Với Phần 1 của danh sách các rạp chiếu bóng của Saigon xưa trước những năm 1975 quý độc giả đã có nhiều ký ức như:
“Cinéma thời xưa trước 75 chiếu film thường trực,kn năm 70 đi lính ở Saigon xa nhà,buồn mua ổ bánh mỳ,bịch nước mía vào ăn uống xong ngũ một giấc mở mắt xem film tiếp.. tối về đơn vị!” – Độc giả Hung Ly Truc chia sẻ.
“Hầu như rạp nào mình củng có tới hồi đó rất thích xem phim nói rạp cao đồng hưng đi gần chơ bà chiểu đổi biết bao nhiêu chủ bây giờ bỏ ko một thời trẻ nhỏ cùng với bạn bè ở xóm nhỏ ghé thường suyên” – Độc giả Nguyệt Nguyệt
Độc giả Phạm Phượng chia sẻ: “Dạ đúng rồi còn nhiều rạp lắm,em đang chờ đọc phần tiếp theo.Cám ơn tác giả nhiều,chúc tác giả thật nhiều sức khoẻ”.
Với những tâm tình yêu mến đó, Thời Xưa xin được cùng quý vị ngược về miền ký ức cùng các rạp chiếu bóng thân thương ngày xưa qua phần 2 của bộ sưu tập.
Mời quý vị xem lại các phần trước: Danh sách các rạp chiếu bóng của Saigon xưa trước những năm 1975 – Phần 1
Nằm trên đường Gia Long (bây giờ là Lý Tự Trọng) là rạp “chuyên trị” dòng phim thần thoại ca-vũ-nhạc Ấn Độ. Thuở ấy mấy bà mấy cô thuộc lứa tuổi U.50, U.60 thường là khán giả “ruột” của rạp này với những phim được xuất xưởng từ Ấn Độ đưa sang. Nhiều người vẫn coi đi coi lại mãi những phim như: “Tình Chị Duyên Em”, “Hồn Người Xác Rắn”…
Có thể Long Phụng chuyên về phim Ấn vì địa điểm của rạp rất gần với Chùa Chà Và trên đường Trương Công Định chăng? Nam tài tử Ấn Độ ăn khách nhất thời đó là Rama Rao, ông này sau thời 80-90 làm Thống đốc bang Pradesh thuộc miền Nam nước Ấn.
Rạp Long Phụng hiện nay vẫn còn tồn tại và chuyển sang là Nhà Hát Nghệ Thuật Hát Bội Thành Phố.
Rạp Kinh Đô – Lê Văn Duyệt
Năm 1960 rạp xi-nê Kinh Đô được xây mới trên đường Lê Văn Duyệt, chỗ nhìn sang Trụ sở Tổng liên đoàn Lao công Việt Nam. Rạp Kinh Đô mới khá hiện đại và đẹp. Máy chiếu phim và máy lạnh đều thuộc loại mới nhất. Khoảng năm 1961, Tòa Đại sứ Hoa Kỳ mướn rạp Kinh Đô làm nơi chiếu phim cho nhân viên và gia đình làm việc ở Sài Gòn đến xem.
Saigon 1968-1970 – Ngã tư Hồng Thập Tự-Lê Văn Duyệt
Năm 1962 có 1 vụ ɴổ ʙoм plastic trong rạp. Có thể nói đây là vụ đánh ʙoм đầu tiên tại Sài Gòn. Sau vụ ɴổ, Tòa Đại sứ Hoa Kỳ không mướn rạp Kinh Đô nữa và rồi rạp này được phá đi, khu đất đó xây một tòa nhà là trụ sở USAID với nhiều tầng lầu.
Rạp Olympic – 97 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1.
Trên đường Hồng Thập Tự, giữa đường Lê Văn Duyệt và ngả ba Bùi Chu, có rạp chiếu bóng lớn tên Olympic, thường chiếu các phim ca nhạc với các tài tử Holywood nổi danh như: Gene Kelly, Frank Sinatra, Fred Aster, Ginger Roger, Esther William, và ban nhạc mambo với ông nhạc trưởng lúc nào cũng có chú chó Chihuahua trong túi áo… Đến khoảng 1954 gánh hát Kim Chung di cư từ ngoài Bắc vào đóng đô tại đây một thời gian dài.
Rạp Olympic sau 1975 đã trở vũ trường rồi hiện nay là Trung tâm Văn Hóa TPHCM. Đi về khu vực chợ Thái Bình có khá nhiều rạp.
Rạp Thanh Bình – 343 Phạm Ngũ Lão, quận 1.
Rạp Thanh Bình sau này sửa sang lại thật lịch sự. Khi sửa lại mang tên là rạp Quốc Tế.
