Nhạc Sĩ Phạm Đình Chương nổi tiếng với những bản nhạc trữ tình lãng mạn và êm ái được sáng tác từ những năm tiền chiến cho đến mãi sau này. Ông được coi là nhạc sĩ phổ thơ thiên tài bởi đa số các bài hát của ông đều được sáng tác trên lời thơ của những thi sĩ Thanh Tâm Tuyên, Quang Dũng .v.v.
Thuở thập niên 50 nhạc sĩ Phạm Đình Chương và Phạm Duy là 2 nhạc sĩ có tên tuổi được nhiều khán giả biết đến và cũng là hai thành viên chủ chốt trong Ban hợp ca Thăng Long. Cả hai đều sở hữu những phong cách sáng tác khác nhau, đi trên con đường riêng nên đều gặt hái được nhiều thành công.
Phạm Đình Chương sinh ngày 14 tháng 11 năm 1929 tại Bạch Mai, Hà Nội. Khi soạn nhạc ông ký bút hiệu là Phạm Đình Chương, còn khi đi hát ông lấy nghệ danh là Hoài Bắc.
Quê nội ông ở Hà Nội và quê ngoại ở Sơn Tây. Ông xuất thân trong một dòng họ mà hầu hết đều làm văn nghệ. Chú ông là nhà thơ Thế Lữ, nhà văn Trúc Khê, nhạc sĩ Phạm Ngọc Cẩn. Anh ông là họa sĩ Phạm Văn Đôn và nhạc sĩ Phạm Văn Chung.
Cha của Phạm Đình Chương là ông Phạm Đình Phụng. Người vợ đầu của ông Phụng sinh được hai người con trai: Phạm Đình Sỹ và Phạm Đình Viêm. Phạm Đình Sỹ lập gia đình với nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và có con gái là ca sĩ Mai Hương. Còn Phạm Đình Viêm là ca sĩ Hoài Trung của ban hợp ca Thăng Long.
Người vợ sau của ông Phạm Đình Phụng có ba người con: Trưởng nữ là Phạm Thị Quang Thái (ca sĩ Thái Hằng, vợ Phạm Duy). Con trai thứ là nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Và cô con gái út Phạm Thị Băng Thanh (ca sĩ Thái Thanh).
Phạm Đình Chương theo học trường Bưởi đến trung học thì nghỉ học, gia nhập đoàn ca kịch lưu diễn ở nông thôn vào năm 1946. Năm 1951, ông về Hà Nội lập ra ban hợp ca Thăng Long nổi tiếng.
Sự nghiệp âm nhạc
Phạm Đình Chương được nhiều người chỉ dẫn nhạc lý nhưng phần lớn vẫn là tự học. Trong những năm đầu kháng chiến, ông cùng các anh em Phạm Đình Viêm, Phạm Thị Quang Thái và Phạm Thị Băng Thanh gia nhập ban văn nghệ Quân đội ở Liên Khu IV.
Phần nhiều những tác phẩm của Phạm Đình Chương thường được xếp vào dòng tiền chiến bởi mang phong cách trữ tình lãng mạn. Hai sáng tác đầu tiên Ra đi khi trời vừa sáng và Hò leo núi đều có không khí hào hùng, tươi trẻ.
Năm 1951, ông về thành. Với nghệ danh Hoài Bắc, ông cùng các anh em Hoài Trung, Thái Thanh, Thái Hằng lập ban hợp ca Thăng Long danh tiếng, du ca khắp các thành phố lớn của Việt Nam lúc đó. Thời kỳ này, các sáng tác của ông thường mang âm hưởng của miền Bắc như nói lên tâm trạng hoài hương của mình: Khúc giao duyên, Được mùa, Tiếng dân chài… Thời gian sau, ông viết nhiều bản nhạc vui tươi hơn: Xóm đêm, Ly rượu mừng, Đón xuân…
Khi cuộc hôn nhân với ca sĩ Khánh Ngọc tan vỡ, ông bắt đầu sáng tác tình ca. Ông đem tâm trạng đau thương vào bốn ca khúc da diết, đau nhức, buốt giá tâm can: Đêm cuối cùng, Thuở ban đầu, Người đi qua đời tôi, Nửa hồn thương đau.
