du marin, được thành lập vào năm 1890 bởi tướng Théophile Pennequin (1849 – 1916) với mục đích là nơi sinh hoạt của binh lính Pháp.

Vào năm 1936 – 1937, nơi này được xây dựng lại bao gồm một quầy bar, một thư viện, một sân khấu nhỏ và thiết bị thể thao ngoài trời, bao gồm một hồ bơi. Nhưng sau khi người Pháp ra đi, dưới thờchính quyền Ngô Đình Diệm thì nơi này lại được biến tấu trở thành câu lạc bộ của đảng cần lao nhân vị. Riêng Piscine du Foyer,  sau đó bàn giao cho Mission Culturelle Francaise và trở thành piscine de l’O.S.S.U (Office du Sport Scolaire et Universitaire) do Ong Jacques Flouret làm Giám Đốc từ 1955 – 1961.

Trường Cao Đẳng Quốc Phòng, nay là Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Năm 1967, dưới thời Việt Nam Cộng hòa để phục vụ cho mục đích đào tạo các sĩ quan cao cấp cho chính quyền Sài Gòn mà chính quyền cho trưng dụng nơi đây thành trường Cao đẳng Quốc phòng.

Nhưng đến ngày 27/7/1987, trường được xây dựng lại và biến thành loại hình Bảo tàng Lịch sử Quân sự trưng bày các hiện vật, hình ảnh, sa bàn liên quan đến cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng.

Ảnh chụp của Wilkinson vào ngày 2 tháng 1 năm 1972
Trường nằm ở khúc cuối đại lộ Thống Nhất gần Thảo Cầm Viên.

12. Trường Đại học Y khoa Sài Gòn

Trường Đại học Y khoa đầu tiên ở Việt Nam là Trường Y khoa Hà Nội được thành lập năm 1902 đặt ở Hà Nội. Năm 1904 trường đổi tên thành Trường Y khoa Đông Dương và trực thuộc Viện Đại học Đông Dương (tiếng Pháp: Université de l’Indochine) vào năm 1906.

Năm 1947 trường mở thêm một trường phụ thuộc ở Sài Gòn với tên Faculté de Médecine et de Pharmacie de Hanoi, Section de Saigon. Sau Hiệp định Genève năm 1954, cơ sở và nhân sự được dời từ ngoài Bắc vào Sài Gòn dưới tên mới: Trường Đại học Y Dược khoa, Viện Đại học Quốc gia Việt Nam, là môt phân khoa đại học của Viện Đại học Sài Gòn.

Bảng đề phía cổng trước của Trường Đại học Y Khoa Sài Gòn

Trụ sở của trường là số 28 đường Testard gần góc với đường Barbé (sau năm 1955 đổi là Trần Quý Cáp và Lê Quý Đôn). Đó nguyên là đất cũ của ngôi chùa Khải Tường lịch sử. Sang thời Pháp thuộc chùa bị phá. Lấp lên trên nền chùa cũ là biệt thự tư gia.

Năm 1940, nữ bác sĩ Henriette Bùi đã mở một dưỡng đường sản phụ khoa ở ngay vị trí đó.

Năm 1956, khi bệnh viện Nhi đồng được mở trên đường Sư Vạn Hạnh – cơ sở y tế đầu tiên tại Việt Nam dành riêng cho nhi khoa. Thì cùng năm đó trường cũng mở riêng Cơ thể học Viện ở đường Trần Hoàng Quân, cạnh Bệnh viện Hồng Bàng.

Tháng 8/1961, Trường Y Dược khoa tách Y khoa và Dược khoa làm hai. Năm 1963 thì tách Nha khoa ra khỏi. Cũng vào những năm này các giáo sư người Pháp lần lượt giải nhiệm và ban giảng huấn chuyển qua tay người Việt. Năm 1962 là năm cuối cùng bằng Bác sĩ Y khoa của Viện Đại học Sài Gòn được công nhận tại Pháp.

Bộ sưu tập ảnh của Jim Brown giai đoạn 1966-1967
Bên trái là giảng đường lớn

13. Trường Đại học Sư Phạm

Tiền thân của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh là Phân khoa Sư phạm (Faculté de Pédagogie) thuộc Viện Đại học Sài Gòn (còn gọi là trường Đại học Sư phạm Sài Gòn), được thành lập vào năm 1957 dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa.

Sau khi Việt Nam thống nhất, ngày 27 tháng 10 năm 1976, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 426/TTg thành lập Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở của Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn.

