Theo như người xưa, nước mắm khấu xì dầu có nghĩa là nước mắm được pha trộn với xì dầu, đây là hương vị trộn lẫn giữa văn hóa ẩm thực của người Việt và người Hoa. Nước mắm là một món nước chấm không thể thiếu trong các món ăn của người Việt, còn xì dầu là món chấm đặc trưng của người Hoa, từ “khấu” trong tiếng của Quảng Đông có ý nghĩa là hòa trộn vào nhau, từ đó hương vị đặc biệt của nước mắm khấu xì dầu trở thành một trong những gia vị giữ vai trò quan trọng làm nên sự hoàn hảo của nhiều món ăn ngon tại Sài Gòn. Trải qua bao nhiêu năm cùng sống chung trên một mảnh đất, ẩm thực người Việt và người Hoa ở Sài Gòn cuối cùng cũng đã có mối giao duyên chung là nước mắm khấu xì dầu.
Nước mắm khấu xì dầu không chỉ là một loại nước chấm ngon mà nó còn là một câu hát quen thuộc của những bà mẹ người Hoa ở Chợ Lớn thời xưa, mỗi lần ru con ngủ họ thường sẽ hát là “ầu ơ, nước mắm khấu xì dầu” cho đến khi nào con chìm vào giấc ngủ mới thôi. Nói về ẩm thực, có rất nhiều món ăn đặc trưng của người Hoa hiện tại đã không còn quá xa lạ với khẩu vị của người Việt, từ các món ăn ngọt như nhãn nhục hạt sen, sâm bổ lượng,… đến các món mặn bún mì xào, bò bía, xíu mại, xôi mặn,… đều là những món ngon được người Việt ưa chuộng nhiều nhất. Có nhiều món còn được người Việt chế biến lại và làm mới hoàn toàn về hương vị, giống như món thịt kho tàu là một món ăn không thể thiếu trong những ngày tết của miền Nam, nhưng nó đã được biến tấu lại đến nỗi khó mà có thể nhìn ra đây từng là một món ăn của người Hoa. Ngoài ra, còn có nhiều món ngon được người Việt yêu thích nhưng khác ở chỗ là không phải là những món đã được biến tấu qua mà phải đúng là hương vị Hoa thì người Việt mới yêu thích như vịt quay, xá xíu, bò bía,… Ngược lại, cũng có không ít những trường hợp người Hoa ở Sài Gòn – Chợ Lớn học hỏi và nấu ăn theo kiểu người Việt và còn biến tấu nó thành đồ ăn Hoa như phở bò theo kiểu người Hoa hay là món cà ri vịt, cà ri gà,…
Nếu nói về những món ăn của người Hoa đã được biến tấu để phù hợp với khẩu vị người Việt, thì đầu tiên phải kể đến những món ăn quen thuộc và gần gũi nhất đối với đa số người Việt Nam. Hủ tiếu mì thập cẩm hay hoành thánh xe kiếng của người Hoa đã được người Việt biến hóa thành một phiên bản khác, ngày nay là những xe hủ tiếu gõ được bán ăn sáng hoặc đêm tại những con đường lớn, nhỏ, các con hẻm, ngõ cùng trên đất Sài Gòn nằm ngay bên cạnh xe cơm tấm, bún bò Huế hay bánh mì thịt.
