Chụp hình gia đình trong những ngày đầu năm dịp tết Nguyên Đán đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của các gia đình Sài Gòn, Chợ Lớn hay Gia Định. Tại sao hoạt động này lại trở thành một phong tục của người Sài Gòn? Hãy cùng tìm hiểu qua những bức ảnh còn được lưu giữ và qua lời kể của những người con Sài Gòn.
Saigon 66-67 – Chợ hoa Tết năm xưa. Ảnh Darryl Henley
Trong không khí những ngày đầu xuân, gia đình Sài Gòn xưa thường dành riêng ra một buổi để đến các tiệm chụp hình với những trang phục đẹp nhất để cùng nhau chụp chung những bức ảnh gia đình. Trong dịp này, đàn ông trung niên thường ăn mặc sang trọng, chỉnh tề với mái tóc brilliantine rẽ ngôi bảy ba sáng bóng kết hợp với những bộ complete. Phong cách nam thanh niên thường là áo chemise mới coóng và quần plis được ủi thẳng, đóng thùng lịch lãm, giày da đen hoặc nâu bóng. Phụ nữ trung niên lựa chọn cho mình những bộ sườn xám hoặc áo xẩm dài tay hay ngắn tay để tôn lên dáng vẻ quý phái và kiều diễm. Những cô nàng trẻ trung dành sự ưu ái cho những bộ trang phục ngắn hoặc áo dài truyền thống. Bé gái được mẹ sắm cho đầm mới, tết tóc xinh đẹp. Các cậu con trai bảnh bao trong trang phục áo sơ mi, quần sooc năng động. Các tiệm chụp hình Sài Gòn xưa những ngày đầu năm rộn ràng với những sắc màu, tiếng cười nói của khách chụp hình. Bức ảnh quan trọng và được trau chuốt nhất chính là bức ảnh chụp đại gia đình với đầy đủ tất cả các thành viên. Tiếp đó, mỗi người có thể chụp cho mình những bức ảnh riêng hoặc chụp với những người thân của họ như ảnh chị em, vợ chồng,…
Bối cảnh cho khung hình một bức ảnh chụp ngày trước được các họa sĩ vẽ lên trên một bức phông nền lớn bằng vải bố. Tùy vào sở thích, nhu cầu mà mỗi gia đình có thể lựa chọn cho mình những bối cảnh khung hình khác nhau. Những gia đình thích sự sung túc, giàu sang thường chọn bối cảnh là khung cảnh của một tòa lâu đài sang trọng. Cha mẹ ngồi trên một bộ ghế salon lớn, con cái đứng quây quần sau ghế. Phía sau phông nền là hình ảnh cầu thang sang gỗ, một ô cửa sổ với rèm buông trước gió nhìn ra vườn hoa, xung quanh ốp gạch hoa đẹp mắt. Với những ai yêu thiên nhiên, phông nền được yêu thích là hình ảnh một con đường với cây cối hai bên. Những người đam mê du lịch chọn những phông nền vẽ những địa điểm nổi tiếng thế giới như tháp Eiffel hay danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Những người hoài cổ thường tạo dáng bên hàng dừa nơi dòng sông Cửu êm đềm. Ngoài những bức phông nền được trang trí kỹ lưỡng, đạo cụ kèm theo còn có thêm ghế mây, xe nhỏ cho trẻ em, hoặc súng giả, mũ cao bồi để hóa trang thành những tay thợ săn kiệt xuất.
Kỹ thuật ánh sáng, cân bằng sáng, góc chụp tinh tế để khách hàng luôn có được những bức hình tốt nhất và đặc biệt là thủ thuật trang điểm, che khuyết điểm trên khuôn mặt để ai cũng có được bức hình đẹp nhất có thể.
Ảnh chụp thường được rửa ra với kích thước 6×6 với chất lượng ảnh khá tốt, hình ảnh sắc nét, màu sắc sinh động. Ảnh được giao đến tay khách hàng vài ngày sau buổi chụp hình gồm một bức ảnh nhỏ đựng trong album và một bức lớn được lồng khung kính treo ở nơi trang trọng của ngồi nhà. Mỗi lần ảnh về đến tay, cả gia đình xúm nhau lại xem ảnh rồi bàn tán, cười nói vui vẻ.
Anh Đức Vượng, chủ tiệm ảnh Mỹ Lai hoạt động hơn 80 năm, tiệm ảnh lâu đời nhất tại Sài Gòn tọa lạc tại ngã tư Phú Nhuận vẫn còn nguyên cảm xúc khi nhắc nhớ về những tháng ngày còn nhỏ khi phụ giúp gia đình chụp ảnh và làm ảnh khi nhắc lại không khí rộn ràng của những năm 60, khi anh còn là một đứa trẻ thường lăng xăng phụ giúp gia đình chụp hình, làm hình những ngày tết đến.
