Cùng nhìn lại những trận quyền anh Sài Gòn vào những thập niên 20 của thế kỷ trước

Vào những năm 20, 30 của thế kỷ trước, khi nước ta vẫn đang chịu ảnh hưởng của Pháp, không những về kinh tế, xã hội mà ngay cả về phương diện thể thao cũng ảnh hưởng ít nhiều. Một trong những môn thể thao xuất phát từ Pháp du nhập vào Việt Nam nhưng lại thu hút được một lượng lớn người xem được kể đến là môn đấu quyền anh, hay còn gọi là boxing. Bộ môn thể thao đối kháng này được đông đảo người dân Sài Gòn đến để xem các trận đấu của những võ sĩ nổi tiếng đến từ Pháp, Phi Luật Tân (Philippines), Tây Ban Nha. Các trận đấu thường được diễn ra ở võ đài Casino Saigon hoặc tại Charner Boxing (nằm trên đường Charner xưa, nay là đường Nguyễn Huệ, quận 1). Vì số lượng người tham gia xem trận đấu quá đông nên các trận quyền anh hầu như phải được tổ chức tại bùng binh trước chợ Bến Thành mới có thể đáp ứng được lượng người xem. Đặc biệt là vào các dịp lễ tết, khán đài không tài nào chứa nổi số lượng người hâm mộ muốn đến xem môn thể thao này.

Các sân quần vợt của Cercle Sportif Saigonnais là nơi tổ chức các giải đấu ở Nam Kỳ và các giải đấu khác từ năm 1925 – 1975

Những năm 1920, 1930 và 1940 thời đó, hàng loạt các tờ báo Sài Gòn hầu như đều đưa rất nhiều tin tức về trận đấu quyền anh. Chỉ cần như vậy thôi là ta đã có thể hiểu môn thể thao đối kháng này có sức hút mạnh mẽ như thế nào đối với dân chúng ở Sài Gòn. Thời đó có các võ sĩ nổi danh ở nhiều nước và đã đánh ở nhiều trận, chẳng hạn như võ sĩ André Dupré vào năm 1923 đã đến Nam Kỳ và đấu với các võ người nước ngoài khác như nước Pháp, Việt, Phi Luật Tân. Trước đó vào năm 1921, vị võ sĩ này cũng đã đến Úc để tham gia môn thể thao này. Đến năm 1925, võ sĩ André Dupré đã từng đạt vô địch quyền anh Pháp poids plume (hay còn gọi là hạng lông – Đây là cách phân chia hạng cân của môn quyền anh) rồi ông tiếp tục đến Nam Kỳ để thách đấu với võ sĩ các nước Việt Nam, Phi Luật Tân và Pháp. Trong khoảng thời gian đó, võ sĩ André Dupré đã cùng tham gia thách đấu với võ sĩ người Phi Luật Tân tên Sosa và võ sĩ Lafleur là người của đảo Martinique.

Trong thời gian từ năm 1923 đến năm 1925, võ sĩ T.R Sosa đã tham gia đấu quyền anh ở Sài Gòn tại võ đài Charner Boxing và Casino Saigon. Thời đó, các báo chí ở Sài Gòn cũng hay đăng tải các tin tức về võ sĩ T.R Sosa và ông trở nên nổi tiếng. Hầu như ở giới quyền anh thời đó ai cũng sẽ biết đến tên tuổi của ông. Bên cạnh đó còn có võ sĩ Phi Luật Tân tên Kid Alfred cũng khá nổi tiếng thời đó. Lực sĩ cũng không ngoại lệ, trong giới quyền anh xưa lực sĩ Bathandier cũng thường xuyên góp mặt trên các trang nhật báo, anh còn được quảng cáo là đã 2 lần đánh bại Sosa.

Tờ quảng cáo đấu quyền anh giữa võ sĩ Dupré và võ sĩ Bathandier vào ngày 19.2.1923 ở Charner Boxing

Gọi là thể thao đối kháng nhưng thực chất vào thời đó không ai gọi như vậy cả. Những trận quyền anh hầu như cũng chỉ do cá nhân tự tổ chức chứ không hề có hiệp hội thể thao quyền anh nào đứng ra thành lập. Thường thì các nhà thương mại và rạp Casino Saigon sẽ tự tổ chức những trận đấu quyền anh để mọi người có niềm đam mê với những pha hành động cũng có thể đến đây để theo dõi. Những võ sĩ tham gia thi đấu đều là võ sĩ chuyên nghiệp, dường như họ đánh theo kỹ thuật và đánh hết mình chứ không theo dạng thể thao tài tử để thu hút người xem. Thay vào đó họ cuốn người xem vào những trận đánh thật sự mang ý nghĩa hết mình vì quyền anh, chính sự chân thật đó lại càng khiến nhiều người say mê với môn quyền anh này. Theo như Liên đoàn Thể thao điền kinh Nam Kỳ cho biết (Fédération Cochinchinoise de sport athletiques), trận đấu diễn ra vào ngày 15/12/1924 có cả những cuộc so tài giữa võ sĩ nước ngoài và cả võ sĩ Việt Nam như:

Võ sĩ người Tây Ban Nha đánh 4 hiệp với Nam Kỳ: Mut Louis (50kg) và Nidon (48kg)

Võ sĩ người Pháp đánh 6 hiệp với võ sĩ Việt Nam: Sautart (50kg) và Văn Dâu (48kg)

Võ sĩ người Phi Luật Tân đánh 8 hiệp với võ sĩ Pháp: Kid Alfred (48kg) và Faury (53kg)

Võ sĩ Breton – Pháp đánh 8 hiệp với võ sĩ Paris – Pháp: Solgrain (67kg) với Weriet (65kg)

Và trận đánh lớn 12 hiệp giữa võ sĩ Bathandier (65kg) ở Marseille – Pháp với võ sĩ T.R Sosa (65kg) ở Phi Luật Tân.

Qua danh sách trên, chúng ta cũng có thể thấy sự sôi nổi của môn quyền anh đối với nhiều người, trong đó có cả sự đam mê và nhiệt huyết cùng với sự tham gia của nhiều nước chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Chỉ riêng ở Sài Gòn đã có nhiều người tham gia cùng với những sự hâm mộ cuồng nhiệt với môn quyền anh. Thậm chí một số võ sĩ quyền anh nổi tiếng còn ở lại Sài Gòn như Sosa và Alfred. Dù rằng trước đó phải biết rằng tại Manila – Phi Luật Tân mới là nơi có nhiều võ sĩ quyền anh ở khắp Châu Á tập trung về đây, Cũng tại Manila mới là nơi tổ chức nhiều giải đấu quyền anh, vậy mà giờ đây ở Sài Gòn – Việt Nam lại có sự sôi nổi không hề kém cạnh.

Với sự phổ biến ngày càng rộng rãi của môn quyền anh, đến năm 1930 và năm 1940, cuối cùng thể thao quyền anh cũng đã có Hội Quyền Anh với tên tiếng anh là Boxing Club. Vì đam mê cũng như sự hâm mộ đối với môn thể thao đối kháng này, ông Jean Boy Landry (chủ công ty Boy Landry) đã đứng ra bảo trợ các trận quyền anh được diễn ra ở Sài Gòn. Vào ngày 14/9/1941, tại phòng Hội Âm nhạc (Salle de la Philharmonique) đã tổ chức một đêm hoành tráng với sự có mặt của Hội Quyền anh Sài Gòn (Boxing Club de Saigon). Trong đêm đó, những trận đánh quyền anh đầy sức kịch tính đã được diễn ra mang tên “Grande Soirée de Box”. Những võ sĩ có tiếng ở Đông Dương thời đó cũng đều xuất hiện như võ sĩ Đỗ Hy Sinh (vô địch Trung Kỳ), võ sĩ Tâm (vô địch Bắc Kỳ 1938 – 1939), Naudin (cựu vô địch Pháp hạng nhẹ). Vì môn thể thao quyền anh thời đó có sức hút mãnh liệt và sự nổi tiếng ngút trời nên giá vào cửa của mô thể thao này tính ra khá mắc so với hội nhóm của các môn thể thao khác.

Hình ảnh nữ võ sĩ trong trận tranh đai hạng lông tại đấu trường ở Sài Gòn vào ngày 3/4/1965. Trong đó Lê Lệ Hoa (bên phải) và cô Kim Huệ (bên trái)
Một trận đấu quyền anh ở Sài Gòn
Đánh giá post

Viết một bình luận