Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Trường Sa – tác giả của những ca khúc bất hũ “Xin Còn Gọi Tên Nhau”, “Rồi Mai Tôi Đưa Em”, “Một Mai Em Đi”,…

Trường Sa là một nhạc sĩ nổi tiếng với những bản tình ca bất hũ được ông sáng tác trước năm 1975. Ông bắt đầu nổi danh vào cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 với những ca khúc nổi tiếng như: Xin Còn Gọi Tên Nhau, Rồi Mai Tôi Đưa Em, Mùa Thu Trong Mưa, Một Mai Em Đi, Tàn Tạ, Ru Em Một Đời, Như Hoa Rồi Tàn… Có rất nhiều ca sĩ hàng đầu của nền tân nhạc Việt Nam lúc bấy giờ đã hát những sáng tác của ông, nhưng có lẽ người thể hiện thành công nhất và đã đưa những tình khúc cũng như tên tuổi của nhạc sĩ Trường Sa đến với đỉnh cao danh vọng là nữ ca sĩ Lệ Thu và nam ca sĩ Nhật Trường. Những ca sĩ đã đem giọng hát của mình thể hiện được trọn vẹn những tình cảm, tâm tư của nhạc sĩ Trường Sa qua những nhạc phẩm của ông.

Nhạc sĩ Trường Sa

Trường Sa tên thật là Nguyễn Thìn, sinh năm 1940 tại Ninh Bình. Năm 12 tuổi, ông theo cha (khi ấy là một quân nhân) đi nhiều nơi nên việc học của ông không được liên tục. Khi dừng chân tại Thanh Hóa, Trường Sa được cha gửi ở trọ tại một nhà người quen ở Điền Hộ để được ổn định việc học hành. Sau đó gia đình ly tán mỗi người một nơi, cha ông tiếp tục cuộc hành trình rong ruổi của người quân nhân còn mẹ ông lại về sống với gia đình bên ngoại.

Ở Điền Hộ – Thanh Hóa, Trường Sa theo học một trường Công Giáo và bắt đầu học căn bản về âm nhạc từ một thầy Năm của giáo xứ này. Trong quá trình học nhạc tại đây, Trường Sa luôn thể hiện là một học trò xuất sắc nhờ năng khiếu âm nhạc bẩm sinh. Ông có khả năng xướng âm chuẩn, việc lên dây đàn guitar cũng không cần bấm để thử mà chỉ cần nghe qua là được.

Nhạc sĩ Trường Sa

Sau hiệp định Geneve được ký kết vào năm 1954, lúc này Trường Sa được 14 tuổi, ông đi bộ từ Thanh Hóa về nhà ở ven sông Đáy, sau đó lại đi bộ đến Ninh Bình để gặp cha đang đóng quân ở đây, 2 ngày sau khi gặp mặt cha con ông đã cùng ra Hải Phòng và theo Sư Đoàn 2 để di cư vào Nam.

Nơi họ tới đầu tiên là Nha Trang, sau đó một thời gian thì cùng di chuyển theo đoàn quân tới nhiều nơi khác ở miền Trung. Năm 1957, cha con ông dừng chân tại Đà Nẵng và gặp lại mẹ của ông cũng đang tất tả ngược xuôi để đi tìm 2 cha con ông từ năm 1954.

Sau khi gia đình được đoàn tụ, cả nhà tiếp tục xuôi xuống miền Nam và sinh sống tại Thủ Đức. Thế nhưng, Trường Sa không sống gần cha mẹ được lâu, vì cha ông xin được việc làm ở Sở Thú Y Cà Mau, nên cha mẹ ông phải xuống đó sống để tiện cho công việc.

Trường Sa tiếp tục ở lại Sài Gòn tại nhà một người dòng họ bên mẹ để tiện cho việc học của mình. Sau khi học hết Trung học đệ nhất cấp ở trường bán công Thủ Đức, Trường Sa tiếp tục theo học trường Nguyễn Văn Khuê. Trong thời gian này, ông cũng dành nhiều thời gian để tự học nhạc. Trường Sa luôn mang theo mình bộ sách hướng dẫn về lý thuyết âm nhạc, phối âm và sáng tác “Traité Dubois” để nghiền ngẫm.

