Bộ ảnh màu quận Phú Nhuận ngày xưa

Đăng ngày 21/07/2024

Quận Phú Nhuận xưa cách đây hơn 60 năm trước, quận Phú Nhuận ngày xưa nó giống như bất kỳ thành phố cỡ trung bình nào, nhưng bịtàn phá một phần rất lớn do chiến tranh.

– Qua bộ ảnh mới này quý vị sẽ thấy lại những con đường quen thuộc như đường Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ), quý vị hãy để ý lúc này đường Võ Tánh vẫn chưa mở rộng đường nhé, đường Trương Tấn Bửu (nay là Trần Huy Liệu), đường Trương Minh Giảng (nay là Lê Văn Sĩ), đường Trương Quốc Dung, chợ Phú Nhuận và bịnh viện Dã Chiến 3.

Từ xưa, chợ Phú Nhuận chỉ là một ngôi chợ nhỏ, bán buôn hàng hoá giống bao ngôi chợ làng khác trên đất Sài Gòn – Gia Định, tuy nhiên, điểm khác biệt của ngôi chợ này là sự gắn liền với việc phát triển đô thị hoá từ năm 1976, từ một xã Phú Nhuận thuộc quận Tân Bình được tách ra, mở rộng thêm ranh giới đổi thành quận Phú Nhuận có diện tích khiêm tốn và dân số không nhiều so với các quận giáp ranh như Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình, Q.1 và Q. 3, do vậy, với vai trò từ một chợ làng, Chợ Phú Nhuận hiển nhiên trở thành một chợ cấp quận ngang hàng với Chợ Gò Vấp, Chợ Thủ Đức hay Chợ Hóc Môn, khi tôi đưa ra nhận xét trên như vậy, ông bạn già phản ứng ngay.Hình ảnh đẹp của Phú Nhuận thập niên 1960 - Một vòng xung quanh ngã tư Phú Nhuận xưa

Ông từng có thời gian ngụ tại Phú Nhuận ngay ngã tư Võ Di Nguy (Phan Ðình Phùng ngày nay) và Võ Tánh (phía Phan Ðăng Lưu) sau thời kỳ 1945 khi miền Bắc gặp nạn đói, gia đình cha mẹ ông di cư vào Sài Gòn, mở tiệm may sinh sống. “Chợ nào không là chợ bán buôn hàng hoá, thức ăn thức uống mà phải phân biệt chợ làng chợ quận. Chợ Phú Nhuận hồi xưa cũng chỉ rộng có bấy nhiêu. Sau này, hồi năm 1975 trước khi tôi theo dòng người di tản ra nước ngoài, ngôi chợ cũng như vậy, đâu có lớn hơn chút nào”.

Nhưng sau vài giây, ông nói ra cảm nhận như vầy: “Tôi mới về thăm lại Phú Nhuận, đổi thay nhiều quá, vùng đất bán thôn quê trong khu vực hẻm Cô Giang, Cô Bắc và hẻm Thích Quảng Ðức phía bên kia đường, hồi nhỏ tôi thường đi giăng lưới bắt cá lòng tong trên con rạch ở đó, bây giờ nhà cửa san sát. Lại còn khu đường Phan Xích Long mới mở dẫn xuống Rạch Miễu, toàn nhà lầu, bán buôn sầm uất không còn nhận ra vùng trồng rau rẫy của người lao động nghèo, buôn gánh bán bưng trước kia. Và khi đi Chợ Phú Nhuận, tự nhiên mình lại có cảm giác đến một ngôi chợ quận trung tâm, mặc dầu nếu so với vài ba cái chợ khác trong quận mới lập sau này như Chợ Nguyễn Ðình Chiểu, Chợ Mới, có khi còn thoải mái hơn”.

Vậy là ông quay lại trúng cái ý phân biệt chợ làng chợ quận của tôi. Một cảm nhận vô hình không cần cụ thể bằng con số phân biệt chợ lớn chợ nhỏ có bao nhiêu sạp bán buôn, có tiện ích phục vụ trong chợ như thế nào, quy mô chợ cỡ nào thì thuộc quyền quản lý của các cấp chính quyền nào đó. Cái cảm nhận một ngôi chợ quận nơi mình đang sống nó cũng thú vị lắm vì chính ngôi chợ đó nói lên được việc phát triển cư dân hình thành bộ mặt đô thị hoá. Và nó cũng làm cho miền ký ức của chúng ta sống lại những hình ảnh ngày xưa trong cảnh chợ búa đông người, một nét sinh hoạt bán buôn không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của người thôn quê hay dân thành thị cho dù trong thời thanh bình hay đương thời tao loạn.Những hình ảnh xưa ở khu vực Phú Nhuận - Một vòng xung quanh ngã tư Phú Nhuận của tỉnh Gia Định xưa

Ông kể hèn chi lúc còn nhỏ, thỉnh thoảng đang ngủ ngon lành thì ông bà già kêu giật giọng dậy… dậy. “Thì ra mấy ông Việt Minh từ miệt Gò Vấp vào, đi rảo dọc đường, gõ mõ kêu gọi đồng bào nay mai đình công bãi thị. Sáng theo bà già cắp rổ đi Chợ Phú Nhuận thấy truyền đơn rải trắng đường, cáo thị dán đầy trên vách tường mặt tiền chợ. Hồi xưa, xã Phú Nhuận chỉ lèo tèo vài ba con đường chính, đa phần nhà cửa mặt tiền đường không có mở tiệm bán buôn hay mở tiệm ăn như sau này. Nét sinh hoạt mang tiếng cận thị thành chớ còn buồn tẻ lắm. Ít có cơ quan chính quyền, chỉ có vài ba nhà máy sản xuất hàng hoá thủ công hay chợ búa là nơi còn chút sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày. Mấy ổng kêu đình công bãi thị thì cứ kêu, chứ người dân ngưng hoạt động làm ăn mua bán thì lấy cái gì mà ăn, cho nên Chợ Phú Nhuận vẫn ì xèo mua bán”.

Ông thả hồn vào câu chuyện không đầu không đuôi khi mớ ký ức hỗn độn qua từng giai đoạn bỗng chốc ùa về. “Trên con đường Võ Di Nguy mọc lên nhiều tiệm may do người Bắc di cư vào thời gian sau này chia cắt hai miền Nam-Bắc. Vài ba tiệm thuốc Bắc thuốc Tây, tiệm buôn dọc theo đường cái từ Cầu Kiệu trở vô thuộc làng Phú Nhuận, mấy ngôi nhà gạch mái ngói âm dương của người Tàu mở tiệm chạp phô ngay bên hông chợ. Phú Nhuận vào thời gian này đã đông dân có nét thị thành, nhưng còn nhiều đất trống phía bên trong những con hẻm nhỏ thông ra các mảnh đất trống trồng rau màu”.

Nghe chuyện ông nhắc lại phong cảnh của miệt Phú Nhuận thuở trước, tôi biết Phú Nhuận sau này vào thuở tôi bước chân ra đời đi làm của mình cũng không khác là bao. Tôi nhớ vào khoảng đầu thập niên 1980 khi nhóm chúng tôi đi khảo sát thực địa lập bản đồ hiện trạng quận Phú Nhuận. Dân cư mới đến chưa nhiều, hiện trạng không thay đổi nhiều so với bản đồ không ảnh do Mỹ chụp trước 1975. Hẻm Cô Giang, Cô Bắc nhỏ hẹp dẫn ra một vùng đất trống gần lăng ông Võ Di Nguy, còn nhiều bụi tre mọc quanh những mái nhà tranh không khác gì một làng quê giữa lòng thành phố. Ðường cống hộp thoát nước ra Rạch Miễu rất lớn. Nghe đâu đường cống này do quân đội Ðại Hàn đảm nhận rồi bỏ dở trước khi kết thúc chiến tranh. Nhà cửa tạm bợ xập xệ trong khi phía vùng đất nghĩa trang Bắc Việt Tương tế gần Bộ Tổng tham mưu VNCH ngày trước đang giải toả, có dấu hiệu xây dựng lấn chiếm đất công (đất quân sự) hình thành. Và rồi vài năm sau đó khi tôi trở lại trường học có dịp qua lại nơi đây nhiều lần đã thấy nhà cửa đầy dẫy tới tận đường Ðào Duy Từ.

Tôi biết chắc một điều là lập hiện trạng quy hoạch một đường, nhà cửa tự phát của người dân mới di cư vào Sài Gòn đi theo một nẻo, xây dựng chẳng cần phải xin phép, chờ hợp thức hoá là xong. Và thời gian sau đó nữa, những dự án lớn phát triển nhà ở dân cư nối tiếp nhau ra đời đã khiến ông bạn già từng sống ở Phú Nhuận phải tròn mắt ngạc nhiên sau nhiều năm xa xứ trở về thăm lại chốn xưa.Những hình ảnh xưa ở khu vực Phú Nhuận - Một vòng xung quanh ngã tư Phú Nhuận của tỉnh Gia Định xưa

Thời gian ông rời xa Phú Nhuận thì nơi đây đã chuyển mình thành một quận nội thành không còn kiểu sống của người dân nửa quê nửa thành thị như thuở ông trưởng thành trên vùng đất mang cái tên đẹp có từ thời khai lập thôn xã hành chánh trên trăm năm trước. Mà đâu chỉ có mỗi cái tên Phú Nhuận đẹp đẽ dành cho vùng đất cưu mang gia đình ông di cư từ Bắc vào Nam làm ăn sinh sống.

