Có một Sài Gòn 1968 – 1969 năng động được sống lại qua tài nhiếp ảnh của cựu binh Mỹ – William Ruzin

Hơn 50 năm về trước, có một Sài Gòn rất năng động, rất hiện đại cũng vẫn giữ được nét truyền thống vốn có. Năm 1968 – 1969, Sài Gòn được khá nhiều nhiếp ảnh hay cựu chiến binh lính ngoài lưu lại trong chiếc máy cơ, khác hoàn toàn với đường phố phồn hoa nhiều tòa cao ốc, nhiều công trình xí nghiệp như hiện tại. Một Sài Gòn như thế đã được lưu lại bởi một cựu binh lính Mỹ William Ruzin.

Hình ảnh của bãi đậu xe được dựng trước Tòa Đô Chánh (Được xây dựng từ thời Pháp thuộc có tên là Dinh Xã Tây hay là Dinh Đốc Lý, trước năm 1975 còn được gọi là Tòa Đô Chánh, ngày nay thành Ủy ban Nhân dân TP. HCM). Khu vực để xe này chính là khu vườn Đống Đa. Tại thời điểm năm 1968 – 1969, có khá nhiều dòng xe hơi nổi tiếng như Citroen, Mazda loại nhỏ, hầu hết đều là những dòng xe xuất xứ Mỹ và thậm chí là có sự xuất hiện của cả Hillman Husky – Đều mang đến cảm giác một Sài Gòn rất quốc tế, rất hiện đại.

Ở thời bấy giờ, sự phồn hoa của Sài Gòn được nhận định là vượt xa so với Singapore hay thậm chí là cả Nam Hàn (Đại Hàn Dân quốc).

Không một khu hẻm nhỏ của Sài Gòn lại có thể bắt gặp hình ảnh của một ngôi biệt thự to lớn và lộng lẫy ở thời điểm 1968 – 1969.

Bức ảnh chụp một phần của Đại lộ Lê Lợi – Phía góc phải của tấm hình là nhà sách Khai Trí.

Nhà sách Khai Trí được thành lập vào năm 1952 do doanh nhân tên Nguyễn Hùng Trương khởi lập, tọa số 62 Đại lộ Bonard, thành phố Sài Gòn (con đường này từ sau năm 1954 đã được đổi thành Đại lộ Lê Lợi cho đến ngày nay). Tiệm sách này có đóng góp vào những hoạt động văn hóa và đáng kể nhất chính là việc xuất bản Tập san Sử Địa với sự hợp tác của nhiều vãn sĩ và chuyên gia của Viện đại học Sài Gòn.

Đại lộ Lê Lợi được xem là trung tâm thương mại của Sài Gòn thời Pháp thuộc, có tên gọi chính thức là Boulevard Bonard (theo quyển sách “Notice historique, administrative et politique sur la ville de Saigon” do hội đồng thành phố xuất bản năm 1917). Tên gọi này được đặt theo tên của một vị chuẩn đề đốc, sau là phó đề đốc hải quân của Pháp. Ngày trước, đây vốn chỉ là một con kinh do ông Coffyn cho đào nối từ kinh Chợ Vãi với rạch Cầu Sấu và rạch Bến Nghé, hai bên bờ của kinh Coffyn gọi là đường Bonard. Sau này kinh bị lắp tạo thành Đại lộ Bonard và rạch Cầu Sấu trở thành đường Hàm Nghi như ngày nay.

Bức ảnh chụp từ trên cao của khách sạn Brinks (trong khách sạn này có một nhà hàng và một quầy bar rất tuyệt vời, được rất nhiều người ưa chuộng và trở thành điểm lui tới thường xuyên).

Khách sạn Brinks ở Sài Gòn hay còn gọi là Khu sĩ quan Cử nhân Brink (gọi tắt là BOQ), tòa cao 6 tầng có khoảng 168 phòng nằm ở số 103 đường Hai Bà Trưng ngày nay. Năm 1964, tòa cư xá này đã bị đánh bom bởi lực lượng biệt động Sài Gòn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Ngày nay, khách sạn Brinks trở thành khách sạn Park Hyatt Sài Gòn.

Tháp nước và những mái nhà ngói đỏ đều nằm trên đường Cao Bá Quát, mái nhà nằm ở góc trái bức ảnh cạnh tháp nước chính là trụ sở Công ty Điện lực SAIGON.

Quầy tranh trên Đại lộ Lê Lợi, những bức tranh đầy màu sắc được bày bán trên vỉa hè thu hút khá nhiều ánh mắt người đi đường.

Hình ảnh đường phố Sài Gòn với người xe tấp nập, đầy đủ các hình thức phương tiện giao thông: từ những chiếc taxi con cóc, xích lô, xe đạp tới xe gắn máy. Ở thời điểm này, những chiếc taxi con cóc dường như là sự lựa chọn hàng đầu của giới khá giả, nó tiện lại mát mẻ khi di chuyển trên đường. Những chiếc xích lô máy cũng được thay thế bằng xích lô đạp.

Khoảnh khắc các chiếc xe đang dừng đèn đỏ, đợi chờ tín hiệu chạy trên đường. Khúc này là ngã tư đại lộ Lê Lợi và đường Công Lý (ngày nay đổi thành đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa)

Đường phố Sài Gòn – Đại lộ Nguyễn Huệ ngày lễ Giáng sinh năm 1968, hình ảnh được chụp là phía bên ngoài của Thương xá Tax vào một chiều cuối tuần Giáng sinh. Hình ảnh được chụp vào ngày thứ bảy và chủ nhật, dù đã hơn năm mươi năm trôi qua nhưng dường như cái không khí nhộn nhịp của chiều hôm ấy vẫn hiện diện trong tâm trí của nhiều người Sài Gòn xưa.

Quay về thời không nhìn lại một khoảng trời xưa với biết bao nhiêu điều thú vị, nhùng cái bảng “XE XIN SỐ” của chiếc Lambretta màu đỏ chen lấn trên đường phố với hàng dài người và xe cộ đông đúc. Xe mới mua đợi bản số sẽ luôn luôn được kèm một dòng chữ “an toàn trên xa lộ, thanh lịch trong thành phố” phía dưới chữ bự. Thêm một điều thú vị nữa là chiếc dây xích trong rổ xe Honda cạnh hình phía phải thì hầu như chiếc xe nào thời đó cũng có, bởi mã đề xe hồi trước quá tệ. Còn người mặc đồng phục xanh như màu áo lính không phải là lính mà ông thuộc địa chỉ truyền tin, trên áo có phù hiệu “3 ổ bánh mì” để dễ dàng nhận diện.

Một GI có tên là Rich Sarafin (Government Issue – Những lính nhận đồ do chính phủ cấp phát) thăm vòng quanh Sài Gòn, hình chụp năm 1968 trên đường Đề Thám, hướng nhìn của chàng lính hướng về phía đường Phạm Ngũ Lão và khu nhà ga xe lửa.

Các gánh hàng rong đang buôn bán tấp nập cho những khách dạo chơi ở gần rạp chiếu phim REX. Phía bên trái là văn phòng Công vụ Liên Hoa Kỳ.

Tính đến thời điểm năm 1960, rạp Đại Nam trên đường Trần Hưng Đạo của ông bà Nguyễn Phúc Ưng Thi thuộc loại hạng nhất Sài Gòn, nhưng chủ nhân của rạp chiếu vẫn chưa cảm thấy hài lòng. Ông bà Ưng Thi đã dồn hết vốn liếng để mua một miếng đất trên đường Nguyễn Huệ gần với Tòa Đô Chánh dựng nên rạp REX – một rạp chiếu bóng nổi tiếng hiện đại nhất Đông Nam Á khánh thành năm 1962.

Hình ảnh được chụp lại trên Đại lộ Lê Lợi. Dễ dàng nhìn thấy chiếc Honda trên đường không hề được gắn biển số xe và cũng có thể là do đánh rơi rồi nhưng chưa được xin lại. Dù vậy, ở thời điểm đó, tình hình giao thông cũng không căng thẳng, luật giao thông cũng chưa được siết chặt như bây giờ nên cũng không có người để ý lắm đến việc xe chạy trên đường biến số hay không.

Ở phía ngoài cùng bên phải của bức ảnh chính là khách sạn Ambassador phía sau Quốc Hội. Phía ngoài cùng bên trái là Công ty Điện lực SAIGON, kế đó Nhà hàng Cheong – Nam ngay góc đường Nguyễn Siêu và Hai Bà Trưng.

Năm 1968, trước bùng binh chợ Bến Thành vẫn còn phòng trà Hòa Bình nằm trước ga xe lửa Sài Gòn – Bến tàu ASPRO.

Bùng binh Quách Thị Trang hay được gọi là bùng binh chợ Bến Thành ngày nay được người Pháp xây dựng song song với chợ Bến Thành do nhà thầu Brossard et Maupin được khởi công từ năm 1912 đến tháng 3 năm 1914 thì hoàn thành. Đầu thập niên 1970, chính quyền thành phố đã cho xây dựng hai cầu vượt sắt (cầu nổi), một là bắc ngang từ chợ qua tiểu đảo – nơi có tượng Quách Thị Trang và tượng Trần Nguyên Hãn, hai là bắc ngang từ trạm xe buýt qua tiểu đảo nhưng không được bao lâu thì dỡ bỏ do mất thẩm mỹ.

