Sài Gòn phồn hoa với cuộc sống hối hả, tấp nập và vội vàng đã trở thành một điểm nổi bật không không lẫn vào đâu được. Thế mà trên những con phố tấp nập người qua lại, lẫn vào trong dòng người hối hả, hòa vào nhịp sống vội vàng của người dân Sài Gòn lại là những câu chuyện, những chia sẻ nghe có vẻ bình dị mà thân thương. Điều đó khiến Sài Gòn không còn đơn thuần là một miền đất để sinh sống mà là một nơi để nhớ về.
Tôi theo cha vào Sài Gòn 50 năm trước sau khi mẹ tôi qua đời. Cuộc sống vất vả của cha con tôi chưa khấm khá là bao, cha tôi lại lâm bệnh rồi mất 5 năm sau đó. Một mình tôi – cậu bé mới lớn một mình bươn chải trên mảnh đất xa lạ. “Gia tài” cha để lại cho tôi là chiếc xe đạp cọc cạch. Trên chiếc xe đạp ấy, mỗi buổi sáng tôi phải thức dậy thật sớm, đạp xe từ Thị Nghè đến tận Phú Thọ Hòa để làm việc tại một nhà máy bào chế thuốc Tây với mức lương 500 đồng mỗi ngày. Số tiền kiếm được ít ỏi là thế, bữa trưa tại quán nhỏ trước cổng nhà máy lại tiêu tốn của tôi đến 200 đồng. Số tiền còn lại tôi đành phải gói ghém dành dụm để lo toan mọi thứ từ sách vở, áo quần, học phí và vô vàn các chi phí khác. Nhiều đêm đi học về, bụng trống không, tôi đành phải ghé vào phông – tên nước bên đường uống đến lúc no căng bụng cho quên đi cơn đói đang hành hạ dạ dày.
Tôi còn nhớ một buổi sáng năm 1974, tôi đang đạp xe đến công ty, ngang qua ngã ba Lê Văn Duyệt – Tô Hiến Thành (nay là Cách mạng tháng Tám – Tô Hiến Thành) một tiếng nổ lớn phát ra khiến mọi người xung quanh hoảng loạn. Thì ra, chiếc xe đạp tội nghiệp của tôi bị nổ lốp xe khiến tay lái tôi loạng choạng suýt ngã. Tôi đang hoang mang chưa biết làm thế nào vì đang trong tình trạng không một xu dính túi, đừng như trời trồng ngao ngán nhìn chiếc xe của mình thì từ góc đường, một cụ già tầm 60 tuổi đang lúi húi bày biện dụng cụ sửa xe ra bên lề đường tiến lại gần tôi rồi hỏi:
– Vỏ xe con bị nổ à? Mang lại đây bác sửa cho!
Tôi ngoan ngoãn dắt chiếc xe cà tàng đi theo bác vào góc đường. Sau khi kiểm tra tình trạng xe, bác nói với tôi:
– Cái vỏ xe của con cũ quá rồi, lại nổ như thế chắc không sửa được. Chỉ có thay vỏ mới thôi con ạ! Con có tiền thay vỏ mới không?
Tôi lí nhí:
– Dạ… dạ con không có tiền ạ!
Bác nhìn dáng vẻ bối rối của tôi, nở một nụ cười hiền từ rồi trấn an:
– Thôi được rồi, để bác lấy mấy cái vỏ ruột cũ rồi thay cho con. Cũ vậy chứ còn xài tốt lắm à nghen!
Lòng thầm cảm kích bác sửa xe tốt bụng nhưng lại không biết lấy gì để đền đáp. Tôi bèn nảy ra “sáng kiến”. Tôi nép vào một góc, mở túi xách lấy bộ quần áo công nhân sờn cũ mặc vào, cởi chiếc áo trắng đang mặc trên người ra, xếp lại gọn gàng, bước tới bên cạnh bác rồi nói với vẻ biết ơn:
– Thưa bác, con xin gửi lại bác bộ đồ của con. Chiều con đi làm về con xin ghé ngang trả tiền sửa xe cho bác!
Bác xua tay:
– Con phải cố gắng học cho giỏi để sau này sướng tấm thân nghen con. Tiền sửa xe bác cho con đó. Mai mốt xe con có hư thì ghé lại đây bác swar cho. Con cất bộ đồ vào đi để tối còn đi học!
Tôi đứng như trời trồng, tay chân luống cuống lòng vừa mừng, vừa cảm kích vwaf cảm giác mang ơn không biết làm gì cho phải phép. Bác bảo tôi: Con đi đi kẻo trễ làm bây giờ!
Tôi vội vàng cảm ơn bác rồi đạp xe đến công ty. Từ đó về sau, mỗi lần có dịp đi ngang đó tôi đều vào chào hỏi và trò chuyện với bác. Sau năm 1975, nhiều lần tôi đi ngang qua chỗ ấy cố ý tìm bác nhưng đã không còn thấy bác ở đó nữa. Hỏi thăm người dân xung quanh cũng không ai biết thông tin về bác. Thế là đành ngậm ngùi nhớ về Bác như một ân nhân của cuộc đời tôi.
Đất Sài Gòn vốn dĩ yên bình, ít thiên tai lũ lụt hoành hành. Ngược lại, nhiều vùng trên đất nước lại thường phải hứng chịu cảnh tai ương do thiên nhiên mang lại. Tôi bước vào làng báo và gắn bó với nghề trong suốt một thời gian dài. Tại đây tôi chứng kiến những hành động chân thành của người Sài Gòn và cái tâm thương người của con người nơi đây.
Mỗi lần trên loa phát thanh phát động phong trào “Lá lành đùm lá rách” thì tôi lại bắt gặp được những nghĩa cử cao đẹp của người dân Sài Gòn trong việc giúp đỡ đồng bào ở vùng thiên tai lũ lụt. Từ anh Bốn đạp xích lô, chị Ba bán bánh hay cô Năm quét rác,… những cái tên gắn với những nghề nghiệp bình thường nhưng tấm lòng thật cao cả. Họ đến tòa soạn, gửi chút ít tiền cho bà con ở vùng bị thiên tai, mong được san sẻ chút khó khăn. Ngoài ra, tòa soạn còn ghi nhận thêm nhiều cái tên “vô danh” “độc giả giấu tên”… cũng đóng góp những khoản tiền không hề nhỏ gửi đến những người họ chưa từng gặp.
Nhà báo Thanh Thủy, một người con đất Thanh Hóa vào Sài Gòn sinh sống được 20 năm chia sẻ: Mình yêu mảnh đất Sài Gòn biết bao nhiêu và luôn xem đây là quê hương thứ hai. Đi đâu xa quay lại Sài Gòn, cảm giác cứ như được về nhà, hạnh phúc làm sao! Có lẽ, nhớ nhất là con người Sài Gòn. Cảm giác lạ lắm! Nếu là người dân từ tỉnh khác đến, thỉnh thoảng đi trên đường, bạn sẽ giật mình khi đột nhiên có ai đó phóng xe từ đằng sau vọt lên rồi quay sang nhắc nhở bạn tắt đèn xi-nhan hay gạt chân chống lên. Chỉ mới vài ngày đi xa mà mình đã muốn về Sài Gòn. Về để lại được hòa mình vào dòng người tấp nập, để được hưởng cái không khí sáng nắng chiều mưa bất chợt đặc trưng của nơi này!
Anh Lê Minh Mẫn, quê ở Bến Tre đã đến Sài Gòn học tập rồi quyết định lập nghiệp tại đây hơn 20 năm qua. Anh tâm sự: Người Sài Gòn và người miền Tây có nhiều điểm giống nhau lắm! Chỉ hơi khác, người Sài Gòn có điều kiện tốt hơn, cuộc sống hiện đại hơn, học cao hơn nên cách họ thể hiện ra bên ngoài khá tinh tế, mực thước. Còn người miền quê như anh lại thật thà chân chất, ruột để ngoài da. Tuy vậy, điều khiến họ giống nhau nhất chính là tấm lòng dành cho người khác. Người Sài Gòn hay người miền Tây đều tốt bụng vả. Họ ít khi tính toán thiệt hơn với người thân, bạn bè. Gặp hoàn cảnh khó khăn, họ sẵn sàng dốc hết túi để giúp đỡ…”
Nhà thơ Nồng Nàn Phố – Phạm Thiên Ý trên Facebook cá nhân của mình đã viết rằng: “Sáng nay, dẫu mệt vẫn dậy sớm như nếp quen. Pha ly mật ong ấm nhâm nhi nhìn Sài Gòn qua cửa sổ, vẫn là những con người xa lạ ngoài phố thôi mà sao như thân quen từ kiếp nào. Thì ra, không cần phải quen biết tất cả mọi người mới thấy thân thuộc đâu… Chỉ cần mình yêu nơi mình đặt chân đến đã là thân quen lắm rồi!”.
Người Sài Gòn còn thiện lương theo những cách thức rất đáng yêu. Khi nhớ về một Sài Gòn những năm 1960 – 1970, khi đi ngang qua những căn nhà có vách tường rộng, người ta thường nhìn thấy những chiếc đồng hồ treo tường lớn được treo ngay ngắn để ai đi ngang qua cũng có thể nhìn thấy được giờ. Có đến hơn 90% những căn nhà ở Sài Gòn xưa làm điều này. Ngày trước tôi vẫn thường thắc mắc tại sao người Sài Gòn lại làm vậy. Sau này mọi người mới thống nhất lý do là vì đồng hồ đeo tay thời đó rất đắt bởi toàn hàng nhập từ Thụy Sĩ và Nhật Bản. Chỉ những doanh nhân hay công chức mới có tiền để sắm những vật dụng có giá trị như vậy. Những người còn lại đều xem giờ thông qua những chiếc đồng hồ được treo trên những căn nhà mặt tiền dọc các con phố. Sau này, Đài Phát Thanh Sài Gòn cũng có thông lệ thông báo giờ cho người dân trước khi vào chương trình phát thanh. Tuy chỉ là một điều nhỏ nhoi nhưng cũng có thể nhận thấy rằng, tâm tính tốt bụng, biết chia sẻ đã ăn sâu vào tiềm thức người Sài Gòn từ những điều tự nhiên nhất.
Những con người sống trên mảnh đất Sài Gòn càng làm đậm nghĩa tình nơi đây – nơi người ta chỉ nhìn thấy sự tấp nập, nhộn nhịp và hối hả.
Mảnh đất Sài Gòn sinh ra những con người rất Sài Gòn.
Người Sài Gòn làm cho mảnh đất này càng đượm nghĩa tình.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bài hát “Để gió cuốn đi” đã viết rằng: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng,… để gió cuốn đi…” Tấm lòng của người Sài Gòn xuất phát từ truyền thống, từ tâm khảm, từ bản chất, không mong cầu đáp đền, không cần trả ơn. Cứ để gió cuốn đi…
- “Mùa Sầu Riêng” (Hoàng Trang)
- Danh ca Thái Thanh – Người được mệnh danh là “Đệ nhất danh ca”
- Một nỗi sầu giấu kín trong mối tình đầu đẹp tựa mây ngàn qua nhạc khúc “Dại Khờ” của nhạc sĩ Đỗ Lễ
- “Một lần lỡ bước” (Hoài Nam)
- Nhạc khúc “Dù Anh Nghèo” – Nghèo tiền, nghèo bạc nhưng không nghèo tấm chân tình cho nhau…