Đây là rạp mà tôi từng được xem bộ phim màn ảnh đại vĩ tuyến đầu tiên thời gian sau 1975, phim “Ta nói chuyện cùng, em nhé”. Và đây cũng là rạp mà bộ phim “Samson và nàng Dalilah” được nhà nước Cách mạng cho phép được chiếu lại như là một loại phim tư liệu. Dù là phim cũ thế nhưng phim cũng gây được cơn sốt vé khủng khiếp khi hàng nghìn người chen chúc nhau để mua cho được vé vào xem suốt thời gian công chiếu.
Đường Phạm Ngũ Lão SAIGON, 1971 & 1966 – Rạp ciné Thanh Bình, 343 Phạm Ngũ Lão, Quận 2 (nay là Q.1), sau đổi tên là rạp Quốc Tế
Rạp Khải Hoàn ngay góc Cống Quỳnh và Phạm Ngũ Lão
Rạp này thường chiếu phim Tây. Coi được nhưng kẹt cái thiếu máy lạnh, ai vào xem cũng cứ muốn… ‘yêu nhau cởi áo cho nhau’. Nơi đây thường hay chiếu những phim đặc dị như phim: “Cây Nhân Sinh”, “Con Quỷ Đường Nhà Xác”, “Dracula”… thường câu khách bằng việc treo bảng “Cấm trẻ em dưới 18 tuổi”
Rạp Khải Hoàn “chia” cho Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch, giờ đã trở thành trung tâm điện máy.
Rạp Quốc Thanh – 271 Nguyễn Trãi, quận 1.
Nằm đối diện Tổng Nha Cảnh sát Quốc gia. Rạp khá khang trang, sau trở thành sân khấu cải lương mà đoàn Dạ Lý Hương đóng đô thường trực.
Rạp Asam Đakao– Đinh Tiên Hoàng, khu Đa Kao
Rạp này đã dẹp quá lâu rồi, ít ra là vào khoảng từ giữa đến cuối thập niên 50. Rạp nằm trong một hẻm nhỏ trên đường Đinh Tiên Hoàng gần góc đường Phan Thanh Giản. Gần đó có tiệm mì Cây Nhãn nổi tiếng một thời.
Trường hợp rạp xưa, cổ lỗ, không có khách cũng xẩy ra với rạp xi-nê Asam ở Dakao nằm trên đường Ðinh Tiên Hoàng gần Mì cây Nhãn. Nếu từ Casino Dakao đi lại thì rạp Asam nằm bên lề phải, còn Mì Cây Nhãn nằm xéo bên lề trái. Vào khoảng năm 1965 rạp Asam cũng bị phá đi và cũng lại xây chung cư.
Rạp Casino Đakao
Rạp nay đổi tên là rạp Cầu Bông, ở vòng cung đường Đinh Tiên Hoàng chạy tới Cầu Bông thuộc phạm vi quận Bình Thạnh.
Rạp Văn Hoa Đakao – đường Trần Quang Khải
Chỉ cách nhau chưa đầy ba phút đi bộ, mà khu Tân Định có đến hai rạp ciné. Bên hông chợ là Tân Định là rạp Mô-Đẹc và mặt trước của chợ là rạp Kinh Thành. Hai rạp bình dân này thay phiên nhau chiếu phim Ấn Độ và phim cao bồi. Để thay đổi không khí, thỉnh thoảng lại mời các gánh cải lương hay Hồ Quảng về trình diễn, làm nghẽn cứng cả xe cộ lưu thông vào những giờ sắp mở màn hay vãn hát.
Rạp hát này đã từng một thời là một rạp hát sang trọng của Saigon vì có trang bị máy lạnh, màn ảnh rộng và giá vé vào cửa cũng tương đối bình dân. Rạp Văn Hoa chiếu đủ các loại phim. Những lúc chiếu phim mới và hấp dẫn, bà con sắp hàng rồng rắn, kéo dài tới ngỏ xóm Vạn Chài. Khán giả nào không muốn sắp hàng, không muốn chen lấn đổ mồ hôi, để bị rách quần, rách áo hoặc bị rạch bóp, thì có thể mua chợ đen, đôi khi phải trả gấp đôi. Cũng nên nói thêm ở đây. Cạnh bên rạp hát Văn Hoa là một quán cà phê cũng đã đi vào lịch sử của cà phê Saigon. Đó là cà phê Văn Hoa. Quán được trang bị dàn âm thanh tối tân, nhạc ngoại quốc hấp dẫn luôn luôn mới nhất, chỗ ngồi thanh lịch, vị trí thuận lợi và do hai chị em ruột là bà con với ông bà chủ rạp Văn Hoa đứng bán. Cô chị có tên TBD và cô em có tên TBH. Hai chị em đều là nữ sinh trường trung học Huỳnh Thị Ngà. Lúc nào đi học, cả hai cô đều mặc đồ đầm rất xinh xắn. Trông giống búp bê không tình yêu. Nghe đâu cũng có khối anh đến uống cà phê thường xuyên mỗi ngày, trong số đó có anh là ca sĩ một ban kích động nhạc nổi tiếng về bài hát Sunday Morning. Ngày nào anh ta cũng đến quán ngồi đồng, vừa thuởng thức cà phê, vừa trồng cây si cô em TBH. Gia đình Cô TBD hiện ở Montréal, còn gia dình cô TBH từ Montréal chuyển về Pleasanton (California.) vì phu quân cô có công việc làm thích hợp ở đây.Rạp Việt Long – 19 Cao Thắng, quận 3
Khu vực Bàn Cờ, đi dài theo đường Cao Thắng, bạn có thể vào coi rạp Việt Long (còn gọi là rạp Capitol) ngay ngã ba với Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần) cũng thuộc loại khá. Rạp từng chiếu phim The French Connection do diễn viên Michale Caines đóng. Năm 1964, rạp bị đánh ʙoм. Năm 1970, đổi tên thành Thăng Long và tồn tại đến ngày 16/03/2012 bị ρнáт нỏα do bất cẩn của các thợ hàn trong quá trình sữa chữa rạp. Hiện rạp đang được lên kế hoạch xây mới hoàn toàn.