Trường Đại học Sư phạm Sài Gòn của những năm thập niên 1960.

Năm 1995, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã được nhập vào làm một thành viên của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, vào năm 1999, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức lại trên cơ sở chia tách và thành lập mới. Theo đó, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh lại được Thủ tướng Chính phủ tách ra thành một trường trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.

Trường Đại học Sư Phạm Hồ Chí Minh

14. Những ngôi trường khác

Trường tiểu học Sao Mai – ảnh chụp của những năm 1966 – 1967

Trường Tiểu học Tư thục Sao Mai nằm trên đường Công Lý (sau này là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa), nằm cạnh chùa Vĩnh Nghiêm, ngay chân cầu Công Lý. Đây là một ngôi trường được xây dựng dưới thời Việt Nam Cộng hòa, là ký ức của biết bao thế hệ học trò Sài Gòn.

Học sinh của trường Trần Lục Sài Gòn

Trường Trần Lục được thành lập năm 1950 tại Phát Diệm (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình). Đến năm 1954,  trường Trần Lục di cư vào Nam (bao gồm cả ban giám hiệu cùng toàn bộ học sinh) và tạm trú tại trường Đồ Chiểu, Sài Gòn. Đến năm 1971 thì chuyển đến Cư xá Sĩ quan Chí Hòa (Quận 10, Sài Gòn) và đổi cái tên mới Trường THPT Nguyễn Du.

Nữ sinh trường Lê Văn Duyệt bên cạnh những chiếc xe đạp velo solex

Trường nữ sinh trung học Lê Văn Duyệt được thành lập vào năm 1957, chính là trường THPT Võ Thị Sáu hiện nay, tọa lạc tại số 95 đường Đinh Tiên Hoàng, Phường 3, Quận Bình Thạnh, HCM. Đây được xem là một trong những trường trung học phổ thông có chất lượng giáo dục tốt hiện nay.

Ban đầu, trường có tên là Trung học Trương Tấn Bửu tọa lạc trên đường Chi Lăng, gần Lăng Ông thuộc xã Bình Hòa tỉnh Gia Định. Nơi này hiện nay chính là nơi thờ phượng Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, thuộc khuôn viên của  trường Tiểu học Nam tỉnh lỵ, nay là trường THCS Lê Văn Tám.

Đến năm 1959, trường vẫn nằm ở vị trí cũ nhưng tách ra thành hai trường nam và nữ. Nam sinh thì học tại trường Hồ Ngọc Cẩn, nay là trường Nguyễn Đình Chiểu. Còn trường nữ sinh được dời về vị trí của một lô đất mới thuộc đại lộ Lê Văn Duyệt (sau này là đường Đinh Tiên Hoàng) nên trường cũng đổi thành trường Lê Văn Duyệt.

Trường trung học Trang trí Mỹ thuật Gia Định (nay là Đại Học Mỹ Thuật)

Năm 1901, chính quyền Pháp mở Trường Mỹ nghệ đồ mộc ở Thủ Dầu Một, đào tạo thợ có khả năng làm bàn ghế tủ gồm 4 bộ môn: sơn nhựa (sơn ta), làm đồ danh mộc, chạm gỗ chạm ngà khảm xà cừ và trang trí. Năm 1903, thành lập Trường Mỹ nghệ Biên Hoà chuyên dạy nghệ thuật gốm và đúc tượng nhỏ bằng đồng “theo kiểu Trung Quốc mà người Pháp yêu thích”.

Đến năm 1917 được mang danh hiệu là Trường Trang trí Mỹ thuật Gia Định, một trường mỹ thuật duy nhất miền Nam được xếp vào bậc trung học chuyên nghiệp đệ nhất cấp và đã được nhận làm hội viên của Hiệp hội Trung ương Trang trí mỹ thuật Paris (Membre perpétuel de L’union Centrale des Arts décoratifs de Paris).

Vào tháng 10 năm 1954, sau khi Hiệp định Genève được ký kết, đất nước tạm chia ra làm hai miền, một số hoạ sĩ tiến bộ đã tổ chức hội nghị giáo khoa mỹ thuật – mỹ nghệ tại Gia Định và đề nghị thành lập một trường cao đẳng mỹ thuật tại Sài Gòn. Nhưng mãi đến ngày 31 tháng 12 năm 1954, chính quyền Sài Gòn mới chấp thuận đề nghị này và ra Quyết định số 1192/GĐ thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn.