Ca khúc đầu tay mà Trường Sa sáng tác mang tên “Mây trên đỉnh núi” theo điệu Tango vào năm ông 17 tuổi.

Sau khi đậu Tú Tài 2, Trường Sa thi vào Đại học Khoa Học, nhưng lại đúng dịp có lệnh động viên được ban hành nên ông đã bỏ học để xin đi dạy học ở Kiến Hòa.

Năm 1962, Trường Sa thi vào khóa 12 Hải Quân tại Nha Trang và bắt đầu những chuyến hải hành của một binh chủng hải quân. Trong thời gian học khóa 12 Hải Quân Nha Trang, Trường Sa gặp Mỹ Lan, một cô gái trong ban vũ thiết hài Nguyễn Thống, khi ban này đến biểu diễn trong chương trình văn nghệ góp vui cho khóa sinh. Một thời gian không lâu sau đó, họ trở thành vợ chồng.

Sau khi tốt nghiệp Sĩ quan khóa 12 Hải Quân với cấp bậc thiếu úy trừ bị, Trường Sa giữ chức Hạm Phó tàu tuần duyên Trường Sa, và bút hiệu Trường Sa cũng được ông chọn trong thời điểm này.

Tên tuổi của nhạc sĩ Trường Sa lần đầu được đến với công chúng khi ca khúc “Một lần xa bến” của ông được ca sĩ Nhật Trường thu thanh trong dĩa hát Việt nam.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Nhật Trường trình bày.

Sau thành công của ca khúc “Một lần xa bến”, Trường Sa có dịp quen biết với giới nghệ sĩ và lúc này ông sáng tác thêm nhiều nhạc phẩm khác. Các ca khúc “Hành Trang Gĩa Từ”, “Chuyện người đan áo” lần lượt nổi tiếng qua giọng hát của ca sĩ Nhật Trường. Có một thời gian, nhiều khán thính giả yêu nhạc đã lầm tưởng đây là những sáng tác của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (cũng là ca sĩ Nhật Trường) bởi những ca khúc trên gắn liền với tên tuổi của danh ca này. Và sau này chính nhạc sĩ Trường Sa cũng đã thừa nhận rằng những bài hát của ông nổi tiếng như vậy một phần là nhờ vào tiếng hát Nhật Trường.

Hoạt động một thời gian trong nghệ thuật, Trường Sa quen biết với nhạc sĩ Từ Công Phụng – nhạc sĩ nổi tiếng với dòng nhạc trữ tình, đã khuyến khích ông chuyển sang sáng tác nhạc tình lãng mạn. Và từ đó tình khúc đầu tiên của nhạc sĩ Trường Sa ra đời mang tên “Mùa thu trong mưa” với tiếng hát Lệ Thu ra mắt công chúng vào năm 1968. Đến năm 1969, Trường Sa phát hành 2 ca khúc mới vô cùng nổi tiếng và được mọi người yêu thích mang tên “Rồi mai tôi đưa em” và “ Xin còn gọi tên nhau”. Đầu thập niên 1970, Trường Sa tiếp tục thành công với những tình khúc vượt thời gian khác, nổi bật nhất là “Một mai em đi”. Trong thời gian này, người đã đưa những tình khúc của nhạc sĩ Trường Sa đến với khán giả là nữ ca sĩ Lệ Thu, cô cũng là người biểu diễn thành công nhất và đưa tên tuổi của Trường Sa đến với đỉnh cao sự nghiệp.

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc do Lệ Thu trình bày.

Sau khi kết hôn vợ chồng Trường Sa sống với nhau trong một căn nhà thuê cấp 4 trên đường Nguyễn Duy Dương. Mặc dù thành công trên con đường sự nghiệp nhưng ông vẫn ở trong căn nhà thuê với nhiều kỷ niệm êm đềm của vợ chồng ông cùng 4 người con (3 gái 1 trai lần lượt ra đời).

Sau sự kiện tháng 4 năm 1975, Trường Sa theo một chiến hạm đến đảo Guam nhưng tại đây ông không tìm thấy gia đình mình nên đã xin quay lại quê nhà. Sau khi về, ông bị chính quyền mới đưa đi cải tạo lao động tại Phú Khánh và Nghệ Tĩnh trong 9 năm.

Tháng 4 năm 1989, Trường Sa cùng 3 người con trai lên đường vượt biển và đến được đảo Pulau Bidong. Nhưng lúc này lệnh đóng cửa trại tị nạn đã được áp dụng nên bốn cha con lại phải chờ ở đây một thời gian dài trước khi được bảo lãnh sang Canada nhờ em ruột của ông đã sang đó từ trước. Trong khoảng thời gian chờ đợi trên đảo Bidong, Trường Sa đã sáng tác được 2 nhạc phẩm nổi tiếng “Xin yêu nhau dù mai nữa” và “Đưa em bên cầu nhung nhớ”.

Nhạc sĩ Trường Sa trong ngày cưới của con trai

Tháng 8 năm 1991, Trường Sa sang định cư tại thành phố Regina, Saskatchewan, Canada. Sau đó ông tiến hành thủ tục để bảo lãnh vợ từ Việt Nam sang cùng mình.

Thời gian đầu khi sang hải ngoại, Trường Sa đi làm thuê bằng nhiều nghề: nhân viên trong tiệm bánh ngọt, làm trong cơ sở sản xuất nước mắm, sau đó là làm trong một hãng xe hơi. Sau khi ổn định cuộc sống bằng công việc ổn định, ông bắt đầu có cảm hứng sáng tác trở lại với ca khúc “Mùa xuân sao chưa về hỡi Em”.

Bấm vào hình để nghe ca khúc Mùa xuân sao chưa về hỡi Em do Tuấn Ngọc trình bày.

Những tưởng cuộc sống gia đình của nhạc sĩ Trường Sa sẽ từ đó bình yên hạnh phúc, thế nhưng bất hạnh ập đến. Sau 4 năm vợ ông (Mỹ Lan) qua Canada đoàn tụ với chồng con thì bà trở về thăm Việt Nam vào năm 1996 và bất ngờ qua đời trong một tai nạn xe hơi. Kể từ đó, Trường Sa sống trầm lặng bên các con. Với niềm đau và nỗi nhớ dành cho người vợ đã khuất, ông viết những ca khúc mới như hồi tưởng lại những kỷ niệm đẹp, êm đềm mà ông và vợ đã trải qua: Sài Gòn Ơi Giã Biệt Từ Đó, Trên Vai Em Nỗi Buồn Mấy Tuổi, Từ Một Ước Mơ, Sài Gòn Ơi Tôi Còn Em Đó…

Năm 2003, Trung tâm Thúy Nga đã thực hiện cuốn DVD Thúy Nga 70 – Thu Ca để vinh danh, tri ân những đóng góp của nhạc sĩ Trường Sa cùng hai nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương và Lê Dinh vào nền tân nhạc Việt Nam.

Và cho đến ngày nay, dù đã trãi qua bao thăng trầm, đổi thay thì những sáng tác của nhạc sĩ Trường Sa vẫn tràn đầy cảm xúc và đi vào lòng người như thuở nào. Người yêu nhạc vẫn sẽ nhớ mãi những bản tình ca: Mùa Xuân Sao Chưa Về Hỡi Em, Những Mùa Thu Qua Trên Cuộc Tình Tôi, Bài Tình Ca Cho Kỷ Niệm, Xin Yêu Nhau Dù Ngày Mai Nữa… đầy êm ái, dịu dàng.

5/5 - (1 bình chọn)

Viết một bình luận