Có một Sài Gòn năm 1967 – 1968 tuyệt đẹp bởi những hàng me….do cựu lính Mỹ Dave De Milner ghi lại

Sẽ không ít người Sài Gòn xưa hoài niệm về hình ảnh của một thành phố đô thị phồn hoa và lộng lẫy bởi một hàng me tây với cánh hoa hồng đỏ nở rực, tô điểm đường phố những sắc màu đơn giản nhưng lung linh không kém những loài hoa sang trọng khác. Và có một Sài Gòn của những năm 1967 – 1968 được bao phủ bởi những nét mộc mạc của những rạp chiếu phim, những cây xăng tự động, chùa chiền,…..lưu dấu mãi trong ký ức!

Hãy cùng thoixua.vn ngắm nhìn lại một Sài Gòn như thế qua ống kính của một cựu nhân viên quân sự Mỹ Dave De Milner:

Góc chụp từ tuyến đường Xa Lộ Sài Gòn – Biên Hòa. Những năm 1968, chắc ai đã từng từ Thủ Đức để xuống Sài Gòn đi học, thường sẽ băng qua con đường này hàng ngày, con đường lưu giữ bao dấu ấn. Phía đằng xa xa chính là hình ảnh của Nhà máy Xi măng Hà Tiên, còn phía bên trái khung ảnh chính là Công ty Điện Lực Việt Nam.

Một bức ảnh chụp con đường Đinh Tiên Hoàng, đặc biệt chú ý là rạp chiếu phim Casino Đa Kao nằm ở quận 1. Rạp Casino Dakao đóng vai trò khá quan trọng trong sự gắn kết tình thương mến thương của người Sài Gòn, đó là một rạp chiếu phim khá nổi tiếng được yêu thích. Nó chuyên chiếu những bộ phim mới của điện ảnh phương Tây. Tuy nhiên, lại không quá nổi trội nếu được so sánh cùng với những rạp chiếu hạng sang bậc nahats của Sài Thành như REX, Eden,….

Sát về phía bên trái khung ảnh chính là hình ảnh của tiệm thạch nè nổi tiếng một thời, mang tên Hiến Khánh – thanh xuân của nhiều thế hệ người Sài Gòn xưa.

Vẫn là hình ảnh phía xa của rạp chiếu phim Casino Đa Kao và hướng đường Đinh Tiên Hoàng.

Hầu hết những rạp chiếu phim hình thành trước 30/4/1975 đều không còn hoạt động, đã được đổi thành một cái tên xa lạ khác và hoạt động dưới hình thức khác. Và số phần của rạp Casino Dakao cũng thế, về sau này, rạp Casino Dakao không còn giữ được tên cũ nữa, mà bị đổi thành Cầu Bông và hoạt động dưới hình thức của một quán cafe hạng sang, đây là một trong những địa điểm thượng đẳng “hi-end”. Được chủ quán bổ sung thêm nhiều bàn bida để thu hút thêm khách, đặc biệt là giới chuyên môn .

Đây là giao lộ của đường Lê Lợi và đường hoa Nguyễn Huệ, ngay vị trí của Công trường Lam Sơn. Phía bên trái khung ảnh chính là Thương xá TAX – Đến cuối năm 2016, công trình này đã hoàn toàn bị tháo dỡ.

Hình ảnh được chụp từ Quảng trường Lam Sơn, ngắm nhìn một lại một Quốc Hội cũ và tượng đài hai quân nhân Thủy Quân Lục Chiến.

Đây là nhà hát Opera House – nhà hát đầu tiên của Sài Gòn được xây dựng vào thời kỳ thực dân Pháp, do chính quyền Pháp xây dựng. Khánh thành năm 1900, nhưng chỉ chủ yếu phục vụ cho người Tây, nên dân chúng Sài Gòn thời đó còn gọi nó là nhà hát Tây. Sau này đã mở cửa cho dân bản xứ.

— Đến năm 1955 (thời kỳ Đệ Nhất Cộng Hòa), Opera House bị chính quyền trưng dụng làm tòa nhà Quốc hội.

— Từ năm 1963 – 1967, Quốc hội giải tán, tòa nhà đổi thành Nhà Văn Hóa.

— Từ năm 1967 – 1975 (thời kỳ Đệ Nhị Cộng Hòa), Quốc hội tái thành lập, chia làm 2 viện theo cung cách phương Tây là Hạ Nghị Viện và Thượng Nghị Viện. Cuối cùng chọn Trụ sở Quốc hội cũ, tức Opera House, làm Trụ sở Hạ Nghị Viện.

— Sau năm 1975, tòa nhà đã được trả về đúng với công năng ban đầu và được phục chế lại thiết kế nguyên bản, mang tên là Nhà Hát Thành Phố cho đến hiện nay.

Còn tượng đài hai quân nhân Thủy Quân Lục Chiến cũng được chỉ mới được xây dựng năm 1967, với thiết kế hai quân nhân chỉ súng vào tòa Quốc hội đã gây ra nhiều ý kiến tranh luận. Có người bảo rằng, thực ra hai quân nhân chĩa súng hướng Khách sạn Continental nằm ở phía sau tòa Hạ Nghị Viện, bởi đó là “hang ổ” của lực lượng phản chiến. Còn phía quân đội lý giải rằng, đó là hình ảnh những người lính bảo vệ tòa Quốc hội nên mới hướng về phía đó thay vì hướng ngược lại. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có lời giải thích xác thực cho ý nghĩa này, là “bảo vệ” hay “đe dọa” còn tùy thuộc vào chính kiến của mỗi người.

Hình ảnh Đại lộ Nguyễn Huệ chật kín xe vào một buổi trưa nắng nóng, dường như hình ảnh này ở thời đại nào chúng ta cũng có thể bắt gặp được ở một Sài Gòn đất chật người đông này, chứ không riêng gì hiện tại hay quá khứ.

Một góc chụp từ trên cao của Đại Lộ Lê Lợi, mới nhìn vào ai sẽ nghĩ đây là Sài Gòn bởi hình ảnh của cây xanh hai bên đường dù trụi lá và xác xơ nhưng vẫn tạo nên một quang cảnh “ý thơ” ngập tràn.

Tòa nhà bên kia đường (nằm ở giữa khung ảnh) ngày xưa chính là Bưu Điện Quận 1, nằm ở số 57 đường Pasteur và đó cũng là góc đường của Lê Lợi và Pasteur (ngày nay tòa nhà ấy đã bị tháo dỡ và thay vào đó là tòa cao ốc SaiGon Center quen thuộc).

Còn tòa nhà màu vàng (gần với chiếc xe buýt màu đỏ) là Tòa Bộ Công Chánh Sài Gòn.

Còn nhớ, ngày trước, chỗ mấy cái sạp nhỏ ở lề đường gần với chỗ chiếc xe buýt đỏ đang di chuyển, người ta chuyên bán sách với những chiếc bọc nhựa sách. Mặc dù phía bên này đường đã có Nhà sách Khai Trí bán rất nhiều, thậm chí là rất đông khách. Ngoài ra, tại đó còn có một ông cụ chuyên bán đàn cổ truyền, xen giữa mấy cái sập sách, ông rất hay ngồi tấu những khúc nhạc đàn bầu khiến cho khách đi đường phải dừng lại và lắng nghe. Ngày đó, mấy cái sạp này còn sơ sài lắm, hay nói đúng hơn là có phần nhếch nhác, nhưng đầu thập niên 70 thì đã được trang hoàn lại, nhìn đỡ hơn.

Đoạn đường Hiền Vương, nhưng ngày nay đã được đổi tên lại thành đường Võ Thị Sáu.

Khúc này là gần với ngã tư Hiền Vương và Nguyễn Thông, bên phải bức ảnh là cổng trường chuyên dạy nghề cho người khuyết tật (những người bị khiếm thính, khiếm thị, bại liệt,…), còn bên trái khung ảnh chính là Tổng Uỷ Dân Vận (được xây dựng dưới thời Việt Nam Cộng Hòa) – Chiêu hồi Tám Hà. Gần khung hình nhất có hình ảnh của một cánh cổng, đây được biết là của một dòng Công Giáo, sau năm 9175 thì được nhà nước tiếp quản và dùng làm trường dạy nghề cho người khuyết tật – Tu Viện Mai Khôi.

