Lăng Ông Bà Chiểu – Một trong những biểu tượng văn hóa của Sài Gòn xưa

Đăng ngày 21/07/2024

Giữa chốn Sài Gòn sầm uất náo nhiệt, ta vẫn có thể tìm thấy những công trình kiến trúc đậm nét Sài Gòn xưa, điển hình là Lăng Ông Bà Chiểu. Lăng Ông Bà Chiểu là công trình văn hóa tâm linh lớn nhất Sài Gòn, đây là lăng thờ Tả quân Lê Văn Duyệt (1764-1832) – một vị tướng Tổng trấn thành Gia Định xưa và vợ là bà Đỗ Thị Phận. Tả quân Lê Văn Duyệt là một vị quan có công lớn đối với triều đình nhà Nguyễn. Ông phục vụ dưới hai triều vua Gia Long và vua Minh Mạng.

Nơi đây có tên chính xác là Thượng Công miếu, được ghi bằng chữ Hán ở cổng Tam quan. Người ta thường gọi là lăng Ông Bà Chiểu bởi người xưa tránh gọi thẳng tên, mà chỉ gọi là “lăng ông”, lăng nằm cạnh chợ Bà Chiểu nên lâu dần người dân gọi tắt là “lăng Ông Bà Chiểu”.

Góc ký họa: Lăng Ông Bà Chiểu

Khu lăng mộ được xây dựng từ năm 1948, nằm trong khuôn viên rộng 18.500 m2, được cho là có vị thế “đắc địa” bao quanh bởi cây xanh, trên một gò đất cao hình lưng rùa. Lăng có 4 cổng, cổng chính được được thiết kế theo kiểu Tam quan, phía trên khắc ba chữ “Thượng Công Miếu”, nằm ở đường Vũ Tùng. Xung qua khu lăng mộ có tường bao dài khoảng 500m, cao 1,2m.

Theo sử sách, việc thờ Tả quân Lê Văn Duyệt chỉ chính thức công khai khi ông được minh oan năm 1849, sau đó vua Tự Đức đã ban chiếu trùng tu và lập miếu thờ. Phần mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt và phu nhân Đỗ Thị Phận là nơi có giá trị và kiến trúc cổ nhất khu di tích. Hai ngôi mộ được đặt song song và có cấu trúc giống nhau có hình dạng như một con rùa đang nằm.

Phần miếu thờ gồm có tiền điện, trung điện và chính điện được cách nhau bằng một khoảng sân lộ thiên gọi là sân thiên tỉnh (giếng trời). Công trình mang đậm dấu ấn của lối kiến trúc miếu thờ thời nhà Nguyễn, với nghệ thuật chạm khắc gỗ, đá, khảm sành sứ, màu sắc chủ đạo của khu miếu thờ là vàng, đỏ, rất nổi bật và đẹp mắt.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *