Những hàng cây xanh của Sài Gòn ngày xưa. Làm sao có thể quên được, phải không các bạn? Bao nhiêu nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ đã ca tụng, con đường Duy Tân cây dài bóng mát/ Buổi chiều công viên mây trời xanh ngát / Uống ly chanh đường…,mà không cứ gì nhà văn, nhà thơ, mỗi chúng ta đều thấy những hàng cây ấy là đẹp và mỗi người đều có kỷ niệm riêng ở một góc nào đó trên các đường phố của Sài Gòn năm xưa.
Hãy nhớ lại xem… Đường Tự Do, Duy Tân, Nguyễn Du, Tú Xương, Huyền Trân Công Chúa, Hồng Thập Tự, Phan Đình Phùng, Pasteur, Công Lý, Bùi Thị Xuân, Chu Mạnh Trinh… đã bao lần in bóng anh và em. Có phải chúng ta từng nắm tay nhau đi trên những con đường ấy.
Hay cùng đạp xe song song. Hay anh chở em bằng vélo solex… Anh bạn của Tim này – nhà báo KTuấn, nay không còn nữa – kể lại rằng những đêm khuya, từ phòng trà Đêm Màu Hồng ra, anh và TCầm thường đi bộ dọc theo đường Tự Do về phía Nhà Thờ Đức Bà, vừa đi vừa hôn nhau. Ôi, mê ly! Mà đâu có phải chỉ riêng bạn KTuấn làm cái chuyện cực kỳ lãng mạn ấy. Thành thật khai báo đi. Nếu có bạn nào từng ở Sài Gòn mà không qua cảnh vừa nói thì cứ đè đầu Tim này xuống mà cạo trọc lóc như đít sư! Riêng Nguyễn, xin thú thiệt cũng đã có đôi lần trên con đường Duy Tân hay ở góc công viên nào đó. Bởi vậy cho nên ngồi gõ máy những dòng này mà nhớ những hàng cây của Sài Gòn ơi là nhớ.
Mà hẳn bạn cũng biết những cái cây cho bóng mát lâu năm nhất trên những con đường của Sài Gòn là những cây gì. Đó là cây dầu, cây sao, cây me… Lác đác có cây cao su ở đường Tú Xương hay xế góc Hồ Con Rùa. Ngoài ra còn cây giả tị, lá lớn và xanh ngời, ở đâu đó trên đường Công Lý…
Nghe nói còn có cây dái ngựa nữa mà Nguyễn không biết hình thù nó ra sao và ở đâu. Chắc phải tìm đọc lại cụ Vương Hồng Sển hoặc hỏi vị nữ nhân rành thổ ngơi và thảo mộc của Sài Gòn may ra mới hình dung ra cây dái ngựa. May thay, mới đây nói chuyện với Bảo Huân và Bảo Sơn, mới được sáng mắt: Gọi là cây dái ngựa vì trái của nó to và dài rất giống với… Riêng Tim Nguyễn chỉ biết một điều là cây dầu, cây sao, cây me là loại cây chậm lớn, phải cỡ vài chục năm mới cho bóng mát.
Quả thật như vậy, nhìn lại những tấm ảnh cũ chụp đường phố Sài Gòn cách đây hơn trăm năm, bạn sẽ thấy những cây dầu, sao, me ở trung tâm thành phố còn thấp lè tè. Thế đấy. Để trồng cây mất cỡ chục năm. Mà trồng me trồng dầu và sao có khi phải tới năm bảy chục năm. Vậy mà các chức sắc CS ở Sài Gòn lại cho đốn đi, không thương tiếc. Em ơi, mai này anh và em có dịp trở lại thành phố ấy và đi trên con đường Duy Tân ngày xưa tìm đâu thấy những cánh dầu màu nâu bay bay xoay tròn trong gió để rồi rớt trên vai áo em. Những bông dầu khô ngày ấy đã chết tuyệt tích tự bao giờ.
Cũng với lòng hoài vọng lãng mạn, Tim xin mượn lời của nhà báo Nguyên Trang trên báo Trẻ nói thêm đôi điều về cây dầu: “Cây Dầu là loại cây rừng cho gỗ, thân có nhựa dùng để trét ghe rất tốt, nên người ta cũng gọi là Dầu rái, hoặc có người gọi là Dầu dù. Trái dầu có hai cánh lá, nhưng nói là hai cánh hoa thì đúng hơn. Lúc còn non có màu hồng pha màu càphê sữa, hạt lộ ở cuống hoa. Hạt non màu xanh có khía giống như hạt xí muội. Đến cuối Tháng Bảy thì trái dầu già khô lại. Trái cùng hai cánh hoa ngả sang màu nâu đất sét. Chỉ cần một chiều lộng gió, những cánh hoa già rời khỏi cành mẹ bung ra như cơn mưa dù, xoay tít bay bay trong không trung mang theo chiếc hạt, nhẹ nhàng đáp xuống mặt đất.”
Và nhà báo Nguyên Trang trở về với kỷ niệm tuổi học trò. “… ba tôi có lần dẫn tôi đi Chợ Cũ Sài Gòn ăn phở.
Từ nhà, hai cha con đi bằng xe ngựa, rồi lội bộ dọc theo đường Hồng Thập Tự vào vườn Tao Đàn. Ba tôi đi trước, tôi theo sau giẫm chân lên những chiếc lá khô xào xạc giống như đang thám hiểm trong một cánh rừng già. Bỗng ba tôi cúi xuống nhặt những cái trái có hai cọng lá khô và hỏi tôi biết trái gì không, rồi bảo tôi quăng chúng lên trời. Kể từ sau đó những trái Dầu dù theo tôi đến lớp cùng chúng bạn thả từ lầu ba xuống chào đón ngày khai giảng năm học mới, khi mà những cánh phượng hồng đã rời xa mùa hạ.”
- Khánh Ly: “Từ trước đến tận bây giờ Việt Nam chỉ có một Diva thực sự, đó chính là Thái Thanh”
- Vẻ đẹp tràn đầy sức sống của tuổi 16 qua ca khúc “Xuân Hồng Trên Má” của nhạc sĩ Hoài Nam
- Chuyện đời đau khổ của cố ca sĩ Ngọc Lan qua lời kể nhạc sĩ ‘Anh thì không’
- “Đoạn Buồn Đêm Mưa” – Bản tình ca buồn nhưng không lụy tình, vẫn ngọt vị tình yêu
- Truyện ca trong nhạc Việt: ‘Chuyện tình Lan và Điệp’