Một cái nắng nóng ở con đường Trương Minh Giảng – Ngày trước, đường này có tên là Eyriaud des Verges, nhưng sau này được đổi lại thành Trương Minh Giảng, còn ngày nay quen thuộc với đường Lê Văn Sỹ.

Một góc chụp trên đường Đại lộ Nguyễn Huệ, một cảm giác thanh bình và yên ả trên đường phố với ít xe cộ nhộn nhịp, người người dạo bước vừa nói cười, vừa tâm tình trò chuyện.

Một góc nhà thờ Tân Định. Tên chính thức của nhà thờ là Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Tân Định – đây là một nhà thờ Công giáo thuộc giáo xứ Tân Định. Nhà thờ được tô màu hồng phấn cả bên trong lẫn bên ngoài từ năm 1957, khiến nhà thờ có biệt danh là “nhà thờ màu hồng”.

Đây là đoạn ngã tư đường Phan Thanh Giản và Phạm Đăng Hưng, phía bên phải là Regent Hotel – tòa khách sạn này chỉ đặc biệt cho người Mỹ thuê (còn được gọi là REGENT BOQ) và sau năm 1975 thì bị tháo dỡ và thay vào đó là khu chung cư Bưu Điện. Ở phía xa xa có ngọn tháp cao – đó chính là tháp điều áp nước cho toàn khu vực ven thành phố Sài Gòn.

Giao lộ đường Lê Lợi và đường Pasteur vào một ngày nắng đẹp, với đầy đủ các hình thức phương tiện giao thông lưu thông trên đường. Sài Gòn luôn mang đến cho người khác một cảm giác nhộn nhịp và hối hả, dù là ngày chẵn hay ngày lẻ, dù cuối tuần hay trong tuần đều đông đúc người xe qua lại.

Đây là hình ảnh của tượng đài Nguyễn Tri Phương ngay khúc ngã sáu Nguyễn Tri Phương tiếp giáp quận 5 và quận 10. Tên cũ là ngã sáu Minh Mạng hay ngã sáu Chợ Lớn vì trước năm 1975, đường Ngô Gia Tự được gọi là đường Minh Mạng, nó là nơi giao nhau của ba con đường lớn Nguyễn Tri Phương, Ngô Gia Tự, Nguyễn Chí Thanh.

Ảnh chụp trên đường Lê Lai, khúc gần với Chợ Bến Thành. Bên tay phải chỗ hàng rào là chi nhánh Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (là một ngân hàng được xây dựng dưới thời VNCH phụ thuộc vào ngân hàng trung ương) – Logo quen thuộc của Ngân hàng chính là chương mục tiết kiệm “Con gà ấp trứng vàng”. Còn kế bên gần phía với người chụp chính là quầy bán vé máy bay Air Vietnam, tiếp là quầy sản phẩm thịt của công ty VISSAN với logo hình 3 hoa mai vàng.

Ở thời điểm này, phòng trà Hòa Bình trước ga xe lửa Sài Gòn – bến tàu ASPRO vẫn còn hoạt động.

Hình ảnh Đại lộ Thống Nhất (sau này được đổi tên thành đường Lê Duẩn) và đằng xa là Dinh Độc Lập.

Năm 1950, Dinh Norodom được Chính phủ Bảo Đại đổi thành Dinh Độc Lập thì đường Norodom trước Dinh thự cũng được đổi thành Đại lộ Thống Nhất. Sau năm 1975, Dinh Độc Lập được đổi thành Dinh Thống Nhất và Đại lộ Thống Nhất cũng đổi thành đường 30/4. Mãi đến năm 1986, chính quyền Thành phố mới quyết định đổi thành đường Lê Duẩn cho đến ngày nay.

Đường Phan Châu Trinh (bên trái chợ SàiGòn)

Đại sứ quán mỹ bên đường Đại lộ Thống Nhất – Hình ảnh được chụp trước hai tuần Tết Mậu Thân 1968. 

