Trong tất cả các nhạc phẩm từng viết về chủ đề mùa xuân thì chắc hẳn không ai không biết đến “Anh Cho Em Mùa Xuân”, đây cũng được xem là bản nhạc hay nhất về mùa xuân. Dù ca khúc này đã ra đời cách đây gần 60 năm nhưng cho đến nay vẫn rất được yêu thích qua nhiều thế hệ bởi những giai điệu tươi vui, ca từ trong sáng, yêu đời và đầy chất thơ của nhạc phẩm. Năm 2007, nhạc phẩm “Anh Cho Em Mùa Xuân” đã được bình chọn là ca khúc hay nhất và được yêu thích nhất trong các nhạc phẩm viết về mùa xuân do toà soạn Báo Tuổi Trẻ Online thực hiện. Và người viết nên nhạc phẩm bất hủ này không ai khác đó chính là nhạc sĩ Nguyễn Hiền, ông đã phổ từ bài thơ “Nụ Hoa Vàng Ngày Xuân” của thi sĩ Kim Tuấn (1940 – 2003).
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhạc sĩ Nguyễn Hiền viết hơn 100 ca khúc, ngoài “Anh Cho Em Mùa Xuân” ông còn viết nên nhiều ca khúc khác không kém phần nổi tiếng và được lưu truyền cho đến tận bây giờ như: Về Đây Anh, Mái Tóc Dạ Hương, Tìm Đâu, Ngàn Năm Mây Bay, Hoa Bướm Ngày Xưa, Tiếng Hát Học Trò, Từ Giã Thơ Ngây… Dòng nhạc của ông mang đậm chất tự tình quê hương và tình yêu trong những nhạc phẩm của người nhạc sĩ ấy luôn tinh khiết và nhẹ nhàng mà sâu lắng.
Nguyễn Hiền sinh năm 1927 tại Hà Nội, ngay từ nhỏ ông đã yêu thích âm nhạc. Năm 1935, khi mới 8 tuổi, Nguyễn Hiền đã được gia đình cho theo học nhạc với thầy người Pháp.
Năm 18 tuổi, Nguyễn Hiền cho ra đời ca khúc đầu tay, cũng là lần đầu tiên ông phổ thơ thành nhạc bài “Người Em Nhỏ” của bạn ông tên là Nguyễn Thiệu Giang.
Nguyễn Hiền theo học nhạc cụ và có thể sử dụng được thành thạo 8 loại nhạc khí như dương cầm, vĩ cầm và đặc biệt là phong cầm. Năm 1951, ông là Nhạc trưởng của Ban nhạc “Hotel de Paris” tại Hà Nội.
Năm 1953, ông lập gia đình với người con gái tên là Nguyễn Thị An ( là cháu của nhà thơ Tú Mỡ, gọi Tú Mỡ bằng chú), cuộc hôn nhân này của hai người vô cùng trọn vẹn và hạnh phúc cho đến cuối đời. Mặc dù trước đó, đôi bên chỉ biết mặt nhau trước ngày cưới hai tuần và đó là mối duyên do cha mẹ sắp đặt, có đính ước từ trước. Thế nhưng, họ lại một lòng một dạ với nhau và sống bên nhau tới tận cuối đời người. Bà An từng chia sẻ: “Vừa thấy anh ấy là tôi yêu ngay. Anh sinh viên Trường Bưởi trông rất đẹp trai và nghệ sĩ”.
Tháng 9 năm 1954, Nguyễn Hiền cùng gia đình di cư vào Sài Gòn cũng giống như bao nghệ sĩ khác. Tại đây, ông tham gia công tác tại đài phát thanh, đài truyền hình và trong các bộ thông tin xây dựng nông thôn mới. Nguyễn Hiền là một trí thức văn nghệ, ông thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Pháp, đã từng dịch nhiều ca khúc tiền chiến bất hủ của nhạc sĩ Văn Cao ra tiếng Anh.
Có thời gian Nguyễn Hiền từng làm Chủ sự phòng Chương trình Đài phát thanh Sài Gòn; Phụ tá giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.
Nguyễn Hiền được nhận xét là một người nho nhã, điềm đạm, mẫu mực và có kiến thức sâu rộng vì thế ông được rất nhiều người kính nể, tôn trọng và yêu mến.
Nhà báo Lê Hữu từng viết: “Những người từng quen biết hoặc có dịp gần gũi với nhạc sĩ Nguyễn Hiền, khi nhắc đến ông, đều bộc lộ sự cảm mến, quý trọng và đều có chung một nhận xét về con người nghệ sĩ tài hoa với một nhân cách lớn, một kiến thức sâu rộng về âm nhạc đông và tây phương, thể hiện qua mẫu người mực thước, trầm tĩnh và khiêm tốn; đồng thời, cũng tỏ lòng ngưỡng phục về những cống hiến của ông đối với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật làm nổi bật bản sắc của dân tộc, mang lại niềm tự hào cho cộng đồng người Việt.”
