Ngồi lại nghe chuyện Sài Gòn xưa: Nhớ về những tên đường từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa

Hiện nay khi đi trên các con đường Sài Gòn, bạn sẽ thấy đường Hai Bà Trưng thì gần đường Thi Sách, đường Huyền Trân Công Chúa lại ở trong góc có nhiều cây xanh. Rồi lại thấy đường Tản Đà ở trong khu Chợ Lớn,… Thật ra những tên đường ấy đều có ý nghĩa sâu xa, thậm chí có người còn nói nếu thuộc lịch sử, nắm những nguyên tắc đặt tên đường của Sài Gòn thì sẽ không lạc đường đâu. Tôi cũng tò mò tìm hiểu thử bài viết đăng trên báo Nhân Loại năm 1957 của nhà báo Bình Nguyên rồi lại buồn cười về cách đặt tên châm biếm của đường Sài Gòn cách đây 60 năm về trước. Hóa ra Đệ Nhất Cộng Hòa lại có cách đặt tên đường “hài hước” như vậy, mà xét cho cùng thì cũng không phải là không có ý nghĩa.

Là người Việt Nam chắc ai cũng đã từng nghe đến câu chuyện bà Trưng Trắc kết duyên cùng với Thi Sách, cả hai đều là con của Lạc tướng. Gia đình của bà Trưng Trắc thì ở huyện Mê Linh (nay là vùng Sơn Tây cũ và tỉnh Vĩnh Phú), còn gia đình ông Thi Sách thì ở huyện Chu Diên (Hà Nam và Nam Hà ngày nay). Cả hai nhà kết thành thông gia và có chung tinh thần là nỗi căm ghét bọn xâm lược nên Trưng Trắc và Thi Sách đã có ý định cùng nhau khởi nghĩa. Thế nhưng Thi Sách đã bị viên Thái thú Tô Định giết chết. Khi đọc câu chuyện ấy, tình cờ lại thấy đường Hai Bà Trưng ở Sài Gòn nổi tiếng thật nên mới đi loanh quanh xem thử có đường Thi Sách không thì ngạc nhiên đúng là có đường tên Thi Sách Thật. Chỉ có điều ông Thi Sách với Hai Bà Trưng chạy song song với nhau cho đến mé nước đoạn công trường Mê Linh chứ không được gặp nhau, kể cũng buồn.

Công trường Mê Linh năm 1965
Công trường Mê Linh
Đường Hai Bà Trưng – Tự Đức năm 1971
Kim Lai Ấn Quán trên đường Thi Sách năm 1965
Nhà thờ Tân Định trên đường Hai Bà Trưng năm 1965
Đường Thi Sách năm 1965
Công trường Mê Linh năm 1965
Đường Hai Bà Trưng – Thống Nhất năm 1966
Công trường Mê Linh năm 1967
Đường Hai Bà Trưng – Đong Du năm 1967
Công trường Mê Linh năm 1969
Không cảnh công trường Mê Linh
Đường Hai Bà Trưng năm 1966
Đường Hai Bà Trưng năm 1971
Không ảnh khu vực Công trường MÊ LINH với tên đường trước 1975
Tòa nhà BGI tại góc Hai Bà Trưng – Thái Lập Thành năm 1970
Đường Hai Bà Trưng, thời Pháp là Rue Paul Blanchy
Ngã 4 Hai Bà Trưng – Hồng Thập Tự năm 1966
Đường Hai Bà Trưng năm 1967
Đường Hai Bà Trưng năm 1972

Tiếp theo tôi lại đi đến đoạn đường Nguyễn Thái Học thì thấy đường ông Học lại giao với đường Cô Bắc, cô Giang ở đoạn chợ Cầu Muối. Nhìn thấy tên đường này làm tôi nhớ tới câu chuyện ông Nguyễn Thái Học bị thực dân Pháp bắt rồi hành hình, sau đó cô Giang cũng tự tử theo. Khi nghe kể lại câu chuyện ấy, ai cũng cảm thấy đau buồn thay cho chuyện tình của những người yêu nước. Thôi thì bây giờ được đặt tên đường gần nhau, được gặp nhau vậy là cũng coi như là an ủi. Chứ như bà Sương Nguyệt Ánh muốn thăm cha mình là Nguyễn Đình Chiểu cũng phải đi một đoạn đường xa chứ không được cắt nhau như ông Nguyễn Thái Học với Cô Giang.

