Trại giam Chí Hòa nằm ở quận 10, thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, là nhà tù được người Pháp xây dựng từ năm 1943. Công trình này có không gian vô cùng rộng lớn ở giữa lòng Sài Gòn với diện tích 7ha, cao 3 lầu với số phòng tổng cộng là 238 phòng. Sở dĩ nơi này được mệnh danh là “trận đồ bát quái” vì kiến trúc của trại giam được thiết kế với 8 cạnh đều nhau và dường như là giống y hệt nhau. Nếu bạn không phải là người rành rẽ về nơi này thì khi bước chân vào hầu như bạn sẽ không thể bước ra vì nơi đây chỉ có duy nhất 1 lối vào, người ta gọi đó là cửa tử. Nơi đây từng là trại giam các tù nhân chống lại thực dân Pháp, còn bây giờ nó được dùng để giam những phạm nhân trọng tội trong thành phố.
Như tôi đã nói ở trên, nơi này một khi bước vào thì họa chỉ có mọc cánh mới có thể thoát ra được. Trải qua hơn 70 năm hoạt động, trại giam này ghi nhận 3 lần vượt ngục đi vào lịch sử. Những lần vượt ngục ấy đều là của các phạm nhân với sự ma mãnh, tinh ranh cùng sự tính toán chi li trước khi vượt ngục.
Lần vượt ngục đầu tiên là của những người tù cách mạng cướp trại với mục đích giải thoát tù nhân chính trị. Lúc đó là thời điểm cao trào khi lính Nhật muốn đảo chính người Pháp vào tối ngày 3/9/1945. Còn hai lần còn lại là những tay giang hồ đáng sợ mang trong mình những trọng án là tướng cướp Điền Khắc Kim và Phước Tám Ngón.
Điền Khắc Kim tên thật là Lê Văn Minh, hắn sinh năm 1947, sinh trưởng trong một gia đình nghèo khó và đông con tại Sài Gòn. Lúc đầu hắn chỉ là một người bình thường, cũng như bao thanh niên lương thiện khác, trong lòng cũng biết yêu thương. Minh phải lòng một cô gái ở quán bar Helen Diễm nhưng người mà hắn yêu thương lại bị một tay lính Mỹ cưỡng bức, sát hại và vứt xác cô gái ra đường. Trước tình cảnh đó, hẳn sinh lòng hận thù với lính Mỹ và nhiều lần đột nhập vào nơi ở của các quan chức Mỹ để trộm đồ, cưỡng bức vợ của họ. Sau khi thực hiện thành công, hắn sẽ để lại chữ ĐKK (Điền Khắc Kim) tại hiện trường như thách thức các quan chức Mỹ thời đó. Điền Khắc Kim làm việc một mình, không làm theo số đông, tất cả hành động của hắn đều do một mình hắn lên kế hoạch và triển khai, tuyệt nhiên không có thêm sự giúp đỡ của bất kì người nào khác.
Thế nhưng “lưới trời lồng lộng, tuy thưa mà khó thoát”, trong một lần Điền Khắc Kim đột nhập vào nhà Giám đốc Hội cha mẹ nuôi quốc tế vào tháng 5/1970 tại đường Trần Quý Cáp xưa (đường Võ Văn Tần ngày nay), hắn đã bị bắt. Chuyện là trong lúc hắn thực hiện kế hoạch, dùng súng khống chế gia đình Giám đốc, hắn đã dùng dây trói tay người chồng và nhét giẻ vào miệng ông ta rồi nhốt vào nhà tắm. Sau đó hắn quay sang trộm đồ và không quên cưỡng bức vợ của Giám đốc. May sao ông ta cởi được dây trói và gọi điện báo cảnh sát, kết quả Điền Khắc Kim bị bắt và lãnh án 20 năm tù tại trại giam Chí Hòa.
Những tưởng hắn đã yên phận không gây thêm tội ác nào. Nhưng khi vào tù, hắn đã bí mật liên lạc với các tù nhân khác trong phòng giam tội hình sự nằm gần khu hỏa thực để nhờ giúp đỡ và chờ đợi thời cơ vượt ngục. Vào đêm khuya ngày 23/4/1972, nhân lúc các quản tù đang chiếu phim cho các phạm nhân xem, hắn đã đi đến chiếc xe Jeep của viên trung tá cai ngục, chui xuống dưới gầm xe, bám vào càng xe. Như kế hoạch đã định sẵn, đợi đến khi viên trung tá chạy xe ra ngoài, như kế hoạch đã định sẵn, các phạm nhân trong trại giam bỗng nhiên la ó đòi cải tiến chế độ ăn uống. Trước tình hình hỗn loạn này, toàn bộ trực gác bắt buộc phải đến hiện trường để xử lý vấn đề hỗn loạn trước mắt. Viên trung tá sau khi chạy ra ngoài cổng thì nhận được tin tức về vụ việc trên đành phải dừng xe tạm ngoài cổng và chạy vào để xem xét tình hình. Thời khắc tẩu thoát đã đến, ngay sau khi viên trung tá đã vào trong, Điền Khắc Kim nhanh chóng nhảy xuống mặt đất và trốn thoát.
23 năm sau ngày vượt ngục của Điền Khắc Kim lại có một vụ vượt ngục, lần này kế hoạch trốn thoát của tên tội phạm còn mưu mô và xảo quyệt hơn nhiều. Kế hoạch vượt ngục đó là của Phước Tám Ngón. Sở dĩ gọi hắn là Phước Tám Ngón vì hắn có một bàn tay bị cụt hai ngón. Tên thật của hắn là Nguyễn Hữu Thành, sinh năm 1971 tại Dĩ An, Thuận An, tỉnh Sông Bé (tỉnh Bình Dương hiện nay). Gia cảnh của Phước Tám Ngón cũng vô cùng cực khổ, nhà nghèo khổ, khi chưa thành niên Phước đã bỏ nhà ra đi và sống bằng việc cướp bóc, cờ bạc và trộm cắp của người khác. Đến năm hắn 17 tuổi, trong một lần trộm cắp hắn đã bị bắt và lãnh án 3 năm tù cùng với lao động cải tạo. Không chịu đầu hàng, hắn tìm cách trốn thoát ra ngoài rồi lập băng cướp, dùng súng để đe dọa người dân. Đến năm 1991, băng cướp của hắn đã thực hiện hành vi cướp giật xe máy và gây thương tích khi dùng súng bắn người dân tại khu vực Thủy điện Trị An, Đồng Nai. Sau đó băng cướp này còn trộm và bắn chết người ở Thủ Đức. Cuối cùng hắn bị công an bắt giữ và bị Tòa tuyên án tử hình với tội gây thương tích, giết người, cướp của. Sau đó hắn bị giam trong trại giam Chí Hòa.
Tại đây, hắn bắt đầu thực hiện kế hoạch trốn thoát của mình. Hắn đã xin một con dao lam và một chiếc bật lửa của phạm nhân tự giác (người thực hiện việc dọn vệ sinh, đưa cơm cho các tù nhân). Hằng ngày Phước dùng lưỡi dao lam để cưa cùm sắt, cưa tới đâu hắn lại dùng bật lửa để đốt vải vụn rồi nhét vào kẽ sắt đã cưa để tránh bị người khác phát hiện. Đến đêm ngày 26/3/1995, hắn đã cưa đứt cùm sắt chỉ với duy nhất một con dao lam rồi tháo cùm và tiếp tục dùng chiếc dùi sắt mà hắn đã làm để khoét một lỗ mục trên vách tường thành một lỗ lớn vừa đủ để 1 người chui vừa. Số xi măng và cát vụn đã khoét, hắn nhanh trí đem bỏ hết vô cầu nhà vệ sinh rồi xả nước để nó trôi đi. Còn trong phòng giam của hắn, hắn đã lấy gạch xếp chồng lên nhau rồi lấy mền phủ kín để trông như vẫn có người nằm, như vậy lúc quản tù đi qua sẽ không để ý. Sau khi đã luồn người qua được lỗ hổng ở nhà vệ sinh, hắn chui qua cầu thang ở bên ngoài buồng giam số 15. Trong lúc leo xuống cầu thang thì hắn nghe được tiếng bước chân của cán bộ trực đêm, hắn tức tốc trèo ngược trở lại rồi chuồn qua khu AH. Sau đó hắn dùng quần áo và khăn để cột thành một sợi dây dài, buộc vào kèo nhà và đu xuống. Thế nhưng quần áo và khăn không đủ lực để có thể giữ được cơ thể của người. Vậy nên trong lúc đu xuống thì dây đứt, hắn té xuống đất và ngất đi trong khoảng 1 tiếng. Khi thức dậy, cột sống và chân của hắn đã bị thương nhưng hắn vẫn cố hết sức để lết đến cột điện gần đó và leo lên cột điện để nhảy qua hàng rào khu tập thể của cán bộ quản giáo. Khi qua tới nơi thì trời cũng đã gần sáng, thấy có bộ đồ cảnh sát đang phơi, hắn liền lấy áo quần và đôi dép để mang vào, sau đó dắt chiếc xe đạp đi ra cổng, ngang nhiên như không có gì. Đến chốt gác ở cổng trại, hắn bảo với cảnh sát trực lúc đó là muốn đi ra ngoài uống cà phê, cảnh sát thấy người mặc quân phục, cũng không nghi ngờ gì nên đã mở cửa cho Phước “đường hoàng” đi ra ngoài. Sau khi trốn thoát trót lọt, hắn vẫn tiếp tục mua súng và hành nghề cướp của, giết người và chiếm đoạt tài sản, gây nên cái chết cho một nạn nhân nữa. Đến tháng 10 năm 1995, cuối cùng Phước Tám Ngón đã bị bắt thêm một lần nữa, lần này hắn đã bị tử hình, kết thúc cuộc đời của một tên cướp khét tiếng.
- Nỗi lòng người con gái khi trông chờ thư hồi âm của người yêu trong nhạc khúc “Sao Chưa Thấy Hồi Âm”
- Tái hiện lại Sài Gòn trước năm 1975 qua bộ ảnh chọn lọc từ các nhiếp ảnh gia – Phần 2
- “Lắng hồn theo tiếng mưa rơi” cảm nhận những nỗi niềm cô đơn và bi thương trong đêm mưa
- Cuộc đời và sự nghiệp của cố nhạc sĩ Dương Thiệu Tước
- Rạo rực không khí TẾT trong bài ca “Đón Xuân” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương