Hiện nay những ai sinh sống tại Sài Gòn ít nhiều sẽ nghe đến tên các công trường nổi tiếng tại Sài Gòn như công trường Mê Linh, công trường Lam Sơn, công trường Quốc tế,… Và một công trường khá nổi tiếng mà ắt hẳn không còn xa lạ đối với người dân Sài Gòn, đó là công trường công xã Paris. Tọa lạc ở quận 1, nơi có đông đúc xe cộ qua lại, công trường công xã Paris nằm ở vị trí trung tâm thành phố sầm uất, nhộn nhịp bậc nhất tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Công trường công xã Paris là một quảng trường nhỏ, xung quanh có 2 công trình cổ xưa được xây dựng từ thời Pháp thuộc và cả 2 công trình này đều trở thành địa điểm ghé thăm của nhiều khách du lịch khi đến Sài Gòn. 2 công trình quen thuộc được nhắc đến chính là Nhà thờ Đức Bà và Bưu điện Trung tâm Thành phố. Vậy bạn có biết công trường John F. Kennedy từng là tên gọi của công trường công xã Paris hiện nay hay không?
Đầu tiên, chúng ta sẽ tìm hiểu John F. Kennedy là ai và ông có tầm quan trọng như thế nào? Tên thật của ông John F. Kennedy là John Fitzgerald Kennedy, mọi người thường gọi ông là Jack Kennedy hay JFK, là vị tổng thống trẻ tuổi nhất Hoa Kỳ. Có một câu nói nổi tiếng của Tổng thống Mỹ John F. Kennedy vẫn luôn được người dân khắp Hoa Kỳ khắc ghi mãi trong tim: “Hỡi các công dân Mỹ, đừng hỏi Tổ quốc có thể làm gì cho chúng ta; hãy hỏi chúng ta có thể làm gì cho Tổ quốc”. Qua câu nói này, ông mong mỏi mọi người hãy nên cống hiến cho Tổ quốc để cuộc sống trở nên yên bình, hy vọng cuộc chạy đua vũ trang sẽ dừng lại bởi vì nó thật phi lý và hao tốn tiền của. Với cương vị là một Tổng thống, ông mong muốn một thế giới hòa bình, không chiến tranh. Là một người chính khách trẻ tuổi nhất đắc cử chức vị Tổng thống Hoa Kỳ, ông John F. Kennedy với lý tưởng sống cao đẹp luôn mong muốn những điều tốt đẹp nhất đến với tất cả người dân nước Mỹ. Tràn đầy nhiệt huyết là thế, nhưng ông đã ra đi vĩnh viễn vào năm 1963 sau một cuộc ám sát, hưởng dương 46 tuổi.
Tin tức vị tổng thống tài ba qua đời vì bị ám sát hầu như khiến người dân nước Mỹ lúc bấy giờ đều sững sờ tột độ, nhiều người còn không nén nổi sự đau thương mà rơi giọt nước mắt để tiễn đưa ông. Cầm quyền chưa được 3 năm nhưng lại ra đi đột ngột, cái chết của ông như là một bước ngoặt trong lịch sử Mỹ trong những năm 60 của thế kỷ trước.
Tang lễ của Tổng thống John F. Kennedy là một tang lễ lớn được diễn ra tại nước Mỹ vào lúc 1 giờ trưa ngày 22/11/1963, nhiều nhà lãnh đạo của các nước trên thế giới đã đến và thăm viếng, đưa tiễn Tổng thống John F. Kennedy về nơi an nghỉ cuối cùng.
Sau khi Tổng thống John F. Kennedy chết, quảng trường nhỏ trước nhà thờ Đức Bà của Sài Gòn được đặt tên thành “Công trường Kennedy” để tưởng nhớ ông. Tại Việt Nam, tổng thống Ngô Đình Diệm cũng mất vào tháng 11 năm 1963.
Sau khi hai vị tổng thống của Mỹ và Đệ Nhất Cộng Hòa là John F. Kennedy và Ngô Đình Diệm mất, Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng chính trị. Ngay cả tình hình chính trị nước Mỹ vào những năm 60 cũng rơi vào những ngày tháng biến động khi em trai của John F. Kennedy là Robert F. Kennedy bị ám sát khi đang vận động tranh cử chức vị Tổng thống. Mục sư Martin Luther King Jr. khi đang tranh đấu nhân quyền cho người Mỹ thì bị ám sát và cả bê bối của tổng thống Mỹ Richard Nixon trong vụ Watergate diễn ra vào năm 1972,…
Những ai sinh ra vào thời đó có lẽ sẽ quen với cảm giác hòa bình nhưng lại xen lẫn mịt mù khói lửa, bên tai đã quá quen thuộc với những cái tên như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Robert McNamara, Tổng thống Lyndon Johnson, Tổng thống Richard Nixon,… Và không thể không nhắc đến vị Tổng thống tài giỏi nhưng bạc mệnh John F. Kennedy. Câu nói của ông đã để lại cho tất cả mọi người những ý nghĩa sâu sắc không chỉ riêng người dân Hoa Kỳ mà còn có cả học sinh, sinh viên Việt Nam. Đó như là một câu nói không chỉ thấm nhuần trong suy nghĩ của họ mà nó còn nhắc nhở tinh thần cống hiến hết mình cho Tổ quốc và đất nước.
Công trường John F.Kennedy được đổi tên thành công trường công xã Paris
Trước khi trở thành công trường John F. Kennedy, công trường này đã trải qua nhiều tên gọi. Vào thời Pháp thuộc, khu đất của công trường công xã Paris ngày nay có tên là Place de la Cathédrale (hay còn gọi là Quảng trường Nhà thờ lớn). Sau đó Pháp cho dựng một tượng bằng đồng hình ảnh giáo sĩ Bá Đa Lộc che chở hoàng tử Cảnh. Tồn tại được khoảng 42 năm từ năm 1903 đến tháng 10 năm 1945 thì bức tượng bị phá bỏ. Mãi đến năm 1959, tượng Đức Bà Hòa Bình được dựng ở đây, đồng thời khu đất này được đổi tên thành công trường Hòa Bình. Đến năm 1964, để tưởng nhớ Tổng thống John F. Kennedy, tướng Nguyễn Khánh chủ trì buổi lễ đổi tên công trường Hòa Bình thành công trường John F. Kennedy. Cuối cùng, sau sự kiện ngày 30/4/1975, công trường đó được đổi tên thành công trường công xã Paris và tên gọi đó được tồn tại cho đến ngày hôm nay.