Hồi ký: Một chút hoài niệm nhân ngày giỗ thứ 47 của ba tôi và Hòn Ngọc Viễn Đông ngày ấy

Đăng ngày 29/08/2024

 

Sinh ra và lớn lên tại Biên Hòa. Cho đến năm 12 tuổi, tôi chỉ biết có việc đi học và quanh quẩn ở gần nhà, chưa có nhiều cơ hội đi đây đi đó. Tôi từng mơ ước có dịp đi Sài Gòn (SG) một chuyến để biết thế nào là Hòn Ngọc Viễn Đông mà nhiều người đã không ngớt lời ca tụng.
Lúc ấy, Ba tôi là một công chức tận tụy, mẫn cán trong công việc và hết lòng yêu thương gia đình. Biết được niềm mơ ước của tôi, Ba hứa sẽ sắp xếp thời gian để đưa tôi và đứa em trai kế đi Sài Gòn một chuyến cho biết. Ba tôi nói đi Sài Gòn chơi, thú vị nhất là phải thong dong đi bộ “bát phố” ngay tại trung tâm SG như một người dân SG thực thụ, chứ không phải ngồi xe ngắm cảnh SG phồn hoa qua khung cửa theo cách ” Cưỡi ngựa xem hoa”.
Rồi thời điểm mong đợi cũng đã đến, Ba cho hai anh em chúng tôi một chuyến đi chơi SG vào một ngày Chủ Nhật đẹp trời đầu tháng 12 năm 1971 bằng một phương tiện khá lý thú : Xe lửa

Chuyến xe lửa khởi hành tại nhà Ga Biên Hòa lúc 9 giờ sáng.Thời ấy, đi xe lửa rất thoải mái: chỗ ngồi sạch sẽ, rộng rãi. Nhân viên soát vé nhã nhặn và hành khách lịch sự. Không chen lấn ồn ào, không có nhiều người bán hàng rong. Xe lửa lăn bánh đến trạm đầu tiên là Ga Dĩ An, rồi lần lượt qua các ga: Sóng Thần-Thủ Đức-Bình Triệu-Gò Vấp-Hòa Hưng. Trong suốt thời gian trên xe, Ba đã kể nhiều chuyện về việc học hành của Ba ngày xưa và khuyến khích chúng tôi phải chăm học để nâng cao kiến thức từ học đường, cũng như học từ thực tế cuộc sống xung quanh và nhất là phải siêng năng đọc sách báo. Chúng tôi cũng cởi mở hơn để nói với Ba những suy nghĩ riêng của mình.ĐINHVĂNPHONG.Tam Kỳ: HỒI KÝ (chuyện đời tôi)

Cuối cùng xe cũng tiến đến đích là ga Saigon lúc gần 11 giờ. Nhà ga tọa lạc tại ngay trung tâm SG ở góc đường Lê Lai và Công trường Quách thị Trang trước chợ Bến Thành. Nhìn sang phía chợ, tôi thấy người đi lại đông đúc, quang cảnh buôn bán náo nhiệt. Các bảng quảng cáo kem đánh răng Hynos với hình ảnh anh Bảy Chà cười khoe hàm răng trắng tươi, kem Perlon, giày Bata…che chắn gần hết mặt tiền chợ .Trên các cửa vào chợ, tôi thấy có các phù điêu bằng gốm màu xanh lam hình đầu bò, cá , ngỗng …. Ba tôi nói tác giả của các tấm phù điêu đó là điêu khắc gia nổi tiếng người Biên Hòa là ông Lê văn Mậu và công trình này cũng do các người thợ Biên Hòa lắp đặt.

Điểm đầu tiên Ba đưa anh em tôi đi bộ đến là Nhà sách Xuân Thu đường Tự Do.
Tại đây có bán đủ loại sách ngoại ngữ và Việt ngữ. Sách báo được trưng bày trên kệ một cách nghệ thuật và sang trọng.Nhiều người đến đây tìm sách và khi gặp một quyển sách hay, họ tự nhiên giở từng trang đọc thử mà không gặp bất kỳ sự phàn nàn nào từ chủ tiệm. Không khí yên lặng, dường như mọi người ở đây đều trân trọng từng giây phút tĩnh lặng của nhau khi đang thả hồn phiêu diêu theo các trang sách. Đến đây, tôi mới có dịp chiêm nghiệm được không khí sinh hoạt văn hóa: tìm sách và đọc sách, vốn là một thói quen lâu đời thâm trầm mà lịch lãm của người Sài Gòn. Ba tôi tìm mua vài tạp chí Pháp ngữ: Paris Match, Mikey Mouse Magazine và một quyển truyện Tàu dường như là Đông Chu Liệt Quốc hay tựa gì mà tôi không nhớ rõ.

Sau đó, ba đưa chúng tôi sang dạo phố ở đường Lê Lợi. Người qua lại dập dìu.Thời ấy, mọi người ăn mặc chỉnh tề khi ra ngoài, nhiều phụ nữ thường mặc áo dài. Tôi cũng thấy không ít anh trai vận quân phục oai phong sánh vai cùng người yêu mặc áo dài thướt tha đi dạo phố. Bên cạnh sự ồn ào náo nhiệt nơi phố thị, hình ảnh các tà áo dài đủ sắc màu tung bay nhè nhẹ trong làn gió mát của một ngày cuối năm từ phía sông SG thổi lên, làm cho quang cảnh trung tâm SG dịp cuối tuần thêm phần duyên dáng & tao nhã.ĐINHVĂNPHONG.Tam Kỳ: HỒI KÝ (chuyện đời tôi)

Trên đường Lê Lợi, hàng rong rất nhiều từ bò bía, gỏi cuốn, phá lấu, gỏi đu đủ khô bò, khô mực nướng , bánh bột chiên, các loại chè nóng & lạnh…Có đi SG, tôi mới biết đây là thiên đường của các món ăn vặt .Thứ gì cũng có, cũng ngon & hấp dẫn. Ba cho anh em chúng tôi thưởng thức tùy thích các món ăn vặt độc đáo của SG. Ấn tượng nhất là những cuốn bò bía hơi nong nóng , bé bé xinh xinh chấm vào chén tương đầy đủ độ mặn ngọt và chua giòn từ rau củ ngâm sắc sợi , thêm vào một ít đậu phọng rang , một ít tương ớt , thế là cứ ăn hoài mà không biết chán.

Sau khi thưởng thức ly nước mía lừng danh Viễn Đông ở góc đường Lê Lợi – Pasteur, Ba đưa chúng tôi vào thăm nhà sách Khai Trí nổi tiếng của SG .Nhà sách trông rất khang trang bề thế. Trưng bày trên các dãy kệ ngăn nắp là tầng tầng lớp lớp sách báo từ trong ra ngoài. Các cô nhân viên tại đây mặt đồng phục áo dài xanh hỏi han, chỉ dẫn khách hàng đi tìm những thứ mà họ cần. Khách đến nhà sách tự nhiên thoải mái đọc sách, thích thì mua, không thì thôi, không ai phàn nàn cả, miễn là giữ sách cho cẩn thận.
Như một điểm son của SG, nhà sách Khai Trí là một nơi rất bình dân, rất văn nghệ, rất trí thức, mà từ em bé cho đến giới thanh niên, trung niên, lão niên… mỗi khi có dịp đến trung tâm SG thì y như rằng phải ghé lại nhà sách để xem, như là có một sức cuốn hút vô hình nào đó vậy.

