Cung Tiến là một nhạc sĩ nổi tiếng với những tình ca tiêu biểu của dòng nhạc miền Nam sau thập niên 1950. Những nhạc phẩm của ông đều viết sau năm 1953 thế nhưng nhạc ông thường được xếp vào dòng nhạc tiền chiến bởi phong cách trữ tình lãng mạn cùng âm hưởng bán cổ điển, trang trọng và cầu kỳ trong từng ca khúc của ông. Tuy số lượng sáng tác không nhiều nhưng nhạc sĩ Cung Tiến đã để lại nhiều nhạc phẩm rất giá trị như: Hoài Cảm, Thu Vàng, Hương Xưa,…
Cung Tiến tên thật là Cung Thúc Tiến, sinh ngày 27 tháng 11 năm 1938 tại Hà Nội. Cụ thân sinh của Cung Tiến là một nhà thơ, một nhà cách mạng của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Trong gia đình Cung Tiến không có ai theo con đường âm nhạc cả, nhưng bản thân ông lại đam mê âm nhạc từ nhỏ. Cung Tiến bắt đầu sinh hoạt văn nghệ từ thời còn là học sinh tiểu học, đi học hát trong nhà thờ, hát trong các ca đoàn Công giáo và được giao điều khiển ban hợp ca của các trường khi lên tới trung học.
Ngay từ thời niên thiếu, Cung Tiến đã được học nhạc tại trường trung học Nguyễn Trãi khi còn ở Hà Nội. Năm 1952, ông cùng gia đình di cư vào Sài Gòn và học các lớp ký âm, xướng âm do hai nhạc sư nổi tiếng Thẩm Oánh và Chung Quân hướng dẫn.
Năm 1953, Cung Tiến cho ra đời cho khúc đầu tay mang tên “Thu Vàng”, sau đó là “Hoài Cảm” sáng tác cùng năm. Cả hai ca khúc đều được ông sáng tác khi mới chỉ 14,15 tuổi thế nhưng những ca từ trong đó thể hiện sự chín chắn, trưởng thành trong sáng tác của chính tác giả. Riêng ca khúc “Hoài Cảm” được Cung Tiến cho biết lời ca bị ảnh hưởng từ những bài thơ mình học ở trường, như thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư, những nhà thơ lãng mạn của Việt Nam hồi đó. Với những ca từ sâu lắng, lãng mạn và dễ đi vào lòng người, hai nhạc phẩm đầu tay của Cung Tiến nhanh chóng được mọi người yêu thích và cũng kể từ đó Cung Tiến được mệnh danh là thần đồng âm nhạc khi tuổi còn trẻ mà đã sáng tác ra những ca khúc rất có giá trị cho nền âm nhạc Việt Nam.
Đến năm 1957, Cung Tiến tiếp tục cho ra đời thêm một ca khúc để đời khác mang tên “Hương Xưa”, đề tặng người bạn thân của ông là Khuất Duy Trác (danh ca Duy Trác), Duy Trác cũng là người trình bày thành công nhất ca khúc này.
“Hương Xưa” là sự kết hợp hoàn hảo giữa nét nhạc phương Tây và lời nhạc mang đậm chất Á Đông, ca khúc nhắc đến những điển tích Đường thi mà không phải ai cũng có thể dễ dàng cảm thụ được một cách thấu đáo.
Nhắc đến “Hương Xưa” nhạc sĩ chia sẻ:
“Hồi đó tôi học đệ nhất, bắt đầu mê nhạc cổ điển Tây phương lắm. Tôi nhớ thời hoàng kim, thời xưa của Việt Nam hãy còn hòa bình, nhớ lại cảnh hòa bình xưa của Việt Nam đẹp như thế nào, so với cảnh chiến tranh, lúc đó vào khoảng năm 1957-1958, so sánh hai trường hợp cảnh chιến tranh hiện đại và cảnh thanh bình hồi xưa của Việt Nam mà thành lời ca của bản Hương Xưa”.
Những ca khúc do Cung Tiến sáng tác thường mang tính nhạc thuật cao, ca từ trau chuốt, lãng mạn và đẹp như thơ. Mặc dù chính nhạc sĩ Cung Tiến tự nhận rằng mình chỉ “dạo chơi trong âm nhạc”, thế nhưng những nhạc khúc của ông đều là điển hình cho sự điêu luyện và chuyên nghiệp bậc nhất.
Sau những nhạc phẩm như Thu Vàng, Hoài Cảm, Hương Xưa là Nguyệt Cầm, Lệ Đá Xanh và Mắc Biết, tất cả những ca khúc ấy đều tương đối “kén” người nghe nên không phải ai cũng dễ dàng thưởng thức những ca từ ấy, nhưng một khi đã thưởng thức thì khó mà dứt ra được.
Sau khi học xong trung học, năm 1956, Cung Tiến nhận được học bổng sang Úc học về kinh tế. Nên khoảng giai đoạn từ năm 1957 đến 1963, ông đi du học ở Úc. Ngoài học ngành kinh tế, trong thời gian rảnh, Cung Tiến đi học thêm âm nhạc như hoà âm, đối điểm, tổ khúc, phối âm,… ở Nhạc Viện Sydney. Lúc ấy, ông mới khám phá ra những khía cạnh khác của âm nhạc, không phải chỉ một melody, một làn điệu mà còn nhiều yếu tố khác tạo nên âm nhạc. Từ đó trở đi, Cung Tiến rất ý thức việc phổ thơ, phổ nhạc vào thơ. Ông cho rằng “vì thơ đứng một mình đọc cũng được, nhưng nếu có nhạc đi kèm vào, phụ họa vào thì nó có một chiều kích (dimension) khác, một kích thước khác, gọi là ca khúc nghệ thuật, “art song”, tức là lấy một văn bản có giá trị như thơ viết thành nhạc và cho vào bối cảnh hòa âm hoặc là bằng piano, hoặc bằng một cái đàn ghita hoặc một ban nhạc.”
Cho nên ngoại trừ một vài ca khúc như “Hoài Cảm”, “Thu Vàng”, “Hương Xưa”, còn lại hầu hết các nhạc phẩm của Cung Tiến đều phổ từ thơ của Thanh Tâm Tuyền, Phạm Thiên Thư, Trần Dạ Từ, hay ý thơ của Xuân Diệu…
Năm 1965, Cung Tiến kết hôn cùng với một người con gái Việt xuất thân từ trường nữ Marie Curie ở Sài Gòn, hai người quen biết nhau khi ông còn đi du học ở Úc.
Từ năm 1970 đến 1973, Cung Tiến được học bổng cao học của Hội đồng Anh (Bristish Council) để nghiên cứu về kinh tế phát triển tại trường đại học Cambridge. Trong thời gian đó, ông trau dồi thêm về âm nhạc bằng cách tham dự các lớp về nhạc sử, nhạc học và nhạc lý hiện đại. Cũng kể từ đó, phong cách sáng tác của Cung Tiến cũng thay đổi hẳn.
Sau 1975, khi đang ở hải ngoại, Cung Tiến cho ra đời nhạc tấu khúc “Chinh Phụ Ngâm” vào năm 1987, soạn cho 21 nhạc khí, được trình diễn lần đầu vào ngày 27 tháng 3 năm 1988 tại San Jose, California với dàn nhạc thính phòng San Jose, và đã đạt được giải thưởng Văn Học nghệ thuật quốc khánh 1988.
Năm 1992, Cung Tiến hoàn thành tập “Ta Về”, thơ Tô Thuỳ Yên cho giọng hát, dẫn đọc, ngâm thơ và một đội nhạc cụ thính phòng.
Năm 1993, Cung Tiến đã soạn “Tổ Khúc Bắc Ninh” cho dàn nhạc giao hưởng với sự tài trợ của The Saint Paul Companies để nghiên cứu nhạc quan họ Bắc Ninh và các thể loại dân ca Việt Nam khác.
Năm 1997, với sự chuyên nghiệp và dày dạn kinh nghiệm trong âm nhạc của mình Cung Tiến đã được ca đoàn Dale Warland Singers đặt một bản hợp ca nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập ca đoàn nổi tiếng quốc tế này.
Năm 2003, Cung Tiến ra mắt sáng tác nhạc đương đại “Lơ Thơ Tơ Liễu Buông Mành” dựa trên một điệu dân ca Quan họ. Đồng thời ông cũng là hội viên của hội nhạc sĩ sáng tác ở Minneapolis, Minnesota, Hoa Kỳ.
Ngoài sáng tác âm nhạc, Cung Tiến còn đóng góp nhiều khảo luận và nhận định về nhạc dân gian Việt Nam cũng như nhạc Hiện đại Tây phương. Trong lĩnh vực văn học, Cung Tiến cũng đã từng đóng góp những sáng tác, nhận định và phê bình văn học, cũng như dịch thuật cho các tạp chí Sáng Tạo, Quan điểm và Văn với bút hiệu là Thạch Chương. Trong đó có “Hồi ký viết dưới hầm” của Dostoievsky và cuốn “Một ngày trong đời Ivan Denisovitch” của Solzhenitsyn là hai trong số các truyện ngắn mà ông dịch và xuất bản ở Việt Nam. Sau khi định cư tại Hoa Kỳ, ông viết cho một số báo với bút danh Đăng Hoàng.
Khi tuổi đã xế chiều, Cung Tiến về hưu và sống cùng vợ ở Minnesota, con trai ông sống ở tiểu bang khác. Hàng ngày ông sống yên bình cạnh vợ, thú vui hằng ngày của ông là chơi cùng với thú cưng, đọc sách và viết nhạc.
- “Chuyện ngày xưa” (Giao Tiên) – Nhạc khúc về chuyện tình từng đẹp như chuyện thần tiên
- Ca Sĩ Thiên Kim – Cô ca sĩ hát dòng nhạc trữ tình với tính cách bộc bạch và thẳng thắn
- Lịch sử những tuyến đường sắt đầu tiên nối Sài Gòn với những vùng đông dân cư
- “Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ” (Trịnh Công Sơn)
- “Tuổi mười ba” – Ngô Thụy Miên