Ngược dòng thời gian cùng khám phá chợ Bà Chiểu và tỉnh Gia Định xưa

Ngày nay, khi nhắc đến những ngôi chợ nổi tiếng trên mảnh đất Sài Gòn, không ai là không biết đến khu chợ Bà Chiểu. Đây là một trong những khu chợ lâu đời nhất của Sài Gòn, lúc còn sơ khai nơi đây là chợ Xổm, sau đó trở thành chợ trung tâm của tỉnh Gia Định. Ngày nay nó nằm ngay góc giao lộ, nơi kết nối bốn con đường huyết mạch ở trung tâm quận Bình Thạnh, là Bạch Đằng, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Đăng Lưu, Lê Quang Định. Từ xưa đến nay, có nhiều người vẫn thắc mắc về ý nghĩa của cái tên Bà Chiểu, theo như nhà văn Sơn Nam cho rằng, Bà Chiểu là tên của một vùng đất xa xưa đã xuất hiện từ giai đoạn những năm 1847 đến năm 1883, tức là vào thời của vua Tự Đức. Từ “Chiểu” có nghĩa là ao nước của thiên nhiên và “Bà Chiểu” là vị nữ thần cai trị ao nước này, được người dân tôn kính, lập miếu thờ. Cũng có một giải thích khác của tác giả Trần Nhật Vy đã cho rằng trước đây chợ Bà Chiểu quay mặt ra một con rạch nhỏ từ kênh Nhiêu Lộc trở vào. Cả hai giải thích trên về khu chợ Bà Chiểu đều đồng nhất với nhau rằng có khu vực sông nước tự nhiên trước mặt chợ, được người dân tin tưởng xây dựng lên một ngôi miếu nữ thần thờ bên cạnh ao nước đặt cho cái tên là Bà Chiểu.

Chợ Bà Chiểu ngày nay

Vào trước những năm 1975, khu chợ Bà Chiểu tọa lạc tại xã Bình Hòa, quận Gò Vấp, là trung tâm trụ sở của các cơ quan hành chính tỉnh Gia Định cũ, nơi đây nổi tiếng với nhiều địa điểm như Lăng Ông, Trường vẽ Gia Định (ngày nay là Đại học Mỹ Thuật), nhà thờ Thánh Mẫu, bệnh viện Nguyễn Văn Học (trường Nguyễn Đình Chiểu ngày nay),… Những năm này, ngay trước khu vực chợ Bà Chiểu là một ngã tư đường, được người ta gọi là Công Trường Hồng Bàng, là một trong những ngã tư được tiếp giáp bởi bốn tên đường khác nhau là Lê Quang Đăng, Bạch Đằng, Chi Lăng và Bùi Hữu Nghĩa. Tính đến thời điểm hiện tại có ba trên bốn con đường này vẫn được giữ nguyên, chỉ có đường Chi Lăng sau giai đoạn 1975 đã đổi tên thành Phan Đăng Lưu. 

Chợ Bà Chiểu ngày xưa

Ngày xưa, vào lúc chợ Bà Chiểu được xây dựng lại năm 1942, người ta mới dời mặt chợ ra đường Phan Đăng Lưu như hiện nay. Thời điểm đó chợ được xây lại với diện tích gần 8.500 mét vuông, lúc ấy khu chợ bà Chiểu được coi là khu chợ trung tâm lớn nhất, nhộn nhịp nhất của tỉnh Gia Định. Sau đó vào năm 1987, chợ được nâng cấp thêm lần nữa cho đến ngày nay chợ có khoảng 800 hộ và kinh doanh gần khoảng 40 mặt hàng khác nhau. Ngay khúc đường Lê Văn Duyệt đâm ngang ra đường Chi Lăng, cách công trường Hồng Bàng một khoảng là Ngã ba Chi Lăng. Năm 1975 trở về sau, hai con đường này đã đổi tên thành Đinh Tiên Hoàng và đường Phan Đăng Lưu. Cho đến năm 2020, đường Đinh Tiên Hoàng khúc từ cầu Bông tới Ngã ba Chi Lăng đổi thành Lê văn Duyệt như cũ. Phía ngay góc ngã ba đường Chi Lăng là cổng thành Gia Định cho đến thời nay vẫn còn. Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, chợ Bà Chiểu là nơi sinh sống và làm việc của nhiều tiểu thương với đủ tất cả các mặt hàng kinh doanh từ thực phẩm, quần áo đến đồ gia dụng, ở đây đều có đủ. Thời gian hoạt động của khu chợ này hầu như là xuyên suốt từ sáng đến tối khuya. Chỉ mới rạng sáng mà những khu nhà lồng và phía bên ngoài chợ đã tấp nập, đông đúc người qua lại mua bán, đến tận trời tối những khu nhà lồng phía trong bắt đầu đóng cửa, chỉ có ở phía mặt ngoài khu chợ Bà Chiểu vẫn hoạt động nhộn nhịp, trưng bày đầy đủ các loại mặt hàng khác nhau từ trái cây, ẩm thực, hoa trang trí,… Khi nhắc đến ẩm thực ở chợ Bà Chiểu, nhiều người không cần nghĩ ngợi mà có thể nói ra ngay món ăn nổi tiếng, được nhiều người biết đến nhất ở khu chợ này đó chính là xôi gà Bà Chiểu. Còn nhắc đến địa danh thì phải nói đến Lăng Ông, là lăng mộ của Đức Thượng Công Lê Văn Duyệt (Tổng trấn Gia Định – chức vụ này thường được gọi vui là vua một cõi). Năm 1955, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã đặt tên cho con đường bắt ngang qua lăng bằng tên của ông là đại lộ Lê Văn Duyệt. Đến tận bây giờ, dân miền Nam vẫn tôn kính gọi Lê Văn Duyệt là Ông và mỗi khi nhắc đến Lăng Ông thì người ta sẽ chỉ nhớ ngay đến Ông Lê Văn Duyệt. Nhiều người vẫn hay nhầm lẫn rằng Bà Chiểu là vợ của Tả Quân Lê Văn Duyệt, sự nhầm lẫn này bắt nguồn từ việc khu chợ Bà Chiểu nằm ngay sát bên cạnh Lăng Ông, vậy nên mọi người vẫn thường nhầm và quen gọi là Lăng Ông Bà Chiểu. Nhưng thực tế đây chỉ là một từ ngữ chỉ địa danh, có ý nghĩa là Lăng Ông nằm ở khu vực Bà Chiểu. Trường hợp này cũng gần giống với các địa điểm như “Bà Hom”, “Bà Hạt”, “Bà Quẹo”, “Bà Điểm” bình thường cũng được nhiều người nhầm lẫn là vợ chồng với “Ông Lãnh”, tức là Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng.

Lăng Ông

Lúc xưa vào thời nhà Nguyễn, Gia Định là tỉnh lớn nhất và giữ một vị trí rất quan trọng trong lục tỉnh Nam Kỳ. Ngoài ra, nơi đây còn từng là kinh đô vào thời chúa Nguyễn có tên là Gia Định Kinh với thành Gia Định nằm ngay giữa trung tâm Sài Gòn. Vào năm 1889, tỉnh Gia Định là 1 trong 20 tỉnh thuộc về Nam Kỳ lục tỉnh xưa. Sau năm 1975, tỉnh Gia Định được sáp nhập vào Sài Gòn, còn khu vực chợ Bà Chiểu thì thuộc về trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Gia Định cũ.

Đánh giá post

Viết một bình luận