Nhạc sĩ Trúc Phương từng được mệnh danh là  “Ông hoàng nhạc Bolero” những năm thập niên 60

Đăng ngày 20/07/2024

Nhạc sĩ Trúc Phương từng được mệnh danh là  “Ông hoàng nhạc Bolero” với khoảng 70 ca khúc để đời, nhiều ca khúc viết bằng giai điệu Bolero của ông đã trở thành bất hủ và vẫn được khán thính giả yêu thích cho đến tận ngày nay như: Mưa nửa đêm, Nửa đêm ngoài phố, Buồn trong kỷ niệm, Ðò chiều, Tàu đêm năm cũ, Hai chuyến tàu đêm, Về chín dòng sông hò hẹn, Về An Quãng Hữu, Hoa sách…

Nhạc sĩ Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiên Lộc, ông sinh năm 1933 tại xã Mỹ Hòa, quận Cầu Ngang, tỉnh Vĩnh Bình ( nay là tỉnh Trà Vinh), ở vùng hạ lưu sông Cửu Long.

Những năm cuối thập niên 1950, Trúc Phương sinh hoạt văn nghệ cùng các nghệ sĩ khác tại Ty Thông tin tỉnh Vĩnh Bình trong một thời gian ngắn. Sau đó ông lên Sài Gòn học nhạc ở lớp nhạc của nhạc sĩ Trịnh Hưng – là người sáng tác những ca khúc về đồng quê và khuynh hướng đó của thầy dạy đã ảnh hưởng phần nào đến những sáng tác của Trúc Phương trong những năm đầu của sự nghiệp.

Vào năm 1957, Trúc Phương cho ra đời hai sáng tác đầu tiên của ông là: Tình thương mái lá và Tình thắm duyên quê. Sau đó vào năm 1958 ông sáng tác bài Chiều làng em và năm 1959 ông viết bài Đò chiều giai điệu bolero. Những ca khúc này đều mang hình ảnh một làng quê thanh bình, yên ả giống như nỗi nhớ của ông đối với làng quê ngày xưa.

Tiểu sử Nhạc sĩ TRÚC PHƯƠNG || Ông hoàng Bolero và cuộc đời khốn khó

Đầu thập niên 1960, ông viết ca khúc Tàu đêm năm cũ để  tặng cho những người sĩ quan phải đi xa nhà vì lúc bấy giờ chính quyền có sắc lệnh hoán chuyển công tác sĩ quan, công chức miền Nam ra miền Trung và ngược lại. Ca khúc này được nhiều người biết đến và yêu mến mãi cho đến sau này và đã trở thành một trong những ca khúc kinh điển.

Tổng số lượng sáng tác của Trúc Phương được thống kê khoảng gần 70 bài, trong đó có nhiều bài phổ biến trong suốt thập niên 1960 và cho đến tận ngày nay. Mỗi nhạc sĩ đều có một phong cách sáng tác khác nhau. Đối với các ca khúc của Trúc Phương hầu như đều có ca từ hoa mỹ, bay bướm nhưng lại không cao xa, càng nghe người ta càng thấy tràn đầy cảm xúc và gần gũi. Ngoài dòng nhạc viết về tình yêu quê hương trong thời gian đầu, thì sau đó Trúc Phương đa số viết nhạc về tình yêu đôi lứa, với những nhớ thương, mong chờ, hy vọng hay sự ưu tư, ly tán, đoàn viên. Đó là những cảm xúc thường nhật, gần gũi với cuộc sống và dễ đi vào lòng người. Con gái Trúc Loan của ông từng chia sẻ về nhạc của cha mình như sau: “Ba tôi viết nhạc và nổi tiếng từ rất sớm nhờ dòng nhạc boléro chậm, trữ tình của ông dễ nhớ, dễ nghe. Ngoài cây đàn guitar thường xuyên bên cạnh, ba tôi còn biết chơi thành thạo các nhạc cụ khác. Hồi còn nhỏ xíu, có lần theo ba đi Đại nhạc hội, ba tôi còn đàn contrabass trong dàn nhạc nữa, lúc đó tôi rất ngạc nhiên vì cây đàn quá to này, ba phải đứng mới cầm được nó… Khi chơi với các con, ba tôi thường lấy cây harmonica “khẩu cầm” ra thổi…

Cuối thập niên 1950, ông lập gia đình cùng một cô gái Bến Tre, vợ ông là con một nhà giáo, gia đình cũng khá giả. Được biết ông sáng tác bài Chiều làng em để tặng vợ mình. Họ có với nhau 6 người con. Kể về gia đình mình, con gái Trúc Loan của ông chia sẻ:

Những mẩu chuyện ngắn về nhạc sĩ Trúc Phương: "Ông hoàng" nhạc Bolero trước năm 1975 - Tin Việt Nam

“Ba gặp má tôi khi bà còn đang đi học. Ba cưới ngay khi má chỉ 16 tuổi. Tôi được sinh ra vào thời điểm ba tôi viết nhạc nhiều nhất. Dù sau đó, tôi còn có thêm 5 đứa em nữa, nhưng ba vẫn luôn cưng tôi nhất nhà.

Ba tôi là một người đàn ông rất yêu gia đình, thương vợ thương con. Ông cũng là 1 người con, người cháu rất có hiếu. Ngày xưa, dù nghèo, ở nhà thuê, nhưng ba tôi cũng nuôi bà cố tôi chu đáo. Khi làm có tiền, ba hay mua sắm đồ đạc mang về quê cho bà nội tôi. Ba tôi hiền lành, chân thật, rất lạc quan và tốt bụng. Có lẽ vì vậy nên ai cũng quý mến. Tính ba tôi lại rất nghệ sĩ, không vụ lợi, không tính toán nên không có dư dả. Gánh nặng cơm áo gạo tiền, má tôi phải gánh vác từ lúc ba tôi phải nhập ngũ”.

Trúc Phương từng mở lớp nhạc ở số 33/230, gọi là “Trúc Phương Tự Lực” tại đường Gia Long, Gò Vấp , đào tạo được một số ca sĩ như Thy Lệ Dung, Thy Lệ Huyền, Chinh Thông nhưng không mấy thành công. Tuy nhiên, nhờ vào những sáng tác của Trúc Phương mà một số nhạc sĩ trình bày ca khúc của ông nổi tiếng như Thanh Thúy, Chế Linh, Duy Khánh,… Với Thanh Thúy – người được mệnh danh tiếng hát khói sương, ông viết tặng riêng 5 bài đó là: Hình bóng cũ, Lời ca nữ, Mắt em buồn, Tình yêu trong mắt một người và Mắt chân dung để lại.

Trong một bài đăng trên báo Thế Giới Nghệ Sĩ tưởng niệm nhạc sĩ Trúc Phương ca sĩ Thanh Thúy viết:

“Anh và tôi không hẹn, nhưng đã gặp nhau trên con đường sống cho kiếp tằm. Anh trút tâm sự qua cung đàn, còn tôi qua tiếng hát. Trong khoảng thập niên 60, tên tuổi anh và tôi như đã gắn liền với nhau: nhạc Trúc Phương, tiếng hát Thanh Thúy.

Tiểu sử Nhạc sĩ TRÚC PHƯƠNG - Mệnh danh là “Ông hoàng nhạc Bolero” những năm thập niên 60 - YouTube

Như một định mệnh, tôi vào đời ca hát đúng vào thời điểm anh say mê sáng tác, và tình cờ trở thành vị sứ giả đem tâm sự anh đến mọi người, những người không nhiều thì ít cùng mang một tâm sự với anh. Tâm sự về tuổi thơ mộng, về tình yêu dịu dàng của đôi lứa (dù trong bối cảnh đau thương của đất nước), về chuyện tình dở dang, về cuộc đời…”

Tuy đã có gia đình từ sớm, nhưng với tính tình phóng khoáng của một người nhạc sĩ, nhạc sĩ Trúc Phương nhiều lần xiêu lòng trước một số người đẹp, và đó cũng đã trở thành nguồn cảm xúc bất tận để ông viết nhiều ca khúc nổi tiếng, trong đó nổi bật bài Hai Chuyến Tàu Đêm được ông sáng tác khi trên tàu về thăm người yêu ở tỉnh Bình Tuy (nay là Bình Thuận).

Sau sự kiện 1975 Trúc Phương vẫn ở lại Sài Gòn, đến năm 1976 ông vượt biên nhưng không thành công và bị tịch thu nhà số 301 Lý Thường Kiệt ở Quận 11. Sau đó, ông vượt biên thêm 2 lần nữa nhưng vẫn không thành công. Lúc ra tù, vợ con ly tán, ông sống không nhà cửa, không giấy tờ tuỳ thân rồi lưu lạc về Trà Vinh và vài nơi khác. Đến khoảng năm 1979 ông và vợ chia tay.

Giữa năm 1985, ông vào công tác tại Hội Văn nghệ Cửu Long và được cấp một căn phòng tại số 6 Hưng Ðạo Vương, thị xã Vĩnh Long để ở. Trong thời gian này ông cũng sáng tác và tặng bản thảo chép tay cho bạn bè một số bài nói về tình yêu cây lá, tình yêu quê hương như Chiều phố huyện, Hoa sách về xa, Trà Vinh trong những tình mật ngọt, … Nhưng hầu hết những bài này đều không được thành công, chính ông cũng xác nhận rằng lý do không thành công lắm bởi không còn cảm hứng dồi dào như những bài tình ca đã được đón nhận từ trước 1975.

Một thời gian sau, Trúc Phương trở về sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 18 tháng 9 năm 1995 ông qua đời vì căn bệnh sưng phổi, ông được gia đình an táng tại Nghĩa trang Lái Thiêu, tỉnh Sông Bé. Lúc ông mất, nhạc sĩ Nhật Ngân viết tặng bài “Gửi người về cát bụi”, trong lời nhạc có nhắc đến tên một số bài hát của ông.

Năm 2014, ông được vinh danh trong chương trình Asia 74: Trúc Phương – Ông hoàng của dòng nhạc Bolero do Trung tâm Asia thực hiện.

Cố nhạc sĩ Trúc Phương là nhạc sĩ nổi đình đám nhất trong những năm của thập niên 1960. Các nhạc phẩm của ông đều thấm đẫm tình đời, tình người. Đến tận bây giờ các nhạc phẩm của ông vẫn được công chúng đón nhận.