Những địa danh nổi tiếng của Sài Gòn xưa: Sự tích kỳ thú chưa biết về ngã tư Bảy Hiền

Ngã tư Bảy Hiền quận Tân Bình là nút giao thông quan trọng ở cửa ngõ Tây Bắc thành phố. Từ đây, người dân có thể đi về trung tâm Sài Gòn qua đường CMT8 qua chợ Lớn, quận 8 bằng ngã Lý Thường Kiệt; lên phi trường Tân Sơn Nhất bằng đường Hoàng Văn Thụ hay về Hóc Môn, Củ Chi theo hướng Trường Chinh. Những năm gần đây, do mật độ dân số tăng lên, khu vực ngã tư Bảy Hiền thường xuyên kẹt xe giờ tan tầm. Ngoài là nút giao thông, tên gọi Bảy Hiền còn dành chung cho khu vực dân cư rộng lớn thuộc quận Tân Bình.

Tại căn nhà số 4 đường Trường Chinh, ngay sát ngã tư Bảy Hiền, có ngôi nhà của ông Trần Văn Đức. Ông lão 88 tuổi này là cháu nội họ của ông Trần Văn Hiền (Bảy Hiền) – người được đặt tên cho ngã tư này. Tuổi cao nhưng ông Đức trông vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Thường ngày, ông trông quán nước giải khát nhỏ trước nhà của gia đình. Ông Đức kể:

“Ngày xưa, lúc tôi tầm bốn, năm tuổi hay lon ton chạy theo ông nội đi chơi. Ông nội của tôi thứ mười, là em ruột của ông Bảy Hiền (tên Hiền, sinh thứ 7) sống chung nhà tại khu vực ngã tư này.”

Ông cụ cho biết gia đình từ thời ông cố đã sống ở đây, ngót nghét phải 6 thế hệ nên tính ra gia đình có chừng 120-150 năm sinh cơ lập nghiệp ở mảnh đất Sài Gòn này.

Ngã tư Bảy Hiền 1967. (Ảnh: Fanpage Sài Gòn xưa)

Về tên gọi ngã tư Bảy Hiền, ông Đức cho biết, hồi còn sống ông Bảy là một điền chủ giàu có. Đất đai của ông trải rộng khắp khu vực Trường Chinh, Cộng Hòa, Bàu Cát… ngày nay. Với khối tài sản khổng lồ, ông Bảy còn sở hữu cả một căn biệt thự cột ximăng, trong nhà cột gỗ lớn, nền lót gạch Tàu.

Ông Bảy Hiền giàu có nhưng không khoa trương, không coi khinh người nghèo, mà ngược lại vợ chồng ông hay chia sẻ với người dân bằng nhiều cách. Một lần, người dân miền Nam lâm cảnh đói kém vì mất mùa, ông Bảy Hiền đăng báo sẽ bố thí tiền xu, lúa gạo cho bà con Sài Gòn – Gia Định trong một tuần lễ. Dân chúng nhiều địa phương khác nghe tin đều lặn lội tìm đến.

Trong buổi sáng đầu tiên phát chẩn, mọi người đến quá đông, chen lấn nhau khiến cho hai đứa con nít bị chết ngạt giữa đám đông. Từ sự việc đau thương đó, ông Bảy Hiền rút kinh nghiệm, không mở phát chẩn như vậy nữa. Sau này, hễ có người khó khăn tìm đến ông đều bố thí cho.
Tiếng lành đồn ra, mọi người truyền tai nhau về một người đàn ông nhân đức hay giúp người nghèo. Hàng nghìn người lần lượt tìm đến và ông Bảy đều ra tay cứu giúp.

Dần dà, khu vực ngã tư – nơi có nhà của ông – được người dân đặt là ngã tư Bảy Hiền, theo tên người đàn ông nhân đức. Khi chết, ông được chôn cất tại khu vực Lăng Cha Cả cùng vợ mình. Sau này, khu vực nghĩa trang bị giải tỏa, người nhà ông Bảy Hiền có lấy hài cốt đưa về thờ tại chùa Vạn Thọ trên đường Nguyễn Văn Nguyễn (phường Tân Định, quận 1).

Ông Bảy mất rồi, những người trong nhà cũng không giúp được dân nghèo như trước nữa vì gia sản khánh kiệt, con cháu ông Bảy sau đó bán hết đất đai còn lại, vào trung tâm Sài Gòn sinh sống. Còn căn nhà ông Trần Văn Đức đang ở hiện nay là nhà của ông cố để lại. Ông và gia đình sinh sống tiếp ở ngã tư Bảy Hiền cho đến ngày nay.

