Nguyễn Ánh 9 – Người nhạc sĩ, nhạc công tài ba đã để lại cho đời những khoảnh khắc thăng hoa, say đắm trong cõi tình.

Nhắc đến những tình khúc nhạc vàng trước năm 1975, không thể không nhắc đến nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, người đã để lại những ca khúc bất hủ như: Ai đưa em về, Biệt khúc Bơ vơ, Buồn ơi chào mi, Chia phôi, Cho người tình xa, Cô đơn, Đêm nay ai đưa em về, Đêm tình yêu, Không… Ông không những là một nhạc sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ mà còn là một nhạc công chơi dương cầm tài ba. Tiếng dương cầm của người nhạc sĩ tài hoa đưa khán giả vào thế giới bay bổng, trữ tình của âm nhạc, còn những nhạc phẩm của ông đã chắp cánh cho nhiều thế hệ ca sĩ thăng hoa cùng nghệ thuật.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tên thật là Nguyễn Đình Ánh, sinh năm 1940 (có tài liệu để 1939) tại Phan Rang ( Ninh Thuận). Ông được sinh ra  trong một gia đình khá giả có ba người con và ông là con út.

Ông chia sẻ nghệ danh Nguyễn Ánh 9 là do người yêu đầu tiên của ông đặt cho: “Đây là tên mà cô ấy đặt cho tôi. Khi tôi viết những bản nhạc đầu tiên, lấy tên thật là Nguyễn Đình Ánh thì dài quá, mà viết là Nguyễn Ánh thì lại trùng với tên của vua Gia Long. Bởi vậy, cô ấy bảo, chữ Nguyễn Ánh có 9 ký tự, mà số 9 theo quan niệm phương Đông là số may mắn, bởi vậy, nên lấy bút danh là Nguyễn Ánh 9”.

Sau một thời gian gia đình ông chuyển từ Phan Rang đến Nha Trang sinh sống và đến năm ông được 11 tuổi thì cả gia đình chuyển vào Sài Gòn.

Tại Sài Gòn Nguyễn Ánh 9 theo học trường Taberd (nay là trường Trần Đại Nghĩa). Đến năm 1954, lúc ấy ông 14 tuổi thì lên Đà Lạt để học nội trú tại trường Yersin cho đến năm 1958. Năm 18 tuổi ông từng bỏ nhà đi vì sự ngăn cấm của gia đình đối với niềm đam mê âm nhạc của ông, ông bỏ đi để theo đuổi đam mê của mình.

Ngay từ nhỏ Nguyễn Ánh 9 đã tập chơi dương cầm và trong thời gian học ở Đà Lạt, ông may mắn được quen biết với nhạc sĩ Hoàng Nguyên ( tác giả các ca khúc nổi tiếng như: Ai lên xứ hoa đào, Cho người tình lỡ,…) và được Hoàng Nguyên dìu dắt vào con đường âm nhạc.

Sau khi tốt nghiệp Tú tài 2, Nguyễn Ánh 9 được vào tham gia chương trình Tuổi Xanh của Đài phát thanh Sài Gòn và Đài phát thanh Đà Lạt thông qua sự giới thiệu của nhạc sĩ Hoàng Nguyên. Ngoài ra, Nguyễn Ánh 9 còn cộng tác với chương trình Tiếng hát sinh viên do Duy Trác thực hiện. Sau đó, ông đi khắp nơi biểu diễn dương cầm ở các quán bar, các nhà hàng nổi tiếng, các hội quán văn nghệ và những ban nhạc thanh niên.

Nguyễn Ánh 9 bắt đầu sự nghiệp sáng tác một cách rất tình cờ. Đó là trong một chuyến đi lưu diễn ở nhật cùng ca sĩ Khánh Ly. Sau buổi diễn tại hội chợ Ōsaka, Nguyễn ánh 9 cùng Khánh Ly đứng chờ thang máy lên phòng khách sạn, thấy vẻ mặt buồn rầu của bạn mình Khánh Ly lên tiếng hỏi: “Còn thương nó không bạn?”, ý cô muốn hỏi về một người bạn gái quen biết Nguyễn Ánh 9 vào thời đó. Sẵn cây đàn ghi-ta trên tay, Nguyễn Ánh 9 đã gảy ngay rồi cất tiếng hát: “Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa…”. Đến khi trở về Việt Nam, Khánh Ly đề nghị Nguyễn Ánh 9 soạn thành một ca khúc hoàn chỉnh. Trước đề nghị của cô bạn, ông đã hoàn tất nhạc phẩm đầu tiên của mình trong một thời gian ngắn. Ca khúc với những giai điệu có chút gì đó tinh nghịch, dỗi hờn nhưng cũng đầy kiêu hãnh của tuổi trẻ trước sự đổ vỡ trong tình yêu, pha chút cay đắng, day dứt.

Ca khúc đó được mang tên là “ Không” và được Khánh Ly thu lần đầu trong đĩa nhựa của nhãn đĩa Tình ca quê hương. Sau này ca khúc “ Không”  đã trở thành một trong những nhạc phẩm gắn liền với cuộc đời ca hát của Elvis Phương, cũng như một số ca khúc khác của Nguyễn Ánh 9 như “Ai đưa em về”, “Chia phôi”, “Lời cuối cho em”,… được Elvis Phương trình diễn thường xuyên trên sân khấu của vũ trường Queen Bee tại thành phố Sài Gòn vào những năm đầu của thập niên 1970.

Năm 1965, Nguyễn ánh 9 kết hôn cùng với cô Ngọc Hân, hai người quen biết nhau trong thời gian cùng làm việc tại vũ trường Anh Vũ, Ngọc Hân khi ấy là một vũ công. Lúc quyết định sẽ cưới cô vũ công ấy, ông đã nhờ mẹ năn nỉ bố cho quay về nhà và cũng như xin phép được lấy vợ vì trước đó bố ông đã đuổi ông khỏi nhà khi thấy ông quyết tâm theo con đường âm nhạc. Vợ chồng Nguyễn ánh 9 và Ngọc Hân có với nhau 2 người con là nhạc sĩ Nguyễn Quang và Nguyễn Đình Quang Anh – cả hai đều theo con đường âm nhạc. Ngoài ra, ông còn nhận thêm một số người con nuôi trong nghề nghiệp như: Hương Giang, Diệu Hiền, Hoàng Quân, Quang Hà, Xuân Phú…

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và bà Ngọc Hân trong ngày cưới
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và bà Ngọc Hân trong ngày cưới

Vào đầu thập niên 1970, Nguyễn Ánh 9 cộng tác với nhiều vũ trường lớn ở Sài Gòn. Ông đã từng đệm dương cầm cho những ca sĩ nổi tiếng như Khánh Ly, Thái Thanh, Ánh Tuyết,… Ca sĩ Ánh Tuyết từng chia sẻ: “ Tiếng đàn của ông tài hoa, say đắm, ngẫu hứng và điêu luyện”. Những năm đầu của thập niên 1970 thì Nguyễn Ánh 9 và Khánh Ly từng là đôi nhạc nhạc công – ca sĩ nổi tiếng nhất lúc bấy giờ. Khánh Ly từng nói: “ Tiếng đàn của ông làm tôi thăng hoa hơn khi hát”. Cũng thời gian đó, ông viết thêm một vài nhạc phẩm nổi tiếng khác như “Mùa thu cánh nâu”, “Đêm tình yêu”.

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và vợ trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày cưới
Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và vợ trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày cưới

Sau sự kiện năm 1975, thời gian đầu ông đi lưu diễn ở các tỉnh với đoàn văn nghệ của Duy Khánh cùng với nhạc sĩ Quốc Dũng.

Từ 1976, Nguyễn Ánh 9 làm nhân viên kiểm soát xe lưu thông tại Xa cảng miền Tây cho đến năm 1978. Một thời gian sau Nguyễn Ánh 9 có mở một lớp dạy dương cầm.

Năm 1982, Nguyễn Ánh 9 băt đầu trở lại với âm nhạc. Ông tham gia các chương trình hòa tấu và biểu diễn dương cầm ở nhiều nơi. Ngoài ra, Nguyễn Ánh 9 còn được mời viết nhạc nền cho một số phim như: Lệnh truy nãMảnh tình nghiệt ngãMênh mông tình buồnNhững đứa con thành phố.  Những năm cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990 Nguyễn Ánh 9 viết thêm một số ca khúc nữa như: Tình yêu đến trong giã từ, Mênh mông tình buồn, Cho người tình xa và Cô đơn.

Ngày 27 tháng 5 năm 2006, ông được vinh danh trong chương trình đại nhạc hội trực tiếp thu hình Paris By Night 83 – Những Khúc Hát Ân Tình tại California, Hoa Kỳ do Trung tâm Thúy Nga tổ chức .

Tối ngày 21 tháng 11 năm 2010, Nguyễn Ánh 9 được vinh danh trong chương trình Con đường âm nhạc tháng 11 đã diễn ra tại Nhà hát Quân đội, thành phố Hồ Chí Minh và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV3.

Cho đến những năm sau cùng của cuộc đời, Nguyễn Ánh 9 vẫn đi biểu diễn và tham gia một số đêm nhạc của ca sĩ Ánh Tuyết. Ông thường chơi dương cầm hàng tuần tại khách sạn Sofitel Plaza Saigon.

Ngày 14 tháng 4 năm 2016, Nguyễn Ánh 9 trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Đại học Y – Dược Thành phố Hồ Chí Minh sau một thời gian dài chịu đựng căn bệnh viêm phổi, suy tim. Lễ tẩn liệm nhạc sĩ diễn ra vào sáng ngày 15/4 tại nhà riêng ở TP HCM, lễ viếng cũng diễn ra tại đây. Lễ động quan diễn ra vào sáng sớm ngày 18/4, sau đó ông được đưa đi hỏa táng.

Với rất nhiều người yêu nhạc, khi nhắc đến tên Nguyễn Ánh 9 người ta liền nghĩ tới chân dung một người nhạc sĩ có nụ cười hiền, vóc dáng gầy guộc, nhỏ bé đang nghiêng mình bên phím đàn dương cầm. Mỗi lần xuất hiện ông luôn gắn liền với chiếc đàn piano. Tiếng đàn và những nhạc khúc của ông đã để lại một dấu ấn không thể trộn lẫn trong làng âm nhạc Việt Nam đương đại. Cảm ơn ông – Nguyễn Ánh 9 – người nhạc sĩ, nhạc công tài ba đã để lại cho đời những khoảnh khắc thăng hoa, say đắm trong cõi tình.

5/5 - (1 bình chọn)

Viết một bình luận