Lạ quen với những nẻo đường Sài Gòn xuôi ngược: Xúc động với những mảng ký ức đã nhạt

Là thành phố lớn của đất nước và khoác lên mình danh xưng “hòn ngọc Viễn Đông”, dù là ngày nay hay thuở xưa thì Sài Gòn vẫn mang theo nhiều nét riêng biệt. Từ những nẻo đường, những góc phố quen thuộc mang đầy dấu ấn thời gian đang dần được thay thế bằng những cái mới mẻ và thành phố ngày càng văn minh.

Hãy cùng với Thời Xưa, quay trở lại những năm tháng cũ trước năm 1975 để khám phá một thành phố hiện đại xen lẫn cổ điển, một nơi vẫn chưa bị cuộc sống bộn bề chi phối, vẫn còn những góc phố yên bình, những công viên xanh cùng những tán cổ thụ hơn trăm tuổi. Trên những nẻo đường có những những quán ăn, quán cà phê, bảo tàng, bưu điện,….tất cả đã làm nên nét riêng biệt cho Sài Gòn, gợi nhớ biết bao hoài niệm cũ.

Từ cuối những năm của thế kỷ 19, người Pháp đã cho xây dựng nên đại lộ Lê Lợi. Có thể nói đây là một trong những số ít những con đường chỉ qua hai lần đổi tên: Đại lộ Bonard dưới thời Pháp và đại lộ Lê Lợi từ năm 1955 đến ngày nay. Thời điểm đó, khi người Pháp chiếm được Sài Gòn, thì đường thủy vẫn là phương tiện giao thông chính, nhưng đến năm 1887 thì nhiều kênh rạch đã được lấp lại tạo thành đường, trong đó có đại lộ Charner (sau này là đường Nguyễn Huệ). Còn kênh đào Coffyn dài khoảng 1km thì vẫn giữ nguyên, cho đến năm 1892 mới được lấp thành đại lộ Bonard, cũng chính là đường Lê Lợi ngày nay.

 

Hai con đường giao nhau Nguyễn Huệ và Lê Lợi, cũng chính là hai trục giao thông chính của Sài Gòn được xây dựng gần sông. Bắt đầu từ những năm của thế kỷ 20 cho đến hiện tại, cả hai con đường này đã trở nên sầm uất với nhiều cao ốc mọc lên như nấm, cùng những nhà hàng, khách sạn,…..sang trọng và hiện đại. Bắt đầu từ khi chợ Bến Thành dời vị trí đến chỗ hiện nay và nhà ga xe lửa tuyến Sài Gòn – Mỹ Tho dời đến quảng trường Cuniac (vòng xoay chợ Bến Thành) thì đại lộ Bonard cùng với đại lộ De la Somme (Hàm Nghi) mới bắt đầu được đầu tư phát triển kiến trúc. Và đại lộ Lê Lợi cũng phát triển hơn nhờ một đầu chợ Bến Thành, còn đầu kia là Nhà hát Thành phố (từng là Trụ sở Hạ Nghị Viện).

Tòa nhà Cao ốc ở ngã tư Công Lý – Lê Lợi. Ban đầu, Công Lý chỉ là một con đường được đánh số trong kế hoạch quy hoạch đô thị của người Pháp, sau đó mới có tên là Impératrice, rồi đổi thành Mac Mahon (hay còn được người Việt gọi là Mặt Má Hồng), rồi lần lượt là: Général De Gaulle, Maréchal De Lattre de Tassigny, Công Lý (năm 1955), Nam Kỳ Khởi Nghĩa (sau năm 1975). Có thể nói, đường Công Lý mang theo nhiều tên nhất và cũng là một trong những trục đường trung tâm quan trọng nhất của Sài Gòn dù trước hay sau năm 1975.

Giao thông ở góc ngã tư Công Lý – Lê Lợi. Chính giữa hình là chiếc taxi “con cóc”, một thời từng là phương tiện giao thông phổ biến của Sài Gòn, nhưng sau năm 1975 thì những chiếc taxi này lại hoàn toàn biến mất “không tung tích”….

Cảnh sát ngay góc đường Công Lý – Lê Lợi, sau này đường Công Lý được đổi tên thành đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (kéo dài từ Bến Chương Dương đến cầu Công Lý bắc qua kênh Nhiêu Lộc, sau này được đổi tên thành cầu Nguyễn Văn Trỗi nhưng người dân vẫn quen thuộc với tên Công Lý cũ nên được một thời gian thì cầu này cũng trở về tên Công Lý ban đầu).

Ngã tư Công Lý – Lê Lợi

Khu bán sách cũ trên đường Lê Lợi, phía số lẻ – dọc theo vách tường Bộ Công Chánh (Trường Tiền) cũ. Khu vực này gần với Bưu Điện Quận 1 ở góc đường Lê Lợi – Pasteur.

Nhà hàng International nằm ở góc ngã tư Công Lý – Lê Lợi, đoạn gần với chợ Bến Thành.

Xe bò gom rác trên đường phố Sài Gòn

Chợ Cũ trên đường Tôn Thất Đạm (Bảng hiệu góc trên bên trái ghi là “đại lộ Hàm Nghi” nhưng đây là đường Tôn Thất Đạm, ngay góc Hàm Nghi – Tôn Thất Đạm)

Giao đường Lê Lợi – Nguyễn Huệ (Bùng binh Bồn Kèn), tòa nhà trong hình là Thương xá EDEN (năm 2012, thương xá đã bị đập bỏ và dựng nên tòa Union square hoành tráng.

Khu Chợ Lớn xưa – Hình như đây là đường Đồng Khánh đoạn giữa Phùng Hưng và Tổng Đốc Phương (sau này đổi tên thành đường Châu Văn Liêm), trong hình thấy được trụ đèn 5 ngọn đứng giữa ngã tư Phùng Hưng – Đồng Khánh. Gần tiệm bánh ngọt Việt Nam là một hẽm nhỏ (nhưng lại có tên là đường Tống Duy Tân, trước đó đường này có tên là Phúc Kiến), đi thông ra đường Khổng Tử. Bên phải hình là nhà hàng Ngọc Lan Đình và quán chè cổ 70 tuổi.

Đường Phan Châu Trinh – Đường bên hông trái thẳng ngay Cửa Tây Chợ Bến Thành và khách sạn Mai Loan nhìn từ đường Phan Châu Trinh.

Hình ảnh trước chợ Bà Chiểu – Gia Định, ngày nay là khu chợ thuộc Bình Thạnh. Chợ được xây dựng từ năm 1942 bởi ông Trần Văn Chơi (biệt danh là ông Tư Chơi), nhà ông Trần Văn Chơi hiện nay là ban quản lý chợ Bà Chiểu, nhà ông Trần Văn Chơi giáp ranh với nhà ông Đốc Phủ Sứ Trần Quang Nhã (tỉnh trưởng Gia Định), mãi cho đến năm 1987 thì được nâng cấp sửa chữa.

Cửa hàng bách hóa GMC, đây là tiền thân của thương xá TAX, được công ty Société Coloniale des Grands Magasins mở vào năm 1914 tại góc đại lộ Charner và đại lộ Bonnard, gần tòa thị chính. Đến năm 1924 thì khu nhà này được tái thiết và khuếch trương theo phong cách Art Deco đón tiếp khách hàng thượng lưu của đô thị lớn nhất Liên bang Đông Dương. Sang thời Việt Nam Cộng hòa, Đại lộ Bonnard thay tên là đại lộ Lê Lợi và Đại lộ Charner biến thành đại lộ Nguyễn Huệ còn Grands Magasins Charner mãi tới năm 1960 mới chính thức sang tên là Thương xá TAX.

Góc ngã tư đường Rue Catinat (Tự Do) – Espagne (Lê Thánh Tôn) đầu thế kỷ XX. Tòa nhà Alfana Kim Thịnh cùng chậu kiểng của Công viên Chi Lăng, xéo góc với nhà hàng Cái Chùa (La Pagode) bên phải khuất trong hình (hướng tay phải của người điều khiển giao thông trong hình).

Đường Rue Catinat năm 1950 – Trong hình là một dọc những chiếc xe xích lô đang di chuyển trên đường phố. Từng có thời gian, đây là một phương tiện giao thông phổ biến ở Sài Gòn xưa. Do những đổi thay của thời cuộc mà ngày nay loại phương tiện độc đáo này gần như đã biến mất.

Đường Rue Catinat năm 1950, bắt đầu từ Công trường Công xã Paris trước Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn, băng qua Công trường Lam Sơn, công viên Chi Lăng rồi kết thúc tại vị trí giao cắt với đường Tôn Đức Thắng, bờ Sông Sài Gòn.

Đường Rue Catinat, sau năm 1975 thì đổi tên thành đường Đồng Khởi, trước đó là đường Tự Do. Đường Đồng Khởi còn lưu lại một vài nét cổ xưa và riêng biệt của một đô thị thuộc địa ở Đông Nam Á, tuy nhiên đã mất dần từng phần qua các thời kỳ từ năm 1954 khi nhiều tòa nhà cao lớn đang dần mọc lên.

Sài Gòn năm 1950 – Tượng Giám mục Bá Đa lộc và Hoàng tử Cảnh (con vua Gia Long) trong khuôn viên của vườn hoa trước nhà thờ Đức Bà. Tuy nhiên, năm 1945, tượng này bị Chính phủ phá bỏ, nhưng cái bệ đài bằng đá hoa cương đỏ thì vẫn còn tồn tại ở đó mà không có bất cứ một bức tượng nào đặt lên trên.

Nhà thờ Đức Bà hay còn gọi là Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn (tên chính thức: Vương cung thánh đường chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội). Là một trong những công trình kiến trúc độc đáo của Sài Gòn, bên phải bức ảnh là Bưu điện Trung tâm Sài Gòn, cũng là điểm đến của du khách trong và ngoài nước, nét đặc trưng của du lịch Việt Nam.

Xe ngựa, đường xưa, chợ cũ…trên đường Hàm Nghi năm 1950

Gọi chung là xe thổ mộ, đây là loại phương tiện đi lại phổ biến ở vùng Sài Gòn – Gia Định vào những năm 50 của thế kỷ XIX. Bắt nguồn từ những cỗ xe ngựa sang trọng của Pháp, nhưng sau đó lại được người miền Nam cải tiến và chế tác để phù hợp với điều kiện và địa hình, mang lại tính năng ưu việt hơn nhưng giá cả bình dân hơn.

Xe bò di chuyển trên đường phố Sài Gòn – Cái xe hai bánh, thùng xe đóng bằng gỗ, phía trước có hai tay cầm, lúc thì dùng sức người kéo, lúc thì dùng sức bò, sức trâu để kéo. Hồi đó, cứ cái gì nặng nặng, là thảy lên xe kéo đi, từ gạch xây nhà, đến lúa thu ngoài đồng về, đến cây trái hoa cỏ,… lên hết xe bò, chứ làm gì có phương tiện khác để chuyên chở.

Xe ngựa năm 1950 – Phía xa là ga xe lửa Sài Gòn

Đường Rue Viénot, nay là đường Phan Bội Châu bên hông chợ Bến Thành.

Đây có thể là dãy phố nằm trên đường Trần hưng Đạo ngày nay (đoạn giữa đường Tản Đà và Phạm Đôn) – Vị trí của người chụp là trước Chùa Bà Hải Nam

Đường Rue des Marins, trước năm 1975 là Đồng Khánh, nay là đường Trần Hưng Đạo.

Vòng xoay giao lộ Khổng Tử – Tổng Đốc Phương (Ngã Năm Chợ Lớn), nay là vòng xoay Hải Thượng Lãn Ông – Châu Văn Liêm, với tượng Phan Đình Phùng phía trước Bưu Điện Quận 5

Chợ Lớn năm 1950 – Khu vực này trước kia lập thành một thành phố riêng biệt với Sài Gòn, gọi là thành phố Chợ Lớn. Trong những năm 1930-1950 do quá trình đô thị hóa, Sài Gòn và Chợ Lớn dần dần sáp nhập với nhau. Khu phố này từ lâu đã là nơi sinh sống của người Hoa và được coi là khu phố Tàu rộng nhất thế giới.

Trước đó, Chợ Lớn còn được gọi là Đề Ngạn (cách gọi của người Minh Hương – đây là những người rời Trung Quốc sang Đàng Trong định cư vì không thuần phục nhà Thanh) . Thành phố Chợ Lớn thành lập ngày 6 tháng 6 năm 1865 theo nghị định của Thống đốc Nam Kỳ, nhưng mãi đến tháng 10 năm 1879 thì khu vực này mới được công nhận là đô thị loại 2 ngang cấp tỉnh. Đến năm 1931, Tổng thống Pháp đã cho hợp nhất thành phố Sài Gòn và thành phố Chợ Lớn thành Khu Sài Gòn – Chợ Lớn. Năm 1951, Khu Sài Gòn – Chợ Lớn lại tiếp tục bị đổi tên thành Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn và đến năm 1956 chính thức lấy tên là Đô thành Sài Gòn. Kể từ đây, “Chợ Lớn” chỉ còn được dùng để chỉ toàn bộ khu vực quận 5, quận 6 và quận 11 của Đô thành Sài Gòn.

Giao lộ Đồng Khánh – Tổng Đốc Phương (nay là Trần Hưng Đạo – Châu Văn Liêm), ông cảnh sát giao thông trong hình đứng trên giàn cao để điều khiển giao thông, lưng quay về phía Bưu điện Chợ Lớn

Góc đường Tổng Đốc Phương (nay là Châu Văn Liêm) với đường Đồng Khánh (nay là Trần Hưng Đạo), cuối hình Bưu Điện Quận 5.

Ngã ba Nguyễn Huệ – Nguyễn Thiệp những năm thập niên 1960

Lê Lợi năm 1961

Đường Nguyễn Trung Trực năm 1961, ngay góc đường Lê Lợi – Nguyễn Trung Trực là Nhà hàng Kim Sơn. Bên phải hình là đường Nguyễn Trung Trực với dãy nhà chạy dài bên cạnh.

Nhà hàng Kim Sơn góc Lê Lợi – Nguyễn Trung Trực, phía xa trong hình phải ở trên là quán cafe và nhà hàng Thanh Thế

Quán café – nhà hàng Thanh Bạch – Ở Sài Gòn thời điểm đó có đến 2 quán Thanh Bạch, quán trong hình là Thanh Bạch kế rạp Vĩnh Lợi, tại đây có bán bánh mì con cóc 5$ một ổ giống như bánh mì Bưu Điện, còn quán kia bên đường Phạm Ngũ Lão gần tòa soạn báo Sài Gòn Mới.

Góc Trần Hưng Đạo – Yersin (nối dài qua bên kia đường Trần Hưng Đạo) năm 1964. Sau này đường Yersin được đổi thành đường Đề Thám, hướng trong hình đi qua đường Cô Bắc, góc đối diện bên kia đường là rap Nguyễn Văn Hảo. Ngôi nhà ở góc đường có đặc điểm là thụt vào trong so với những nhà cùng dãy .

Ảnh chụp Sài Gòn năm 1965 của nhiếp ảnh gia Hải quân Hoa Kỳ Joe Edge

Nhà hàng Kim Hoa góc Lê Lợi – Pasteur, nhìn về phía bùng binh chợ Bến Thành, bên cạnh nhà hàng là nhà sách Sài Gòn.

Café Thanh Bạch, cạnh rạp Vĩnh Lợi năm 1967

Một vụ kẹt xe trên đường Võ Tánh, sau này là đường Nguyễn Trãi (khác với đường Võ Tánh ở Gia Định – sau được đổi tên thành đường Hoàng Văn Thụ) – Ảnh được chụp bởi Bill Mullin năm 1967 ở góc nhìn của một khách sạn số 22 đường Võ Tánh.

Một khu chợ đen ở trên đường Lê Lợi năm 1967

Đường Lê Lợi và Công trường Lam Sơn – Trong hình là Nhà hát Thành phố và công viên Lê Lợi (thời điểm vẫn còn bức tượng hai binh sĩ Thủy quân Lục chiến VNCH, sau năm 1975 thì tượng đài này đã bị giựt sập). Còn về Nhà hát Thành phố nằm ở khúc giao của đường Lê Lợi và Tự Do, trước khi được trả về đúng công năng nghệ thuật nhà hát thì tòa nhà này tưng là Trụ sở Quốc Hội. Sau đó, Đệ nhất cộng hòa sụp đổ, đã có một thời gian thành Nhà Văn Hóa. Đến khi Đệ nhị cộng hòa tái khởi thì tiếp tục bị trưng dụng thành Trụ sở Hạ Nghị viện.

Đường Lê Lợi

Những người lái xích lô khó nhọc đạp xe trong biển nước ở giao lộ Lê Lợi – Công Lý (nay là Lê Lợi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa) vào một ngày mưa “tầm tã” năm 1968

Thanh niên đeo kính đen ngồi trên chiếc xe máy mới, mạ crom, với nhiều phụ kiện, chờ đèn giao thông tại một ngã tư đông đúc ở trung tâm Sài Gòn năm 1968. Tại thời điểm đó, hình ảnh của thanh niên này được cho là khá bảnh và ngầu.

Lê Lợi năm 1969 – Đại lộ Lê Lợi khá ngắn, chỉ có hai ngã tư tại Pasteur và Công Lý.

Hội trường Diên Hồng, từng là Trụ sở Thượng Nghị Viện – Trước mặt là công viên với bức tượng đài An Dương Vương và Bến Chương Dương cùng con rạch Bến Nghé. Bên cạnh phía phải là đường Công Lý, phía sau là đường Nguyễn Công Trứ. Góc tây bắc đường Nguyễn Công Trứ và đường Công Lý là Rạp Cathay, phía bên kia đường là nhà in Phiêu Ký.

Đường Hai Bà Trưng và Công trường Lam Sơn, phía sau trụ sở Quốc Hội.

Đại lộ hàm Nghi năm 1969, chụp từ trên cầu vượt cho người đi bộ gần phía đầu đường Hàm Nghi và đường Phó Đức Chính. Giai đoạn năm 1970 – 1971 thì tòa nhà có tháp củ tỏi nằm tại góc Hàm Nghi – Công Lý là Việt Nam Công Thương Ngân Hàng đang trong quá trình xây dựng (sau nay là tòa nhà 25 tầng của Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần CôNg Thương Việt Nam “VietinBank”).

Ngã tư Lê Lợi – Pasteur

Chợ Bà Chiểu – Chiểu có nghĩa là ao nước thiên nhiên, Bà Chiểu là nữ thần được thờ bên ao thiên nhiên, ở Thủ Đức cũng có vùng đất tên là Linh Chiểu, và trên vùng đất được bà Chiểu cai quản, thì xuất hiện một chợ chồm hổm bày bán khu vực rộng, nên được gọi luôn là chợ Bà Chiểu.

Đường Bùi Hữu Nghĩa, Gia Định – Nhà thờ Thánh Mẫu, đi tới thêm vài trăm mét là tới phía sau chợ Bà Chiểu. Phía tay phải, gần vũng nước này là một trạm đổ xăng, đâm sang một con hẻm, khu này có nhà thầy Luân dạy Anh Văn trường Hồ Ngọc Cẩn. Ở con hẻm này có nhà của anh em Tiến và Mỹ là hai cây guitar cổ điển nổi tiếng của trường Hồ Ngọc Cẩn.

Tòa Đô Chánh Sài Gòn nằm trên đường Lê Thánh Tôn, đầu đường Nguyễn Huệ hướng ra sông Sài Gòn. Đây là một trong những công trình kiến trúc cổ điển ở Thành phố được xây dựng từ năm 1898 đến 1909. Thời Pháp thuộc, tòa nhà này có tên Dinh xã Tây. Đến thời Việt Nam Cộng hòa, gọi là Tòa đô chánh Sài Gòn và thành nơi làm việc và hội họp của chính quyền thủ đô. Từ sau năm 1975, tòa nhà  được trưng dụng làm UBND thành phố, Hội đồng nhân dân Thành phố và một số cơ quan khác.

Sài Gòn năm 1970 – Bên phải trên đường Nguyễn Cư Trinh là rạp cải lương Hưng Đạo và rạp cinéma Lê Ngọc (khoảng 1955 thì đổi tên thành rạp Al Hambra). Hồi này đoàn Thanh Minh Thanh Nga đang ở rạp Hưng Đạo. Hình trên cửa rạp chắc phải có Thanh Nga, Thành Được và danh hề Thanh Việt thấy rõ ở tấm bảng bên dưới.

Rạp Cao Đồng Hưng nằm trên đường Bạch Đằng nối liền với cuối đường Chi Lăng (đến ngã tư Bùi Hữu Nghĩa Gia Định) đoạn qua chợ Bà Chiểu hướng từ Chi Lăng về Hàng Xanh

Tiệm hớt tóc Xinh Xinh ở góc đường Đoàn Thị Điểm – Phan Đình Phùng năm 1971, nay là ngã tư Nguyễn Đình Chiểu – Trương Định.

Ngã tư đường Đoàn Thị Điểm – Phan Đình Phùng, nay là ngã tư đường Trương Định – Nguyễn Đình Chiểu. Lưu ý: đường Nguyễn Đình Chiểu sau này thành đường Trần Quốc Toản, đường Phan Đình Phùng thành đường nguyễn Đình Chiểu, đường Võ Di Nguy (Gia Định) đổi thành đường Phan Đình Phùng khác với đường Võ Di Nguy (Sài Gòn) thành đường Hồ Tùng Mậu.

Ngã tư Lê Lợi – Pasteur giai đoạn 1973 – 1974

Đánh giá post

1 bình luận về “Lạ quen với những nẻo đường Sài Gòn xuôi ngược: Xúc động với những mảng ký ức đã nhạt”

Viết một bình luận