Từ trước những năm 1975 đã từng có một bình luận viên được xem là linh hồn của mỗi trận túc cầu. Dân Sài Gòn xưa mê xem túc cầu không đơn giản chỉ vì cả trận đấu hấp dẫn, mà hơn thế nữa là những lời bình luận trên làn sóng điện, những nhận xét của bình luận viên về toàn đội và những tài năng của từng thành viên trong đội túc cầu. Chủ nhân của những lời bình luận được nhiều người mong chờ mỗi khi có trận bóng không ai khác chính là bình luận viên Huyền Vũ. Chính những lời bình luận của ông về mỗi trận đấu là điều mà khán giả thích thú nhất, tất cả đều in sâu trong tâm trí những ai ngồi xem ngay trong cầu trường chứ không chỉ là những hình ảnh mà mắt họ nhìn thấy.
Nhà báo Nguyễn Thiên Ân từng nói rằng niềm háo hức khi được nghe âm thanh của tiếng bình luận trận đấu còn hay hơn gấp trăm lần so với niềm háo hức được xem túc cầu. Nhiều khán giả vẫn thích áp tai vào chiếc Radio cầm tay mà nghe bình luận viên Huyền Vũ nói dù đang ngồi theo dõi trận đấu trong cầu trường
Ký giả Thể thao Huyền Vũ tên thật là Nguyễn Ngọc Nhung, sinh năm 1915 (năm Ất Mão) tại Phan Thiết. Hồi lúc còn trẻ, ông đã từng sống ở Cao Miên, sau này vì nhu cầu học hành của các con, năm 1948 ông đã trở về nước. Huyền Vũ từng là ký giả tài tử trong những năm 1936 khi ông viết báo cho Zân Báo của Võ Khắc Thiệu và Trung Lập báo của Bùi Thế Mỹ. Thế nhưng cả hai báo này đều là báo địa phương nên kinh tế không đủ để ông trang trải cuộc sống. Đến năm 1950, ông bèn chuyển qua nghề viết văn, thời viết văn của ông cùng thời với nhà văn Lý Văn Sâm, Hoàng Tấn, Việt Quang,… Đến năm 1951, ông trở thành Ký giả Thể thao cho đài phát thanh Pháp Á. Sau này, ông ngưng công tác tại Pháp Á và chuyển sang làm việc cho Đài Phát thanh Sài Gòn và phụ trách tin tức thể thao. Từ đây, ông trở thành “huyền thoại” bình luận viên bóng đá khiến bao nhiêu người trầm trồ bởi giọng miền Nam có sức hút kì lạ của ông.
Lý do để gọi giọng bình luận của ký giả Huyền Vũ là huyền thoại bởi vì hầu như những người mê bóng tròn ai ai cũng biết hoặc nghe đến giọng nói của Huyền Vũ, từ thành thị cho đến nông thôn, từ miền Nam ra đến miền Bắc. Một khi đã nghe ông bình luận thì dù cho không tự mình chứng kiến trận bóng cũng có cảm giác như mình đang xem trực tiếp nó vậy. Những pha lướt bóng, những pha lội ngược dòng, những tình tiết gay cấn của toàn bộ trận đấu đều được ông tường thuật một cách rõ rệt và đầy sức hút. Giọng của ông khi bình luận trận túc cầu khá đặc biệt, dường như nó đi theo mạch chuyền bóng của những cầu thủ trong đội. Lúc thì nhẹ nhàng như quả bóng đang lăn trên bãi cỏ, lúc lại dồn dập mỗi khi cầu thủ đón hoặc đang tranh bóng, có khi giọng nói trở nên khẩn trương lúc mà “Mũi tên vàng Thới Vinh bên cánh trái đang lao xuống… lao xuống… Quả da đã đi tới khung thành rồi. Ngôn đang lừa banh, qua rồi. Tam Lang đang đứng đợi bên trong, đưa banh”. Tất cả hình ảnh đều được ông dùng những từ ngữ vô cùng đặc biệt để miêu tả. Bình luận viên Huyền Vũ với lối dùng từ vô cùng đặc sắc, ông hay dùng từ “quả da” thay cho từ “quả bóng”. Ngoài ra còn có những cụm từ thể hiện chất rất riêng của ông như “một dịp thắng bằng vàng” hay “một bàn thua trông thấy”,… Cách nói của ông rất riêng, hầu như những ai nghe cụm từ này đều biết đó là bình luận viên Huyền Vũ, từ giọng nói, cách truyền đạt, cách dùng từ,… Mọi thứ đều không thể lẫn vào đâu được.
Mà phải nói, cái thời năm 1960 – 1965 hồi đó truyền hình chưa phổ biến như bây giờ, những người mê túc cầu phải săn vé và đi ra sân Cộng Hòa (Thống Nhất) để xem. Có người không mua được vé chính phải đi mua vé chợ đen với giá đắt vô cùng. Sau đó họ đành nhịn cà phê hay những thú vui khác như bi-a để bù lại số tiền đã mua vé chợ đen. Có người trực tiếp xem còn chưa “đã”, họ đèo cả radio để vừa xem vừa ghé sát tai vô đài để nghe Huyền Vũ bình luận trận bóng.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong nghề cùng niềm say mê với bóng đá nên dường như bình luận viên Huyền Vũ thuộc vanh vách những trận đấu đã từng xảy ra. Trước khi vào trận đấu chính thức, khán giả sẽ được nghe ông bình luận những sự kiện đã xảy ra. Hầu như ai cũng thích thú với lối kể cũng như cách giữ nhịp để chờ trận bóng sắp tới của ông. Trong thời gian chờ đợi, ông bình luận lại về những trận bóng đá, chẳng hạn như vận hội năm 1959 tại Đông Nam Á, ông còn bình luận về các tuyển thủ như Đỗ Thới Vinh, Hải, Nguyễn Văn Nhung, Nguyễn Văn Tư cùng với thủ môn Phạm Văn Rạng. Sau đó ông khéo léo quay lại trận đấu mà không hề gây cho người nghe cảm giác bị ngắt quãng. Giọng điệu và cách trình bày của ông khúc chiết, mạch lạc làm cho những ai không có mặt ở trận đấu cũng rõ mồn một những gì đang diễn ra.
Người ta chỉ cần nghe Huyền Vũ bình luận là cũng có thể tưởng tượng ra khung cảnh nhộn nhịp cùng lối dắt bóng khéo léo của các tuyển thủ giữa hai khung thành. Có khi chỉ cần nghe những lời của bình luận viên Huyền Vũ thôi mà người ta đã phấn khích, hồi hộp khi các tuyển thủ của hai đội chuyền bóng cho nhau, hoặc người ta sẽ vỡ òa nếu đội mà họ hâm mộ đá bóng vào khung thành. Để có được những bình luận trôi chảy như thế, người ta đồn nhau là bình luận viên Huyền Vũ phải học thuộc tên của từng cầu thủ trước khi tường thuật trận bóng. Trong quá trình bình luận, ông phải để danh sách tên cầu thủ ở trước mặt.
Bình luận viên Huyền Vũ đem lại cho người nghe những phút giây nghẹt thở xen lẫn sự phấn kích khi nghe ông bình luận trận bóng. Dường như mọi thứ đang diễn ra trước mắt chúng ta mỗi khi được nghe ông tường thuật. Khả năng truyền đạt của ông vô cùng lưu loát, tưởng chừng như chữ đã được định sẵn trong đầu ông, chỉ cần vô trận là câu từ của ông tuôn ra như suối. Ông chưa bao giờ phải dừng lại để tìm từ, tìm tên cầu thủ, nên ông mang lại cho người ta hứng thú theo dõi toàn bộ trận đấu.
Mỗi chương trình ông tường thuật đều thu hút rất nhiều người nghe. Cứ đến mùa bóng đá, các chương trình phát thanh cùng khung giờ đều phải nhường chỗ cho chương trình phát thanh do Huyền Vũ làm bình luận viên. Cứ đến khung giờ nhất định là mọi người lại háo hức chuẩn bị radio để được nghe Huyền Vũ tường thuật trận bóng.
Trận túc cầu xưa với những lời bình của ký giả Huyền Vũ chính là những điều không thể thiếu được của những năm trước 1975. Hầu như từ trước đến nay, túc cầu luôn được nhiều người hâm mộ, bất kể là già trẻ lớn bé đều luôn mong chờ đến ngày để được xem túc cầu. Hơn cả vậy, trận bóng da sẽ càng được sinh động hơn khi được nghe tường thuật từ bình luận viên Huyền Vũ.
Rạng sáng ngày 24/08/2005, bình luận viên Huyền Vũ từ trần tại Hoa Kỳ, ông hưởng dương 90 tuổi. Dù đã mất nhưng hình bóng và những câu từ khi bình luận túc cầu của ông mãi hiện diện trong tâm trí nhiều người. Những lời bình luận ấy luôn là linh hồn của toàn trận bóng.