Bến tàu sài gòn

Trường Trung Học La San Hiền Vương Trường đang trong quá trình xây dựng ở khúc vòng xoay Dân Chủ, có một thời gian, trường này dành cho những học sinh khiếm thị nên còn được gọi là “La San Mù”. Sau này, trường đổi tên và đổi cả hình thức dạy học thành trường THCS Lê Lợi. 

Cây xăng Shell tự động ngay góc đường Phan Thanh Giản – Lê Văn Duyệt (sau này đổi thành đường Điện Biên Phủ và đường Cách Mạng Tháng Tám). Tòa nhà kiểu cách với mái ngói đỏ kế cây xăng đến nay vẫn còn và gần như không thay đổi mấy so với ngày đó. 

Một cảnh quay khác cận Dinh Độc Lập

Một góc chụp từ bên ngoài của ngôi chùa Phước Viên ở gần khúc ngã tư Hàng Xanh. Ngôi chùa này gây ấn tượng bởi thiết kế đơn giản, không quá cầu kỳ nhưng lại đậm nét phương Đông. 

Khúc đường chụp ở Trương Minh Giảng, sau này đường được đổi tên thành đường Lê Văn Sỹ, đường ngày nay có khá nhiều sự thay đổi, hiện đại hơn với những tòa nhà theo lối kiến trúc kiểu mới nhưng dù vậy vẫn có một số dãy nhà vẫn giữ được nét cũ và không đổi là mấy. Trong ảnh chính là hình ảnh của hai thiếu nữ đang băng qua đường, phải công nhận một điều là hình ảnh phụ nữ của Việt Nam trong mắt người nước ngoài lúc nào cũng thu hút bởi sự duyên dáng và dịu dàng. . 

Góc ảnh chụp người đàn ông giao đá bằng chiếc xe ba gác, lưu thông trên đường Đại lộ Nguyễn Huệ. 

Xe ba gác này chắc chắn đẩy nước đá từ hãng nước đá ở cuối đường Nguyễn Văn Thịnh giáp Hai Bà Trưng. Có vẻ người giao đá đi hơi trễ so với bình thường, bởi từ bốn năm giờ sáng là đông nghẹt xe ba gác tụ tập trước hãng để chờ mua rồi. Những ngày sau giải phóng, cái chi cũng khan hiếm, kể cả nước đá cũng không ngoại lệ, đi trễ thế này thông thường là sẽ chẳng còn gì cả. Hồi đó, quen miệng cứ gọi nó là nước đã BGI, nước đá ở đây sản xuất tương đối sạch sẽ, nhìn cây nước đá thấy trong và đặc ruột, chứ mấy cơ sở nhỏ lẻ cây nước đá đục ngầu, có khi vàng khè, đã vậy còn hơi bị rỗng ruột…..

Dave De Milner (phải) và đồng đội Bob Norton (trái) trên đường phố Sài Gòn.

Hình ảnh của cầu Công Lý bắc ngang con kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, cầu này nằm trên trục đường của Nguyễn Văn Trỗi và Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Ngày trước cầu Công Lý cũ được xây dựng có hành lang bằng sắt, sau đó được nâng cấp lên hành lang xây bằng bê tông cốt thép. 

Hình ảnh hai đồng đội Nichols và Norton trên xích lô máy do Dave De Milner chụp ở khúc chợ Bến Thành, gần công trường Quách Thị Trang. 

Dinh Độc Lập trên đường Lê Duẩn được ghi lại vào hai tuần trước Tết Mậu Thân năm 1968. 

Đây là một trong những trục đường chính của thành phố Sài Gòn, nhiều người nhìn vào sẽ bị nhầm lẫn là đường Tự Do (Đường Đồng Khởi sau này) nhưng nó chính là Đại Lộ Nguyễn Huệ với hàng me tuyệt đẹp, dù đây chỉ là những cây trụi lá, có phần xác sơ nhưng lại tạo nên một mỹ cảnh lung linh khiến người người lưu luyến mà phải ngoái lại ngắm nhìn. 

Từ những năm 60, hầu hết những hàng me trên con đường thành phố Sài Gòn gần như đã bắt đầu không còn lá, rồi chết dần hàng loạt, có rất nhiều người đổ lỗi là do nguồn thuốc khai hoang làm chết cây. Qua đến thập niên 1970, đã có chiếc máy cắt nên việc hạ những cây này trở nên nhẹ nhàng nên gần như là bị triệt hạ hết. Đến khoảng những năm 1975, thì hầu như không còn bắt gặp được hình ảnh hàng me xanh xinh đẹp trên đường phố Sài Gòn nữa. 

