Ông Tô Văn Lai được biết đến là người đồng sáng lập ra Trung tâm Thuý Nga nổi tiếng trong giới âm nhạc hải ngoại và cả trong nước
Ông Tô Văn Lai sinh ngày 11 tháng 5 năm 1937 tại Sài Gòn. Từ khi còn nhỏ, ông đã được học và tìm hiểu về những giá trị văn hoá và các thành tựu nổi tiếng của nước Pháp.
Năm 17-18 tuổi, ông Tô Văn Lai nhận được bằng Thành Chung (Diplome) nhờ vào trình độ tiếng Pháp xuất sắc, đây vốn là một thành tựu về học vấn rất hiếm trong xã hội miền Nam lúc bấy giờ.
Với học lực xuất sắc, gia đình ông Lai mong muốn con mình sẽ trở thành một người bác sĩ, nhưng điều đó không có khả năng thành hiện thực vì gia đình lúc ấy vô cùng thiếu thốn không đủ để lo cho ông theo ngành này. Vì thế sau khi có bằng Thành Chung, ông Lai đã theo học Sư phạm tại Đại học sư phạm Đà Lạt theo mong muốn của mẹ (ngành Y lúc bấy giờ đào tạo mất 7 năm trong khi ngành sư phạm chỉ phải mất 3 năm).
Sau khi tốt nghiệp Đại học sư phạm ông Lai được bổ nhiệm dạy học tại trường nữ sinh Lê Ngọc Hân tại Mỹ Tho. Lúc này, ông vừa thực hiện công tác giảng dạy vừa luyện thi Tú Tài cho các học sinh Đệ nhị cấp. Ngoài ra, ông còn phụ trách công việc tuyển chọn nhạc cho chương trình Văn nghệ Phát thanh học đường hàng tuần, và cũng kể từ đó ông bắt đầu nhen nhóm niềm đam mê trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong thời gian này, ông gặp và kết hôn với một người phụ nữ tên Thuý, đến năm 1964 thì hai người có con trai đầu lòng đặt tên là Tô Ngọc Kim.
Đầu thập niên 70, ông Tô Văn Lai mua một cửa hàng băng đĩa tại thương xá Tam Đa và để vợ mình (bà Thuý) trực tiếp điều hành cửa hàng băng đĩa. Năm 1971, cửa hàng băng đĩa của vợ chồng ông sản xuất ra album đầu tiên là Thanh Tuyền 1 – Tiếng hát Thanh Tuyền thu dưới dạng băng cối. Album này sau khi ra mắt công chúng đã bán rất chạy.
Năm 1972, ông Lai thành lập ra Trung tâm Thuý Nga, sau khi được thành lập, trung tâm này đã sản xuất thêm một số cuốn băng khác của các ca sĩ nổi tiếng thời bấy giờ như Khánh Ly và đặc biệt là băng nhạc “Thái Thanh Selection” với những ca khúc gắn liền với tên tuổi của danh ca này. Từ lúc thành lập cho đến năm 1975, trung tâm đã có nhiều băng nhạc khá thành công và đạt doanh thu khủng.
Sau sự kiện lịch sử tháng 4 năm 1975, hãng băng đĩa Thuý Nga đóng cửa và ông Lai cũng không còn đi dạy học tại trường công lập như trước.
Gia đình ông Lai ở lại Sài Gòn cho đến cuối năm 1976 thì vượt biên sang Pháp. Với những kiến thức tích góp từ thời đi học đến lúc này, cộng với toàn bộ những tài liệu liên quan đến văn hoá, nghệ thuật từ khi còn ở trong nước, ông Lai đã bắt đầu xây dựng cuộc sống mới tại Paris.
Ông Lai chia sẻ: “ Đặt chân lên đất Pháp trong mùa Giáng sinh 1976 thật là một hạnh phúc rực sáng khi đã thực hiện được giấc mơ mà mình đã ôm ấp từ khi tuổi lên 5, cắp sách đến trường làng Việt Nam để học ngôn ngữ Pháp, lịch sử Pháp, kịch ảnh văn hoá Pháp như Le Cid (P. Corneille), Andromaque (J.Racine), Harpagon (Moliere),… nghệ thuật ca diễn tượng trưng cho nền văn minh Pháp đã trải qua nhiều thế kỷ mà hôm nay những gì học được trong sách vở mới hiện ra trước mắt,…”
Sau khi sang hải ngoại, cả hai vợ chồng ông Lai vẫn ấp ủ ước muốn xây dựng lại Trung tâm Thuý Nga với quy mô lớn hơn tại hải ngoại. Vì thế vợ chồng ông đã đi làm nhiều nghề khác nhau để trang trải cuộc sống và kiếm tiền mua lại một cửa hàng ở Paris. Sau một thời gian tích góp bà Thuý đã dùng số tiền kiếm được mua lại một cửa hàng nhỏ chuyên in sang các băng cối cũ thành băng cassette, và cửa hàng đó chính là cửa hàng băng đĩa đầu tiên do người Việt quản lý nằm tại Boulevard Saint Germain des Pres tại quận 5 thành phố Paris.
Sau nhiều năm làm việc chăm chỉ để tích góp tiền bạc, thì tới năm 1983, Trung tâm Thuý Nga đã thực hiện được chương trình Paris By Night đầu tiên. Chương trình Paris By Night thứ hai được thực hiện vào 3 năm sau chương trình đầu, khi gia đình ông đã có đủ vốn.
Vào thời điểm ban đầu chương trình Paris By Ngight được sản xuất và phát hành tại Paris, lúc này nội dung có hơi hướng đến những tuồng cải lương, sau đó mới dần phát triển thành những chương trình ca nhạc kịch múa tổng hợp được biết đến sau này.
Năm 1989, con gái của ông Lai là Marie Tô cùng Paul Huỳnh rời Pháp để sang Hoa Kỳ và mở một chi nhánh khác của trung tâm Thuý Nga – sau này trở thành trụ sở chính. Vài năm sau, ông Tô Văn Lai cũng sang Hoa Kỳ cùng với con cháu.
Đầu thập niên 90, ông Tô Văn Lai gửi một số cuốn băng VHS các chương trình Paris By Night đến cho nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn hiện đang định cư tại Toronto, Canada cùng một lá thư với ngỏ ý muốn Nguyễn Ngọc Ngạn cộng tác với trung tâm Thúy Nga trong việc làm MC trong các chương trình Paris By Night.
Nhưng vì lí do gia đình, mãi đến năm 1992, Nguyễn Ngọc Ngạn mới bắt đầu trở thành MC độc quyền cho các chương trình Paris By Night.
Và cũng chính ông Tô Văn Lai là người đã gửi lời mời đến các nhạc sĩ nhất định hoặc chủ động tìm đến họ, để mời cộng tác thực hiện những chương trình Paris By Night với chủ đề vinh danh dòng nhạc của những nhạc sĩ đó.
Có thể nói sản phẩm thành công nhất của Trung tâm Thuý Nga là loạt chương trình Paris By Night được phát hành kể từ năm 1987 trở đi, đó là chương trình theo thể loại “đại nhạc hội” bao gồm hầu hết những thể loại tân nhạc, cổ nhạc, nhạc trữ tình trước năm 75 có kèm vũ đạo, sau này có thêm hài kịch, phóng sự, nhạc theo chủ đề,… Nhưng thời kì đỉnh cao của trung tâm Thuý Nga là từ đầu thập niên 1990 đến đầu thập niên 2010 và trong thời gian này, ông Tô Văn Lai đã giao trọng trách giám đốc cho vợ chồng cô Tô Ngọc Thuỷ sau khi vợ chồng cô đã đạt được nhiều thành tựu với hơn 30 chương trình Paris By Night.
Đầu năm 2006, sau thành công của chương trình Paris By Night 80 – Tết Khắp Mọi Nhà, ông Lai trở về Việt Nam và tìm gặp nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Hai người đã cùng nhau thảo luận và lên kế hoạch cho chương trình Paris By Night mới với chủ đề vinh danh nhạc sĩ kiêm cựu Đại tá Quân lực VNCH này. Tuy nhiên, sau đó nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông không thể ra nước ngoài đã khiến ông Tô Văn Lai gác lại việc thực hiện chương trình này theo kịch bản đã đề sẵn, thế là một kịch bản khác được lập ra để thay thế, và kịch bản cho chương trình của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông được sử dụng để thực hiện Paris By Night 81 – Âm Nhạc Không Biên Giới 2.
Năm 2007, ông Tô Văn Lai xảy ra sự cố khi về Việt Nam để quay phim cho chương trình Thuý Nga mà không đăng kí xin phép chính quyền Việt Nam nên đã bị bắt. Qua kiểm tra thì ông Lai mang theo cùng hơn 30 băng, đĩa có các cảnh quay tại Việt nam để chuẩn bị cho chương trình Paris By Night 90 – Chân Dung Người Phụ Nữ Việt Nam. Theo kịch bản, đây là một DVD mang nội dung về phụ nữ Việt Nam thời mở cửa có đề cập đến vấn đề phụ nữ lấy chồng ngoại quốc như Đài Loan, Trung Quốc,… Sau sự cố ấy, ông Lai được về nước nhưng kịch bản chương trình lúc này đã thay đổi và chủ yếu tập trung vào những người phụ nữ Việt tại hải ngoại.
Năm 2012, Trung tâm Thuý Nga thực hiện chương trình Paris By Night kỷ niệm 20 năm nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn cộng tác với trung tâm Thuý Nga.
Tháng 2 năm 2018, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông qua đời, gia đình ông Tô Văn Lai đã tìm lại kịch bản mà chính ông đã lên kế hoạch từ mười hai năm về trước cùng với cố nhạc sĩ để thực hiện chương trình Paris By Night 125 – Chiều Mưa Biên Giới để tưởng nhớ đến nhạc sĩ.
Đầu năm 2021, ông Tô Văn Lai tham gia lễ an táng cố nhạc sĩ Lam Phương – một người bạn cố tri của ông, ông là một trong những người đã ở bên linh cửu của cố nhạc sĩ cho đến khi thi hài của nhạc sĩ được đưa vào hoả táng.
Tháng 11 năm 2021, ông Lai có dịp hội ngộ cùng nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, Trường Sa và Tuấn Khanh trong đêm nhạc Thương Hoài Ngàn Năm & Xin Còn Gọi Tên Nhau. Dù tuổi đã cao, tưởng chừng như đã nghỉ hưu nhưng ông Lai vẫn tự mình biên soạn nội dung, kịch bản cho nhiều liveshow gần đây của trung tâm Thuý Nga tại Quận Cam.
Tháng 4 năm 2022, Trung tâm Thuý Nga thông báo về việc ông Tô Văn Lai đang gặp vấn đề lớn về sức khoẻ khi phải nhập viện và dưỡng bệnh trong ICU (đơn vị điều trị tích cực) tại Trung tâm Y tế Orange Coast.
Ngày 19 tháng 7 năm 2022, ông Tô Văn Lai đã trút hơi thở cuối cùng ở nam bang California, Mỹ, ông hưởng thọ 85 tuổi.
- “Tình Nhỏ Mau Quên” – Em đã quên đi lời hẹn ước, chỉ còn lại anh bơ vơ chốn này.
- Quay ngược thời gian ngẫm lại những hồi ức cũ cùng người Sài Gòn xưa xem “xilama”
- Hình ảnh áo dài trên đường phố Sài Gòn xưa
- Đem chôn vùi vào ngày thật buồn trong nhạc khúc “Tình Phụ” (Đỗ Lễ)
- “Giã Từ” – Em sang ngang rồi chôn kỷ niệm vào thương nhớ.