Con người đất Nam Kỳ dễ thương lại dễ mến, hiền lành và hiếu khách

Đăng ngày 21/07/2024

Nam Kỳ là lãnh thổ cực Nam của nước Đại Nam triều Nguyễn, là một trong ba kỳ hợp thành nước Việt Nam, tên gọi này là do vua Minh Mạng đặt năm 1832. Trong thời kỳ Pháp thuộc, chính quyền thực dân duy trì tên gọi ba xứ của Việt Nam có từ trước đó, nhưng được áp dụng chế độ riêng biệt mỗi xứ: xứ thuộc địa Nam Kỳ với hai xứ bảo hộ Trung Kỳ và Bắc Kỳ.

Danh xưng Nam Kỳ được chính quyền Liên Bang Đông Dương của Pháp được duy trì cho đến năm 1945, sau đó Việt Nam giành được độc lập thay bằng tên gọi Nam Bộ.Trong giai đoạn 1948 – 1954 lại được đổi thành Nam Việt. Quốc gia Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa cùng dùng tên Nam Phần, tên này vốn được sử dụng từ năm 1947 trong giai đoạn sau của Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ.

Ngoại giao triều Nguyễn trước khi Pháp xâm lược Việt Nam - Thư viện Nguyễn Văn Hưởng

Ngoài tên gọi Nam Kỳ, thời Pháp thuộc vẫn gọi là Cochinchine, trước đó gọi là Cochin hay Cocin gốc từ Coci là phiên âm của từ Giao Chỉ, nhưng do Pháp sợ nhầm lẫn với thành phố cảng Ấn Độ – Cochin nên thêm phần hậu tố chine ý nói Cochin gần với Trung Quốc để dễ phân biệt.

Đầu thế kỷ XVII, dưới thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, nước Việt Nam ta bị phân đôi thành Đàng Trong và Đàng Ngoài, mà Cochinchine được người Phương Tây để chỉ Đàng Trong. Người dân miền Thuận Quảng (năm 1570, dưới quyền cai trị của Tổng trấn Nguyễn Hoàng thì miền Thuận Hóa Quảng Nam hình thành một vùng văn hóa kinh tế chính ở trị ở phía Nam nước Đại Việt nên gọi là miền Thuận Quảng), sau gần 400 năm tiếp cận với nền văn hóa bản địa Phù Nam – Chân Lạp, người Minh Hương hay người Pháp bị tác động bởi một môi trường thiên nhiên khắc nghiệt thuở ban đầu nhưng về sau thì mảnh đất này lại trở nên trù phú. Nhờ đó mà tạo nên nét đặc thù từ ngôn ngữ, tâm tình lẫn tâm tính, những điều này có nhiều nét khác biệt so với tổ tiên của họ ở Đàng Ngoài.

Đầu tiên là nói về ngôn ngữ, đây là một sự thay đổi lớn và nhanh chóng, tiêu biểu là Nguyễn Đình Chiểu – con của Nguyễn Đình Huy vốn là người gốc quận Phong Điền ở Huế nhưng được bổ nhiệm vào Gia Định để phò tá Tả quân Lê Văn Duyệt. Ông đã viết ra tác phẩm Lục Vân Tiên nổi tiếng, đây là một tác phẩm văn học tiêu biểu của miền Nam với những ngôn từ nôm na, bình dân, trái ngược hoàn toàn với văn phong Hán Học thuở ông cha:

“Tiên rằng bớ chú cõng con,

Việc chi nên nỗi bon bon chạy hoài.”

…..

“Phong Lai mặt đỏ phừng phừng,

Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây.”

3 nét đẹp đặc trưng trong văn hóa con người Đà Nẵng

Nhiều nhà chính trị, văn hóa nổi tiếng của Việt Nam và miền Nam vào thế kỷ XIX, đa số là người Thuận Quảng hoặc người Minh Hương. Ví dụ: ở Gia Định gồm có Trịnh Hoài Đức gốc người Phước Kiến (định cư Biên Hòa, tác giả quyển địa chí “Gia Định thành thông chí” hay gọi là “Gia Định thông chí”), Thượng thư Bộ binh Lê Quang Định người gốc Thuận Quảng (tác giả của quyển địa chí “Hoàng Việt nhất thống Dư địa chí”), Ngô Nhân Tịnh người gốc Quảng Đông,…..Nhiều danh gia vọng tộc ở miền Nam, đặc biệt là khu vực Gò Công, con cháu cũng là những người Thuận Quảng theo đoàn ghe xuôi miền Nam lập nghiệp ở thế kỷ XVII như bà Từ Dũ (Hoàng Thái hậu Từ Dụ – Phạm Thị Hằng, là trưởng nữ của Lễ bộ Thượng thư Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng, thứ phi của vua Thiệu Trị),…..

Vùng đất mới Nam Kỳ, người lưu dân miền Thuận Quảng mang theo những câu hò, điệu hát từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong nhưng được cải biên theo địa danh mới:

“Bắp non mà nướng lửa lò

Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm” (Gia Định)

“Ru em theo cho muồi

Cho mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu

Mua vôi chợ Quán chợ Cầu

Mua cau Bát Nhị mua trầu Hội An

Hội An bán gấm bán điều

Kim Bồng bán cải, Trà Nhiêu bán hành” (Quảng Nam)

“Đố ai con rít mấy chưn

Cầu Ô mấy nhịp, chợ Dinh mấy người

Chợ Dinh bán áo con trai

Chợ trong bán chỉ, chợ ngoài bán kim” (Gia Định)

“Chiều chiều ông Lữ đi câu

Sầu tha ông Lữ biết đâu mà mò” (Nhà Bè)

Sự cộng cư giữa lưu dân Việt từ Đàng Ngoài với người Tàu, người Miên đã tạo nên một thứ ngôn ngữ pha trộn độc đáo. Nhiều dân cư ở một số địa danh Nam Kỳ nói trại (là cách nói chệch sang một âm khác gần gần giống với âm gốc) theo tiếng Miên như người Sóc Trăng, Trà Vinh, Chắc Cà Đao,….: “sáng say, chiều, xỉn, tối xà quần” (cách nói ghép giữa Việt và Miên), “nóp, bao cà ròn” (theo tiếng Miên), “thèo lèo, hủ tiếu, gật” (theo tiếng tiếng Tàu), “quần xà lỏn, tà lỏn” (phiên âm từ “pantalon” theo tiếng Pháp). Bản chất của người Nam Kỳ:

Trong “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức phát hành khoảng năm 1820, có viết:

“Vùng Gia Định nước Việt Nam đất đai rộng, lương thực nhiều, không lo đói rét, nên dân ưa sống xa hoa, ít chịu súc tích, quen thói bốc rời. người tứ xứ. Nhà nào tục nấy….Gia Định có vị trí nam phương dương minh, nên người khí tiết trung dũng, trọng nghĩa khinh tài….”

Trong quyển hồi ký “A voyage to Cochinchine” của John White viết năm 1824 lưu lại khi có cuộc viếng thăm Sài Gòn:

“Chúng tôi rất thỏa mãn với tất cả những gì chúng tôi nhìn thấy, mang theo cảm tưởng tốt đẹp nhứt về phong tục và tánh tình của dân chúng. Những sự ân cần, lòng tốt và sự hiếu khách mà chúng tôi thấy đã vượt quá cả những gì mà chúng tôi đã quan sát đến nay tại các quốc gia châu Á….”.Người Việt – Người Tàu – Người Miên – Sự kết hợp ngôn ngữ của ba dân tộc đã khiến người Việt học được bản tính hiếu khách, rộng rãi và phóng khoáng. Trước hết, “hiếu khách” là cách mà những lưu dân này sinh tồn ở vùng đất mới, đứng trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên nên họ cần có nhau, cần sự tương trợ lẫn nhau nên buộc họ phải “hiếu khách”. Mặc khác, “hiếu khách” còn thể hiện sự lo xa, sự trù tính cho tương lai mai này, bởi nếu lỡ một ngày đó mình cần sự giúp đỡ thì sẽ có người sẵn lòng giúp vì trước đó mình đã giúp họ, đây chẳng qua được xem là “có trước có sau”. Nhưng dần dần, bản tính này đã ăn sâu vào máu, vào tiềm thức của họ, nhiều người dân xứ Nam Kỳ họ chẳng đòi hỏi sự giúp lại của người khác, chỉ muốn vui vẻ mà sống thôi. Do đó, sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi chỉ lần đầu gặp, chưa hề quen biết từ trước, mà người miền Nam lại có thể mời bạn cơm nước trà rượu đủ đầy như bà con thân thuộc.

“Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu tre lắc lẻo gập ghình khó đi

Khó đi mượn chén ăn cơm

Mượn ly uống rượu mượn đờn kéo chơi”

Có nhiều người còn sử dụng cách giải thích khác để nói về sự hào phóng và hiếu khách của người miền Nam: Họ bảo người miền Nam hào phóng là do nơi họ ở đất đai trù phú, màu mỡ, ruộng đồng hoa màu thì trúng mùa, tài nguyên dễ dàng tìm kiếm, người ta vẫn hay đùa là “làm chơi mà ăn thiệt” nên họ hào sảng lắm. Cũng có ý đúng nhưng không hoàn toàn, bởi nếu có người không có sẵn sự hào phóng thì dù giàu có thế nào họ cũng sẽ bo bo và giữ mình thôi. Một biểu hiện rõ nhất về tính hiếu khách của người Nam Kỳ là trong các buổi tiệc tùng hay tụ tập bạn bè. Người người đều nói sao dân Nam Kỳ thích nhậu nhẹt, thích đờn ca xướng hát thế! Đó là vì nó như một phần tự thưởng cho những giờ làm việc mệt nhọc, sau những giờ lao động nặng cực lực hay những con hung hiểm, họ sẽ tụ tập lại mà dùng ly rượu hay câu hát để hàn huyên cùng nhau, cùng chia sẻ hay tâm tình những câu chuyện cũ để vơi chút nỗi sầu nhớ quê, nhớ miền đất tổ. Bởi người Nam Kỳ thời nay, phần lớn là dân miền Thuận Quảng di cư vào lập nghiệp, là lưu dân xa quê, nên đối với họ đây là điều cần để giải tỏa tâm tình. Tiệc rượu không chỉ là nơi để giải khuây, mà còn có thể là nơi bàn chuyện làm ăn, để kết bạn, để mở rộng thêm mối quan hệ bạn bè…

Tích cực là thế, nhưng sự hào phóng vẫn mang theo một khía cạnh tiêu cực là bản tính thiếu cần kiệm, tiêu xài hoang phí mà Trịnh Hoài Đức đã từng phê là “thói bốc rời”. Nếu muốn biết thế nào là phóng khoáng mà thiếu cần kiệm thì cứ nhìn vào tấm gương của Cậu Hai, Cậu Ba, Công từ Bạc Liêu,…đều là con của những phú hào, đều sinh ra “ngậm thìa vàng” nhưng thay vì dùng tiền kinh doanh thì lại đắm chìm vào ăn chơi, nữ sắc,…đến khi sạch túi. Đây cũng là lý do tại sao mà nhiều người dân Nam Kỳ giàu thế lại để cho người Tàu thao túng nền kinh tế, bởi họ chỉ biết chôn chân ở ruộng vườn, không hề có ý định chen chân vào chốn thương trường.

Tiếp đến nên nói về bản chất đôn hậu – mộc mạc của người dân Nam Kỳ, nhiều người vẫn nói nó bắt nguồn từ điều kiện sống, là một đức tính cần thiết trong cuộc sống cộng đồng người tha phương. Trong một khu xóm nhỏ, những gia đình nhỏ quây quần sống cạnh nhau tạo thành một đại gia, buộc họ phải đối xử với nhau bằng tình cảm, tình nghĩa xóm giềng. Một hành động bội tín, bất nghĩa sẽ bị loại trừ ra khỏi cộng đồng, nói trắng là “bị kỳ thị tính cách”. Đặc biệt nữa là họ còn rất nhớ ơn và trung thành với cả người chết, nói nghe hơi rùng rợn nhưng thật chất là nói về đám giỗ. Không đơn thuần là một mâm cơm cúng cho người khuất, mà còn thêm một mâm được bày trước cửa cúng đất đai, cúng chiến sĩ (những người đã khuất trên nền đất đó), cũng thần linh,….để mong được phù hộ.

Trên con đường di cư lập nghiệp, họ đã gặp không biết bao nhiêu là khó khăn, hiểm trở, một con thú dữ, một con sông dài nước cuộn, một tiếng gầm lớn trong mưa,…cũng làm cho họ mang theo tâm lý sợ hãi. Vậy nên họ luôn cầu nguyện đất trời phù hộ, dường như đây là cách để an ủi cho tâm tình bơ vơ của họ.

Vì sao người nước ngoài yêu mến người Việt Nam: Câu trả lời có thể khiến bạn bất ngờ

“Tới đây xứ sở lạ lùng

Com chim kêu phải sợ, con cá vùng phải kinh”

Đạo Phật vốn là một tôn giáo, nhưng chẳng hiểu sao khi vô Nam lại dần biến tướng, thêm vào chút dị đoan, chút bùa chú, lại thêm chút mê tín của Phật giáo Théravada của người Miên, thờ cúng thánh thần của người Tàu. Do đó, người Nam Kỳ vốn không phải tín đồ thuần Phật giáo. Những việc như đi chùa, cầu an, làm công quả, van vái hầu hết là dựa vào cái tâm và đức tin của người và đâu đó cũng mang theo bản chất xã hội. Các ngày lễ truyền thống như Lễ Hội Bà Chúa Xứ ở núi Sam Châu Đốc, Lễ Hội Đền Bà Đen ở Tây Ninh, Lễ Hội Thánh Địa Hòa Hảo ở làng Hòa Hảo Long Xuyên,…..thường diễn ra thu hút rất nhiều người, nhưng họ không hẳn là tín đồ mà đôi khi là những khách du lịch.

Khác với vùng châu thổ sông Hồng bị bao vây bởi hệ thống lớn đê điều, làng mạc hay miền Bắc bị bao bọc bởi những hàng rào, lũy tre,….thì làng xã ở miền Nam lại được thiết lập bởi những con sông chạy dài theo các con kênh, con rạch,…chẳng có hàng rào ngăn cách, dòng họ thân tộc cũng không chằng chịt như miền Trung, miền Bắc. Nếu gọi sông Hồng là nền văn minh đê điều thì miền Nam cũng được gọi là nền văn minh sông rạch.

Sông rạch miền Nam đóng một vai trò khá quan trọng, đó cũng là lý do mà người Pháp thời thuộc địa bắt đầu thiết kế những thành phố trong Nam, các dinh thự, các câu lạc bộ, thậm chí là ý định biến miền nam thành “Paris” thu nhỏ của họ

Sông rạch là một phần yếu tố quyết định nên tâm tính và tâm tình người dân miền Nam, tại sao lại nói vậy?

“Do đó về phương tiện xã hội, miền Nam không có chị Dậu trong tắt đèn của Ngô Tất Tố, bị chà đạp ép bức mà vẫn chịu trận. Trái lại giai cấp điền chủ ở miền Nam không thể áp bức hay áp bức dễ dàng nông dân như ở Bắc Kỳ vì nếu không chịu nổi và nếu muốn, vợ chồng chị Dậu chỉ việc xuống ghe thuyền đi tìm một miền đất hứa khác. Đầm lầy, ruộng hoang còn thiếu gì sẵn sàng đón nhận người đến vỡ đất lập nghiệp” – Bài viết của ông Nguyễn Văn Trung.

