Người phụ nữ hơn nửa đời người đóng guốc mộc ở chợ Bến Thành

Đăng ngày 21/07/2024

Người phụ nữ hơn nửa đời người đóng guốc mộc ở chợ Bến Thành

Ngày nay, giới trẻ hay khoe những đôi giày hiệu Adidas, Nike,…và những nhãn giày nổi tiếng khắp thế giới chứ mấy ai đem khoe đôi guốc mộc bao giờ. Ít ai biết rằng, hơn nữa thập niên trước, đôi guốc mộc mới chính là xu hướng, ai có một đôi guốc mới đã là niềm vui, niềm tự hào rồi. Và với những ai từng yêu quý đôi guốc mộc chắc hẳn sẽ biết đến bà Liên – người phụ nữ dành hơn nửa đời người làm nghề đóng guốc mộc ở chợ Bến Thành. Chỉ cần đến chợ Bến Thành hỏi đường để mua guốc mộc người ta sẽ chỉ ngay một sạp guốc nhỏ ở gần cửa Tây của bà Liên.

Được biết người phụ nữ với dáng người nhỏ bé ấy tên đầy đủ là Nguyễn Thị Liên. Bà Liên kể rằng lúc nhỏ cũng được đi học, biết đọc biết viết như bạn bè nhưng do nhà nghèo quá nên đến năm 18 tuổi bà phải theo người cô ra chợ Bến Thành bán guốc mộc. Ban đầu theo học nghề cũng đóng hỏng, trầy trật nhiều đôi nhưng rồi cũng lành nghề, đến khi người cô mất thì sạp guốc để lại cho bà.

Người phụ nữ hơn nửa thế kỉ làm nghề bán guốc tại chợ Bến Thành

Ngược dòng thời gian trở về những năm 70, 80 đôi guốc mộc được rất nhiều người ưa chuộng, các cô gái trên đôi guốc mộc cùng với tà áo dài bước đi rất duyên dáng, các cụ già, ông đồ, trẻ em,… cũng chuộng đi guốc. Trong những năm ấy, cửa hàng của bà Liên rất đông khách, mỗi ngày bà đóng guốc không ngơi tay. Vậy mà, chỉ một thời gian sau đó xu hướng thay đổi, người ta không còn chuộng đi guốc nữa. Thay vào đó là những đôi giày, đôi dép nhựa,…hợp thời hơn. Sạp hàng của bà từ đó cũng vắng khách dần. Chỉ đến năm 2000 lại rộ lên phong trào đi guốc mộc người ta mới tìm lại sạp hàng ở chợ Bến Thành của bà. Phần lớn khách hàng trong thời gian này là khách du lịch nước ngoài, họ tìm bà để nhờ đóng những đôi guốc mang về nước làm quà cho người thân, bạn bè. Cũng từ đấy mà sạp hàng của bà đông khách trở lại, đôi guốc mộc mang hai chữ “Saigon” cũng lên đường đi khắp thế giới. Bà kể lại những ngày đầu bán guốc cho khách du lịch, do không biết tiếng anh nên bà mất rất nhiều khách. Những chủ shop bên cạnh thấy thương tình nên đã phiên dịch giúp bà. Lâu dần bà nghe cũng hiểu ý, lại cố gắng học thêm vài câu để giao tiếp tốt hơn. Dần dần bà đã có thể tự trao đổi với du khách nước ngoài. Bà đã bán guốc cho rất nhiều vị khách người nước ngoài nhưng bà bảo nhớ nhất là chàng trai người Singapore: Chàng trai khi đi du lịch sang Việt Nam đã ghé sạp guốc của bà mua guốc về làm quà, rồi nhiều năm sau đó khi có cơ hội sang Việt Nam lần nữa, cậu đã tìm lại bằng được sạp guốc của bà để mua thêm và cảm ơn vì guốc đẹp và rẻ. Để bày tỏ lòng thành của mình, chàng trai người Singapore đã viết một tấm bảng gỗ với dòng chữ “Custom made shoes. Cheaper! Shoes in market” để bà treo lên cho khách nước ngoài biết đường tìm đến mua, nhưng cuối cùng bà chỉ giữ tấm bảng ấy để làm kỷ niệm. Nhưng rồi cũng chỉ được một thời gian, giới trẻ thì không chuộng đi guốc, khách nước ngoài cũng vơi dần vì kinh tế khó khăn. Sạp guốc lại trở nên nhỏ bé, nằm lặng yên trong khu chợ đông đúc bậc nhất Sài Gòn. Bà Liên từng bọc bạch rằng: Có những ngày bà không bán nổi một đôi guốc nhưng mỗi khi có người hỏi thuê lại sạp với giá cao hơn mỗi tháng thì bà lại không nỡ. Cứ nghĩ mình làm nghề này đã hơn nửa đời người, ở cái chợ này hơn nữa thế kỷ, chứng kiến sự thay đổi thăng trầm của thời cuộc, và là một người luôn đem lòng yêu mến một Sài Gòn xưa cũ bà lại không nỡ bỏ nghề. Trong một bài phỏng vấn bà cũng tâm sự rằng: Bà làm nghề trước tiên nhất là muốn giữ lại một chút gì xưa cũ còn lại của Sài Gòn và mong rằng sau này người ta lại chuộng đi guốc trở lại. Để bà lại được nghe tiếng guốc lọc cọc, xôn xao rất duyên dáng của người phụ nữ nên bà vẫn sẽ làm nghề đến khi nào sức khỏe không cho phép nữa thì để lại sạp cho cháu.

50 năm bán guốc mộc ở chợ Bến Thành - Tuổi Trẻ Online

Những đôi guốc mộc mang hai chữ “Saigon” đi khắp thế giới

Sạp guốc của bà Liên có rất nhiều mẫu mã và kiểu dáng khác nhau. Người mua có thể tùy ý lựa chọn sao cho phù hợp với sở thích của mình: nào là guốc sơn mài hình rêu và cá vàng, nào là quai nhung, gót nhọn, dáng thon,… Bà cho biết gỗ làm guốc có rất nhiều loại nhưng phổ biến và chuộng nhất là gỗ xoan và gỗ thông do mang nhẹ và bền.

Khi khách đến mua hàng, trước tiên bà sẽ hướng dẫn khách chọn kiểu đế guốc vừa với chân mình, chọn quai cho hợp sở thích. Sau đó, bà ướm thử thân guốc lên chân khách cho vừa rồi mới đóng. Đóng xong để khách thử lại xem đã vừa chưa, chưa thì chỉnh lại cho vừa chân rồi đóng cố định. Chỉ vài bước đơn giản như vậy khách hàng đã có ngay một đôi guốc mẫu mã đẹp, giá cả lại phải chăng. Cũng nhờ vậy mà guốc bà đóng được rất nhiều người yêu thích, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài. Từ một sạp guốc nhỏ ở chợ Bến Thành những đôi guốc mộc do bà Liên đóng lên đường đi khắp thế giới, mang theo đó là nét duyên dáng, bóng cũ, hồn xưa của Sài Gòn.

Như những gì bà Liên đã tâm sự ở trên, giờ đây bà đóng guốc bởi vì hoài cổ, vì bà muốn giữ gìn nét duyên của Sài Gòn xưa. Còn những người mua guốc không còn để đi mà chỉ là muốn thưởng thức một món đặc sản của Sài Gòn xưa. Những người lớn tuổi tìm đến mua đôi guốc chỉ để hồi tưởng lại thời tuổi trẻ, một thời đã xa. Người trẻ, khách du lịch nước ngoài thì chỉ mua để làm kỷ niệm, để làm quà chứ không còn mang thông dụng như thời trước nữa.

Người phụ nữ hơn nửa thế kỉ làm nghề bán guốc tại chợ Bến Thành

Bây giờ hình ảnh đôi guốc mộc, tiếng guốc lộc cộc của mấy cụ già, tiếng guốc thẹn thùng của những cô gái,…ở đất Sài thành chỉ còn trong ký ức. Người ta mua đôi guốc chỉ để trưng bày, làm quà, làm kỷ niệm. Thế nhưng, dù với mục đích gì thì đôi guốc mộc cũng đã trở thành một dấu ấn riêng trong lòng người Việt xưa nói chung và một thế hệ người Sài Gòn xưa nói riêng. Đôi guốc mộc đã trở thành một hình ảnh khó phai đối với những người yêu mến một Sài Gòn cổ xưa.