Về khu vực ngã tư Bảy Hiền, trước năm 1954, nơi này vẫn còn là vùng ngoại ô của Sài Gòn, bao gồm một đồn điền cao su và những cánh đồng lúa chạy theo con đường lên Tây Ninh. Một số gia đình sinh sống bằng nghề làm ruộng và chăn nuôi ngựa.
Khoảng năm 1960, theo thống kê hộ tịch ngày đó, sau cuộc di dân lớn từ Bắc vào Nam năm 1954, nơi đây có hơn 4.000 dân sinh sống, hình thành một khu dân cư mới. Người ở đây chủ yếu là từ Quảng Nam vào lập nghiệp, họ hình thành nên làng nghề dệt vải nổi tiếng tại đây.

Trung tâm triển lãm Tân Bình và nhà thi đấu hiện nay vốn là nghĩa trang rộng lớn, chôn cất lính Pháp tử trận. Khu vực bệnh viện Thống Nhất trước năm 1954 cũng là đồn phòng thủ nhưng đến thời Nguyễn Văn Thiệu thì được vợ ông bà Nguyễn Mai Anh đứng ra quyên góp tiền xây bệnh viện Vì Dân.

Về tên gọi ngã tư Bảy Hiền, cũng có nhiều lý giải khác nữa. Theo Lê Minh Quốc trong sách “Người Quảng Nam”, ông Bảy Hiền là tên của ông già bán cà phê “cóc” sinh thứ Bảy, tên Hiền. Người này cũng cai quản các đồn điền cao su của Nam Phương hoàng hậu, tức Nguyễn Hữu Thị Lan – phu nhân vua Bảo Đại. Còn nhà văn Sơn Nam thì lại cho rằng, Bảy Hiền là một ông chủ giàu có chuyên bán cỏ cho ngựa kéo xe ở khu vực ngã tư này trong giai đoạn năm 1930, nên tên ông gắn liền với nơi làm nghề.

Xem thêm những hình ảnh đẹp về Ngã Tư Bảy Hiền.

SAIGON 1972 – Ngã tư Bảy Hiền. Cây xăng Esso nằm tại góc Nguyễn Văn Thoại-Phạm Hồng Thái (nay là góc Lý Thường Kiệt-Trường Chinh). Xe Vespa đang trên đường Võ Tánh, nay là Hoàng Văn Thụ (đi về phía bên phải là ra Lăng Cha Cả).
SAIGON 1968 – Ngã tư Bảy Hiền. Nhà 2 tầng màu trắng ở bìa phải là trường trung học Đắc Lộ đang xây dựng được một dãy nhà cạnh bên bãi cỏ. Ngày nay là Trường THCS Ngô Quyền tại số 97 Trường Chinh, Phường 12, Q. Tân Bình
Saigon 1971 – Ngã tư Bảy Hiền
Ngã tư Bảy Hiền nhìn từ đường Võ Tánh. Ở bên kia ngã tư là đường Nguyễn Văn Thoại và con đường cắt ngang là đường Phạm Hồng Thái (aka LVD nối dài). Bãi cỏ bên trái là khu vực sẽ xây BV Vì Dân sau này.
SAIGON 1967 – Ngã tư Bảy Hiền – Cây xăng Esso tại góc Nguyễn Văn Thoại-Phạm Hồng Thái (aka Lê Văn Duyệt nối dài), nay là góc Lý Thường Kiệt-Trường Chinh. (tại góc dưới bên trái của không ảnh phía dưới).
SAIGON 1969 by George Lane – Nghĩa trang QĐ Pháp cạnh Ngã tư Bảy Hiền
SAIGON 1968 – Khu vực Ngã tư Bảy Hiền – Photo by Carl Mydans. Đường trong hình là Lê Văn Duyệt + Phạm Hồng Thái (aka Lê Văn Duyệt nối dài), nay là CMT8 + Trường Chinh.
Những đứa trẻ vui chơi trước nghĩa trang quân đội Pháp
Saigon 1967 – Đường Phạm Hồng Thái (Gia Định) cạnh Ngã tư Bảy Hiền. Nay là đường Trường Chinh – by Daniel P. Cotts
3.2/5 - (6 bình chọn)

Viết một bình luận