Phạm Đình Chương cũng phổ nhạc từ thơ. Nhiều bản nhạc phổ thơ của ông đã trở thành những bài bất hủ, có một sức sống riêng như: Đôi mắt người Sơn Tây (thơ Quang Dũng), Mộng dưới hoa (thơ Đinh Hùng), Nửa hồn thương đau (thơ Thanh Tâm Tuyền), Đêm nhớ trăng Sài Gòn (thơ Du Tử Lê)… Phạm Đình Chương cũng đóng góp cho tân nhạc Việt Nam bài trường ca bất hủ Hội Trùng Dương nói về ba con sông đại diện cho ba miền: sông Hồng, sông Hương và sông Cửu Long.
Ca khúc “Nửa hồn thương đau” – bi kịch cuộc đời nhạc sĩ Phạm Đình Chương
Ca khúc “Nửa hồn thương đau” được nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác khi đang ở ranh giới giữa sự sống và cái chết – lúc ông quyết định quyên sinh để từ bỏ cuộc đời mang đến cho ông quá nhiều bất hạnh, tủi hờn này. Trong đau thương, gạt đi nước mắt nhìn đứa con trai đang khóc nức nở, Phạm Đình Chương tiếp tục sống tiếp và nuôi đứa con thơ dại.
Bởi vậy trong ca khúc “Nửa hồn thương đau” không chỉ có nói về lòng chung thủy của người đàn ông mà trong đó còn có sự ai oán, thương đau và có đôi chút hờn trách trong âm điệu.
Thật ra nhạc phẩm “Nửa hồn thương đau” của Phạm Đình Chương là được ông phổ từ thơ của Thanh Tâm Tuyền qua bài thơ “Lệ đá xanh”, nhưng ông đã đổi tựa và thêm ý tứ cho phù hợp với tâm trạng của ông lúc bấy giờ.
Khi cuộc hôn nhân với ca sĩ Khánh Ngọc tan vỡ, ông bắt đầu sáng tác tình ca. Ông đem tâm trạng đau thương vào bốn ca khúc da diết, đau nhức, buốt giá tâm can: Đêm cuối cùng, Thuở ban đầu, Người đi qua đời tôi, Nửa hồn thương đau.
Lối phổ nhạc trên lời thơ của nhạc sĩ mang đặc tính thiên tài, từ những bài thơ Phạm Đình Chương tạo nên những bản nhạc bất hủ được nhiều khán giá thời đó cho đến nay vẫn còn yêu mến. Những ca khúc đặc biệt đó bao gồm: Mộng dưới hoa (thơ Đinh Hùng), Đôi mắt người Sơn Tây (thơ Quang Dũng), Nửa hồn thương đau (thơ Thanh Tâm Tuyền), Đêm nhớ trăng Sài Gòn (thơ Du Tử Lê)… cho nên nếu so sánh với phong cách phổ thơ của nhạc sĩ Phạm Duy thì Phạm Đình Chương xuất sắc không kém thậm chí có phần vượt bậc khi ông lấy văn học đưa vào nhạc còn Phạm Duy đôi khi lại sáng tác chỉ theo thị hiếu.
Sự nghiệp của Nhạc Sĩ Phạm Đình Chương không chỉ nổi bật trên phong cách nhạc trữ tình lãng mạn mà còn sáng tác với nhiều chủ đề phong phú như tuổi trẻ, hiện thực, chia sẻ cảm xúc cùng với mọi người như: Mộng dưới hoa, Thuở ban đầu, Bài ca tuổi trẻ, Mười thương, Đêm cuối cùng, Bài ca ngợi tình yêu, Heo may tình cũ, Xóm đêm v.v…
- Huyền thoại tỷ phú của Sài Gòn xưa
- “Dừng Bước Giang Hồ” – Hình Ảnh Hào Hùng Của Một Thời Đã Khuất Trong Lòng Người Lữ Khách Phong Sương
- Tái hiện lại Sài Gòn trước năm 1975 qua bộ ảnh chọn lọc từ các nhiếp ảnh gia – Phần cuối
- Đôi điều về Ca sĩ Hoàng OAnh – “Chim vàng Mỹ Tho”.
- Ngược dòng thời gian cùng khám phá chợ Bà Chiểu và tỉnh Gia Định xưa