– Sài Gòn – Gia Ðịnh có nhiều làng mang tên bắt đầu bằng chữ “Phú”: Phú Thạnh, Phú Hoà, Phú Nhuận, Phú Thọ, Phú Lâm, Phú Lợi, Phú Ðịnh. Phú Mỹ, Phú Xuân… Chắc hẳn người xưa muốn dân chúng sống ở vùng đất mới lập làng được giàu có ấm no hạnh phúc nên làng nào cũng lập chợ.

Tuy nhiên, trong cuốn tiểu thuyết “Ông Cử” viết hồi năm 1935 của nhà văn Hồ Biểu Chánh từng có thời gian sống và mất ở Phú Nhuận, miêu tả thế này: “Bấy giờ Phú Nhuận còn tiêu sơ, chưa phát triển: Ở sát một bên kinh thành Sài Gòn, lại nhờ mấy năm lúa gạo cao giá làm cho cuộc kinh tế đâu đâu cũng thạnh phát nên miệt Phú Nhuận mở mang mau lẹ, ngày nay dân cư đông đảo, buôn bán xôn xao, xe hơi, xe điển rần rần, nhà gạch phố lầu chớn chở… Mà cách mấy mươi năm về trước thì Phú nhuận bất quá là một làng trộng trộng của tỉnh Gia Ðịnh vậy thôi.

Trong làng có một cái chợ kêu là chợ Xã Tài ở dựa bên đường xuống cầu Kiệu, song cái chợ ấy leo heo, mỗi buổi sớm mai, bạn hàng nhóm thưa thớt một lát, mà bán cá tôm, rau thịt sơ sịa cho bình dân ở chung quanh dùng hàng ngày, chớ không có món chi ngon, không có đồ chi quý … Dọc đường xuống cầu Kiệu, thì có năm ba tòa nhà ngói, nền đúc, rào sắt coi sạch sẽ, mỗi chặng, xa xa có một tiệm Chệt bán đồ tạp hóa giống như các tiệm ở theo mấy chợ nhà quê, còn bao nhiêu thì là nhà lá, hoặc phố ngói mà vách ván cũ mèm, cất chen lộn với nhau, coi dơ dáy…”.

Qua vài đoạn miêu tả trong truyện, ít nhiều làm tôi hình dung được quang cảnh của làng Phú Nhuận ngày xưa không như nhiều người vẫn nghĩ nơi đây là vùng đất đông dân cư náo nhiệt tuy rằng “ở sát một bên kinh thành Sài Gòn”. Còn Chợ Xã Tài là một cái tên xa lạ ngay từ thuở ông bạn già của tôi về cư ngụ tại Phú Nhuận những năm cuối thập niên 1940. Ông bảo: “Ði đâu cũng nghe kêu là Chợ Phú Nhuận chớ nào nghe gọi là Chợ Xã Tài”.

Ngôi chợ “ở dựa bên đường xuống cầu Kiệu” xa xưa kia dựng nên từ 1850 do ông Lê Tự Tài người miền Bắc di dân từ đàng ngoài vào Gia Ðịnh rất sớm. Ông cùng dân chúng khẩn hoang lập ấp dựng làng nên khi Phú Nhuận còn là một cái thôn nhỏ, ông Tài được dân đề cử làm thôn trưởng, sau này, dân khắp nơi kéo về định cư nhiều hơn, Phú Nhuận được mở rộng địa danh hành chánh lên cấp xã.Sài Gòn năm 1971-1972 trong ảnh của Terry Nelson

Ông Tài lại được tín nhiệm làm chức Xã trưởng và dân trong vùng thường hay gọi ông là Xã Tài. Ðể đáp lại cảm tình của dân chúng, ông cho dựng lên một ngôi chợ nhỏ, lợp tranh tre mái lá để có chỗ cho bạn ghe mang hàng tiêu theo con rạch Thị Nghè đến trao đổi buôn bán với dân sở tại. Chợ Xã Tài hình thành từ đó. Về sau chính quyền Pháp cho xây lại Chợ Phú Nhuận, hơn trăm năm trải qua thăng trầm thời cuộc, Chợ Phú Nhuận cũng bao lần thay đổi hình hài và cấp độ chợ làng lên chợ quận. Chỉ tiếc rằng dấu ấn người khai sinh ra ngôi chợ lẽ ra nên đặt đúng tên con đường dẫn vào bên hông Chợ Phú Nhuận mà lại trở thành con đường mặt tiền trước Chợ Nguyễn Ðình Chiểu mới cất sau này nằm trong địa phận quận nhà. Thôi, âu cũng là niềm an ủi cho người có công lập chợ. Có còn hơn không!

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *