Đồng Ông Cộ – Từ vùng đất rộng lớn bây giờ chỉ còn là những con hẻm nhỏ ngổn ngang

Đăng ngày 20/07/2024

Thuở xưa đất đai ở Gia Định hẵng còn rậm rạp chưa được khai hoang có xuất hiện một mảnh đất rộng lớn có tên Đồng Ông Cộ. Mà ở Gia Định xưa, có những nơi rõ ràng chẳng có tên gọi gì, ấy thế mà qua năm tháng, con người khai hoang rồi gọi một sự vật, sự việc có liên quan đến địa danh rồi lấy tên đó đặt cho nơi ấy, lâu dần mọi người nghiễm nhiên xem đó là một tên gọi mà không quan tâm đến nguồn gốc của nó lắm. Đồng Ông Cộ là một nơi được đặt tên như thế đấy.

Tương truyền Gia Định xưa là vùng đất hoang vắng và rộng lớn. Người dân sống rải rác khắp nơi theo cụm, nhóm và sống trong các căn nhà chòi. Đặc biệt, thời ấy đường sá chưa được hình thành như bây giờ, mọi thứ còn rất hoang sơ, muốn đi lại từ nơi này qua nơi khác cũng vô cùng cực khổ. Chẳng hạn như khu đất “Đồng Ông Cộ”, nơi này nằm gần trung tâm tỉnh Gia Định xưa. Là một khu đất tương đối rộng xuất phát từ chợ cho tới cầu Hang (Gò Vấp), vòng ra tới tận đường Nguyễn Văn Học (Nơ Trang Long ngày nay), ăn sâu vô cầu Bình Lợi khoảng đâu đó chục cây số rồi ra tới tận ngã tư hàng Xanh cho đến ngã năm Bình Hòa. Tuy rộng lớn là thế nhưng không “đào” đâu ra được một con đường cái để người dân đi lại. Dân quanh vùng chủ yếu làm đồng áng, bắt đánh cá ở phía sông cầu Bình Lợi, cầu Băng Ky. Những nơi chưa được khai hoang thì cây cối rậm rạp, um tùm nom như một khu rừng rộng lớn vậy.

Nguồn gốc tên gọi "Đồng ông Cộ" và chữ "cộ" có từ đâu! - Ký ức Sài Gòn...dòng thời gian!

Ngã tư Hàng Xanh năm 1971

Sau này người Pháp vào Gia Định đánh chiếm rồi thì mở đường quốc lộ Thủ Đức, lúc đó mới có đường cái để đi. Sau đó người Pháp còn mở rộng khu đất để làm đồn điền cao su. Như vậy chẳng khác nào từ một khu rừng này lại biến thành một khu rừng khác!? Kết quả nơi đây không có nhiều đường sá để đi lại, người sống ở khu này thì ít nên cũng chẳng có mấy cái đường mòn. Thậm chí khi di chuyển từ nơi này đến nơi kia, người ta phải sử dụng ngựa để đi cho dễ. Nói là dễ chứ dùng ngựa cũng bị khó khăn trong di chuyển chứ đừng nói là dùng xe bò hay xe trâu để đi lại.

Đường đi từ nơi này đến các nơi khác phải nói là gập ghềnh khó bước. Đường sá thì lòi lõm, đất cát, dốc lên dốc xuống. Mỗi khi gia đình nào có công chuyện muốn đi ra tỉnh (thành Gia Định) hay rước thầy thuốc về nhà xem bệnh thì phải nói là khó trần ai. Chỉ có thanh niên trai tráng thì mới có đủ sức để vượt qua chặng đường gian nan ấy.

Khác hẳn với hiện tại, bây giờ nếu bạn muốn đi từ phía ngoại ô đến trung tâm thành phố thì cùng lắm chỉ mất khoảng vài giờ là nhiều. Còn vào thời đó, muốn đi từ Đồng Ông Cộ đến thành Gia Định thì phải mất tầm 2 ngày bao gồm 1 ngày đi và một ngày làm việc. Tuy nhiên nếu đi như vậy thì người dân lại lo lắng không biết nhà mình ruộng đất, nhà cửa ai trông nên khi quyết định đi ra thành thì phải sắp xếp mọi việc xong xuôi thì mới yên tâm được.

Sẽ chẳng có tên Đồng Ông Cộ nếu như một ngày nọ mọi người không thấy trước cổng nhà ông phú hộ có treo một tấm bảng lớn với dòng chữ: “Đảm nhận ‘Cộ’ người và hàng hóa đi khắp nơi”. Tấm bảng được ông treo đằng trước căn nhà ngói 3 gian, 2 chái, 1 dãy nhà bếp. Đó là nhà ông Ba phú hộ trong vùng.

Nguồn gốc tên gọi "Đồng ông Cộ" và chữ "cộ" có từ đâu! - Ký ức Sài Gòn...dòng thời gian!

Ông Ba phú hộ chuyên “tuyển” những thanh niên trai tráng trong vùng này hoặc các vùng khác. Miễn là họ có mong muốn làm việc, khi nhận vào làm, họ sẽ được làm nhiều loại công việc chứ không chỉ là ruộng rẫy không thôi. Để có thể “cộ” người và hàng hóa khi khắp nơi, ông cho người đan tấm vạc bằng tre, 2 đầu mỗi bên ló ra 2 cái lóng tre nhìn như cái băng ca của nhà thương mỗi lần muốn khiêng người bệnh. Sau đó khách sẽ ngồi lên vạc tre, chân để lủng lẳng hai bên. Hàng hóa sẽ được để trên một tấm ván dày thay vì tấm vạc để không bị chùng xuống. Xong xuôi đâu đó sẽ có người “cộ” đi.

Khi ai đó có công việc mà muốn thuê người cộ thì báo với phú hộ và cho ông biết nhà. Sáng sớm hôm sau ông sẽ cho người đến nhà người đó rồi cộ người hoặc hàng hóa đi. Từ khi có “dịch vụ” cộ người và hàng hóa đi khắp nơi của ông Ba phú hộ, việc di chuyển của người dân cũng dễ dàng và đỡ cực nhọc hơn rất nhiều. Dần dà việc này được người dân gọi rồi quen miệng. Mỗi khi có ai hỏi nơi đến, người ta trả lời: Ở trong đồng ông Ba “cộ”. Câu này có nghĩa là “Ở trong chỗ đồng có ông Ba phú hộ “cộ” người và hàng hóa”. Sau này khi khu đất này được khai phá và phát triển, người ta lấy tên “Đồng Ông Cộ” với ý nhớ ơn ông Ba phú hộ và cảm ơn ông đã nghĩ ra phương pháp giúp mọi người đi lại dễ dàng hơn và tên gọi đó được sử dụng làm địa danh cho đến ngày hôm nay.

Nguồn gốc tên gọi địa danh ở Sài Gòn: Phần 16: Đồng Ông Cộ ở tỉnh Gia Định xưa

Tuy Đồng Ông Cộ xưa kia là khu đất vô cùng rộng lớn. Tuy nhiên thời gian trôi qua, người ta khai phá đất đai dẫn đến Đồng Ông Cộ bị thu hẹp lại. Ngày nay khi bạn hỏi người đi đường Đồng Ông Cộ ở đâu, họ sẽ chỉ bạn đi ra ngã ba Đồng Ông Cộ trên đường Bui Đình Túy. Một vùng đất rộng lớn là thế mà bây giờ chỉ còn nằm ở giữa hai con đường Chu Văn An và Bùi Đình Túy, chạy ra tới Đinh Bộ Lĩnh là hết.

Sài Gòn đã thay đổi ít nhiều so với trước kia nhưng ở đâu đó vẫn hằn sâu những kỷ niệm không thể xóa nhà đối với những ai thích hoài niệm. Đôi khi ngắm nhìn Sài Gòn ta lại cảm thấy bồi hồi và không thể thoát được cảm giác nhớ nhung trong lòng.