Thuở thời thập niên 60’s, người ta gọi bóng đá là đá banh hoặc túc cầu. Đội túc cầu miền Nam gồm các thành viên là thủ môn Lâm Hồng Châu, hậu về Phan Dương Cẩm, Nguyễn Văn Có, Phạm Huỳnh Tam Lang và Lại Văn Ngôn. Về phía tiền vệ thì có cầu thủ Đỗ Thới Vinh, Nguyễn Ngọc Thanh. Hàng ngũ tiền đạo có Nguyễn Văn Ngôn, Nguyễn Văn Chiêu, Lê Văn Đức và Trần Chánh. Tất cả thành lập nên một đội bóng tài ba tham gia giải bóng đá và từng đoạt cúp Merdeka – giải bóng đá danh dự của Malaysia. Dìu dắt đội từng bước đi lên có huấn luyện viên người Đức – Weigang.
Vòng chung kết giải Merdeka phải nói là đông nghịt người với con số lên đến 40.000 người ngồi chật ních ở sân vận động Quốc gia. Đồng phục khi ra sân của đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa là áo vàng, quần trắng, vớ vàng. Tất cả thành viên của đội đều được giới báo chí nước chủ nhà ca ngợi và khán giả cổ vũ nhiệt tình. Trong đó phải kể đến cầu thủ Đỗ Thới Vinh với lối dẫn bóng điệu nghệ và nét pha trò duyên dáng của anh trên sân bóng.
Trong trận chung kết với Miến Điện (Myanmar ngày nay), đội tuyển Việt Nam đã dẫn bóng một cách xuất sắc, tuy nhiên vẫn chưa có tỉ số nào được mở ra. Đến hiệp 2, ở phút 72, với đường chuyền khéo léo của Phạm Huỳnh Tam Lang cùng sự dẫn bóng lắt léo qua các cầu thủ Miến Điện của Đỗ Thới Vinh đã tạo điều kiện cho trung phong Nguyễn Văn Chiêu ghi bàn. Kết quả với chiêu hứng bóng bằng ngực và cú xoay người sút bóng bằng chân trái cách khung thành 25m, bóng đi thẳng vào lưới của Miến Điện, đội tuyển Việt Nam dẫn trước với tỉ số 1 – 0. Đây cũng là cú sút giúp cho đội tuyển Việt Nam giành cúp Merdeka tại Mã Lai năm 1966.
Nói thêm chút về trung phong Nguyễn Văn Chiêu, đến cuối đời, anh ra đi vào năm 1987 tại Long Thành trong sự tiếc thương của vợ và các con. Đám tang lạnh lẽo, không trống không kèn, mộ phần không có tiền xây cất, chỉ đành đắp đất làm mộ.
Về Đỗ Thới Vinh, năm 1995 anh mất tại Việt Nam vì căn bệnh tiểu đường. Anh mất trong hoàn cảnh đơn bóng, không có một ai bên cạnh.
Còn thủ môn Phạm Văn Rạng, anh được mệnh danh là “lưỡng thủ vạn năng”. Năm 1949, cơ duyên đã đưa anh từ một trung phong của trường Việt Nam học đường, anh trở thành thủ môn khi thủ môn chính thức không thể ra sân được. Điều đó làm tiền để để anh trở thành thủ môn của đội tuyển Việt Nam Cộng Hòa khi chỉ mới 19 tuổi khiến bao nhiêu bóng hồng Nhật Bản hâm mộ. Đến năm 1964 thì anh giải nghệ. Tháng 11 năm 2008, thủ môn huyền thoại Phạm Văn Rạng qua đời
Lại nói về trận túc cầu, thời ấy có một trận đá giao hữu giữa Việt và Mỹ vào khoảng giữa tháng 12 năm 1967, tại sân vận động Cộng Hòa. Trong đó, đội Dallas Tornado đại diện cho Mỹ đấu trận đầu tiên với Hội tuyển Thanh niên vào ngày 14/12/1967. Đến trận thứ 2 họ gặp Hội tuyển Sài Gòn vào ngày 16/12/1967. Trận túc cầu có tới 20.000 khán giả từ khắp nơi đến để cỗ vũ. Kết quả là 2 đội đều nhau với tỉ số 1 – 1.
Tóm lại, những trận túc cầu Sài Gòn luôn là niềm kiêu hãnh của người dân Sài Gòn xưa. Những hình ảnh đẹp đẽ, các đường dẫn bóng khéo léo cùng những pha ghi bàn đặc sắc luôn khiến người ta reo hò sung sướng. Nhắc đến túc cầu, người ta càng nhớ đến giọng miền Nam rõ ràng, rành mạch khi tường thuật túc cầu của bình luận viên Huyền Vũ. Chính lối dẫn dắt câu chuyện trong khi tường thuật của ông khiến cho người nghe cảm nhận chân thật những chi tiết về trận đấu. Thật không ngoa khi nói rằng lời bình luận của Huyền Vũ chính là linh hồn của cả một trận đấu túc cầu