“Ai…bánh canh không? Ai… cháo lòng không?…” là những âm thanh đã in sâu vào lòng những người Sài Gòn trước những năm 75. Hình ảnh những con người gánh trên vai đôi quang gánh trên đường phố luôn là cảm hứng cho nhiều người.
Không như hình ảnh người nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, những người bán hàng rong Sài Gòn gây thương nhớ bởi hình ảnh dáng người khom khom, quẩy đôi quang gánh rong ruổi trên các hè phố Sài Gòn là hình ảnh mãi đọng lại trong ký ức Sài Gòn.
Nghe có vẻ thật buồn cười và khó tin, nhưng chuyện người ta đoán giờ qua những gánh hàng rong là hoàn toàn có thật. Mỗi một con phố sẽ quen với lịch trình của những người bán hàng rong ở các khung giờ khác nhau. Hễ 9h sáng, người ta sẽ nghe tiếng rao quen thuộc “Ai…tàu hủ không?” Cho đến khi nghe thấy “ Ai chè đậu xanh, bột báng nước dừa đường cát hông…” là người dân trong vùng biết rằng đã đến giờ đi nấu cơm,… Cứ như thế, mỗi giờ, mỗi người bán hàng rong, mỗi món ăn, mỗi tiếng rao tạo nên một chiếc đồng hồ hàng rong không lẫn vào đâu được.
Những tiếng rao giữa trưa hè oi bức hay những ngày mưa tầm tã đã trở thành một điều quen thuộc tự nhiên của tất cả mọi người. Tiếng rao không khiến cho người ta khó chịu, mà ngược lại, hôm nào vắng tiếng rao quen thuộc, người dân Sài Gòn lại chợt thấy trống vắng đến lạ thường.
Khán giả ngắm nhìn bức ảnh mang tên “Gánh bánh canh giữa phố Sài Gòn” có thể nhìn thấy chị bán hàng với gương mặt phúc hậu, vành nón nghiêng nghiêng bên đối quang gánh đơn sơ,một tay cầm tô, mắt nhìn vào nồi bánh canh đang bốc khói nghi ngút. Trên đôi gánh hàng bánh canh, một bên gánh là một nồi bánh canh lớn đặt trên lò than nóng đỏ, bên còn lại là vài ba chiếc tô sạch, đũa muỗng mắm muối và thùng nước rửa tô. Một chàng trai mới lên đang ngồi xổm bên gánh hàng với tô bánh canh trên tay. Cậu đang dùng muỗng múc từng muỗng nước lèo trông thật ngon lành.
Trong một bức ảnh khác, nơi một con phố nhộn nhịp, đông người qua lại là gánh hàng rong bán món mía lạnh – một món ăn vặt khoái khẩu của người Sài Gòn. Người phụ nữ trong bộ đồ xanh tươi tắn với với mía trên vai. Chị móc chiếc nón vào đầu sau của đòn gánh, bước đi trên phố đông người. Gánh phía trước đặt một tủ kính nhỏ với một tảng nước đá. Những khúc mía được róc sạch vỏ và xếp đầy xung quanh. Một ngày bán mía lạnh của chỉ không chỉ bán bấy nhiêu mía trong tủ kính. Mía dự trữ được chị xếp ở gánh phía sau.
Một người phụ nữ đứng tuổi, quảy gánh bánh kẹo rong ruổi trên đường Tự Do, một trong những con đường lớn ngay giữa trung tâm Sài Gòn (nay là đường Đồng Khởi). Một phụ nữ người Quảng Ngãi đang bán bánh tráng nướng với kẹo mạch nha được kéo thành từng mảng vàng ruộm phủ kín lên chiếc bánh trông thật ngon và mang đậm hương vị quê hương.
Đường phố Sài Gòn từ những năm 1975 trở về trước không quá nhộn nhịp và tấp nập như ngày nay. Vì vậy, những gánh hàng rong không gây ảnh cản trở giao thông hay đi lại của mọi người mà ngược lại, hình ảnh gánh hàng rong làm nên một sự duyên dáng cho đường phố Sài Gòn và trở thành một biểu tượng đẹp đi vào thơ ca và âm nhạc.
Cuộc sống đổi thay, gánh hàng rong dần được thay thế bởi những phương tiện khác để bớt đi được áp lực lên đôi vai người phụ nữ . Nhưng những áp lực từ cơm áo gạo tiền vẫn luôn là một điều vô hình khiến cuộc sống của người bán hàng rong luôn chật vật và đầy lo toan.
Chỉ còn là kỷ niệm
Chiếc xe bán mỹ gõ nhìn cũ kỹ gần cả trăm năm tuổi là một hình ảnh quen thuộc trên đường phố Sài Gòn xưa. Thân xe chứa một lò nấu nước và một thùng nước lèo thật to, kèm theo củi than dự trữ. Mì sợi được chứa trong các ngăn kéo của chiếc xe. Mì, hoành thánh,… là những món ăn của người Hoa. Xe mì và nghề nấu mỳ cũng là sản phẩm của người Hoa. Tuy nhiên, những chiếc xe mì gõ cũng trở thành những hình ảnh quen thuộc của người Việt đi cùng năm tháng.
Trước năm 1975, những chiếc xe mỳ thường được đặt cố định ở một vị trí để phục vụ cho khách hàng trong vùng. Mỳ ngày càng trở thành một món ăn đói lòng, nhanh và tiện đối với người dân Sài Gòn thuộc mọi tầng lớp xã hội từ thương gia đến lao động. Bên cạnh việc phục vụ khách tại chỗ, các chủ xe mỳ còn đi vào tận trong các con hẻm đông dân, sử dụng hai thanh tre gõ vào nhau để thay cho tiếng rao mời mọi người ăn mì. Từ đó, cái tên “mì gõ” ra đời.
Một bức ảnh khác, những con mực khô được treo trên cao thành một hàng dài để khách hàng dễ chọn lựa. Những chiếc xe mực khô xuất hiện rất nhiều ở Sài Gòn giai đoạn từ năm 1960 – 1970 và xuất hiện thưa thớt dần. Và đến ngày nay, thật rất khó để có thể tìm ra một chiếc xe bán mực đạo như bức ảnh kia. Xe mực khô được trang bị một bếp than hồng, mùi thơm của mực bốc lên thơm phức khi nướng. Sau khi mực được nướng chín, người bán sẽ cho mực vào cối rồi quay vài vòng để mực được mềm và tơi ra. Người ăn chỉ cần xé nhỏ mực và chấm với tương ớt rồi thưởng thức.
Nước mía ngày nay vẫn còn là một thức uống được yêu thích và giải khát rất tốt. Xe nước mía ngày xưa thường được đóng bằng gỗ, không chắc chắn và đẹp như xe ngày nay.Để ép được nước mía từ những chiếc xe nước mía ngày xưa, người bán phải dùng lực cánh tay quay tròn bánh xe để ép mía. Thường người bán nước mía sẽ là nam giới với lực cánh tay mạnh, thậm chí, họ còn phải sử dụng cả chân mới quay được vòng tua ép mía.
Những tiếng rao lảnh lót, những đôi quang gánh trên vai bước đi trên đường bất kể mưa nắng, những cái quệt mồ hôi nhễ nhại trên đường phố oi bức, những gương mặt sạm đi vì cái nắng Sài Gòn,…tất cả đã tạo nên một nét văn hóa Sài Gòn xưa không lẫn đi đâu được.
Thế giới hiện đại hơn, những gánh hàng rong trên đường phố đã thưa dần và ngày càng bị chìm vào quên lãng. Người ta đã không còn nghe thấy những tiếng rao thân thương trên những góc phố quen thuộc, đã không còn nghe thấy tiếng hai thanh tre gõ vào nhau những lúc đói lòng, không còn thấy những đôi quang gánh trên đôi vai người phụ nữ bé nhỏ. Gánh hàng rong bây giờ đã trở thành một kỷ niệm thật đẹp trong ký ức của người Sài Gòn.