Cuộc đời và sự nghiệp của Xuân Tiên – Người nhạc sĩ lớn tuổi nhất của nền Tân Nhạc Việt Nam còn tại thế.

Xuân Tiên (sinh ngày 28 tháng 1 năm 1921) là một nhạc sĩ có nhiều đóng góp cho nền tân nhạc Việt Nam giai đoạn 1954-1975. Ngoài sáng tác nhiều bản nhạc có giá trị được nhiều người yêu thích như “Khúc hát ân tình”, “Duyên tình”, “Về dưới mái nhà”,… thì ông còn có khả năng chơi 25 loại nhạc cụ, đồng thời cải tiến và sáng tạo một số nhạc cụ mới.

Nhạc sĩ Xuân Tiên

Cuộc đời và sự nghiệp

Ông tên thật là Phạm Xuân Tiên, sinh ngày 28 tháng 1 năm 1921 tại Hà Nội. Năm 6 tuổi, ông bắt đầu học nhạc Trung Quốc với cha và sau này học nhạc phương Tây với người anh cả. Năm lên 10, ông còn được cha thuê người dạy tuồng và nhạc cải lương. Thời gian ban đầu khi còn ở miền Bắc, ông chơi chủ yếu là các loại kèn sáo phương Tây. Cuối năm 1942, ông cùng anh trai là nhạc sĩ Xuân Lôi theo gánh cải lương Tố Như vào miền Nam trình diễn, ở Sài Gòn và lục tỉnh.Trong quá trình đi trình diễn nhạc và sinh sống ở nhiều miền, ông đã thu thập được kiến thức về các loại hình âm nhạc của ba miền. Ông còn tìm hiểu về nhạc của Lào và Campuchia.

Xuân Tiên có khả năng chơi 25 loại nhạc cụ, cả phương Đông lẫn phương Tây. Ông có thể sử dụng hầu hết các nhạc cụ cổ truyền Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia.

Năm 1952, cả gia đình ông vào Sài Gòn kiếm sống bằng nghề nhạc cho đến sự kiện 30 tháng 4 năm 1975.

Giai đoạn từ năm 1944 đến năm 1975, ông điều khiển nhiều dàn nhạc nổi tiếng từ Bắc vào Nam: Hà Nội (1944-1946), Nam Định (1951-1952) và các đài phát thanh tại Sài Gòn gồm Pháp Á, Sài Gòn, Mẹ Việt Nam (1952-1975).

Nhạc sĩ Xuân Tiên
Nhạc sĩ Xuân Tiên

Năm 1986, ông được bảo lãnh sang Úc. Mười năm đầu ông sống tại Canberra, sau về ở Cabramatta, ngoại ô Sydney từ đó cho đến nay.

Ông có hai tập nhạc đã xuất bản. Tập đầu tiên là Duyên Tình (năm 2000) gồm toàn bộ sáng tác của ông trước năm 1975. Tập thứ hai là Dâng Nắng (năm 2007) gồm 16 bài.

Xuân Tiên còn có tập thơ Trên kiếp hoa được nhà xuất bản Ba Vì in ở Canada năm 1997.

Cải tiến, sáng tạo nhạc cụ cho Việt Nam

Sáo tre vốn dĩ chỉ có sáu lỗ. Năm 1950, Xuân Tiên đã cùng Xuân Lôi cải tiến loại nhạc cụ này thành hai loại là 10 lỗ và 13 lỗ có khả năng chơi được nhiều âm giai khác nhau. Người chơi sáo 10 lỗ cần dùng 10 ngón tay và có thể chơi tất cả những bán cung, vì thế sáo không bị giới hạn trong bất cứ âm giai nào. Sáo 13 lỗ dùng để tạo ra những âm thanh thấp hơn khi cần. Hiện hai loại sáo này đang được trưng bày tại Musée de l’Homme, Paris, Pháp.

Nhạc sĩ Xuân Tiên

Năm 1976, lúc còn ở Việt Nam, ông chế tác cây đàn 60 dây chơi được tất cả âm giai. Tiếng đàn tương tự tiếng đàn tranh nhưng mạnh và chắc hơn.

Năm 1980, ông cải tiến cây đàn bầu cổ truyền với thân đàn làm từ trái bầu dài làm hộp khuếch âm. Đàn này đã nhiều lần được đem đi triển lãm ở Úc, thường được gọi là Đàn bầu Xuân Tiên.

Xuân Tiên sáng tác từ trước 1945, tức là thuộc lứa nhạc sĩ tiền chiến, với các ca khúc “Chờ một kiếp mai” viết chung với Ngọc Bích và “Trên kiếp hoa” (1939-1942). Ông chủ trương đào sâu vào nhạc Việt, dùng kỹ thuật và nhịp điệu phương Tây nhằm cải tiến và làm giàu nền nhạc của mình. Ông cũng chú trọng giai điệu của bài hát, thường sử dụng âm hưởng lạc quan yêu đời, ca ngợi quê hương dân tộc và nếu có buồn thì cũng chỉ là chớm buồn. Ông cho rằng quan trọng nhất là sáng tác phải “hoàn toàn không giống ai”.

Tuy vậy không có nghĩa là ông chỉ viết về nhạc vui. Ông cũng có những bài hát mang sắc thái nhớ nhung về một mối tình xa xưa, về nỗi mất mát trong đời, hay một quá khứ vàng son không trở lại như “Chờ một kiếp mai”, “Hận Đồ Bàn”, “Xa quê hương”… đã được viết bằng một loại ngôn ngữ gợi cảm, xa vắng và cất cánh với những âm điệu, tiết tấu rất cân phương và hoàn chỉnh.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc Hận Đồ Bàn do Chế Linh trình bày.

Xuân Tiên nhận xét rằng đa số các ca khúc của mình mang âm hưởng miền Bắc và miền Trung, chỉ có một số ít là miền Nam như “Cùng một mái nhà”, “Khúc nhạc đồng xanh”, “Đất Việt”. Bài hát nổi tiếng nhất của ông là “Khúc hát ân tình” được sáng tác sau Hiệp định Genève 1954 trong bối cảnh nhiều người dân miền Bắc di cư vào Nam sinh sống. Bài hát kêu gọi mọi người dù là từ miền nào thì cũng hãy sống thân ái với nhau, đồng thời cũng ngợi ca tình yêu không phân biệt Bắc-Nam. “Hận Đồ Bàn” (viết chung với Lữ Liên) là bài hát mà ông đặt mình vào địa vị một người dân Chăm-pa, có nội dung ai oán về sự kiện kinh đô Đồ Bàn của nước Chăm-pa bị quân Đại Việt phá hủy vào năm 1471. Đầu thập niên 1970, bài này từng bị Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cấm biểu diễn công khai do ông tin rằng bài hát có “tác động siêu nhiên thâm hiểm có thể dẫn đến sự sụp đổ của nền cộng hòa”. Ca sĩ Chế Linh (người Chăm) hát bài này cũng nhân đó mà bị cấm biểu diễn công khai.

Nhạc sĩ Xuân Tiên bên cạnh là ca sĩ Sơn Ca và MC Jimmy Nhựt Hà

Năm 2006, Xuân Tiên cùng với hai nhạc sĩ Thanh Sơn và Nguyễn Ánh 9 được vinh danh trong chương trình Paris By Night 83 – Những Khúc Hát Ân Tình vì đã có những đóng góp giá trị đối với nền tân nhạc Việt Nam.

5/5 - (1 bình chọn)

Viết một bình luận