Tại Vũng Tàu giờ đây có một tòa nhà trắng được gọi là Bạch Dinh. Tọa lạc tại phía Bắc thành phố Vũng Tàu ở bên sườn Núi Lớn tại độ cao khoảng 30m là địa điểm xây dựng biệt thự Bạch Dinh. Công trình kiến trúc này được thiết kế theo phong cách Châu Âu ở vào khoảng thế kỷ XIX. Khi đến tham quan Bạch Dinh, bạn sẽ ấn tượng với hàng cây hoa sứ trắng muốt cùng những cây giá tỵ. Tuy là nơi có khung cảnh thơ mộng như thế, nhưng hóa ra nơi này trước đây khoảng hơn trăm năm về trước lại chính là một “nhà tù”. Sở dĩ có cái tên như vậy là vì vua Thành Thái đã bị thực dân Pháp giam lỏng tại nơi này vào năm 1907. Ông là vị vua thứ 10 trong triều đình Nguyễn xưa. Hóa ra núi Lớn lại có nhiều giai thoại hấp dẫn đến như vậy.
Bắt nguồn tên núi “Tương Kỳ”
Quay lại thời gian cách đây mấy trăm năm về trước, núi Lớn (ngày nay) có nhiều thú dữ và rắn rết hoành hành nên nơi đây ít có người qua lại. Tuy nhiên nơi đây lại có 2 ông cháu nghèo sinh sống. Ngày ngày họ nhặt củi và săn bắn thú rừng để kiếm miếng ăn qua ngày. Vì phải bươn chải để sống cũng như để có thể tồn tại ở nơi rừng núi hoang sơ này nên người ông có cơ thể săn chắc và võ nghệ đầy mình. Mặt khác, ông là người văn thao võ lược, nên thi thoảng ông cũng thường đọc sách vào những lúc rảnh rỗi.
Hai ông cháu cứ thế nương tựa nhau mà sống. Thi thoảng khi săn bắn được thú rừng, ông lại đem xuống làng để đổi lấy gạo ăn và nuôi đứa cháu gái khôn lớn. Dân làng không biết tại sao hai ông cháu phải sống lang bạt như vậy nhưng họ lại thương cho hoàn cảnh hai người. Đôi lần thăm hỏi qua lại, họ biết ông thường được gọi là ông Giáo, còn đứa cháu gái tên Mai. Cô là người xinh đẹp, giỏi giang lại ngoan ngoãn. Còn về phần ông Giáo, ông cũng được nhiều người kính trọng. Những thanh niên trai tráng trong làng muốn đầu quân cho nghĩa quân Tây Sơn đánh chúa Nguyễn ở Đàng Trong thì đều đến tìm ông Giáo để xin học võ nghệ. Ông vui vẻ thu nhận và truyền dạy võ công cho những thanh niên ấy. Nhờ luyện tập chăm chỉ, chẳng mấy chốc ai nấy đều đã có võ nghệ đầy mình, một phần là để phòng thân, phần nữa là mong đến ngày đầu quân cho anh em nhà Tây Sơn.
Từ ngày thanh niên đến học võ, các mặt đất bằng phẳng có mọc cỏ lau cũng được phát quang để lấy làm mặt bằng học võ, đánh trận giả lập. Bãi đất trống Bạch Dinh ngày nay cũng được làm sạch để lấy đất cho nghĩa quân học võ. Tiếng lành đồn xa, ngay đến cả 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ cũng đến đây để học hỏi binh pháp của ông Giáo. Mọi người tôn ông lên làm sư phụ, nhưng ông lại chỉ ẩn thân chốn núi rừng. Ông là một người giỏi giang và biết nhìn xa trông rộng.
Còn cô cháu gái tên Mai của ông càng lớn lại càng xinh đẹp. Có biết bao nhiêu chàng trai lên núi học võ đã say đắm bởi sắc đẹp của cô. Ai nấy đều mong ước được nắm tay cùng cô đi hái nấm, du ngoạn cảnh rừng. Nhưng mỗi lần thấy ông Giáo, họ lại sợ và mong ước đó phút chốc đã tan biến và các anh lại tiếp tục việc luyện võ của mình.
Một hôm, Mai đi kiếm củi trong rừng. Thế nhưng cô không biết rằng đang có một con hổ rình “mồi” bên vách hang. Đến khi phát hiện ra, cô nhanh chóng chui qua những gốc cây và thoát khỏi khu rừng rậm. Không may thay, cô rơi vào một bãi đất đầy cỏ lau và rồi con hổ ập đến. Tưởng như đã không còn đường sống sót thì bỗng nhiên có một tráng sĩ xuất hiện. Tráng sĩ ấy tung cước đá trúng mắt con hổ. Con vật ấy sau khi trúng đòn đã gầm lên quay lại tấn công chàng trai ấy. Lúc này, anh rút kiếm ra và cuối cùng con hổ đã phải lãnh một đường kiếm xuyên qua họng mà chết tươi.
Vị tráng sĩ ấy đưa Mai xuống dốc để về nhà. Khi về đến nhà, ông Giáo chạy ra với sự lo lắng thể hiện rõ trên mặt. Ông vội vàng đa tạ vị tráng sĩ ấy. Lúc này ông mới nhận ra đây là Lê Tuấn, tướng sĩ trung thành của Nguyễn Huệ. Để cảm ơn ơn cứu mạng, ông Giáo đề nghị gả cháu gái mình cho Lê Tuấn. Vị tráng sĩ chắp tay cảm tạ và hẹn ngày thành hôn.