Chợ Bến Thành có một thời gian gọi là chợ Sài Gòn hay chợ Quách Thị Trang trước năm 1975.

Quầy sinh tố – nước giải khát trên đường Đề Thám, gánh hàng nước với đầy đủ các loại nước uống khác nhau.

Một góc chụp đường Đề Thám, đây là hình ảnh của ngã tư Đề Thám và Bùi Viện, hay còn có một tên gọi khác là Ngã tư Quốc tế. Trong hình có một chiếc xe tải cỡ trung đang chở đầy những thùng chứa nước ngọt của hãng Coca Cola.

Nơi là khúc ngã tư trước năm 1975 mà ai đi qua một lần rồi sẽ nhớ mãi khó quên. Khuất góc trái của người chụp có một lái buôn nước mắm mất tên, cửa hàng này chuyên chiết nước mắm từ thùng lớn sang các tĩnh nhỏ để bán sỉ. Phần lề đường trước cửa hiệu luôn được bày bán các tĩnh nước mắm kèm theo là một mùi hương “nồng nàn”, ai đi ngang qua đều phải thở bởi hương nồng của nó.

Hình ảnh trực diện của Tòa Đô Chánh hay còn gọi một cái tên khác là Tòa Thị Chính được xây dựng từ hơn 100 năm trước. Người Pháp quen gọi nó là “Dinh Xã Tây”, đến năm 1950 chính quyền Việt quản trị thành phố nên gọi nó là “Tòa Đô Chánh”. Trước tòa lâu đài chính là công viên Đống Đa hay gọi là khu vườn Đống Đa.

Tòa thị chính Sài Gòn không chỉ là một kỳ tác nghệ thuật của Việt Nam mà còn là một chứng tích quý hiếm về tuổi đời thành phố. Nó là công trình tma huyết được xây dựng bởi chính tiền thuế của dân và tim óc của nhiều thế hệ chuyên môn.

Hình ảnh tượng đài hai quân nhân Thủy Quân Lục Chiến được chính quyền cho xây dựng vào năm 1967 (thời kỳ Đệ Nhị Cộng hòa miền Nam) trước Hạ Nghị viện, hay còn gọi là tòa nhà Quốc hội, nay là Nhà hát Thành phố.

Tượng đài này có độ cao khoảng 9 mét, hai chàng quân nhân đang trong tư thế xung phong, mũi súng hướng về phía trụ sở Hạ Nghị viện.

Việc xây dựng tượng đài hai quân nhân Thủy Quân Lục Chiến cũng gặp khá nhiều trục trặc. Ban đầu, Thiếu tá Huỳnh Huyền Đỏ (thuộc bộ Tổng Tham Mưu), là người đưa ra bản phác thảo mẫu với hình tượng có tới 3 người quân nhân. Thiếu tá vốn có xuất thân từ trường Mỹ thuật Gia Định. Nhưng trong quá trình thực hiện công trình thì Thiếu tá Đỏ lại gặp một vài lý do mà buộc dừng công việc thiết kế mà phải giao công việc còn dang dở trên tay cho Bộ tư lệnh Thủy Quân Lục Chiến.

Cậu bé tiếp tân ở bên ngoài Nhà hàng Valinco trên đường Nguyễn Huệ, nơi đây chuyên bán các loại món của Italia và đảo Corse ở Sài Gòn.

Trụ sở Hạ Nghị Viện. 

Ngày trước đây là tòa Opera House – Nhà hát đầu tiên tại Sài Gòn được khánh thành năm 1900, người dân Việt hay gọi nó là nhà hát Tây, bởi đây là một đoàn hát của Tây và chỉ phục vụ cho người Tây. Mãi đến năm 1918 chính quyền Pháp mới mở cửa để người dân Việt ra vào biểu diễn và 18/11/1918 là ngày diễn ra buổi biểu diễn đầu tiên của người Việt tại Opera House bằng màn kịch có pha chút cải lương.

Sau năm 1954, dưới nền Đệ Nhất Cộng hòa, Nhà hát Thành Phố được trưng dụng thành Tòa nhà Quốc hội, sau khi Đệ Nhất Cộng hòa sụp đổ nên đổi thành Nhà Văn Hóa. Đến năm 1967, Quốc hội chính quy được tái thành lập nên Nhà Hát lại tiếp tục bị trưng dụng thành Trụ sở Hạ Nghị viện, còn Hội trường Diên Hồng thì được chọn làm Trụ sở Thượng Nghị viện.

Mãi đến sau năm 1975, chính quyền Sài Gòn bị lật đổ hoàn toàn, Nhà Hát Opera House mới được trả lại đúng với công năng nhà hát như thuở ban đầu, nơi trình diễn nghệ thuật và lấy tên là Nhà Hát Thành Phố cho đến ngày nay.

Đánh giá post

Viết một bình luận