Anh Vượng chia sẻ:
Để có những bức ảnh đẹp làm hài lòng khách hàng, từ năm 1950, bố anh đã phải chuẩn bị và sắm sửa đầy đủ các trang thiết bị cho studio. Ngoài máy ảnh có chân, giàn đèn, quan trọng nhất vẫn là tấm phông bằng vải bố. Để bức phông nền đẹp và sắc nét, bố anh đã phải chọn loại vải mịn, chắc và thuê họa sĩ với tay nghề cao để họa lại từng chi tiết tỉ mỉ bằng màu xám và trắng sao cho giống thật và có hồn nhất. Những tấm vải bố thường che phủ hết một bức tường lớn để vẽ được trọn vẹn cảnh vật và chụp trọn vẹn được thân người từ đầu đến chân. Đối với những bức phông vải bố không phủ hết bức tường, bố anh thường che lấp bằng cách đặt các chậu cây ở vị trí chụp ảnh để che lấp mảng tường phía sau, tạo vẻ tự nhiên và chân thực cho bức ảnh. Để bức ảnh có chiều sâu và trông thật tự nhiên, người họa sĩ không được vẽ cảnh vật trong bức phông nền quá chi tiết và rõ nét. Anh kể rằng thời đó, nhà anh thường sử dụng 2 bức phông màn ngoại cảnh: một bức là ngoại thất của một căn biệt thự cổ và một tấm là cảnh sân vườn của một ngôi nhà hiện đại theo phong cách Art Deco. Ngoài ra, bố anh còn trang trí thêm một bức phông màn phụ màu xám, trên nền điểm chút mây trời nhè nhẹ tạo nên khung cảnh thiên nhiên yên bình. Những vị khách có học thức và tinh tế thường rất yêu thích phong cách này.
Giống như các tiệm ảnh cùng thời khác, tiệm ảnh Mỹ Lai của gia đình anh cũng phải trang bị thêm nhiều phụ kiện cho studio như bàn ghế gỗ, mây với phong cách cổ điển hoặc tân thời để phù hợp với khung cảnh sau bức phông màn. Đặc biệt, chiếc ghế mây dùng để các em bé nhỏ ngồi để chụp ảnh cùng gia đình vẫn còn được anh cất giữ và bảo quản. Chiếc ghế chắc chắn, dẻo dai, thành ghế tròn xoe như mặt trăng, phủ lên trên một tấm vải hoa. Kết cấu tròn xoe giúp em bé ngồi trên ghế vừng vàng và đẹp. Bố anh bảo ghế mây phải mua của người Tàu ở Chợ Lớn gần vòng xoay Phú Lâm mới đẹp và bền.
Hoạt động chụp ảnh gia đình thường diễn ra trong suốt cả năm. Tuy vậy, vào những ngày Tết, hoạt động này diễn ra rầm rộ nhất. Đối với các ông bà chủ studio, đây là dịp làm ăn quan trọng và lớn nhất trong năm nên đã phải sắm sửa, bố trí, sửa sang lại phông nền, cảnh vật sao cho thật đẹp để phục vụ khách hàng. Cả gia đình thay phiên nhau trực tiệm ảnh để đón khách từ ngày mồng 2 tết. Thậm chí có những năm mùng 1 tết đã có khách đến yêu cầu chụp ảnh rồi.
“Cứ mỗi buổi sáng sớm mùng 2 Tết, vừa mở cửa ra là từ xa xa đã thấy một chiếc xích lô chở nghễu nghện cả một gia đình đến chụp ảnh. Ông bố diện nguyên bộ comple mới toanh, người mẹ thướt tha trong bộ áo dài tay bế đứa bé nhỏ. Ngồi trước là hai đứa nhỏ diện áo sơ mi bảnh bao. Chiếc xe từ từ tiến đến ngay cửa hiệu. Vừa bước xuống xe, cả nhà đã bước ngay vào studio và bàn tán nhau lựa chọn khung cảnh phù hợp rôm rả khắp cả phòng. Những dịp đông khách, cửa tiệm xe cộ nườm nượp. Người đi bộ có, xích lô có, taxi có thay phiên nhau ra vào. Nhiều gia đình phải đợi cả tiếng đồng hồ mới đến phiên chụp của mình. Vậy mà ai nấy mặt đều hớn hở tươi vui. Chụp ảnh xong, đang sẵn đồ đẹp trên người, cả gia đình họ lại tiếp tục ngoắc xe đi chúc tết gia đình họ hàng”. – anh Vượng kể lại với giọng điệu ngập tràn niềm vui.
Thế giới hiện đại, những tiệm chụp hình truyền thống ngày xưa nay đã trở thành những studio với công nghệ hiện đại, tiên tiến. Không còn là những phông nền vẽ bằng tay như ngày xưa, bây giờ các gia đình chỉ cần chụp ảnh trên một phông nền xanh rồi dùng công nghệ để ghép cảnh vào. Tuy vậy, trong lòng những người con Sài Gòn, những kỷ niệm ngày còn chen nhau trong một studio chật hẹp, diện đồ thật đẹp để mong có được bức ảnh đẹp nhất và cảm xúc hồi hộp khi chờ đón nhận bức ảnh trên tay vẫn còn là những hồi ức đẹp đẽ, vẹn nguyên mà không bao giờ tìm lại được.
- Xuất xứ và công dụng của cột tháp cao quen thuộc ở đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) – Sài Gòn
- “Bài Thơ Cuối Cùng” (Hoàng Thi Thơ) – Gửi tặng em đôi dòng thơ cuối, để mai này chẳng còn thương đau
- Hoàn cảnh sáng tác ca khúc “Hương Tóc Mạ Non” – Mấy ai “NỊNH” vợ ngọt ngào như nhạc sĩ Thanh Sơn
- Quay ngược thời gian ăn cái Tết ở Sài Gòn ngày xưa: Dạo qua Tết Phiên An
- Huyền thoại xe đạp mini trên các cung đường Sài Gòn một thời bây giờ ra sao?