Đôi nét về cuộc đời và sự nghiệp của ca, nhạc sĩ Phượng Vũ (1947 -2021)

Đăng ngày 21/07/2024

Phượng Vũ là một ca sĩ, nhạc sĩ người Việt. Ông được biết đến là một ca sĩ có làn hơi phong phú, trầm ấm, kỹ thuật luyến láy điêu luyện, giọng hát thu hút người nghe. Ngoài ra, người mộ điệu còn biết đến ông là tác giả của nhiều ca khúc nhạc vàng nổi tiếng như : Cánh Thư Mùa Hạ, Rừng Ái Ân (đồng sáng tác với Nguyễn Đào Nguyễn), Trên Ngọn Tình Sầu (sáng tác chung với Hoàng Phương), Chiếc Khăn Màu Tím,… và đặc biệt là ca khúc Áo Nhà Binh nổi danh với giọng hát Duy Khánh trước năm 1975. Ca, nhạc sĩ Phượng Vũ còn là anh ruột của nữ nhạc sĩ Khúc Lan (người chuyên viết lời Việt cho các ca khúc nhạc ngoại nổi tiếng vào thập niên 1980 ở hải ngoại).

Câu chuyện âm nhạc: ''Em đến thăm anh một chiều mưa''

Phượng Vũ tên thật là Trần Gia Bửu, sinh ngày 24 tháng 9 năm 1947 tại làng Tân Lập Phú, Thủ Dầu Một, Bình Dương. Từ khi còn nhỏ, ông đã được gia đình cho theo học hàm thụ âm nhạc tại trường École Universelle Pháp, được biết ông không theo học bất cứ thầy nhạc sĩ nào của Việt Nam cả. Hồi 5 tuổi, Phượng Vũ theo gia đình chuyển về sống ở Vũng Tàu và ở đó trong vòng 10 năm, đến giữa năm đệ ngũ (lớp 8) ông mới chuyển về Sài Gòn học trường nam sinh Võ Trường Toản.

Năm 1965, Phượng Vũ theo học Kiểm sự Thủy Lâm chuyên Ngư nghiệp Lục địa tại trường Trung học Nông Lâm Súc Cần Thơ.

Năm 1966, Phượng Vũ trúng tuyển ca sĩ do Đài Phát thanh Sài Gòn tổ chức tại rạp Hưng Đạo. Sau đó, ông được hãng đĩa Dư Âm mời cộng tác với cả vai trò sáng tác và ca sĩ.

Nhạc sĩ Phượng Vũ

Năm 1968, Phượng Vũ học lên cao đẳng, thời gian này ông được học quân sự học đường và được đào tạo ở Quang Trung trong thời gian 1 tháng lúc nghỉ hè. Đó cũng chính là thời gian ông sáng tác ra ca khúc mà về sau rất nổi tiếng với tiếng hát Duy Khánh “Áo Nhà Binh” (1969).

Bấm vào hình trên để nghe ca khúc Áo Nhà Binh do Duy Khánh trình bày.

Sau đó, Phượng Vũ được điều chuyển về Gò Công làm công chức và được hoãn dịch. 2 năm sống ở Gò Công, ngoài làm công chức, ông còn mở lớp nhạc, trong số những học trò khi ấy của ông có nhạc sĩ Hoàng Phương (tác giả của bài Hoa Sứ Nhà Nàng). Nhạc sĩ Phượng Vũ kể rằng lúc đó Hoàng Phương chỉ mới làm thơ và nhờ Phượng Vũ phổ nhạc cho 2 bài thơ rồi sau đó nhờ ông hướng dẫn để tự sáng tác.

Năm 1972, Phượng Vũ lại tiếp tục được thuyên chuyển về Cần Thơ, tại đây ng cũng mở một lớp dạy nhạc và đi hát ở đài phát thanh cho đến năm 1975

Sau năm 1975 thì lớp nhạc của Phượng Vũ bị rút giấy phép nên ông tham gia hát trong đoàn Tiếng Ca Sông Hậu, Nghệ thuật Hoàng Biếu, Trường Sơn, Ngọc Giao…

Nhạc sĩ Phượng Vũ

Đến năm 1988, nhạc sĩ Phượng Vũ cùng vợ và hai con nhỏ vượt biển tới trại tỵ nạn Pulau Bidong. Tại đây, ông gặp lại một số nghệ sĩ khác như nhạc sĩ Vũ Thành An, nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh, Ngọc Điệp,…

Tháng 3 năm 1990, gia đình nhạc sĩ Phượng Vũ đã đặt chân đến Hoa Kỳ và được nhạc sĩ Nam Lộc bảo trợ về định cư tại Little Saigon – nơi được ví như khu vườn nghệ thuật của người Việt tị nạn, ở đây Phượng Vũ lại có cơ hội để theo đuổi niềm đam mê âm nhạc của mình. Ông vừa đi hát, vừa sáng tác cho các trung tâm băng nhạc Phượng Hoàng, Giao Linh, Hải Lý, Mai Vy,…