Hủ tiếu mì được xem là một món ăn bình dân của Việt Nam, sợi hủ tiếu thường được sử dụng là loại dai cọng nhỏ thay thế cho cọng hủ tiếu to mềm như bánh phở mà người Hoa hay dùng và mì trứng khô có sẵn chỉ cần mua về bán chứ không phải là mì sợi kéo tay của các tiệm mì nổi tiếng. Một tô hủ tiếu mì bình thường chỉ có hai lựa chọn là thịt nạc hoặc xương chứ không có thêm gì khác. Về phần nước dùng thì thường sẽ lấy phần nước hầm xương chung với củ cải trắng, cà rốt nhiều lúc còn bỏ thêm bột ngọt hay đường. Và tất nhiên, thứ không thể thiếu góp phần tạo nên một tô hủ tiếu mì ngon là nước chấm, người bán sẽ đặt nước mắm, xì dầu và giấm đỏ bên cạnh nhau để thực khách có thể tự pha theo khẩu vị riêng của mình, khách có thể “khấu” nước mắm và xì dầu với nhau hoặc cũng có thể ăn theo phong cách thuần việt là rót nước mắm mặn vào cái chén nhỏ rồi cho vài miếng ớt vào theo kiểu người Việt vẫn thường hay ăn. Về giá của một tô hủ tiếu bình dân như vậy, thực tế chỉ bằng một nửa hay thậm chí là một phần ba giá tiền của một tô hủ tiếu mì Tàu đúng chất nên rất được rất nhiều tầng lớp trong xã hội ưa chuộng. Bình thường tại một xe hủ tiếu gõ, nếu như khách hàng không thích ăn hủ tiếu thì có thể chọn các món khác như nui, bánh canh để thay thế. Ngoài ra, hủ tiếu mì còn có một phiên bản khác là bún mì xào, đây là một trong những món được người Hoa bày trên các mâm cúng ngày tết đặc biệt là người Tiều. Sợi bún được sử dụng là bún gạo xào chung với mì và giá, hẹ, cà rốt được cắt thành sợi ăn cùng với thịt nạc cắt lát mỏng. Cuối cùng, để hoàn thiện được hương vị của món ăn người ta sẽ ăn chung với nước mắm chua ngọt thay vì ăn với nước tương. Vào những ngày đầu tháng hoặc ngày rằm, các xe bán bún mì xào sẽ dùng nhân đậu hủ chiên đã được thái sợi thay cho nhân thịt để chế biến thành món bún mì xào chay.
Tiếp theo, nếu nói về ẩm thực Hoa được người Việt yêu thích, đón nhận nhiều nhất phải kể đến heo quay, lạp xưởng và phá lấu. Hình ảnh con heo được quay chín đỏ trên miệng có ngậm một bông hoa đỏ thường được bắt gặp trong các dịp lễ thờ cúng, các dịp khai trương và tân gia của người Hoa và người Việt Nam cũng hay thường dùng nó làm một món không thể thiếu trong những ngày lễ, đặc biệt là trong đám cưới hỏi. Ngoài ra trong các dịp lễ lộc người ta còn dùng cả vịt quay, tuy nhiên nó thường có mặt trong những dịp ít trọng đại hơn. Đối với các món ăn này, nước chấm là thứ không thể bỏ sót nếu muốn làm nên một món ăn ngon và dĩ nhiên “nước mắm khấu xì dầu” vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều người, ngoài ra còn có nhiều người dùng nước mắm chua ngọt chấm chung ăn cho đỡ ngáy và làm giảm bớt đi mùi dầu mỡ của món ăn.
Thời đại bây giờ, nhiều món Hoa – Việt kết hợp với nhau ngày càng đa dạng và phong phú, góp phần nâng cao giá trị văn hóa ẩm thực của Sài Gòn. Và đặc biệt, nước mắm khấu xì dầu là thứ không thể thiếu trong những món ăn ngon mà người Việt lẫn người Hoa vẫn thường hay dùng trong các bữa ăn hằng ngày. Đây là một sự kết hợp hoàn hảo giữa ẩm thực Việt – Hoa, phù hợp với tất cả các tầng lớp trong xã hội, ai cũng có thể ăn và yêu thích hương vị đặc trưng của nó.
- Thương Hoài Ngàn Năm (Phạm Mạnh Cương)
- Ca khúc “Mắt Biếc” (Ngô Thụy Miên) – Ca khúc của câu chuyện đã qua nhưng sóng lòng vẫn cuộn trào không dứt
- Chất giọng người Sài Gòn – Đầy kiêu hãnh của người thành thị nhưng lại dễ mến và dễ thương vô cùng
- “Chuyện tình buồn” – Nhạc khúc đượm buồn cho một chuyện tình dang dỡ “Năm năm rồi không gặp…từ khi em lấy chồng”
- “Mùa Xuân Trên Cao” – Tinh thần lạc quan ẩn giấu nổi bất an của người lính trận xa nhà trong ngày xuân