Dù cho bạn là người từ tỉnh khác đến hay là những người đã sinh sống ở Sài Gòn lâu năm thì chắc chắn một điều rằng bạn đã nghe qua những nút giao thông nổi tiếng với những tên gọi đặc biệt. Chẳng hạn như muốn đi đến bến xe miền Đông thì có thể đi qua ngã tư Hàng Xanh, muốn chạy đến đường Quang Trung thì đi đến ngã năm Chuồng Chó,… Đây đều là những tên gọi mà nếu hỏi những người ở Sài Gòn lâu năm thì sẽ có người trả lời được và cũng có người chưa biết câu chuyện thực sự của cái tên đó. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu một chút để hiểu hơn về tên gọi của các nút giao thông này.
Ngã năm Chuồng Chó là nút giao thuộc quận Gò Vấp, là điểm giao nhau của các đường Nguyễn Kiệm, Quang Trung, Nguyễn Oanh, Trần Thị Nghỉ, Nguyễn Văn Nghi và Phạm Ngũ Lão. Do là điểm giao của 6 con đường nên ngã năm Chuồng Chó còn có tên gọi khác là ngã sáu Gò Vấp.
Vào thời Pháp thuộc, ngã năm Chuồng Chó còn có tên gọi khác là ngã năm Hàng Điệp vì xung quanh đây có nhiều cây điệp lớn trồng trên các ngả đường. Đến những năm trước 1975 thì chính quyền cũ đã cho xây dựng một trường Quân Khuyển lớn gần đây, chuyên huấn luyện những chú chó nghiệp vụ khỏe mạnh để chúng làm tình báo và đánh giặc. Nhiều người dân quanh đó thường xuyên nghe tiếng chó sủa cũng như thấp thoáng thấy binh lính huấn luyện cho chó nghiệp vụ. Vì thế người dân quanh đây đã gọi giao lộ này bằng cái tên giản dị là “Ngã năm Chuồng Chó”, cũng có người gọi là “Ngã năm Trường Chó”.
Sau năm 1975 khi hòa bình được lập lại, ngôi trường Quân Khuyển cũng đã được mua lại để làm nhà cho người dân ở. Đường Trần Thị Nghỉ được mở rộng ra và giao lộ này cũng được nâng cấp thành 6 ngã và lấy tên là ngã sáu Gò Vấp. Thế nhưng những người Sài Gòn xưa vẫn gọi vòng xoay này là ngã năm Chuồng Chó theo thói quen, dần dà những ai đến Sài Gòn cũng gọi đây là ngã năm Chuồng Chó. Một số người thì gọi là ngã sáu Gò Vấp.
Vòng xoay Cây Gõ (Cầu vượt Cây Gõ)
Vòng xoay Cây Gõ cũng là một nút giao thông quan trọng của Sài Gòn nối liền các tuyến đường quan trọng, chủ yếu thuộc quận 6 và quận 11. Vòng xoay cây gõ là điểm giao giữa các đường 3/2, Hồng Bàng, Minh Phụng. Để lý giải về tên gọi Cây Gõ, người ta nói rằng trước kia quanh khu vực này vẫn còn là đồng hoang chưa ai khai phá có rất nhiều cây cối mọc xung quanh. Trong đó cây Gõ là loại cây gỗ mọc nhiều nhất ở khu này. Sau khi mở đường, khai hoang thì người ta đã chặt những cây ấy đi để xây dựng đường sá, nhà cửa,… Vậy nên sau khi mọi thứ đã tươm tất, mọi người liền lấy tên “Cây Gõ” để đặt cho vòng xoay này như để tưởng nhớ một thứ gì đó thiêng liêng, đồng thời cũng để mọi người nhớ về những kỷ niệm cũ xưa.
Lúc đầu giao lộ này là một vòng xoay. Tuy nhiên thời gian sau này mọi người đến đây sinh sống, đời sống sầm uất hơn nên xe cộ cũng nhiều hơn. Vì thế chính quyền đã cho xây dựng cầu vượt ở khu vực này để xe cộ lưu thông dễ dàng hơn.
Ngã tư Hàng Xanh
Ngã tư Hàng Xanh thực chất có tên gọi là ngã tư Hàng Sanh. Đây là điểm nút giao thông quan trọng nối liền đường Xô Viết Nghệ Tĩnh từ trung tâm thành phố để đi đến quốc lộ 13 về hướng tỉnh Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh lân cận. Sau này khi lượng giao thông đông đúc, chính quyền cũng cho xây một cầu vượt để giảm tải ùn tắc giao thông ở khu vực này.
Sở dĩ gọi là Hàng Sanh vì trước năm 1945, ở vùng đất này trồng rất nhiều cây Sanh, một loại cây thuộc dòng họ Dâu tằm và là một loại cây cảnh. Cây Sanh được trồng nhiều ở đường Bạch Đằng và kéo dài cho đến đoạn ngã tư nên mọi người lấy tên “Hàng Sanh” để gọi cho giao lộ này. Trải qua năm tháng, mọi người đọc “Sanh” thành “Xanh” nên tên gọi “Hàng Xanh” tồn tại cho đến ngày nay.
Ngã tư Hàng Xanh năm 1971
Vòng xoay Lăng Cha Cả
Vòng xoay Lăng Cha Cả nổi bật với một quả địa cầu màu xanh dương được đặt giữa vòng xoay, là giao điểm và cắt nhau của các đường như Cộng Hòa, Hoàng Văn Thụ, Bùi Thị Xuân,…
Tương truyền thì nơi đây từng là ngôi mộ của Giám mục Bá Đa Lộc (gọi là “Cha Cả”). Lăng Cha Cả có diện tích khoảng 2000m2 với lối kiến trúc là của Việt Nam mặc dù Giám mục Bá Đa Lộc là người Pháp. Đó là một dãy nhà lợp ngói, cột nhà được làm bằng gỗ quý. Tuy nhiên đến năm 1980 thì Nhà nước đã ra lệnh giải tỏa ngôi mộ.
Bá Đa Lộc tên thật là Pierre Joseph Georges Pigneau de Béhaine, là người Pháp, ông được phong làm linh mục và đã đến Việt Nam để truyền giáo, phò tá Nguyễn Ánh (vua Gia Long). Đến năm 1977, trong trận vây thành Quy Nhơn, ông đã qua đời. Vì ông đã phò tá vua Gia Long nên ông rất được vua coi trọng. Sau khi mất, vua Gia Long lệnh cho người đưa ông về an táng tại nhà cũ ở tỉnh Gia Định. Khu nhà của ông nằm tại Vườn Xoài, phía Tây Bắc của Sài Gòn
Sau này đời sống phát triển, phố xá cũng đổi thay. Ở phía Bắc của Lăng, người ta cho xây dựng phi trường quốc tế Tân Sơn Nhứt (sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay), phía Tây thì xây bến xe đò. Dần dà khu lăng mộ bị thu hẹp lại nhưng vẫn được giữ đến hết thời Việt Nam Cộng Hòa trước khi bị Nhà nước cho giải tỏa như đã nói ở trên. Sau khi san bằng lăng mộ, di hài của Bá Đa Lộc được đưa về Pháp. Hiện nay vòng xoay này được xây dựng thêm cầu vượt để mọi người dễ dàng đi lại.
Vòng xoay Nguyễn Thái Sơn (Ngã ba Chú Ía)
Vòng xoay này là giao điểm của các đường Hoàng Minh Thám, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Kiệm, Bạch Đằng. Sở dĩ nơi này gọi là ngã ba Chú Ía vì trước năm 1975 có một người tên là “Hía” gốc Hoa làm nghề thủ công, chú có một cửa hàng bách hóa lớn nằm ở khu vực này. Mọi người lấy tên chú để gọi cho ngã ngày là “Chú Hía”. Năm tháng qua đi, chữ “H” biến mất tiêu, chỉ còn gọi là “Chúa Ía”. Hiện nay thành phố đã phát triển hơn, ngã ba đã mở rộng thành ngã sáu và mọi người thường hay gọi vòng xoay này là vòng xoay Nguyễn Thái Sơn. Hiện nay vòng xoay nãy đã được xây thêm cầu vượt. Nhiều người Sài Gòn đã ở đây lâu thì gọi vòng xoay này là ngã ba chú Ía như cách gọi quen thuộc đã từng.
Đây là giao điểm của các đường Cách Mạng Tháng Tám, Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh và Lạc Long Quân. Nơi đây thuộc địa phận của quận Tân Bình ngày nay. Sở dĩ nơi này được gọi là ngã tư Bảy Hiền vì theo tên gọi của một người quê Quảng Nam tên Hiền, con thứ bảy trong nhà nên mọi người gọi ông là Bảy Hiền cho thân thuộc. Ông từng được giao nhiệm vụ cai quan đồn điền cao su của Nam Phương Hoàng hậu – Vợ của vua Bảo Đại.
Mọi người lấy tên ông để gọi cho khu vực này, tên đầy đủ là “Ngã tư ông Bảy Hiền”, sau này rút ngắn lại là “ngã tư Bảy Hiền”. Lúc đầu nơi đây cũng khá hoang sơ, chưa sầm uất như bây giờ. Thời đó ở đây còn trồng cả cao su và cánh đồng lúa dài bất tận. Sau năm 1954 thì nhiều người đến đây sinh sống, lập nghiệp bằng nghề dệt và kéo theo đó là khu vực này trở nên trù phú và phát triển
Sài Gòn là nơi đông đúc, có nhiều tuyến đường giao thông cũng như những nút giao thông quan trọng. Mặc dù Sài Gòn hiện nay đã hiện đại hơn rất nhiều, nhưng những tên gọi của đường sá, vòng xoay vẫn mang tính giản dị, nối liền với những câu chuyện xa xưa. Đến giờ người ta vẫn giữ nguyên các tên gọi ấy như là một cách để nhắc nhở mọi người hãy luôn nhớ về những gì đã qua và thêm trân trọng những gì mình đang có.