Rạp Nam Quang – 147 Cách Mạng Tháng Tám, quận 3
Nếu đi về hướng Trần Quí Cáp (nay là Võ Văn Tần) sẽ gặp rạp Nam Quang nằm ngay góc với đường Lê Văn Duyệt (nay là CMT8), chéo góc với chợ Đũi. Rạp thuộc loại bình dân.
Rạp Đại Đồng (Sài Gòn) – 130 Cao Thắng, quận 3
Nếu đi tiếp trên đường Cao Thắng sẽ thấy rạp nhỏ mang tên Đại Đồng, chuyên chiếu phim cũ nhưng khá chọn lọc, giá cả thật nhẹ nhàng, địa điểm rất thuận tiện. Hơn nữa, gần rạp này còn có nhiều quán ăn bình dân như bò viên, bò bía nên khi tan xuất hát có thể ghé vào đây kiếm món gì đó cho ấm bụng. Xin nhắc các đấng mày râu, hẻm Đại Đồng còn có khu ‘chị em ta’ nên có thể… một công đôi việc!
Rạp Long Vân – 643 Điện Biên Phủ, quận 3
Quẹo qua đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) về hướng ngã bảy, nơi tọa lạc rạp Long Vân thuộc loại kha khá. Rạp lúc nào cũng đông khán giả, chắc nhờ ở ngay trung tâm nhân mãn của Saigon: cư xá Bàn Cờ, cư xá Đô Thành, chung cư Minh Mạng.
Rạp Thanh Vân – 360A CMT8, quận 3
Trên đường Lê Văn Duyệt ngoài hai rạp Kinh Đô và Nam Quang ở vùng Sài Gòn thì đi lên Tân Bình còn có rạp Thanh Vân.
Sau 1975, rạp hát Thanh Vân vẫn còn hoạt động một thời gian, sau đó không hoạt động nữa và mặt bằng được cho thuê. Sau đó vài năm được nghệ sĩ Phước Sang đã thuê và mở lại thành rạp chiếu phim Thanh Vân như xưa. Nhưng rạp hát chỉ chiếu phim do chính Phước Sang sản xuất, hầu như chỉ thu hút khách vào dịp Tết Nguyên Đán, còn trong năm thì khá vắng.
Rạp Thanh Vân hiện nay là Nhà hát giao hưởng vũ kịch thành phố.
Rạp Minh Châu – Lê Văn Sỹ, quận 3
Rạp Minh Châu nằm trên đường Trương Minh Ký (nay Lê Văn Sỹ), gần nhà thờ Nam Vườn Xoài. Thập niên 60 rạp hát Minh Châu tên là Văn Lang, đóng cửa một thời gian dài, sau đó mở lại lấy tên mới là Minh Châu.
Rạp Mỹ Đô – góc Trần Nhân Tôn và Vĩnh Viễn, quận 10.
Khu quận 10 gần ngã bảy, đường Vĩnh Viễn là rạp Thành Chung (Vườn Lài) mà khán giả vào xem có cái “thú đau thương” là nếu trời nóng thì tắm hơi, còn trời mưa thì tắm nước từ nóc rạp dột xuống.Rạp Kha Lạc – 200 Nguyễn Tri Phương, quận 10.
Rạp Kha Lạc chuyên chiếu phim Tàu. Thập niên 60 thì bị đập và chuyển thành nhà ở.
Rạp Hùng Vương -286 Lê Hồng Phong, quận 10.
Rạp Hùng Vương hiện nay là Hãng Phim Trẻ.
Mời quý vị xem tiếp phần 3: Danh sách các rạp chiếu bóng của Saigon xưa trước những năm 1975 – Phần 3