Sài Gòn thời đó ai mà không biết trung tâm bách hóa đầu tiên ở Sài Gòn – Trung tâm bách hóa Saigon Departo

Nhu cầu mua sắm xưa nay dường như đã nằm trong tâm khảm của mỗi người dân. Thời nay, khi bạn muốn mua một món đồ nào đó, chẳng hạn như ly tách bằng gốm sứ thì sẽ tới tiệm gốm sứ, muốn mua trang sức thì tới tiệm trang sức,.., Muốn mua cái gì thì tìm đến tiệm chuyên bán đồ đó là tha hồ có trăm ngàn thứ để mua. Chỉ có điều nếu muốn mua một loạt đồ như vậy thì phải đi đến từng nơi, như thế thì quả là cực khổ. Tuy nhiên lại có một địa điểm tập trung tất thảy những thứ bạn cần, đó chính là trung tâm thương mại hoặc siêu thị. Ở trong đó bày bán đủ thứ từ mẫu mã đến giá cả cho bạn tha hồ lựa chọn. 

Thế nhưng đừng tưởng trung tâm thương mại hay siêu thị thời nay mới có, từ trước những năm 1975 ở Sài Gòn đã tồn tại một bách hóa với đa dạng mặt hàng, nào là mỹ phẩm, đồ công nghệ, gốm sứ,… Tọa lạc tại vị trí đắc địa là góc đường Tự Do – Thái Lập Thành, nơi đây thu hút đông đảo khách hàng lũ lượt ra vào để ngắm nghĩa và mua hàng ở Departo. Muốn mua thức ăn, đồ gia dụng hay đồ chơi cho con thì không cần đi xa, chỉ cần tới Saigon Departo là có tất cả. Ở Sài Gòn thời đó mà không biết đến Saigon Departo thì quả là đáng tiếc. 

Góc Tự Do – Thái Lập Thành. Chỗ mấy cô gái đứng là Saigon Departo, tiệm bách hóa đẹp nhất Sài Gòn hồi đó

Trên tờ báo Chính Luận năm 1969 đã có một bài phóng sự viết về Saigon Departo như thế này: “Đi đến đường Tự Do mà không ghé Saigon Departo thật là một thiếu sót. Trong dịp tết đến, Saigon Departo được huy động toàn lực để… vét túi khách hàng giàu sang”. Sở dĩ tác giả nói như vậy vì nơi đây bán đa dạng mặt hàng, người dân ai muốn mua sắm Tết mà tới Saigon Departo thì chắc cái gì cũng muốn đem về nhà. Các bà thì thích nữ trang, mỹ phẩm,… Nhưng những món hàng ấy lại đắt vô cùng, khoảng chừng ba đến bốn chục ngàn là còn rẻ. Vậy nên những người không có điều kiện khá giả mà vô đây thì chỉ có ngắm rồi thở dài đi về chứ không có tiền mà mua sắm thỏa thuê. Thế nhưng người dân Sài Gòn, nhất là những người phụ nữ đều cố gắng đến Saigon Departo ít nhất một lần cho biết. Dù gì thì ngắm trang sức, mỹ phẩm cũng đủ làm họ mãn nhãn rồi. Vả lại nếu không mua được trang sức thì họ sẽ đi qua gian hàng thực phẩm Pháp để mua bơ Bretel, không thì cá mòi Sumaco, chai nước tương Maggi ăn kèm bánh mì để ăn sáng cũng được. Còn với người có tiền và có xe hơi đợi sẵn thì họ lại thích vung tiền vào đây. Chỉ cần họ ưng món gì là gọi tại xế xuống mua ngay món đồ đó, bỏ lên xe rồi chở về nhà.

Trung tâm bách hóa Saigon Departo nằm ở đường Tự Do (Đồng Khởi hiện nay), quận 1, Sài Gòn. Gọi là trung tâm bách hóa vì bạn có thể mua bất cứ thứ gì từ nơi này, từ đồ dùng cá nhân, đồ dùng hằng ngày, dụng cụ bếp núc, thậm chí đồ đi du lịch cũng được bày bán đa dạng. Những sản phẩm ở đây ngoại trừ mỹ phẩm, đồ trang sức ra thì đều có mức giá phải chăng. Những sản phẩm được nhập từ Nhật vì thời gian đó Nhật là trung tâm sản xuất hàng rẻ của thế giới. Hàng của Nhật bền mà rẻ nên cuối tuần nơi này rất đông người dân đến mua. Cái tên Departo cũng là do người Nhật đặt. Lối trang trí của trung tâm bách hóa cũng vô cùng hiện đại và bắt mắt. Cung cách phục vụ của người bán hàng thì chuyên nghiệp. Tất cả đều vô cùng khác biệt và mới mẻ đối với người dân ở Sài Gòn xưa.

Góc Tự Do – Thái Lập Thành. Tòa nhà bên phải trước đó là bách hóa Saigon Departo. Sau đóng cửa để mở Nha Dân Vận của ông Hoàng Đức Nhã

Sự phục vụ tận tình và chuyên nghiệp tại Saigon Departo là một điều mới mẻ và không kém phần bất ngờ với người dân Sài Gòn. Bởi vì trong khoảng thời gian thành lập trung tâm bách hóa (năm 1967) thì Sài Gòn vẫn chưa thực sự được hòa bình. Thế nhưng những nhân viên ở đây vẫn học được cung cách phục vụ chuyên nghiệp. Để thực hiện được điều này, ban giám đốc của trung tâm đã cử một đoàn sang nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm từ các nước Nhật Bản, Hồng Kông và các nước ở Châu Âu. Nhân viên được tuyển vào làm việc ở Saigon Departo cũng vô cùng khắt khe. Muốn làm việc tại đây, bạn phải có trình độ trung học, biết nói cả 2 thứ tiếng là Anh và Pháp. Sau đó họ được đích thân người của Bộ Kinh tế, từng tốt nghiệp chuyên ngành Department store tại Mỹ là ông Trần Thiện Ân hướng dẫn kỹ càng từ khâu mời chào cho đến khâu chốt hàng.

Saigon Departo có 2 tầng (tầng trệt và lầu), không gian rộng khoảng 1500m2 và được bày biện đầy đủ các gian hàng như vật dụng trong nhà, mỹ phẩm, đồ thực phẩm công nghiệp,… Trên lầu sẽ có khu dành cho trẻ em chơi. Tại đây cũng sẽ có bán vải, quần áo trẻ em, đồ điện, máy vô tuyến, quạt máy,… Hàng hóa được nhập khoảng 70% hàng nước ngoài và 30% hàng được sản xuất trong nước.

Ở góc đường Thái Lập Thành với Tự Do, bên trái trong hình là tiệm Saigon Departo

Bách hóa Saigon Departo như thổi một làn gió mới vào việc phát triển kinh tế cũng như sự du nhập hình thức thương mại của nước ngoài vào Việt Nam. Chính điều đó đã giúp người dân Sài Gòn quen dần với mô hình buôn bán hiện đại, đồng thời cũng đem lại những nhận thức mới mẻ đến với mọi người. Thế nhưng tiếc thay bách hóa này hiện nay đã không còn. Thế nhưng khi nhắc đến Saigon Departo, ai cũng thấy tiếc và nhớ về những ngày tháng đi qua nơi này, thòm thèm nhìn vào gian hàng đồ chơi cho đã con mắt rồi lủi thủi ra về với một bụng tiếc nuối.

Đánh giá post

Viết một bình luận