Xót xa thay cho giọng ngâm Hồ Điệp – Tài năng nhưng cuộc đời lại quá đỗi đau thương

Trước những những năm 1975, giọng ngâm nào làm mọi người thời đó mê mẩn, ắt hẳn bạn sẽ nhớ đến ban Tao Đàn. Nói về ban Tao Đàn, người ta không thể không nhớ đến giai thoại của giọng ngâm vang bóng một thời, được mọi người gọi với cái tên thân thương Hồ Điệp. Thế nhưng tài năng là thế mà cuộc đời lại quá đỗi đau thương.

Trước tiên, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu đôi chút về ban Tao Đàn. Đây là một chương trình ngâm thơ do thi sĩ Đinh Hùng sáng lập từ năm 1954. Thời ấy, cứ mỗi độ 9 giờ 15 phút đến 10 giờ từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, thính giả Sài Gòn lại được đắm chìm trong những ca khúc thơ ca vừa du dương, nhẹ nhàng mà lại có chút khắc khoải đau thương.

Ban Tao Đàn cũng những giọng ngâm vang bóng một thời

Về giọng ca ngâm của ban Tao Đàn, vào năm 1960 theo tờ báo Trẻ số 1, khi nhắc đến những giọng ca nam nổi tiếng, ai cũng nhớ đến giọng ca Hoàng Thư với giọng ngâm khỏe khoắn và ấm áp. Giọng thổ pha kim với các bài hát bi hùng của Thanh Hùng (Nguyễn Thanh), tài năng thổi sáo bậc nhất cùng khả năng ngâm thơ giọng Trung lẫn Bắc đặc biệt của Tô Kiều Ngân (Tô Lang), hay các bài thơ thất ngôn và lục bát của Quách Đàm.

Ngoài những giọng ca nam thời ấy, khi nhắc đến giọng ca nữ, người ta thường nhớ về Hồ Điệp, Thái Hằng và Giáng Hương. Những giọng ngâm oanh vàng thời đó mang đến cho thính giả những ca khúc ngọt ngào mà sâu lắng với những biệt tài và sở trường riêng biệt của mình. Tựa như khả năng ngâm thơ mới (thơ tám chữ, tự do) và kịch thơ của Giáng Hương. Đặc biệt là khi trình bày kịch thơ, giọng ca của bà thể hiện rõ nội dung buồn sầu thảm dù cho nữ thi sĩ này đọc nhiều hơn là ngâm, thế nhưng nhiều người lại thích giọng đọc này của bà. Còn về phần Thái Hằng, hầu hết bà ngâm được tất cả các loại thơ và diễn đạt chúng bằng giọng ngâm hiền dịu và tha thiết.

Bên cạnh những giọng ngâm thời đó, đặc biệt phải kể đến giọng ngâm Hồ Điệp với phong cách ngâm cổ xưa làm hầu hết dân Sài Gòn gốc Bắc lúc bấy giờ cũng đều mê mẩn. Hồ Điệp, tựa là Nguyễn Thị Tý, sinh năm 1930, sinh ra trong một gia đình có truyền thống hát chầu văn lẫn cô đầu. Thi sĩ Đinh Hùng là người đã phát hiện ra tài năng thiên phú của bà nên đã mời bà về làm chung với cả hội, cũng là để phát sóng chương trình thơ ca Tao Đàn nổi tiếng thời ấy. Thi sĩ Đinh Hùng đặt cho bà một biệt danh hết sức là dễ thương – Hồ Điệp, nghĩa là Cánh Bướm, ý rằng giọng ca của bà tưởng chừng như nhẹ nhàng, mỏng manh nhưng lại mang đầy màu sắc như những cánh bướm. Từ đấy bà lấy nghệ danh này để ngâm thơ và nổi tiếng khắp mọi nẻo đường.

Hồ Điệp có giọng ngâm thơ hết sức ngọt ngào và trong trẻo, ảnh hưởng của nhạc điệu cổ xưa miền Bắc. Giọng ngâm của bà không dài, chuỗi ngân có phần đặc biệt. Bà thường pha điệu lẩy Kiều vào giọng ngâm của mình. Nhưng mà dù cho bà có lẩy Kiều, pha Sa Mạc hay pha Bồng Mạc thì đều quyến rũ và tình cảm. Nhắc đến đây, chúng ta đã phần nào mường tượng được giọng ca đặc biệt của Hồ Điệp, đầy cổ kính mà cũng thật yểu điệu.

Hồ Điệp được người đời ca ngợi là cô gái đẹp, hiền dịu với vóc dáng mảnh mai cùng khuôn mặt phúc hậu. Bà lúc nào cũng cười, nụ cười đoan hậu nhẹ nhàng của một người phụ nữ e thẹn và bẽn lẽn. Hồ Điệp đẹp, nhưng mắt Hồ Điệp buồn, cái buồn man mác như ánh tà dương ở phía chân trời vào mỗi buổi chiều ngày nắng. Hồi ấy, những văn nghệ sĩ như Vũ Hoàng Chương, Thanh Nam, Hoàng Hương Trang,… Ai ai cũng yêu mến Hồ Điệp.

Hồ Điệp được người đời ca ngợi là cô gái đẹp, hiền dịu với vóc dáng mảnh mai cùng khuôn mặt phúc hậu

Bà vốn dĩ xuất thân từ ca trù, thế nhưng Hồ Điệp lại bén duyên cùng với nghề ngâm thơ và lấy đi rất nhiều nước mắt của người dân xa quê nhớ nhà trên đất nước Pháp, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Đài Loan và Thái Lan trong một chuyến lưu diễn ca trù, ngâm thơ ở các nước. Lúc ấy, ai ai cũng ca ngợi, đâu đâu cũng đều chào đón bà.

Vào năm 1956, để trao đổi văn hóa nhằm thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Thái Lan, ông Mai Văn Hàm, thuở ấy là đại sứ Việt Nam đã mời nghệ sĩ Sài Gòn sang Vọng Các (Bangkok) để trình diễn. Đặc biệt thay, chỉ duy nhất Hồ Điệp là nữ ca sĩ được cử đi giao lưu nền âm nhạc tại Thái Lan. Ở nước bạn, Hồ Điệp đã chiếm trọn trái tim của mọi người bởi giọng ca mùi mẫn của bà. Trong hôm ấy, Hồ Điệp vào vai cô lái đò trong vở chèo Đồng Quê, vừa lái đò, nữ ca sĩ đã vô tình lái luôn những con tim thổn thức của kiều bào vào giọng hát của bà. Sau bao năm xa cách, họ bỗng chốc cảm thấy nhớ quê hương, nhớ đất nước.

Hồ Điệp là ca sĩ, là nhà thơ, Liệu có phải chăng? Thật ra bà không phải là người sáng tác, mà bà là người giàu lòng xúc cảm của một thi sĩ sáng tác thơ. Giọng ngâm của bà truyền cảm, nhẹ nhàng mà sâu lắng, giúp người nghe cảm nhận được ý vị trong bài thơ của tác giả. Không biết rằng người đọc thơ sẽ cảm nhận bài thơ ra sao, nhưng mỗi một bài thơ được Hồ Điệp ngâm đều truyền đến cho người nghe những âm thanh da diết và bồi hồi, xúc động. Bà là một giọng ca oanh vàng mà không ai có thể thay thế, tựa như thi sĩ Đinh Hùng đã tìm kiếm và nhận định, giọng của Hồ Điệp đặc biệt đến nỗi, không một ai có thể thay thế.

Giọng ngâm bất hủ là thế, nhưng cuộc đời Hồ Điệp thật trái ngang. Nếu như trước những năm 1975, giọng ca Hồ Điệp nức tiếng một thời thì đến những năm sau 1975, bà đã hứng chịu số phận nghiệt ngã. Nữ ca sĩ bị mất tích trong rừng, không rõ đi về đâu trong một chuyến vượt biên qua ngã Miên vào năm 1987 bằng đường bộ.

Chuyện là có một người Việt Nam làm việc ở cơ quan Hồng Thập Tự trại tị nạn ở Thái Lan kể lại trong tự thuật Cánh Bướm Bên Trời rằng có người tìm người thân rời Sài Gòn vào năm 1987, trong thư có nhắc đến một nhóm người bao gồm 11 người, có 6 người nam và 5 người nữ, loáng thoáng trong thư có nhắc đến tên Hồ Điệp. Năm tháng trôi qua, từ Mỹ vẫn có người hỏi thăm tin tức về đoàn người đó, nhưng mãi vẫn không điều gì mới mẻ, đoàn người đó vẫn chưa quay trở về Việt Nam. Vậy là Hồ Điệp cùng đoàn người đó đã thật sự mất tích, bởi vì không có một ai có thể sống sót trong rừng suốt 6 tháng trời.

Lại một lần nữa nói đến Hồ Điệp, bà là người đem lại cho người dân thời ấy được quay lại dòng nhạc tưởng chừng như bị thời gian vùi lấp. Bởi lẽ, vào thời ấy, khi mà dòng nhạc Âu – Mỹ với những thanh âm, những nốt nhạc “xập xình” đang dần chiếm lĩnh tâm trí người dân thì nhờ giọng ca êm ái của Hồ Điệp đã đem họ trở lại với âm thanh nhẹ nhàng, sâu lắng mà tưởng chừng như sắp sửa bị đưa vào dĩ vãng. Khi giọng ca ấy cất lên, một miền quê đất Bắc như được gợi lại trong tâm trí của mọi người, những thanh bình và những niềm ước mơ đều được chất chứa trong giọng ca của Hồ Điệp.

Ban Tao Đàn của thi sĩ Hùng Vương là nơi dành cho những điều cổ kính và thi vị. Khi nghe ngâm thơ của những ca sĩ trong ban, chúng ta cảm nhận được rõ những âm sắc khác nhau của từng ca sĩ. Có giọng ca trong trẻo, có giọng ngâm khỏe khoắn, có tiếng thổi sáo du dương, đặc biệt là giọng ngâm thơ lấy đi nhiều nước mắt của người con xa xứ. Vậy thì liệu rằng người làm thơ hay người ngâm thơ đã làm chúng ta bồi hồi đến thế? Thật ra nhờ những giọng ngâm ấy, chúng ta càng thêm nhớ đến giá trị thơ ca mà người làm thơ muốn mang đến cho mọi người. Trong ban Tao Đàn, ai ai cũng đóng vai trò quan trọng và đều có những điểm đặc biệt, nổi bật là giọng ca của người con gái Sơn Tây Hồ Điệp, bà có tài nhưng cuộc đời lại quá trái ngang.

5/5 - (1 bình chọn)

1 bình luận về “Xót xa thay cho giọng ngâm Hồ Điệp – Tài năng nhưng cuộc đời lại quá đỗi đau thương”

  1. Hồ Điệp cũng có hát chèo trong ban Phụng Minh . Hồ Điệp ( con bướm đêm) hát chèo cũng như ngâm thơ bằng giọng mũi nên ….không lẫn vào đâu được

    Trả lời

Viết một bình luận