Đại sứ quán Mỹ trên đường Đại lộ Thống Nhất – Hình ảnh được ghi lại vào hai tuần trước Tết Mậu Thân 1968. 

Một hình ảnh thật đẹp và bình yên của một thiếu nữ mặc váy hoa đang đứng trên đường hoa Nguyễn Huệ. Bên tay phải của khung ảnh chính là thương xá TAX – Từng là một trung tâm thương mại lớn và lâu đời của thành phố Hồ Chí Minh. Ban đầu nó có tên là Grands Magasins Charner, với kiến trúc nguyên thủy của nó được xây dựng ở thời Pháp thuộc năm 1880, vị trí trung tâm Sài Gòn, ngay góc đại lộ Charner và đại lộ Bonnard, gần với Tòa Thị Chính. 

Đến năm 1914 – 1924, khu nhà này được tái thiết và khuếch trương theo phong cách Art Deco để đón tiếp thêm nhiều khách hàng thượng lưu. Sang đến thời VNCH, Đại lộ Bonnard đổi thành đại lộ Lê Lợi, Đại lộ Charner đổi thành Đại lộ Nguyễn Huệ thì Grands Magasins Charner mới được đổi tên thành Thương xá TAX (năm 1960) .

Hình ảnh phía trước chợ Trương Minh Giảng và dãy nhà cạnh chợ – Nay đã được đổi thành chợ Nguyễn Văn Trỗi. 

Tòa Đô Chánh Sài Gòn – được xây dựng vào thời Pháp thuộc năm 1898 đến năm 1909. Ngày trước, tòa nhà này có tên là Dinh Xã Tây , đến thời VNCH thì gọi là Tòa Đô Chánh Sài Gòn vì nó là nơi làm việc và hội họp của chính quyền thủ đô. Nhưng sau khi Việt Nam thống nhất và giành hoàn toàn độc lập, tòa nhà lại trở thành nơi làm việc của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và một số cơ quan khác. 

Hình ảnh tác giả Dave De Milner do đồng đội chụp khi đi chơi ở Chợ Lớn bằng xích lô máy dạo vòng quanh ở bùng binh chợ Bến Thành (trước còn bị gọi là bùng binh Quách Thị Trang), góc trên trái là nhà hàng Hòa Bình trước ga xe lửa Sài Gòn – bến tàu ASPRO. Chiếc xích lô máy vừa chạy ra khỏi đường Phan Châu Trinh (bên trái là chợ Sài Gòn).

Phủ Chủ tịch Việt Nam nay gọi là Dinh Thống Nhất. Đánh bại Cộng quân vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Bùng binh chợ Bến Thành – Trạm xe đèn trung tâm

Cổng Đại sứ quán Mỹ trên đại lộ Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn) – Hình ảnh được ghi lại hai tuần trước Tết Mậu Thân 1968. 

Quang cảnh sầm uất trên con đường Tự Do, đây được xem là một trong những con đường sầm uất nhất thành phố vì trên đường luôn tụ tập rất đông các cửa hiệu sang trọng. 

Thời Đông Dương, con đường này mang tên là đường Rue Catinat, đến thời VNCH thì đổi thành đường Tự Do từ năm 1954 đến năm 1975. Sau khi giành độc lập năm 1975, chính quyền đã đổi lại tên đường thành đường Đồng Khởi và đường Công Lý thành đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa cho đến ngày nay. 

Cầu Rạch Chiếc trên đường liên tỉnh 25 cũ, bắc qua Rạch Chiếc trên tuyến đường Xa lộ Hà Nội, Thủ Đức. Xây dựng dưới thời VNCH cùng với cầu Sài Gòn và tuyến Xa lộ Biên Hòa – được đưa vào sử dụng năm 1961.

Trên cầu Trương Minh giảng (nay là cầu Lê Văn Sỹ).

5/5 - (1 bình chọn)

Viết một bình luận