Sau cùng, ông Giáo chỉ tay lên ngọn núi và nói rằng: “Nơi đây đã chứng kiến mối lương duyên của tráng sĩ và cháu gái lão. Lão xin đặt tên núi là Tương Kỳ”. Từ đó ngọn núi này có tên là Tương Kỳ, tên gọi này được giữ gìn cho đến ngày nay.
Người dân quanh núi Lớn có kể câu chuyện liên quan đến Bạch Dinh như sau:
Cách đây hơn trăm năm về trước, căn biệt thự nguy nga tráng lệ này chỉ là một nhà tù, là nơi quân Pháp giam lỏng vua Thành thái vào năm 1907. Vốn là người có tinh thần yêu nước mãnh liệt, ông quyết tâm không nhân nhượng quân Pháp. Tuy nhiên trước sự “gan lì” của vua Thánh Thái, quân Pháp đã đưa ông đến sống tại Bạch Dinh (Vũng Tàu) nhưng thực chất những tháng ngày giam lỏng của vua Thành Thái chỉ mới bắt đầu.
Hằng ngày ông đi dạo quanh quẩn trong vườn hoa sứ, rảnh rỗi đọc sách và ngắm cảnh. Nhưng tinh thần yêu nước của ông vẫn luôn cháy âm ỉ trong tim. Ông ở đây với một vài người thân chăm lo ăn uống ngủ nghỉ của ông. Thậm chí ông không thể liên lạc với bất cứ ai ở những nơi khác. Một cuộc sống buồn chán tẻ nhạt ngày qua ngày tại khuôn viên rộng lớn này.
Ngày tháng cứ thế trôi qua cho đến mùa hè năm 1916, cựu hoàng Thành Thái đã xấp xỉ độ tuổi tứ tuần khi ấy đã đi xe đến vùng đất đỏ để ngắm núi Thùy Vân. Khi đang ngắm cảnh thì vua nhìn thấy một cô gái có khuôn mặt thanh tú cùng đôi mắt to tròn xinh đẹp đang phi ngựa đi phía trước. Bắt gặp cô gái cá tính ấy, vua đã chạy theo sau cô để làm quen. Cuối cùng vua biết được cô ấy ở đình Phước Thọ, tên là Trần Thị Đê, sinh năm 1884. Ấn tượng với vẻ bề ngoài xinh đẹp cùng cá tính mạnh mẽ, ông ngỏ ý muốn rước cô về làm thứ phi. Thuận tình, Đê cùng vua quay lại Bạch Dinh và sống cùng nhau. Từ đó hai người cùng nhau cưỡi ngựa đi dạo khắp núi Lớn. Những tưởng hai người sẽ hạnh phúc cùng nhau đến cuối đời cho đến khi có một chuyện xảy ra chia cắt cả hai. 5 tháng sau, giặc Pháp đưa vua Thành Thái cùng con trai của ông là Duy Tân đi đày ở đảo Reunion.
Cũng cùng lúc đó, thứ phi Trần Thị Đề đã có thai và lui về quê dưỡng thai chờ ngày lâm bồn. Đến ngày sinh, một tiểu công chúa chào đời, đặt tên Kiều. Đứa bé bụ bẫm, kháu khỉnh và đáng yêu. Nhưng hỡi ôi, cô bé không được biết mặt cha mình. Vua Thành Thái thì bặt vô âm tính. Từ đó hai mẹ con nương tựa nhau sống qua ngày. 30 năm sau vua Thành Thái trở về và bị quản thúc tại Sài Gòn năm 1947. Vua tìm về Vũng Tàu, nhận lại đứa con chưa bao giờ thấy mặt và nối lại tình xưa với thứ phi Trần Thị Đê. Xa cách mấy mươi năm, khi gặp lại con gái, ông dành hết tình thương của mình cho công chúa Kiều.
Một lần nữa, vua Thành Thái lại được sống trong cảnh đoàn viên trùng phùng. Tuy nhiên vì bị quản thúc cùng với tuổi già sức yếu. Ông đã ra đi vào năm 1954. Tại Bạch Dinh hiện nay vẫn còn lưu lại bút tích bài thơ “Sầu tây bể cấp” của vua Thành Thái.
Hoa sứ trắng muốt giúp vơi đi nỗi buồn
Bạch Dinh gắn liền với hình ảnh hoa sứ trắng ngà giúp con người cảm thấy nhẹ nhàng khi nhìn ngắm chúng. Ngay cả Nam Phương Hoàng hậu cũng cảm thấy có chút nhẹ lòng khi nhìn thấy hàng hoa sứ này.
Trước kia vua Bảo Đại là người biết cân nhắc ứng xử và luôn ham mê học hỏi. Trước khi quyết định việc gì, ông đều hỏi thêm ý kiến của vợ. Nhưng sau khi kết hôn một thời gian, vì ăn chơi phong tình mà vua Bảo Đại không còn quan tâm tới vợ nữa. Sau mỗi bữa tiệc tùng, chỉ còn lại Nam Phương Hoàng hậu ôm nỗi cô đơn trong lòng và bà chỉ còn biết đi dạo dưới những hàng hoa sứ để vơi bớt nỗi buồn trong tâm.
Giai thoại về Bạch Dinh hẵng còn nhiều. Thật tuyệt vời cho một kiến trúc xa xưa mà lại chứa đựng nhiều câu chuyện tình đến thế.