Sự kết hợp hài hòa giữa một thế giới sách báo muôn màu muôn vẻ và sự khao khát kiến thức của những người thích đọc tại nhà sách lớn này, đã tạo nên một nét sinh hoạt văn hoá độc đáo và dễ thương của người dân tại một khu phố nhộn nhịp nhất SG.
Chúng tôi tìm đến các ngăn kệ sách, tranh ảnh, và truyện dành cho thiếu nhi .Tại đây, có rất nhiều bạn trạc tuổi chúng tôi đang say sưa đọc truyện một cách trật tự và yên lặng. Đọc xong, các bạn tự giác xếp sách lại trên kệ ngay ngắn, rất lịch sự và có trách nhiệm.
Ba mua cho chúng tôi một số truyện tranh của nhà xuất bản “Sách Vàng” như : Tintin , Lucky Lucke, Asterix & Obelik , Lữ Hân & Phi Lục, và một số tuần báo Thiếu Nhi (TN) số ra gần nhất . Vào thời điểm này, tuần báo TN chỉ mới ra được một vài số. (Số đầu tiên phát hành vào tháng 8/1971). Tôi thích nhất là các trang bìa tuyệt đẹp, sống động qua nét vẽ tài hoa của họa sĩ Vi Vi. Bên cạnh sách bán nguyệt san Tuổi Hoa, tuần báo TN với nhiều bài viết có giá trị đủ mọi thể loại: truyện ngắn, truyện tranh , đố vui, kiến thức khoa học…. qua sự chăm chút của các nhà văn, nhà giáo có tâm huyết với thiếu nhi thực hiện, đã tạo nên một sức hấp dẫn rất lớn đối với tuổi trẻ chúng tôi thời ấy.

Sau đó, Ba đưa chúng tôi vào thương xá Tax để xem hàng nội và ngoại hoá được trưng bày bắt mắt trong các hiệu buôn.Tại đây, Ba mua đồ chơi là quà Giáng Sinh cho hai đứa chúng tôi và cô em gái út ở nhà . Ba đứa tụi tôi được ưu tiên vì là 3 đứa nhỏ nhất trong gia đình . Còn các anh chị lớn thì không còn được hưởng ưu tiên này .
Đến 3:30PM, Ba đưa chúng tôi trở lại Ga sài Gòn để mua vé về Biên Hòa.Tàu về BH lúc hơn 5 giờ chiều, kết thúc một ngày du ngoạn tuy ngắn ngủi nhưng rất thú vị tại hòn ngọc Viễn đông bên cạnh người cha kính yêu của tôi .Ngắm nhìn bộ ảnh Sài Gòn 1968 - "Hòn Ngọc Viễn Đông" của châu Á
Đó là một ngày Chủ Nhật thật đẹp , thật tuyệt vời, đã in sâu vào ký ức không thể nào quên của tôi, dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua.
Gần đây, mỗi khi nghe lại bài hát Papa (Paul Anka) với giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng và man mác buồn, thì hoài niệm về những giây phút hạnh phúc êm đềm bên cạnh Ba lại về với tôi với bao cảm xúc dâng trào . Ba tôi nói các con cố gắng học giỏi, ba sẽ thu xếp đưa các con đi chơi Sài Gòn lần nữa. Nhưng dự định nầy mãi mãi sẽ không thành hiện thực. Ba tôi đã vĩnh viễn giã từ chúng tôi để đi về cõi vĩnh hằng vào hơn một năm sau đó…

Chuyến đi bát phố Sài Gòn với Ba ngày ấy đã cho tôi một bài học quý trong việc giáo dục con cháu sau này là : các bậc cha mẹ cần dành thời gian để có dịp cùng đi chơi với con, tạo cơ hội gần gũi, chuyện trò với con, lắng nghe con nói, để thấu hiểu, để cảm thông và để chia sẻ buồn vui với con . Qua đó , tạo cho con những dấu ấn kỷ niệm nhẹ nhàng để kết nối thêm tình cảm gắn bó giữa cha mẹ & con cái trong gia đình. Để một mai sau này khi con trưởng thành , chắp đôi cánh bay xa đến những chân trời mới lạ, thì những kỷ niệm ngọt ngào thân ái của ngày xưa bên cạnh những người thân yêu nhất, sẽ làm hành trang giúp cho chúng cân bằng và vượt qua những thử thách của cuộc đời, để có thể vươn cao và vươn xa hơn.

 

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *