Sài Gòn ngày nay vẫn còn hiện hữu những công trình trăm năm mang tính biểu tượng của thành phố, điển hình như Nhà hát lớn Thành phố.Nhà hát lớn nằm tại số 7 đường Công Trường Lam Sơn, phường Bến Nghé, quận 1, được xem là nhà hát trung tâm, đa năng chuyên tổ chức biểu diễn sân khấu nghệ thuật đồng thời cũng được sử dụng để tổ chức nhiều sự kiện lớn. Nhà hát Thành phố có kiến trúc đặc biệt, theo phong cách Flamboyant của thời Đệ tam cộng hòa Pháp, do nhóm kiến trúc sư người Pháp Félix Olivier, Eugène Ferret, Ernest Guichard thiết kế. Đây là nhà hát lâu đời nhất tại Sài Gòn và đồng thời còn là một địa điểm du lịch lý thú của thành phố.
Nhà hát lớn Thành phố được khánh thành vào năm 1900. Trước đó vào khoảng năm 1863, sau khi chiếm được Gia Định, Pháp đã mời một đoàn hát sang biểu diễn phục vụ cho lính viễn chinh Pháp tại Sài Gòn. Lúc bấy giờ vẫn chưa có nhà hát nên đoàn biểu diễn đã lấy nhà gỗ của dinh Thủy sư đề đốc tại Công trường Đồng Hồ (nay là góc đường Nguyễn Du – Đồng Khởi) làm nơi biểu diễn. Sau sự kiện đó, một nhà hát được lập tạm ở vị trí khách sạn Caravelle ngày nay. Đến năm 1898, Nhà hát Lớn mới được khởi công ngay cạnh nhà hát cũ và hai năm sau thì hoàn thành.
Đúng vào ngày đầu tiên của thế kỷ 20 (1/1/1900), nhà hát lớn Thành phố được khánh thành. Ban đầu khi xây dựng nhà hát đã có rất nhiều người phản đối, kể cả người Pháp tại Sài Gòn, vì thế nhà hát sau khi được thành lập lại trở nên vắng vẻ, hầu như khách ăn chơi chủ yếu tập trung tại các hộp đêm, quán ăn có nhạc, vũ trường.
Nhà hát lớn Thành phố có diện tích nền là 3200 m2, gồm có 1 trệt 2 lầu, có 1800 ghế, không khí thoáng, hệ thống âm thanh ánh sáng hiện đại. Nhà hát Sài Gòn giữ riêng nét đặc thù có một không hai với cửa mặt tiền chịu ảnh hưởng khá rõ nét của nghệ thuật Petit Palais cất cùng năm tại Pháp. Toàn bộ các mẫu trang trí, thiết kế phù điêu mặt tiền và nội thất đều được một họa sĩ tên tuổi ở Pháp vẽ giống như mẫu của các nhà hát ở Pháp cuối thế kỷ 19 và gửi từ Pháp qua.
Kiến trúc phần mặt tiền của nhà hát với các phù điêu hoa văn nhiều họa tiết, cùng với đó là hai pho tượng trước cửa vào theo phong cách phục hưng dù nhận được nhiều lời khen nhưng cũng không ít ý kiến không hài lòng vì quá rườm rà. Năm 1944, nhà hát được tu sửa lại, nhiều họa tiết trang trí cùng với hai pho tượng bị tháo dỡ, nhằm mang điến một hình ảnh hiện đại và mới mẻ cho nhà hát Thành phố.
Sau năm 1954, nhà hát Thành phố được dùng làm Tòa nhà Quốc Hội của Đệ Nhất Cộng Hòa, sau đó là Hạ Nghị Viện của Đệ Nhị Cộng Hòa. Qua nhiều lần thay đổi công năng, bộ mặt của nhà hát cũng thay đổi nhiều lần để phù hợp với công năng. Khoảng từ năm 1963 đến 1967, tòa nhà này mang tên là Nhà văn hóa vì khi đó Quốc Hội bị giải tán.
Sau năm 1975, nhà hát Thành phố trở lại công năng ban đầu là nơi trình diễn nghệ thuật. Năm 1998, nhân dịp 300 năm khai sinh Thành phố Sài Gòn, chính quyền thành phố đã cho tu bổ lớn với một số trang trí, điêu khắc nổi ở mặt tiền nhà hát như tượng nữ thần nghệ thuật, các dây hoa… được phục chế, với phương châm bảo tồn phong cách kiến trúc ban đầu.
- Tuyển tập 49 bức ảnh không màu ghi lại cuộc sống của người dân Hà Nội trước năm 54
- Tuyển tập những bức ảnh đẹp về danh ca Thanh Thúy
- “Thương Quá Việt Nam” – Thương từng tấc đất, con người, từng cành cây ngọn cỏ
- “Gõ Cửa Trái Tim” van em được vào – Dù tình xót đau chung thân huyệt đào…
- Cảm nhận về ca khúc “Chuyện Buồn Năm Cũ” của hai nhạc sĩ Hoài Linh và Song Ngọc