Chợ Cầu Muối đường Nguyễn Thái Học năm 1961

Còn Bà Triệu cũng là một trong những vị nữ anh hùng của nước ta lại nằm ở trong khu Chợ Lớn, quận 5 ngày nay. Mà nhắc Chợ Lớn thì lại có một câu chuyện khác, khu Chợ Lớn là phố người Hoa, từ ngày xưa là đã nổi tiếng vì có nhiều quán mì, tửu lâu, tiệm ăn,… Ta cứ đi dọc phố này thể nào cũng có nhiều quán nối liền nhau. Mà trong khu Chợ Lớn này lại có tên đường Tản Đà, công nhận Đệ Nhất Cộng Hòa đặt tên cũng “khéo”. Vì ông Tản Đà không chỉ là thi sĩ mà còn là thực sĩ nữa khi ông cũng là người say mê món nem Thủ Đức – Sài Gòn.

Ngã tư Đồng Khánh – Tản Đà

Còn Huyền Trân Công Chúa thì lại nằm ở sau dinh Độc Lập, đoạn đường này tuy là có rộng rãi và nhiều cây xanh nhưng nó đem lại cho ta cảm giác u buồn giống như cuộc đời của bà vậy. Sinh ra trong dòng dõi quý tộc nên khi gả đi cũng là vì mục đích chính trị, kết hôn với Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô, Lý (đoạn từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên Huế đến phía Bắc Quảng Trị) cho đất nước.

Đường Nguyễn Du đoạn giữa Trương Công Định và Huyền Trân Công Chúa năm 1960

Còn về dòng dõi của ông Phan Huy Ích là Phan Huy Chú và Phan Huy Vịnh. Ông Phan Huy Ích thân là đại thần của triều đình, trải qua liên tiếp 3 triều đại là Lê Trung Hưng, Tây Sơn và triều Nguyễn. Con trai của ông là Phan Huy Chú cũng vô cùng tài giỏi khi ông là một nhà nho có tiếng, đậu tiến sĩ và từng làm quan cho nhà Tây Sơn. Ông Phan Huy Vịnh, cháu nội của ông Phan Huy Ích, gọi Phan Huy Chú cũng chẳng kém cạnh gì khi ông đã từng giữ chức thượng thư Bộ Hình dưới triều vua Tự Đức. Đành rằng cả 3 ông đều là người tài giỏi, góp sức rất nhiều cho đất nước nhưng chỉ có ông Phan Huy Ích và ông Phan Huy Chú được đặt tên đường, còn ông Phan Huy Vịnh lại chẳng thấy đâu. Ví dụ như đi xuống quận Gò Vấp, ta sẽ thấy đường Phan Huy Ích, chạy ngược lên quận 5 thì thấy đường Phan Huy Chú, còn đường Phan Huy Vịnh thì tìm khắp Sài Gòn cũng chẳng thấy ngõ hẻm nào có tên ông, như vậy thì có bất công quá không?

Ta phải biết là từ thời xưa, nước ta đã rất coi trọng giới văn nghệ. Những nhà văn, nhà thơ trong giới văn nhân thi sĩ ai cũng muốn sau này tạ thế sẽ được “xướng danh” để đặt tên đường. Khổ nỗi đường phố thì có hạn nên không thể lấy tên của tất cả văn nhân thi sĩ để đặt tên được. Chỉ có điều nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy thú vị vì các phố ở Sài Gòn chiếm đa số là tên đường của người họ Nguyễn. Họ Nguyễn ở Việt Nam nhiều như là họ Dupont ở Pháp vậy. Có một câu chuyện có sự liên quan giữa Pháp và Việt Nam như thế này: Thời xưa khi mà người Đức vây bắt người Pháp để bắt ông Dupont thì họ đã bắt được tổng cộng tám trăm mười bảy ông mang họ Dupont, cuối cùng chẳng biết ông Dupont mà người Đức muốn bắt là người nào. Tương tự khi người Pháp muốn bắt bà Nguyễn Thị Hai ở trong làng thì đã có bốn mươi tám bà Nguyễn Thị Hai, thế là cũng chẳng biết nên bắt bà Nguyễn Thị Hai nào. Vì lẽ đó mà họ Nguyễn chiếm đến 55 tên đường ở Sài Gòn, thậm chí bà Sương Nguyệt Ánh có tên thật là Nguyễn Thị Khuê, cô Giang thì tên là Nguyễn Thị Giang, cô Bắc tên Nguyễn Thị Bắc, rồi còn có đường Nguyễn Đình Chiểu,… Tên đường họ Nguyễn thì thấy khá nhiều, còn họ Tô thì chỉ thấy có Tô Hiến Thành, Tô Ký là được đặt tên đường Sài Gòn.

Ngã 4 Công Lý và Nguyễn Đình Chiểu năm 1970

Ở Sài Gòn còn có một tên đường gọi là đường Cống Quỳnh, vừa hay họ của ông Quỳnh đây cũng là họ Nguyễn, tên gọi là Nguyễn Quỳnh. Vì ông ấy thi đỗ Hương cống nên từ đó mọi người mới gọi ông là Cống Quỳnh. Sự trào lộng và hài hước của ông vẫn thường được mọi người gọi là Trạng Quỳnh, nhưng thực ra ông Quỳnh không thi đỗ Trạng nguyên. Có một vấn đề tôi thắc mắc nào giờ đó là không biết ông Cống Quỳnh này với Trạng Quỳnh mà dân gian hay gọi có phải là một hay không?

Đường La Rue d’Arras (Đường Cống Quỳnh ngày nay)
Đường Cống Quỳnh – Hồng Thập Tự năm 1970
Đường Hồng Thập Tự giao với đường Cống Quỳnh năm 1968
Đường Cống Quỳnh năm 1968
Chợ Nguyễn Thái Bình góc Phạm Ngũ Lão – Cống Quỳnh năm 1967
Ngã 3 Nguyễn Cư Trinh – Cống Quỳnh năm 1966
Cống Quỳnh giao ngã 4 Hồng Thập Tự năm 1966
Ngã 5 chợ Thái Bình cô nhi viện hội Dục Anh góc Cống Quỳnh Võ Tánh – Cống Quỳnh Nguyễn Trãi năm 1960

Ngoài ra, ở phố Đề Thám xưa ở trước khu nhà cũ đoạn đối diện bên hông nhà thờ Tin Lành có một phố mà người ta hay gọi là phố không vỉa hè. Bởi vì phố mang tiếng là có vỉa hè rộng tám tấc nhưng thấp đến tận mặt đường, xe cộ cứ thế mà lấn lên còn người đi bộ thì phải nhiều lần chạy vô nhà dân mới tránh khỏi “mất mạng”. Hóa ra thực trạng này không phải bây giờ mới có mà nó đã xuất hiện từ thời xưa rồi. Chưa hết, có nhiều vỉa hè người dân còn không thể đi như vỉa hè Cô Giang ở khúc chợ Cầu Muối. Bởi vì người dân cứ hễ bước xuống đường thì xe lấn có khi lại cán, đi trên vỉa hè thì bị mấy cô bán hàng ngoài vỉa hè đuổi không cho đi, mấy chị ấy đã “thuê” đoạn vỉa hè đó rồi. Buồn cười hơn là vỉa hè bị chiếm dụng đến nỗi có nhiều garage mọc lên nhăng nhẳng mấy năm mà chẳng chính quyền nào xen vào, thậm chí có người chỉ cần thuê một căn nhà nhỏ ở mặt tiền là đã có thể mở một garage to đùng. Mà nhắc đến chuyện chiếm dụng vỉa hè thì lại kéo theo nhiều vấn đề liên quan đến vỉa hè khác. Chẳng hạn như người dân đang bước thảnh thơi trên đường thì tự dưng bị hụt chân bởi vì vỉa hè không được xây bằng phẳng. Nhà này xây vỉa hè cao 1 tấc rưỡi thì nhà kế bên chỉ xây cao 1 tấc, mạnh nhà nào nhà nấy xây mà không có tiêu chuẩn riêng nên mới gây nên chuyện “hụt chân” kia. Đã vậy trên mặt nền vỉa hè còn lốm đốm nhiều màu sắc như sắc xám, sắc vàng với các vật liệu chỗ thì bằng cát, có chỗ gạch mi măng trắng, xi măng xám, gạch tàu, gạch nhựa, đá ong,… Nhất là đoạn đá ong đoạn đường Thủ Khoa Huân, đi qua đó đá gạch lởm chởm, bước không khéo có khi lại té ra đấy. Nếu giá như chính quyền đứng ra xây vỉa hè theo tiêu chuẩn chung rồi kêu gọi người dân đóng tiền thì những chuyện đó đã không xảy ra.

Ngã tư Hồng Thập Tự với Đề Thám năm 1970
Ngã tư Đề Thám với Bùi Viện năm 1968
Đường Trần Hưng Đạo giao với đường Đề Thám năm 1967
Nhà thờ Tin Lành góc Trần Hưng Đạo – Đề Thám năm 1965
Đường Đề Thám năm 1965
Đường Đề Thám đoạn từ Trần Hưng Đạo đến bến Chương Dương năm 1965
Cửa bắc chợ Bến Thành, đối diện đường Thủ Khoa Huân năm 1965
Đường Thủ Khoa Huân nhìn về phái cửa Bắc chợ Bến Thành năm 165

Tóm lại thì Sài Gòn có nhiều đường lắm, nên nếu có thời gian để đi loanh quanh Sài Gòn và tìm hiểu tên đường, bạn sẽ thấy nhiều điều thú vị ở đây. Mỗi tên đường đều sẽ có những sự kiện lịch sử riêng. Bên cạnh đó cũng có những câu chuyện “dở khóc dở cười” như chuyện vỉa hè đường Thủ Khoa Huân.

Đánh giá post

Viết một bình luận