Ngày 29 tháng 9 năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng lại ra quyết định đổi tên trường thành Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Lycée Franco Annamite nay là trường Đại học Sài Gòn trên đường An Dương Vương.

Đại học Sài Gòn được xây dựng vào năm 1908 theo sáng kiến của ông Tạ Mã Điền với tên gọi ban đầu là trường Trung học Pháp – Hoa (tên tiếng Pháp là Lycée Franco- Chinois). Sau đó, trường được đổi là Bác Ái học viện, dành riêng cho con em Hoa kiều đang định cư tại Việt Nam theo học.

Sau năm 1975, trường trở thành Cao đẳng Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2007, trường chính thức được nâng cấp thành Đại học Sài Gòn và là cơ sở giáo dục đại học công lập trực thuộc UBND TP.HCM.

Mô hình trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức thuộc Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn.

Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức là một trong ba trường trung học Kiểu Mẫu đầu tiên tại Việt Nam, ngoài trường Trung Học Kiểu Mẫu Huế và trường Trung Học Kiểu Mẫu Cần Thơ.

Trường Trung học Kiểu Mẫu là loại hình trường sư phạm dạng đặc biệt, đó là nơi đào tạo những giáo viên Trung học theo một chương trình kiểu mới, nhằm nghiên cứu và kiểm nghiệm giáo dục bậc Trung học và hình thức trường này sẽ trực thuộc các trường Đại học Sư phạm địa phương. Đồng nghĩa, trường Trung học Kiểu mẫu Thủ Đức là một trường thuộc Đại học Sư phạm Sài Gòn.

Trường Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức được khởi công xây cất ngày 26/5/1963 và hoàn tất ngày 30/3/1964. Nằm trên một ngọn đồi cạnh Xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa (nay là Xa lộ Hà Nội), thuộc xã Linh Xuân Thôn, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định.

Trường La San School – Thủ Đức, Gia Định của những năm 1967-1971 (nay là đường Võ Văn Ngân, Linh Chiểu, Thủ Đức)
Trường Phước An, Thị Nghè
Hiện nay là trường Trần Khai Nguyên, nằm trên đường Nguyễn Tri Phương, Quận 5 (đối diện với CHOLON EXCHANGE của Mỹ ngày xưa).
Trường Tiểu Học Cộng Đồng Tôn Thất Thuyết, ảnh được chụp vào những năm 1968 – 1969
Trường La San Hiền Vương, nằm trên đường Nguyễn Thông ngày nay, khúc vòng xoay công trường Dân Chủ. Ngày nay chính là trường Trung học Cơ sở Lê Lợi.
Trường học của Giáo xứ Martino tọa lạc tại số16A đường Hồng Thập Tự (sau này là đường Nguyễn Thị Minh Khai). Lễ đặt viên đá đầu tiên ngày 22/8/1967 và khánh thành ngày 30/6/1968.
Trường Lasan Mossard thuộc Thủ Đức năm 1968. Nay là Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (số 53 đường Võ Văn Ngân gần chợ Thủ Đức sát bên nhà thờ Thủ Đức).
Trường Trí Dũng – Nằm trên đường Nguyễn Duy Dương (bên phải chợ An Đông), sau này đổi tên là trường Lý Phong
Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia tại Thủ Đức của những năm thập niên 1960
Ecole Municipale Des Garcons (Trường Nam Sinh) hay còn gọi là trường Xã Tây – Nay là trường THPT Hùng Vương tọa lạc tại số 124 đường Hồng Bàng, Quận 5, TP.HCM
Trường Ernst Thalmann trên đường Trần Hưng Đạo, về sau trường đổi tên thành trường Tôn Thọ Tường.
Trường tiểu học Tân Sơn, ảnh chụp tháng 12 năm 1966.
Trường Phú Lâm
Trường Hàng Hải, sau này chính là trường Đại học Bách Khoa Thành phố. Bên phải cửa vào có tấm bảng đề Bộ Quốc Gia Giáo Dục – Trường Quốc Gia Kỹ Sư Công Nghệ.
Trường Văn Hóa Quân Đội trên đường Thống Nhất. đối diện là tổng cục Chiến Tranh Chính Trị VNCH , sau giải phóng trường được đổi tên thành trường Sư Phạm Thực Nghiệm. Nhưng sau đó cũng bị tháo dở và cho xây dựng Khách sạn Sofiltel.
Đánh giá post

Viết một bình luận