Khi đã ổn định cuộc sống, nhạc sĩ Phượng Vũ mở một phòng thu riêng cho mình mang tên “Phượng Vũ Digital Recording Studio”, bao nhiêu tiền kiếm được, ông dồn hết vào việc sắm sửa mua máy móc cho phòng thu, rồi thành lập ban nhạc, cả ban nhạc và phòng thu đều lấy tên là Phượng Vũ. Ông chia sẻ: “Vũ được may mắn học nhạc Tây phương từ nhỏ, được học hỏi trao đổi với nghệ sĩ đàn anh và mong ước mang kỹ thuật nhạc lý của Âu Mỹ để làm chuyến xe chuyên chở giai điệu rất phong phú của dân tộc Việt Nam… Ngòai ra, giai điệu của âm nhạc VN với những quãng đặc biệt đã tạo những nét nhấn, rung, mổ, vuốt… trong nhạc khí và thanh nhạc rất là độc đáo. Tiết tấu thì dùng nhiều nghịch phách và đảo phách. Vả lại, tâm tư tình cảm trong âm nhạc VN rất là đậm đà, tế vị, sâu lắng và thiết tha… lắng đọng nơi tâm hồn người nghe. Nó tạo thành động lực thôi thúc Vũ đam mê sáng tạo. Với dân ca VN, là một kho tàng quí báu, những bậc thày của nhân lọai ngày xưa khi sáng tác họ đã phát triển giai điệu từ dân ca của nước họ để đưa vào nhạc phẩm và do vậy, tác phẩm của họ đã trở thành bất tử qua nhiều thế hệ… Thế giới hiểu được làn điệu dân ca của quê hương tác giả”.

Tiểu sử ca nhạc sĩ Phượng Vũ - Tác giả ca khúc "Áo Nhà Binh"

Các nhạc phẩm do chính ông sáng tác và thể hiện được chọn lọc làm thành nhiều CD ra mắt khán thính giả, được nhiều người ủng hộ nồng nhiệt, trong đó có:

– CD “Hương Bưởi Nhà Em” bao gồm 10 ca khúc, trong đó có 5 ca khúc của nhạc sĩ Phượng Vũ do hai tiếng hát Hương Lan và Phượng Vũ trình bày.

– CD “Thương Thầm Tà Áo Tím” gồm 10 nhạc phẩm do nhạc sĩ Phượng Vũ sáng tác được Phượng Vũ và Hương Lan thể hiện như: Thương Thầm Tà Áo Tím, Lời Tự Tình Cho Em, Mưa Cali Nhớ Mưa SàiGòn, Mái Tóc Quê Hương…

– CD “Mẹ Là Ánh Sáng” gồm 10 ca khúc tuyển chọn được sáng tác từ ngày Phượng Vũ bước chân lên đảo Pulau Bidong đến những tháng ngày ở Hoa Kỳ, với phần trình bày của Phượng Vũ, Hương Lan và Bảo Trân gồm các ca khúc: Cánh Thư Gửi Mẹ, Triệu Đóa Hoa Hồng Dâng Mẹ, Nhớ Mẹ, Thương Về Mẹ Huế, Mẹ Là Bài Ca Dao,…

– CD “Mùa Xuân Nguyễn Thị”, gồm 10 ca khúc vui tươi, trong sáng do Phượng Vũ sáng tác để trình làng vào dịp xuân Kỹ Mão. Với 3 giọng ca: Giao Linh, Hương Lan và Phượng Vũ gồm các ca khúc: Mùa Xuân Cao Nguyên, Thư Xuân Cho Mẹ, Tết Này Anh Không Về, Tìm Một Mùa Xuân, Mùa Xuân Nguyễn Thị, …

Giai đoạn này, Phượng Vũ sống với niềm đam mê âm nhạc và hăng say làm việc, ông vừa sáng tác vừa lo cho studio, ban nhạc Proffessionals của Phượng Vũ để trình diễn vào mỗi dịp cuối tuần. Tuy bận rộn là thế nhưng Phượng Vũ vẫn được mời đi trình diễn ở nhiều nơi. Ông rất thích đi xa vì mỗi chuyến đi mang theo kỷ niệm và tạo nguồn cảm hứng để ông có thể tiếp tục sáng tác.

Năm 1998, đài VOA đã thực hiện một chương trình dài 45 phút đặc biệt dành cho tiếng hát và sáng tác của Phượng Vũ.

Năm 2011, Phượng Vũ nhận lời đài phát thanh Little Saigon và Tivi Hồn Việt, phụ trách mỗi tuần một tiếng đồng hồ, lấy tên “Một Giờ Vui Hát”, các thính giả gọi vào, ông đàn và họ hát… Có người hát hay, nhưng cũng có khách hát trật nhịp sai tông, nhạc sĩ Phượng Vũ đều cười đùa vui vẻ biến không khí “Một Giờ Vui Hát” thành một không gian quyến luyến, khiến nhiều người cứ đợi chờ mỗi 1g trưa thứ tư sẽ canh gọi vào đài hát với ông. Chương trình này đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt, khó phai trong lòng của mỗi khán thính giả mộ điệu lúc bấy giờ.

Những năm sau này, sức khỏe Phượng Vũ suy giảm nhiều, tuy biết bản thân không được khoẻ nhưng ông lại không chịu đi Bác sĩ cho nên đến lúc bệnh tình trở nặng ông đi khám bệnh, thì mới phát hiện ra ông mắc căn bệnh tiểu đường, tim,… đến ngày16 tháng 4 năm 2021 thì nhạc sĩ Phượng Vũ đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Orange Coast, ông hưởng thọ 74 tuổi.

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *