Vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỉ trước, ở miền Nam Việt Nam còn chưa có vô tuyến truyền hình, phải đến năm 1966 thì đài truyền hình mới được thành lập ở Sài Gòn. Thời bấy giờ, công chúng thường theo dõi đón chờ thông tin được phát ra từ hai đài phát thanh đang có là “Đài Tiếng Nói Việt Nam” và “Đài Phát Thanh Quân Đội”. Và thường sau giờ cơm chiều, mọi người sẽ mở Radio để chờ nghe chương trình Dạ Lan – “Em gái hậu phương” với giọng nói ngọt ngào đầy truyền cảm của cô xướng ngôn viên.
Theo đó, “Dạ Lan” là chương trình do Đài Phát Thanh Quân Đội VNCH thực hiện. Sau biến cố đ.ảo c.hính năm 1963, Đại tá Trần Ngọc Huyến đã tạo ra chương trình này nhằm an ủi và nâng cao tinh thần chiến sĩ ngoài mặt trận, trong đó lấy âm nhạc làm phương tiện chính. Chương trình Giờ của Dạ Lan được phỏng theo chương trình địch vận Hoa Hồng Đen của Đài Loan vào năm 1950. Đại Tá Trần Ngọc Huyến lấy tên “Dạ Lan” để đặt tên cho chương trình như một loài hoa nở về đêm, dùng một giọng nói thiếu nữ nhẹ nhàng, truyền cảm đêm đêm chuyện trò qua làn sóng điện với các chiến sĩ ngoài tiền đồn.
Chương trình Dạ Lan bắt đầu phát sóng từ năm 1964 và xướng ngôn viên là một một cô gái xưng tên Dạ Lan. Chương trình này được phát mỗi đêm trên làn sóng dành riêng cho quân đội trong hệ thống phát thanh quốc gia, qua đài tiếp vận Quán Tre, có công suất rất mạnh có thể nghe đến Bến Hải, nghĩa là khắp cả dải đất miền Nam.
Sau này, trong hồi ký của nhà văn Văn Quang – cũng chính là trung tá Nguyễn Quang Tuyến (ông là người quản đốc đài cuối cùng tính tới thời điểm 1975) đã kể về quá trình hình thành chương trình Dạ Lan như sau: “Vào khoảng đầu thập niên 1960, Đại tá Trần Ngọc Huyến là người có sáng kiến làm ra Chương trình Dạ Lan trên Đài Phát Thanh Quân Đội. Ngay sau khi ra mắt, chương trình này được hầu hết quân nhân yêu thích. Trước đó, ông đã họp Bộ Tham Mưu của Cục Tâm Lý Chĭến (TLC) để thảo luận về chương trình này. Ông cũng nói đây là một mô hình theo chương trình địch vận và đồng minh vận của Nhật Bản trong thế chĭến, cũng như dựa theo chương trình binh vận của Đài Loan. Những nữ xướng ngôn viên của quân đội Nhật và Đài Loan đã rất thành công với giọng nói thánh thót, êm đềm và những bản nhạc quốc tế rất hay.
Hồi đó trong cuộc họp tham mưu của Cục TLC thường mỗi tuần 1 lần, có các trưởng khối và trưởng phòng tham dự. Lúc đó, tôi còn là Trưởng phòng Báo Chí nên thường xuyên tham dự các cuộc họp này. Tất cả đều nhận thấy chương trình đó rất hay và sau đó giao cho Thiếu Tá Nguyễn Văn Nam tìm xướng ngôn viên. Trong số một vài xướng ngôn viên được đưa ra thử giọng qua máy ghi âm, một nữ xướng ngôn viên của Đài Phát thanh Đông Hà được chọn và được điều chuyển về Sài Gòn. Chương trình Dạ Lan từ đó bắt đầu.”
Chương trình Dạ Lan được phát thanh từ 7 giờ đến 9 giờ tối mỗi ngày, nội dung bao gồm các phần câu chuyện hằng ngày, tin tức, thời sự, điểm báo và phần văn nghệ. Trong đó, đặc biệt nhất là phần trao đổi thư tín giữa Dạ Lan và các quân nhân, phần lớn là các quân nhân ở các tỉnh, nhất là những quân nhân trú đóng ở các tiền đồn xa Sài Gòn.
Giai đoạn đầu khi mới thành lập, chương trình Giờ của Dạ Lan gồm phần câu chuyện hằng ngày do Lưu Nghi phụ trách, điểm báo do Nguyễn Triệu Nam đảm nhiệm, phần nhạc do nhạc sĩ Đan Thọ, Ngọc Bích chọn và lời dẫn nhạc (chapeau) do Huy Phương viết. Còn phần tin tức là do ban tin tức của Đài phát thanh phụ trách và thư tín do Ngọc Xuân và một số cô đặc trách việc chọn lựa thư tín để sau đó Dạ Lan trả lời trên làn sóng phát thanh.
Khi được phát sóng, chương trình Dạ Lan đã rất được yêu thích, anh em quân nhân vô cùng hân hoan, nhất là các quân nhân xa nhà, trú đóng ở các tiền đồn hẻo lánh. Chương trình được đón nhận nồng nhiệt, thế nên số lượng thư gửi về cũng rất nhiều nên từ 1964 – 1965, Đài Phát Thanh Quân Đội phải tuyển thêm một số nữ nhân viên để phụ trách vấn đề trả lời thư của các “anh trai tiền tuyến” hằng đêm.
Nhắc đến chương trình Dạ Lan, không thể không nhắc đến “linh hồn” của chương trình là cô xướng ngôn viên Dạ Lan. Người đầu tiên làm xướng ngôn viên cho chương trình này có nghệ danh là Dạ Lan nói giọng Bắc, nhưng cô thực chất lại là một người con gái Quảng Nam có một thời gian sinh sống tại Huế, tên Hoàng Xuân Lan. Trước đó, cô từng làm việc tại Đài Phát Thanh trong chương trình “Gươm Thiêng Ái Quốc” – một chương trình thuộc dạng tuyên truyền phát thanh về bên kia vĩ tuyến, được thiết lập tại Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Đài này do ông Nhất Tuấn làm Quản Đốc và bà Hà Huyền Chi làm phó. Hoàng Xuân Lan tuy không có một ngoại hình xinh đẹp nhưng cô lại có một chất giọng ngọt ngào và nhất là phát âm tiếng Bắc rất chuẩn.
Đêm đêm trên làn sóng điện của Đài Phát Thanh Quân Đội phát lên thanh âm “Đây là chương trình Dạ Lan, tiếng nói của những người em gái Hậu Phương, gởi những anh trai Tiền Tuyến”. Giọng nói ngọt ngào đầy truyền cảm đó đã có mãnh lực thu hút cảm tình của các binh sĩ trú đóng khắp nơi trên bốn vùng chiến thuật. Cụm từ “em gái hậu phương” và “anh trai tiền tuyến” trong thời gian này được nghe và dùng nhiều trong các bài thơ hay nhạc phẩm thịnh hành.
Lúc bấy giờ, đối với những “anh trai tiền tuyến” , họ nghe được giọng Dạ Lan hàng đêm, nên cô xướng ngôn viên nghiễm nhiên trở thành “linh hồn” của chương trình, là đại diện của những người em gái hậu phương hàng đêm tâm tình cùng các anh lính xa nhà.
Chương trình vô cùng thành công và lượng thư từ từ các chiến sĩ, nhất là từ các vùng đất xa xôi, tiền đồn heo hút gửi về cho Dạ Lan ngày càng nhiều, đến nỗi Đài Phát Thanh Quân Ðội phải tuyển thêm bốn nữ nhân viên dân chính, công việc mỗi ngày của họ là ngồi viết thư trả lời cho các anh chiến sĩ. Bốn cô đảm nhận 4 Vùng, và lẽ tất nhiên dưới mỗi lá thư đều ký tên Dạ Lan. Với một quân nhân xa nhà, ở một nơi tiền đồn heo hút, xa rời ánh đèn thành phố, không sách báo, mỗi đêm chỉ có một cái radio chạy pin để nghe giọng em gái Dạ Lan chia sẻ, tâm sự, khi nhận được một lá thư hồi âm của em gái Dạ Lan thì tác động tâm lý là vô cùng lớn.
Để thêm phần nâng cao tinh thần cho chiến sĩ, cô Hoàng Xuân Lan được cho phép đi chụp ảnh in thành carte-postale để gửi tặng anh em chiến sĩ. Bức ảnh này được in trên bìa báo Xuân Chiến Sĩ Cộng Hòa năm 1965, do nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Nguyễn Kỳ ở Saigon thực hiện.
Một số carte-postale chụp cô Hoàng Xuân Lan, “em gái hậu phương” cũng được ấn hành để gởi tặng đến các chiến sĩ tiền đồn.
Thế nhưng đến năm 1966, khi chương trình Dạ Lan đang thành công vang dội và gây được nhiều sự chú ý, thì xướng ngôn viên là cô Hoàng Xuân Lan chuyển lên Đài phát thanh Đà Lạt. Người được chọn để tiếp tục chương trình Dạ Lan cũng có tên thật là Lan – Hồng Phương Lan nghệ danh là Mỹ Linh. Lúc này, Mỹ Linh cũng đang làm việc cho Đài Phát Thanh Quân Đội nhưng cô đang phụ trách ở chương trình Nhạc Ngoại Quốc yêu cầu, cô làm việc ở Đài Phát Thanh Quân Đội từ những năm 1957 -58. Mỹ Linh là người Huế nhưng nói giọng Bắc, cô lại có giọng nói giống hệt với giọng cô Hoàng Xuân Lan. Thế nên, ngoài nhân viên của đài, không ai phân biệt được sự khác biệt giữa hai giọng nói Dạ Lan, đêm đêm giọng nói cũ nghe như vẫn còn đó, nhưng người nói đã thay đổi.
Chương trình Dạ Lan được tiếp tục mãi cho đến năm 1975 thì dừng. Năm 2005, trong một bài báo của báo Việt Luận (Sydney, Úc) có nhắc đến chương trình Dạ lan và cho rằng cô Dạ Lan “phải được ngưỡng mộ và vinh danh trước quần chúng,” và đòi hỏi rằng “cô cũng nên xuất hiện để cho chúng ta ngưỡng mộ như một chiến sĩ”.