Nhạc sĩ Nam Lộc cũng từng chia sẻ. “Nếu ai có cơ hội hoạt động gần gũi với nhạc sĩ Nguyễn Hiền thì đó phải là người may mắn. Chỉ cần học hỏi được một phần nhỏ trong thân thế, sự nghiệp bao quát của ông thì đó chính là niềm hạnh phúc lớn lao”.
Nói đến âm nhạc của Nguyễn Hiền, theo ca sĩ Quỳnh Giao thì đó là “sự mời gọi trở về một không gian đã tắt một thời gian đã lặng…”. Nghe nhạc của ông là nghe những lắng đọng, là sự đắm chìm trong một kí ức xa xôi, là tìm về những đường xưa lối cũ không thể nào quên được trong tâm thức của mỗi người.
Nhạc sĩ Nguyễn Hiền sáng tác không nhiều, chỉ khoảng 100 bài thế nhưng đa số đều được mọi người biết đến và yêu thích theo thời gian như: Lá Thư Gửi Mẹ, Mái Tóc Dạ Hương (phổ thơ Đinh Hùng, tựa ban đầu là Những Phố Không Đèn), Anh Cho Em Mùa Xuân, Từ Giã Thơ Ngây, Hoa Bướm Ngày Xưa, Tiếng Hát Học Trò, Thầm Ước, Tìm Đâu, Tiếng Sáo Diều,… Những sáng tác của ông thường được các giọng ca nữ nổi danh lựa chọn để thể hiện như: Thái Thanh, Thái Hiền, Lệ Thanh, Khánh Ngọc, Mỹ Thể, Khánh Ly, Lệ Thu, Mai Hương, Kim Tước,…
Trong những sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Hiền, ngoài những bài được ông phổ từ thơ thì còn có những bài được ông lấy cảm hứng từ các tiểu thuyết hoặc phim ảnh trong nước thời bấy giờ như: Buồn Ga Nhỏ ( từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thanh Nam) hoặc Ngàn Năm Mây Bay hay Tiếng Hát Học Trò (từ các tiểu thuyết cùng tên của Văn Quang đã được chuyển thể thành phim).
Trong đó có nhiều ca khúc được nhạc sĩ Nguyễn Hiền hợp soạn cùng với các nhạc sĩ khác như: Buồn Ga Nhỏ, Từ Giã Thơ Ngây, Tiếng Hát Học Trò viết chung với nhạc sĩ Minh Kỳ; Hoa Đào Năm Trước viết chung với Lê Dinh; Về Đây Anh viết chung với Nhật Bằng, Hoa Bướm Ngày Xưa và Thanh Bình Ca viết chung với Thanh Nam; Lá Rơi Bên Thềm và Màu Tím Hoàng Hôn cùng nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, …
Năm 1988, nhạc sĩ Nguyễn Hiền và gia đình rời Việt Nam sang định cư tại Hoa Kỳ theo diện ODP. Nơi xứ người, ông cùng nhạc sĩ Ngọc Bích và một số người bạn lập ra ban Saigon Band ở Little Saigon, Westminster, California.
Ngoài ra, Nguyễn Hiền vẫn tiếp tục các hoạt động về văn hóa, văn nghệ dân tộc, tổ chức các lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Kỷ niệm Ðức Trần Hưng Ðạo, Hai Bà Trưng,…
Năm 2000, ông được mời làm cố vấn Hội Cổ Nhạc Miền Nam Việt Nam hải ngoại và được thành phố Westminster mời làm Uỷ viên văn hoá văn nghệ thành phố.
Năm 2004, nhạc sĩ Nguyễn Hiền được Trung Tâm Thuý Nga mời đến Toronto, Canada để thực hiện Đại nhạc hội Paris By Ngight 74 – Hoa Bướm Ngày Xưa nhằm vinh danh ông cùng với hai nhạc sĩ khác là Song Ngọc và Huỳnh Anh.
Ngày 23 tháng 12 năm 2005, nhạc sĩ Nguyễn Hiền qua đời vì căn bệnh ung thư phổi chỉ vài tuần sau khi ông biết được bệnh tình của mình, vì phát hiện ra quá muộn nên không thể cứu chữa được nữa. Sự ra đi quá đỗi đột ngột của người nhạc sĩ tài hoa ấy đã để lại bao niềm thương tiếc và nỗi xót xa cho gia đình, bạn bè và những người mến mộ ông.
- Thái Thanh, tiếng hát đã khai tâm cho thế hệ tôi tình dân tộc
- Cuộc đời và sự nghiệp của Xuân Tiên – Người nhạc sĩ lớn tuổi nhất của nền Tân Nhạc Việt Nam còn tại thế.
- Nghệ thuật gieo vần như thơ trong sáng tác “Trước giờ tạm biệt” của nhạc sĩ Hoài An và tình khúc chia ly đầy lưu luyến
- Cuộc đời và sự nghiệp của Ngọc Đan Thanh
- Những dòng kỷ niệm khó quên trên mảnh đất Sài Gòn- Phần đầu