Sông rạch nhiều, đất đai trù phú, đã tạo nên bản thánh khảng khái của người dân Nam Kỳ, họ bộc trực và ít chịu cúi lòn, nhưng cũng vì thế mà người Nam rất ít thủ đoạn, họ luôn đối xử bằng tâm và không chút chi ly. Tính của người Nam Kỳ khá đơn thuần hay đơn giản, giận là nói ngay, có lúc sẽ hung hăng “sùng mang trợn má” nhưng lại chóng nguôi, cơn giận cũng giống như chiếc lá rơi xuống sông vậy, dễ dàng bị con nước cuốn trôi.

Có tịch cực đương nhiên cũng có tiêu cực, sự bộc trực của người Nam lại khiến họ trở thành những người thiếu sự cẩn mật và thiếu tế nhị, kém tinh tế trong giao tiếp. Sự thẳng thắn tuy sẽ được nhiều người yêu thích, nhưng lại là một bất lợi trong ứng xử, vơi dần sự nể trọng của người khách khi họ chẳng cần thiết phải biết tuốt những chuyện “trong nhà ngoài ngõ” của người chủ. Trong dân gian cũng có một câu nói để diễn tả sự bộc trực này của dân Nam Kỳ là “Ăn mặn nói ngay”. Lưu dân trên đường xuôi Nam phải dùng ghe thuyền để vượt biển và chất mặn của nước biển đã ngấm dần vào huyết quản của lưu dân. Chắc đây là lý do giải thích khẩu vị mặn của người Nam, trong bữa ăn của họ thường sẽ có món kho và món khô mặn. “Mặn” cần thiết cho họ chịu đựng được sự khắc nghiệt của thiên nhiên, dãi dầu nắng mưa,….

Dân Nam Kỳ không chỉ nói lời ngay thẳng mà còn nói rất lớn tiếng và câu từ nói ra thường không được trau chuốt, gần như kiểu “nghĩ gì nói nấy”. Điều này được giải thích rằng, trong chuyến di cư, chèo thuyền ghe trên biển lớn, sóng biển vập vồ, gió to cứ thổi tới tấp, rừng cây sâu với nhiều cây cối dày đặc, khẩn đất hay ở khu đất thưa người, cò có thể bay thẳng cánh nên cần phải nói thật to và ngắn gọn để có thể vượt cách trở mà tới tai người nghe. Nhu cầu truyền thông tin nơi khung cảnh thiên nhiên khắc nghiệt như thế đã dần hình thành nên thói quen và cách thức giao tiếp của người miền Thuận Quảng.

Nam Kỳ – Người bán trái cây Sài Gòn

Người Nam Kỳ không hề có khái niệm phân biệt giới tính trong công cuộc khai thác đất hoang giữa thời tiết khắc nghiệt của thiên nhiên: Dù nam hay nữ người Thuận  Quảng, một khi đã di tản vào Nam thì đều phải chịu những thử thách, những vất vả như nhau. Người phụ nữ thậm chí còn được đào tạo phải trưởng thành trong cùng môi trường với nam giới, nên giải thích tại sao tâm tính, diện mạo, cách ăn mặc của người phụ nữ Nam lại có phần khác so với người phụ nữ Bắc và Trung. Họ đơn giản và mộc mạc, không màu mè se sua, quần áo họ mặc thường khá ít màu sắc (người bán hàng rong ở miền Bắc và Trung thường sẽ mặc áo dài, còn người Nam đại đa số là chiếc áo bà đen hoặc nâu với chiếc quần đen, đôi khi còn quàng thêm chiếc khăn bàng hay khăn rằn như kiểu người Miên và thêm một chiếc nón lá).

Đối lập là hình ảnh người phụ nữ miền Nam trùm chiếc khăn rằn, khoác áo bà ba đơn màu và chiếc đen mộc mạc

Nếu phải kể về người Nam Kỳ thì không biết đến khi nào mới xong, có vô vàn điều cần kể, có những khó hiểu cần được giải bày. Nhưng có một điều chắc rằng, nếu miền Bắc và Trung được hình thành theo một khuôn khổ chặt chẽ do lâu đời, thì miền Nam chỉ là một vùng đất mới, một môi trường mới dễ biến động và thay đổi.